#9 - Căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiền trên MXH Việt Nam
Phạm Quang Hiền
Những ngày đầu năm 2024 thế giới đã được thở bầu không khí căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc khi hai quốc gia thể hiện hàng loạt hành động khiêu khích an ninh giữa lúc toàn cầu vẫn đang giải quyết chưa dứt các điểm nóng cũ. Dẫu ngăn cách địa lý thế nhưng tin tức về bán đảo Triều Tiên đã được phủ sóng rộng rãi trên internet.
Dưới góc độ một người theo dõi mạng xã hội thường xuyên có quan tâm đến mối quan hệ giữa Việt Nam, Triều Tiên và Hàn Quốc biên soạn bài viết này nhằm phân tích một cách khách quan những thăng trầm trong quan hệ Việt Nam với hai nhà nước Liên Triều, qua đó kêu gọi cộng đồng mạng nên thay đổi hành vi bình luận tiêu cực, khách quan về các vấn đề quốc tế.
Tình hình nóng lên
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không còn là điểm nóng mới mới mẻ trên thế giới, kể từ năm 1953 vùng chia cắt DMZ giữa hai miền bắc nam bán đảo này đã tồn tại được 70 năm. Sau một quãng thời gian tạm thời có xu hướng “nguội” đi phần nào thì gần đây căng thẳng đang được “hâm nóng” trở lại. Cụ thể ngày 4/1/2024, quân đội Hàn Quốc tiến hành tập trận chung bắn đạn thật với Mỹ gần biên giới Triều Tiên. Bình Nhưỡng ngay lập tức chỉ trích “Mỹ và các đồng minh đang có những động thái nguy hiểm đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân”. Đáp trả, ngày 5/1 Quân đội nhân dân Triều Tiên tuyên bố các đơn vị phòng thủ ven biển nước này bắn gần 200 quả đạn pháo gần đảo Yeonpyeong và Baengnyeong Hàn Quốc phải sơ tán khẩn cấp công dân khỏi Yeonpyeong. Những hành động trả đũa nhau liên tiếp gây leo thang căng thẳng vốn đã rạn nứt từ khi Triều Tiên phóng các vệ tinh quân sự hồi tháng 11/2023 và Hàn Quốc loại bỏ một số điều khoản trong thỏa thuận Liên Triều 2018.
Mối quan tâm từ dư luận mạng
Ngay sau đó sự việc này trở thành thông tin nóng viral hàng đầu trên nhiều phương tiện truyền thông trong đó có mạng xã hội video TikTok. Không nằm ngoài xu hướng các phiên bản nước ngoài, một số trang thông tin trên nền tảng TikTok Việt Nam đã dẫn lại thông tin tình hình trên bán đảo Triều Tiên thu hút được đông đảo sự quan tâm của người xem. Một số luồng ý kiến được chia ra như sau: Một số mong muốn hai bên giảm căng thẳng xuống, kiềm chế những bất đồng; một số theo phe này đả kích phe phe kia; một số thậm trí cực đoan hơn còn cổ vũ chiến tranh giữa hai miền và kêu gọi nhiều người dùng khác đứng về quan điểm đó. Đã có cả những tranh cãi giữa những người dùng rằng Việt Nam phải ủng hộ bên nào, đứng về phía ai nếu chiến tranh nổ ra. Những luận điểm chính mà họ cho rằng ủng hộ Triều Tiên vì cũng từng giúp Việt Nam; ủng hộ Hàn Quốc vì công việc đang làm… Tất cả tổng hợp thành hàng ngàn Comment trong phần bình luận mà người trẻ hay gọi vui là “chiến tranh bàn phím”.
