#8 - NATO có khiến Phần Lan an toàn hơn ?
Ngô Tiến Long
Theo thông tin chính thức từ Helsinki những ngày qua, Phần Lan & Mỹ sẽ chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Phần Lan - Mỹ (DCA) “nhằm giúp bảo vệ" an ninh cho quốc gia Bắc Âu 6 triệu dân này. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen, “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ liên minh song phương giữa Phần Lan và Mỹ”. Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Elina Valtonen, DCA sẽ tăng cường khả năng an ninh và quốc phòng của đất nước và cho phép “hợp tác trong mọi tình huống an ninh"; và khẳng định, Thỏa thuận này cũng có ý nghĩa quan trọng trong khu vực; sẽ giúp Phần Lan đóng góp vào các nỗ lực phòng thủ chung của NATO. Bên cạnh đó Thỏa thuận DCA “phản ánh cam kết của Mỹ đối với an ninh của Phần Lan và tạo điều kiện cho sự hợp tác trong thời kỳ khủng hoảng".
Điều này có thể hiểu là quân đội Mỹ cam kết sẽ “chiến đấu” cùng Phần Lan để bảo vệ nước này trước bất kỳ hành động vũ trang gây hấn nào của Nga giống như việc Nga đang làm với Ukraine hiện nay và ngược lại, quân đội Phần Lan cũng sẽ tham gia cùng quân Mỹ để chống lại Nga tại một điểm nóng khác ở châu Âu trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là tư cách thành viên NATO và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương Phần Lan – Mỹ có giúp tăng cường an ninh, an toàn cho nước này hơn hay không?
Ảnh: YLE News
Từ “Phần Lan hóa” đến gia nhập NATO
Từng là một phần lãnh thổ nghèo thuộc Nga, sau cách mạng Tháng mười năm 1917, Phần Lan trở thành nước độc lập. Trong “Cuộc chiến mùa Đông” ngắn ngủi với Liên Xô (từ 11/1939 – 3/1940), Phần Lan đã mất khoảng 100.000 người nhưng chiếm tới 2.5% dân số cả nước khi đó với những hậu quả nặng nề về rất nhiều mặt.
Thấm thía sự đơn độc khi không được quốc gia nào trợ giúp trong cuộc chiến đó, trên cơ sở ý thức được rằng “Phần Lan chỉ được an toàn một khi Liên Xô cũng cảm thấy an toàn và tin tưởng họ” (Jared Diamond trong cuốn Biến Động), dù đi theo mô hình tư bản chủ nghĩa của phương Tây, năm 1948 Phần Lan đã ký với Liên Xô “Hiệp ước hữu nghị” quy định Phần Lan sẽ “trung lập” còn Liên Xô tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Phần Lan. Hai nhà lãnh đạo Phần Lan kế tiếp nhau trong suốt 35 năm sau chiến tranh là Juho Paasikivi (1946 – 1956) và Urho Kekkonen (1956 – 1981) đã khôn khéo thực thi chính sách trung lập kiểu “Phần Lan hóa” như đã cam kết trong Hiệp ước hữu nghị; chấp nhận đưa ra nhiều nhượng bộ đặc biệt để giữ được hòa khí với Liên Xô, mở ra một giai đoạn quan hệ hợp tác hòa bình bền vững giữa hai nước suốt gần 80 năm qua. Phần Lan cũng khéo léo nhưng kiên quyết cưỡng lại mọi áp lực “chọn phe” trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, giữ vững nền trung lập, duy trì quan hệ hòa hiếu với cả hai phe, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế.
