Scholicymaker = Scholar + Policymaker

(Học giả nhưng làm thật)

Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Đề tài luận án: Phản ứng của các quốc gia trước chiến thuật “sự đã rồi”. Các quan tâm nghiên cứu của anh hiện nay gồm: lý thuyết Quan hệ Quốc tế (IR theory), xung đột vũ trang (armed conflicts), hoạch định chiến lược (strategic planning), và tác động của AI đối với an ninh quốc gia (the impact of AI on national security).

Một số công trình nghiên cứu và bài bình luận của anh đã được đăng trên các trang tạp chí và báo quốc tế như: East Asia, The National Interest, The Diplomat, The Strategist, East Asia Forum. Bên cạnh đó, Lân cũng có nhiều bài viết trên các trang Nghiên cứu quốc tế, Dân Trí và Góc nhìn của VNExpress.

Ngô Di Lân cũng là tác giả của hai cuốn sách “1% Mỗi Ngày: Không ngừng chinh phục bản thân” (NXB Trẻ, 2022) và “Canh bạc AI: ChatGPT và tương lai loài người” (NXB Trẻ, tháng 11/2023). Cuốn sách mới nhất của anh có tựa đề “Trò chơi quyền lực – Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” (Omega+, 2025).

Trách nhiệm của nghiên cứu là soi đường ta đi…

Tôi dấn thân vào ngành Quan hệ Quốc tế với một niềm tin như vậy.

Nghiên cứu không phải là để tạo ra sân chơi vô thưởng vô phạt cho các học giả tranh luận với nhau mà là để tìm ra “chân lý” (nếu như nó tồn tại). Nếu không, chí ít cũng là để chúng ta hiểu hơn về thế giới xung quanh mình, từ đó tìm ra những cách tối ưu để đối diện với thực tại. 

Nếu như vậy, kết quả của nghiên cứu nên được chia sẻ với tất cả, thay vì chỉ dành riêng cho những người đã quá quen với các thuật ngữ như “phương pháp luận”, “chính sách đối ngoại”, hay “răn đe hạt nhân”, v.v. Những nhà sáng lập của Wikipedia tin vào chia sẻ tri thức cho toàn bộ nhân loại. Tôi cũng vậy, nhưng bắt đầu với người Việt. Đó là lý do trang blog Scholicymaker được sinh ra: để giúp người Việt hiểu hơn về thế giới xung quanh, một cách dễ dàng, chính xác và khoa học nhất.

Bạn đọc sẽ thấy rằng ưu tiên lớn nhất của Scholicymaker là biến những vấn đề phức tạp và khó hiểu bậc nhất (nhưng thiết yếu) trở nên dễ hiểu, tường minh. Các bài viết vì thế thường ngắn gọn, với cách hành văn chân phương, và tuyệt đối không sử dụng thuật ngữ chuyên ngành mà không giải thích.

Scholicymaker hoan nghênh mọi bài viết liên quan tới lĩnh vực Quan hệ Quốc tế có tính xây dựng và quan điểm trung dung, chừng mực. Những nội dung cực đoan hay có mục đích chống phá, gây chia rẽ sẽ không bao giờ được đăng trên Scholicymaker. Một bài viết có khả năng được đăng cao nhất khi nó thoả mãn được những tiêu chí sau: (1) đề tài hoặc góc nhìn mới, (2) có lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục, (3) văn phong lôi cuốn.

Trang blog Scholicymaker được chia làm 2 chuyên mục lớn:

  1. Nghiên cứu: Lan toả tinh thần học thuật và chia sẻ kiến thức chuyên ngành Quan hệ Quốc tế một cách dễ hiểu nhất cho mọi đối tượng độc giả, từ các bạn sinh viên cho tới những nhà hoạch định chính sách. 

    • Tiểu mục “Phân tích chuyên sâu”: Dành riêng cho các bài viết chuyên sâu, có tính học thuật cao và độ dài trên 1500 từ.

    • Tiểu mục “Tổng hợp nghiên cứu”: Giới thiệu và tóm tắt một số đầu sách và nghiên cứu QHQT nổi bật.

  2. Góc nhìn: Mang những góc nhìn sắc sảo, thú vị và mới lạ đến với các độc giả quan tâm tới QHQT.

    • Tiểu mục “Thế giới - Sự kiện”: Các bài viết ngắn nhằm đánh giá, phân tích nhanh một số sự kiện quốc tế nổi bật. (< 500 từ).

    • Tiểu mục “Ý kiến chuyên gia”: Đăng tải các bình luận - phân tích ngắn của các chuyên gia, học giả khách mời (< 1500 từ).

  3. Chiến lược: Nơi tập hợp những bài viết ngắn xoay quanh đề tài chiến lược ở mọi lĩnh vực: quân sự, kinh doanh, cuộc sống...

Scholicymaker đặc biệt chào đón bài viết của các nhà nghiên cứu trẻ. Dù các bạn đang là học sinh phổ thông, sinh viên cao học hay đang làm một công việc không liên quan tới QHQT, chỉ cần bạn có bài viết chất lượng, trang blog của tôi sẽ sẵn sàng đăng và chia sẻ đến toàn thể quý độc giả. Tên tuổi của tác giả không bao giờ là tiêu chí để Scholicymaker xét duyệt.

Cách thức gửi bài đăng trên Scholicymaker:

  • Bước 1: Chuẩn bị 1 bản thảo xuất sắc (file Word)

  • Bước 2: Chờ đợi phản hồi từ Scholicymaker

  • Bước 3: Chỉnh sửa/bổ sung (nếu cần) rồi gửi lại

  • Bước 4: Tiếp tục chờ đợi… Bài lên sóng !

  • Bước 5: Share link bài viết để flex với bạn bè :-)

Cuối cùng là một chuyên mục ngoài lề với cái tên nghe rất vu vơ là Cuộc sống, nơi tôi chia sẻ một số suy nghĩ, sự chiêm nghiệm của mình về cuộc sống đó đây. Chủ đề sẽ hết sức đa dạng: một món ăn ngon, cảm nhận về một thành phố tôi lần đầu đặt chân tới, cũng có thể là suy nghĩ của tôi về một trò chơi thú vị nào đó. Hi vọng là relaxing và có tính giải trí cao!