Quan hệ giữa Việt - Triều - Hàn trong lịch sử và hiện nay
Quan hệ Việt Nam - Triều Tiên trong quá khứ
Triều Tiên là một trong ba nước đầu tiên công nhận chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1950. Đặc biệt là mối quan hệ thân tình giữa chủ tịch Kim Nhật Thành và chủ tịch Hồ Chí Minh. Cố chủ tịch Kim từng ngỏ lời với VNDCCH cho Triều Tiên gửi quân đội qua hỗ trợ nhưng Hà Nội đã từ chối lời đề nghị này và chỉ chấp nhận Triều Tiên cử phi công để giúp Việt Nam bảo vệ bầu trời. Tuy nhiên, mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam và Triều Tiên đã thay đổi theo chiều hướng xấu do tác động từ mâu thuẫn Xô - Trung đặc biệt khi Việt Nam đánh Khmer Đỏ. Vào cuối những năm 80, sau khi rút quân khỏi Campuchia, Việt Nam đã chủ động nối lại quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong quá khứ
Trái ngược với mối quan hệ anh em giữa Việt Nam với Bắc Triều Tiên, năm 1953 Đại Hàn Dân Quốc được thành lập và trở thành đồng minh của Hoa Kỳ. Do đó, năm 1957, Hàn Quốc công nhận chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dẫn đến động cơ tham gia và cuộc chiến tại Việt Nam như một đơn vị quân sự tác chiến chính với sự bảo trợ từ Mỹ. Từ năm 1964 đến 1973, Hàn Quốc đã gửi hơn 325.000 quân tham chiến với tư cách là đồng minh của Hoa Kỳ. Số lượng binh sĩ Hàn Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ trong số các lực lượng nước ngoài hiện diện ở Nam Việt Nam. Trên chiến trường binh lính Hàn đã thực hiện nhiều tội ác trong khi tham chiến. Mãi đến năm 1992, Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Quan hệ Việt Nam - Triều Tiên hiện nay
Cho đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019, Việt Nam và Triều Tiên đã nối lại một số trao đổi ngoại giao giữa hai bên. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn bị cấm vận do đó kinh tế phát triển khó khăn, Bình Nhưỡng còn phụ thuộc nhiều vào Nga và nhất là Trung Quốc. Qua hơn 73 năm thiết lập quan hệ Việt Nam và Triều Tiên đã gặt hái nhiều thành tựu. Xét về góc độ hợp tác kinh tế chưa thực sự mạnh nhưng về tình hữu nghị, lịch sử truyền thống cùng sự hi sinh của nhân dân Triều Tiên giúp đỡ chúng ta kháng chiến là điều nhân dân Việt Nam ghi sâu vào trang sử vàng chống ngoại xâm không bao giờ quên.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc hiện nay
Mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc đang ở mức cao nhất chiến lược toàn diện. Hiện nay, Seoul giữ vị trí số một về đầu tư trực tiếp luỹ kế đạt 82 tỷ USD; số hai về hợp tác phát triển, du lịch và lao động; số ba về hợp tác thương mại đạt 86,4 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, nhiều dự án đầu tư lớn quan trọng của các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt. Chỉ riêng Samsung, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 60 tỷ USD, đã đóng góp tới 20 – 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khoảng 200.000 người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Xét về góc độ hợp tác kinh tế, Hàn Quốc giữ vị trí vô cùng quan trọng.
Nhận định chung và phân tích
Cuộc xung đột mới bùng nổ năm 2022 tại Ukraine để lại cho thế giới nhiều bài học quan trọng. Một trật tự thế giới kiểu mới được định hình không còn nhiều sự chi phối bởi Mỹ và chiến tranh có thể xảy ra tất yếu ở bất cứ điểm nóng nào để giải quyết những vấn đề hai bên không còn lựa chọn khác. Kéo theo tâm lý lo sợ khắp các khu vực, tổ chức quốc tế, khối liên minh về sự hợp - tan khó đoán. Về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khó để khẳng định một tương lai hòa bình lâu dài nhưng cũng không thể nói chiến tranh sẽ xảy ra trong hôm mai ngày mốt. Xét trên nhiều yếu tố cả 2 quốc gia trên bán đảo này đều ít nhiều phụ thuộc một phần vào các nước “thứ 3” bên ngoài, chiến sự xảy ra sẽ kéo những nước “thứ 3” đứng sau đó biến động theo. Thực tế chiến trường Ukraine đã làm Hoa Kỳ phải đau đầu với chính đồng minh của mình. Về khả năng bùng nổ chiến tranh giữa hai bên sẽ cần nhìn nhận, đánh giá rất nhiều cốt lõi vẫn là Triều Tiên có vũ khí hạt nhân - quân bài răn đe chiến lược, Hàn Quốc có thể tham gia AUKUS+ để mở cân bằng hạt nhân; Triều Tiên có tinh thần sẵn sàng chiến đấu mãnh liệt, sự ủng hộ tuyệt đối của người dân dành cho ông Kim Jong Un, Hàn Quốc có nền kinh tế vững mạnh cùng hệ thống đồng minh trên và xung quanh đảm bảo tham gia hỗ trợ ngay lập tức. Một “canh bạc” mà hai bên phải trả cái giá đắt khi tất tay.
Trên thực tế việc mạng xã hội bùng nổ tranh cãi về trái ngược quan điểm không còn xa lạ trên các phương tiện truyền thông mạng và cộng đồng mạng xã hội Việt Nam. Một số do sử dụng cái nhìn một chiều thiếu khách quan trong khi phán xét vấn đề, một số thể hiện sự “cuồng” của mình với chủ thể họ cho rằng đúng đắn. Đầu năm 2022, Nga đưa quân vào Ukraine, nhiều kênh thông tin mạng thể hiện ý kiến cho Nga là kẻ xâm lược, phản đối Nga, cho rằng Putin điều hành nhà nước Liên bang độc tài, kêu gọi ủng hộ Mỹ khẩu hiệu “Slava Ukraine” trở thành Hashtag phổ biến. Bên đối lập sử dụng lịch sử hai nước từ thời xa xưa đến hiện tại, các dẫn chứng cho hành động Nga đưa quân là đúng đắn, vốn mâu thuẫn bùng nổ từ 2014 đã đặt tương lai chiến tranh không thể tránh khỏi. Nhà nước Việt Nam cũng được cộng đồng mặt đặt cho câu hỏi ‘ủng hộ bên nào’ khi cả hai đều từng có quan hệ mật thiết trước và sau khi Liên Xô tan rã. Tương tự trường hợp Triều Tiên với Hàn Quốc bây giờ.