Trên thực tế, Phần Lan đã liên tục “đi dây” khi vừa phát triển quan hệ hợp tác thực chất với phương Tây, vừa duy trì sự tin cậy và các mối liên hệ gần gũi với Liên Xô nhưng không liên minh quân sự với bên nào. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan đã dần dần ngả về phương Tây và bước đi chính thức đầu tiên là năm 1995 đã ra nhập Liên minh châu Âu. Cuối cùng, ngay sau khi Nga phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia NATO vào hoàn tất việc này vào tháng 4/2023, chấm dứt một giai đoạn lịch sử trung lập kéo dài suốt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Lý giải về bước ngoặt về đối ngoại này của Phần Lan, Bộ trường Ngoại giao khi đó là Pekka Haavisto cho rằng “tình hình an ninh ở nước này đã thay đổi đáng kể”, sự ủng hộ của dân chúng với việc gia nhập NATO tăng cao (thăm dò dư luận khi đó cho thấy có khoảng 3/4 dân số Phần Lan ủng hộ) và đưa ra 4 lý do cụ thể mà trước hết là vì “Nga đã trở nên khó đoán và thậm chí còn sẵn sàng tiến hành các hoạt động gây rủi ro cao”.
Thỏa thuận quốc phòng DCA với Mỹ và phản ứng của Nga
Với Thỏa thuận DCA vừa được ký kết, Phần Lan sẽ cho Mỹ quyền tiếp cận 15 căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, từ bờ Biển Baltic đến các khu vực xa xôi trong nội địa đến căn cứ huấn luyện lớn ở Lapland của Phần Lan băng qua Vòng Bắc Cực. Mỹ sẽ được phép bố trí các thiết bị, vật tư và vật chất quốc phòng trên khắp đất nước Phần Lan, triển khai các phương tiện, tàu chiến và máy bay cũng như thực hiện các biện pháp để đảm bảo "sự bảo vệ, an toàn và an ninh" của họ.
Như hãng thông tấn Reuters đã đưa tin, trong số 15 cơ sở quân sự nêu trên, có 4 căn cứ không quân, một cảng biển quân sự và toàn bộ hạ tầng tuyến đường sắt dẫn đến phía Bắc Phần Lan, gần biên giới Nga. Ngoài ra, quân đội Mỹ sẽ có một kho chứa dọc theo tuyến đường sắt dẫn đến khu vực biên giới Nga.
Chưa kể việc Thụy Điển, một nước láng giềng Bắc Âu khác cũng đã chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO, việc Helsinki chính thức là thành viên NATO và nhất là Thỏa thuận hợp tác quốc phòng DCA vừa ký cho phép quân đội Mỹ trực tiếp có mặt ở Phần Lan, nước láng giềng chung biên giới dài gần 1.300 km với Nga, sườn phía Tây Bắc của Nga đã bị đặt trước các mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng hơn trước rất nhiều.
Về vấn đề này, theo TASS, ngày 16/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “Moskva vô cùng tiếc khi cảm nhận được mối đe dọa từ phía Phần Lan sau khi quốc gia này dự định ký một thoả thuận quốc phòng với Mỹ, cho phép quân Mỹ hiện diện trên lãnh thổ”. Cũng theo lời ông Peskov, hai nước “không ai đe dọa ai, không có vấn đề hay khiếu nại nào chống lại nhau, không ai xâm phạm lợi ích của nhau; hai bên có sự tôn trọng lẫn nhau”; và kết luận: "Thỏa thuận chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa Nga và Phần Lan”. Riêng hãng thông tấn RIA thì cảnh báo thẳng thắn hơn: “Thay vì tăng cường an ninh cho Phần Lan, việc cho phép quân đội Mỹ đóng quân trên đất Phần Lan có thể khiến nước này và khu vực trở nên kém an toàn hơn”.
Đúng vậy, an ninh của Phần Lan ít nhiều sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi gần như chắc chắn là Nga sẽ sớm có các biện pháp đáp trả thích hợp, kể cả việc điều chuyển một số lượng quân cần thiết đến sát hơn vùng biên giới của Nga với Phần Lan, cũng như không loại trừ việc Nga sẽ hướng cả một số lượng nhất định tên lửa hạt nhân về phía nước này, trước hết là thủ đô Helsinky, điều chưa từng có trước đây.
