#7 - Chip bán dẫn: “Bàn tay vàng” của kinh tế Việt Nam?
Nguyễn Thị Thanh Uyên
Ngày 29/10/2023, Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam được tổ chức nhằm thảo luận về tương lai phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Từ quý 4/2022, thông tin Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn bán dẫn toàn cầu được chính phủ và nhiều tờ báo trong và ngoài nước đưa tin. Hai tập đoàn nội địa là FPT và Viettel cũng liên tục phát biểu về tương lai triển vọng của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip toàn cầu. Công nghiệp bán dẫn liệu có thực sự trở thành “bàn tay vàng Midas” với Việt Nam trong thời gian tới?
Nền công nghiệp bán dẫn
Semiconductor – Bán dẫn là khái niệm được dùng để mô tả loại vật liệu đặc thù không dẫn điện nhưng khi kết hợp một số vật liệu nhất định và áp vào một điện trường sẽ tạo nên dòng điện. Hai loại vật liệu bán dẫn phổ biến là silicon và germani. Có ba loại bán dẫn, là bán dẫn rời rạc (discrete semiconductor), bán dẫn mạch tích hợp (chip) và bán dẫn điện tử quang học (opto-electronics semiconductor), trong đó, mạch tích hợp là loại bán dẫn được biết đến và nghiên cứu phổ biến.
Sau 50 năm hình thành và phát triển, ngành công nghiệp bán dẫn đã tạo nên một chuỗi cung ứng khép kín và phức tạp, bao gồm 7 lĩnh vực chủ chốt và 4 nhóm công ty/ tập đoàn sản xuất. Chuỗi cung ứng bán dẫn có giá trị chuyên môn hóa cao, được phân tán và liên kết toàn cầu, tạo thành hệ sinh thái mang lại lợi ích thương mại khổng lồ. Thị trường bán dẫn hiện nay bị thống trị bởi một nhóm nhỏ các công ty, phần lớn đến từ Hoa Kỳ (47%), theo sau là Hàn Quốc (20%), Nhật Bản (10%) và Đài Loan (7%).
Bán dẫn và an ninh quốc gia
Ngày nay, chip là “bộ não” của các thiết bị điện tử, từ sản phẩm tiêu dùng đến những thiết bị sử dụng trong hàng không vũ trụ, kinh doanh, ứng dụng công nghiệp và quốc phòng. Với hệ thống chuỗi cung ứng phức tạp và chồng chéo, công nghiệp bán dẫn có thể tác động đến nền kinh tế và vị thế của quốc gia trong hệ thống quốc tế. Điều này đã thúc đẩy các quốc gia lớn/ vùng lãnh thổ cân nhắc xây dựng khung chiến lược an ninh dành riêng cho công nghiệp bán dẫn.
Với Hoa Kỳ, thị phần sản xuất chip toàn cầu của Hoa Kỳ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% trong năm 2021. Các diễn ngôn của tổng thống Biden cho thấy Hoa Kỳ xem nền công nghiệp bán dẫn là vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia và công nghệ quốc phòng. Các nhà máy sản xuất chủ yếu đặt ngoài lãnh thổ cùng với thay đổi về chính sách đầu tư khu vực khiến Hoa Kỳ không chỉ đối diện với tình trạng thất thoát chất xám trong việc phát triển chip mà còn gặp khó khăn trong kiểm soát quy trình sản xuất. Trước tình hình này, Nhà trắng đã ban hành nhiều đạo luật và hoạt động thu hút hợp tác đầu tư sản xuất tại Mỹ cũng như tìm kiếm đối tác sản xuất mới, hạn chế phụ thuộc vào một khu vực cố định.
Đông Á là khu vực thúc đẩy sự phát triển của sản xuất bán dẫn toàn cầu. Các quốc gia Đông Á hướng đến triển khai các chiến lược bán dẫn đặc thù nhằm bảo vệ nền kinh tế sản xuất. Cụ thể, Nhật Bản triển khai chiến lược tập trung phát triển R&D nhằm phục hồi nền công nghiệp sản xuất bán dẫn; Hàn Quốc xây dựng một kế hoạch hướng đến các giải pháp bảo vệ ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Đối với Đài Loan, công nghiệp bán dẫn không chỉ đặc biệt với nền kinh tế nội địa mà còn là “lá chắn silicon” trước Trung Quốc. Chiến lược bán dẫn của Đài Loan hướng tới việc cân bằng ảnh hưởng của Mỹ - Trung đến sản xuất nội địa, hướng tới việc bảo vệ 60% thị phần sản xuất chip toàn cầu của vùng lãnh thổ này.
Kinh tế Việt Nam và “Bàn tay vàng Midas” bán dẫn
Việt Nam bắt đầu tham gia sản xuất chip từ thời kỳ Chiến tranh lạnh với nhà máy Z181. Z181 được tách ra từ một phòng thí nghiệm vật lý của Viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam, chịu trách nhiệm sản xuất hai dòng sản phẩm là linh kiện chip và thiết bị sản xuất vật liệu bán dẫn. Chiến tranh lạnh kết thúc, Z181 cũng dừng hoạt động vì không còn thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tương lai sản xuất chip của Việt Nam không hoàn toàn đóng lại.