Tất nhiên những bình luận đó không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại Việt Nam theo đuổi tuy nhiên nó lại phản ánh 3 vấn đề sau. Thứ nhất, các luồng dư luận đó không được kiểm định tính chính xác dễ gây hiểu nhầm cho những người đứng ngoài không hiểu vấn đề, dễ tạo ra những quan điểm sai lầm nối tiếp. Thứ hai, điều đó cho thấy một bộ phận người dùng đang chưa hiểu về đường lối đối ngoại của nhà nước, tinh thần ngoại giao hòa giải mâu thuẫn giữa các nước có quan hệ quá khứ-hiện tại đều quan trọng với Việt Nam. Thứ ba, sự thiếu khách quan, một chiều ảnh hưởng đến thế giới quan của họ, không nhìn thấy sự nghiêm trọng của vấn đề, suy nghĩ về thế giới sẽ bị bó hẹp trước mắt khó nhận biết ảnh hưởng dây chuyền đến quan hệ quốc tế, rằng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa đều ảnh hưởng cuộc sống người dân dẫn chứng là giá xăng, lương thực tăng từ sau xung đột Ukraine. Tranh cãi sẽ dẫn đến lời lẽ, hành xử thiếu văn minh biến môi trường mạng Việt Nam trở nên độc hại.
Thay vì phán xét hãy cầu nguyện bình an cho chính nước đã có khủng hoảng vì chiến tranh xảy ra thật chỉ khiến người dân nước sở tại thậm chí cả người Việt sống tại nước đó gặp nguy hiểm. Một đặc điểm thú vị của ngoại giao Việt Nam thực hiện là làm bạn với cả hai nước thù địch nhau nhưng cố gắng cân bằng để tránh làm mất lòng bên nào. Hòa bình, hợp tác và phát triển cần luôn được nêu cao, nói riêng đối với Việt Nam mối quan hệ với hai quốc gia trên rất quan trọng Hàn Quốc là đối tác, nhà đầu tư lớn giúp Việt Nam hội nhập, Triều Tiên là anh em xã hội chủ nghĩa tình sâu nghĩa nặng. Vậy nên ngoài nhà nước đại diện thì chính mỗi người Việt Nam nên cần tích cực kêu gọi hòa bình bởi xung đột dù ở bất kì nơi đâu cũng đều ảnh hưởng đến cấp độ vi mô, vĩ mô không ngoại trừ cả chúng ta. Kêu gọi một bộ phận người dùng mạng xã hội thay đổi hành vi bình luận tiêu cực về vấn đề căng thẳng, chiến sự, nhìn nhận vấn đề khách quan nhiều chiều hơn.
Kết luận
Một lần nữa xin khẳng định bài nhận định nêu quan điểm của người viết, không bênh vực, áp đặt quan điểm lên quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng của mọi người. Quan điểm, góc nhìn mỗi người khác nhau tựu chung lại một bộ phận người sử dụng mạng xã hội nên tham gia bình luận một cách văn minh. Năm 2024 có thể là một năm nhiều biến động khó đoán trước diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, tuy vậy với quan điểm ngoại giao của Việt Nam “khép lại quá khứ hướng tới tương lai vì hòa bình thịnh vượng”, đặt lợi ích quốc gia dân tộc hàng đầu không ủng hộ bất kỳ bên nào, kêu gọi kiềm chế, sử dụng đối thoại hòa bình. Giữ thế trung lập quan điểm, nhìn vào đóng góp, đầu tư hiện tại và biết ơn công sức giúp đỡ kháng chiến trong quá khứ, vai trò hai nước trong chiến lược phát triển, cân bằng giữa mối quan hệ đối tác - anh em không để mất lòng. Với tinh thần của người Việt Nam yêu nước sáng suốt cần biết được nguy cơ tiềm tàng nếu xung đột vũ trang xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khía cạnh đời sống của chính người Việt trong nước và ở nước ngoài. Hãy sử dụng tính năng bình luận văn minh, lịch sự, tránh hiện tượng ‘nhất bên trọng nhất bên khinh’, chung sức kêu gọi hòa bình để bạn bè quốc tế thấy được tinh thần tinh thần yêu hòa bình mà năm 2019 được quốc tế bình chọn “Hanoi, city for peace”.
Phạm Quang Hiền là sinh viên K49 khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, ngành Quan hệ Quốc tế, DAV. Sở thích: tìm hiểu về quan hệ quốc tế và lịch sử (chiến tranh), các vấn đề về quân sự, vũ khí; hiện đang làm cộng tác viên của trang nccl.org.