Trong trả lời phỏng vấn với báo chí Nga hôm 17/12, Tổng thống Putin đã tố cáo phương Tây lôi kéo Phần Lan vào NATO dù hai nước không có tranh chấp gì và nói: “Helsinki đã không gặp bất kỳ rắc rối thực sự nào với Moscow trong nhiều thập kỷ, nhưng hiện thì có”. Không chỉ vậy ông Putin đã tuyên bố để chống lại sự mở rộng của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, Nga đang chuẩn bị thành lập quân khu Leningrad hoàn toàn mới và sẽ tăng cường một số đơn vị quân đội đến biên giới gần Phần Lan. Theo tin tức từ Nga, điều này sẽ đưa đến việc tăng cường quy mô quân đội thường trực của Nga ở biên giới Tây Bắc đồng thời có thể mở đường thành lập thêm một số đơn vị phòng thủ với khí tài hiện đại.
Không chỉ đối với riêng Phần Lan, nếu nguy cơ căng thẳng này không sớm được xử lý thỏa đáng trên cơ sở đảm bảo an ninh đồng đều cho tất cả các bên, tư cách thành viên NATO và Hiệp ước song phương Phần Lan – Mỹ nói trên có nguy cơ sẽ làm leo thang căng thẳng vốn đã lên cao giữa Nga, NATO và Mỹ. Lần này là dọc theo một mặt trận mới chưa từng tồn tại ngay cả trong Chiến tranh Lạnh khiến hòa bình, ổn định và hợp tác ở Bắc Âu nói riêng và toàn châu Âu nói chung sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế là kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, Phần Lan đã hoàn toàn đứng về phía Mỹ và NATO khiến quan hệ giữa Helsinki với Moscow đã trải qua nhiều sóng gió và xấu đi trên hầu như tất cả mọi lĩnh vực. Việc Helsinki trục xuất một số nhà ngoại giao Nga cũng như đơn phương nhiều lần đóng cửa toàn tuyến biên giới với Nga, những việc làm chưa từng có trước đây, chỉ là một số biểu hiện tượng trưng cho thấy quan hệ Phần Lan – Nga đang xấu đi nhanh chóng như thế nào mà việc Phần Lan gia nhập NATO tháng 4 vừa qua và nay ký Thỏa thuận hợp tác quân sự cho phép Mỹ triển khai quân trên lãnh thổ Phần Lan có thể chưa phải là điểm kết.
Nga, như Tổng thóng Putin tuyên bố, đã có biện pháp đáp trả rõ ràng và cứ đà này, chưa ai có thể dám chắc chiều hướng xấu đi trong quan hệ Phần Lan – Nga sẽ sớm dừng lại và căng thẳng mới sẽ không nảy sinh. Trong tình hình đó, dù có “ô bảo hộ an ninh” của Mỹ và NATO, Phần Lan chắc chắn vẫn sẽ phải tăng cường đầu tư cho quốc phòng và an ninh nhiều hơn trước đây. Rõ ràng là tư cách thành viên NATO cùng DCA với Mỹ cũng vẫn khiến an ninh của Phần Lan phần nào trở nên bất định hơn. Như thế, sự chuyển hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại của Phần Lan có phải là bắt buộc và có lợi cho nước này hay không vẫn là câu hỏi lớn trước mắt còn bỏ ngỏ.
Ngô Tiến Long là nhà Ngoại giao chuyên nghiệp đã nghỉ hưu; trưởng thành từ cán bộ nghiên cứu khu vực Đông Âu; đã từng là Cục trưởng Bộ Ngoại giao & Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (sau là TG&VN) của BNG. Ông hiện là 1 facebooker hàng ngày có bài phản ánh suy nghĩ cá nhân về các vấn đề thời sự nổi cộm trong nước và trên thế giới.