Sau gần 20 năm bị bỏ lại, từ 2008, Việt Nam nhận được sự chú ý của nhiều tập đoàn sản xuất chip. Trong giai đoạn này, chính phủ Việt Nam cũng áp dụng nhiều chính sách công nghệ mới để thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất chip. Đến năm 2014, thị trường bán dẫn Việt Nam trở nên sôi động khi FPT ra mắt dịch vụ VLSI, tiếp theo đó là Trung tâm thiết kế vi mạch của Viettel năm 2017. Cho tới nay, kết hợp lực đẩy của cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, nền công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đã có nhận được nhiều cơ hội đầu tư của thế giới với hơn 30 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm vi mạch. Điều này hứa hẹn mang đến cho Việt Nam một tương lai “vàng” cho nền kinh tế sản xuất quốc gia. Nhưng, cũng như “bàn tay vàng Midas”, đức vua có thể có được nhiều vàng nhưng sự an toàn của mình lại không được đảm bảo.
Theo thần thoại Hy Lạp, Midas là vị vua xứ Phrygia. Sau khi giúp đỡ thần rượu nho Dionysus, nhà vua được ban cho một điều ước. Midas đã ước tất cả mọi thứ ông ta chạm vào đều biến thành vàng. Midas biến mọi thứ xung quanh thành vàng chỉ với một cái chạm tay và sung sướng về sự giàu có của mình. Tai họa chỉ ập đến khi Midas nhận ra mình không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì. Trong cơn đói khát, Midas đã phát rút lại điều ước của mình.
Thực tế là, mô hình kinh tế của Việt Nam không giống với mô hình của các nước phát triển. Nền công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng chưa có một chân đế ổn định, cả về mặt chiến lược phát triển lẫn khung chính sách đặc thù. Do vậy, các lo ngại về an ninh mà các quốc gia, vùng lãnh thổ khác đang đối diện hoàn toàn có thể xảy ra với nền sản xuất non trẻ của Việt Nam hiện nay. Nếu muốn vươn mình vào bản đồ sản xuất chip, Việt Nam sẽ cần nhìn nhận tiềm lực kinh tế nước nhà để tìm được là sản phẩm sản xuất chủ lực hơn là chạy đua xây dựng nhà máy sản xuất. Dựa vào lịch sử phát triển của ngành bán dẫn tại Đông Á, điểm chung của các quốc gia thành công chính là việc chính phủ xác định mức độ quan trọng của ngành đối với kinh tế và an ninh quốc gia, từ đó triển khai các chiến lược phát triển đặc biệt. Một chiến lược quốc gia không những giúp quốc gia xác lập mức độ đầu tư phát triển mà còn có thể bảo vệ nền công nghiệp nội địa và hạn chế tác động của nước ngoài với kinh tế quốc gia.
Mặt khác, để có được “bàn tay vàng Midas”, hẳn nhiên, Việt Nam cần phải tìm được vị thần ban điều ước của mình. Ai sẽ là Dionysus của Việt Nam? Sẽ khó tìm được câu trả lời phù hợp khi mà Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tranh giành sự ủng hộ của các quốc gia ngoài nhóm đồng minh. Ngay cả khi đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài thì các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn thận trọng với việc lặp lại kịch bản hạn chế thương mại từ Mỹ và phản ứng của Trung Quốc trước các quyết định hợp tác. Ngoại giao cây tre giúp Việt Nam có thể đứng vững trong môi trường chính trị đầy biến động nhưng với kinh tế, nếu muốn áp dụng để cân bằng đầu tư nước lớn, chính quyền Hà Nội sẽ cần khôn khéo trong việc ký kết hợp tác công nghệ cũng như triển khai các gói chính sách hỗ trợ cần thiết.
Việt Nam sẽ cần học hỏi các quốc gia đi trước trong việc thiết kế một chiến lược quốc gia dài hạn nếu muốn kiểm soát được “bàn tay vàng Midas” bán dẫn. Chiến lược dài hạn không chỉ khẳng định tinh thần chính trị trung lập của Việt Nam mà còn tạo ra khoảng trống đủ rộng để năng lực sản xuất bán dẫn nội địa bắt kịp với đầu tư. Và quan trọng hơn, chính phủ có thể kiểm soát được thị trường theo đúng tinh thần của mô hình kinh tế quốc gia hiện tại. Điều mà Hà Nội cần cân nhắc là chiến lược ấy vừa phải đảm bảo lợi ích quốc gia trong công nghệ, vừa phải cho thấy được chỗ đứng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Kết
“Bàn tay vàng Midas” có thể biến mọi thứ thành vàng, chip có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nền kinh tế quốc gia nhưng nếu không được xem xét cẩn trọng, Việt Nam có thể vụt mất cơ hội gia tăng sức mạnh kinh tế. Hàng loạt các hạn chế về ngân sách đầu tư nghiên cứu, xây dựng cụm khu vực nghiên cứu bán dẫn đặc thù, chất lượng nguồn nhân lực, thuế quan, tiềm lực sản xuất, bộ máy quản lý cấp địa phương… sẽ là điều mà chính phủ cần xem xét để hoàn thiện một chiến lược quốc gia phù hợp. Hành trình trở thành con hổ công nghệ tiếp theo của Việt Nam vẫn còn rất dài.
Nguyễn Thị Thanh Uyên là Học viên ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG-HCM. Các lĩnh vực nghiên cứu Uyên quan tâm gồm: kinh tế chính trị - công nghệ, an ninh khu vực, diễn ngôn chính trị.