#6 - Nguy cơ hạt nhân sau khi Nga huỷ hiệp ước CTBT
Ngô Tiến Long
Ngày 2/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Luật về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) sau khi cả Hạ viện và Thượng viện Nga thông qua Dự luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước vào tháng 10/2023. Dù thời gian qua Moscow đã có nhiều hành động liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân, bước đi mới này của Nga vẫn khiến cộng đồng quốc tế, trước hết là Mỹ và phương Tây, có phần bất ngờ và không khỏi lo lắng. Phải chăng động thái này có thể khiến CTBT lâm nguy hay chỉ là một phản ứng “tương kế tự kế” của Moscow trong hoàn cảnh hiện tại để buộc Mỹ và phương Tây phải tính toán lại theo hướng thận trọng hơn trong tổng thể quan hệ với Nga đang rất căng thẳng và có lẽ là xấu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay?
Giải thích của phía Nga và phản ứng quốc tế
Bộ Ngoại giao Nga cũng như Điện Kremlin đã nêu rõ đây chỉ là biện pháp cần thiết để đối phó với việc Mỹ từ khi ký năm 1996 đến nay vẫn không phê chuẩn trong khi nước này lại đang theo đuổi “đường lối thù địch sâu sắc đối với nước Nga”. Mặc dù vậy, phía Nga cũng khẳng định việc rút lại quyết định phê chuẩn CTBT “không có nghĩa là Nga có kế hoạch tiến hành các vụ thử hạt nhân” và Nga sẽ chỉ nối lại thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ ra tay trước. Thực tế thì từ năm 1990, tức là từ 10 năm trước khi Nga phê chuẩn CTBT cho đến nay, cường quốc hạt nhân này cũng chưa tiến hành thử các vụ nổ hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhanh chóng lên tiếng cho rằng việc Nga quyết định rút phê chuẩn và không tuân thủ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện sẽ khiến các nước mất lòng tin lẫn nhau trong việc hạn chế phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân. Riêng tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBTO) ngoài bày tỏ quan ngại trước động thái mới đó, còn cho rằng quyết định này của Nga là vô cùng đáng tiếc và có thể là một sự trượt dốc trong nỗ lực ngăn các nước phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại một mặt bày tỏ sự nuối tiếc trước việc Nga rút lại phê chuẩn CTBT; mặt khác khác khẳng định trong khi tất cả các nước thành viên EU đã phê chuẩn CTBT và đang nỗ lực để phổ cập và thúc đẩy tính hiệu lực của CTBT vì một thế giới không thử hạt nhân thì động thái mới nhất của Moscow đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Tuy nhiên, khó ai có thể phê phán Moscow về bước đi tuy khá cực đoan nhưng hoàn toàn có thể hiểu được như trên. Thực tế thì không chỉ tuy là nước đầu tiên ký CTBT nhưng hơn ¼ thế kỷ qua Mỹ vẫn chưa phê chuẩn. Không chỉ vậy, trong tháng 10 vừa qua, Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã thực hiện một vụ nổ dưới lòng đất tại một địa điểm phía tây bắc Las Vegas liên quan đến “chất nổ hóa học mạnh và chất đánh dấu phóng xạ. Ngoài ra, như Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov phát biểu trước Duma Quốc gia Nga ngày 9/10, “có dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị nối lại thử hạt nhân ở bang Nevada” và cảnh báo Moscow sẽ hành động tương tự Washington.
Sự ra đời và ý nghĩa của CTBT
Sự xuất hiện của CTBT năm 1996 là một mốc quan trọng góp phần vào việc kìm hãm các quốc gia nổ thử hạt nhân và cùng với hiệp ước NPT ra đời năm 1968, nó thể hiện nguyện vọng và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân, hoà bình và an ninh cho tất cả các quốc gia. Là một hiệp định đa phương được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 24/9/1996, CTBT đến nay đã được 187 quốc gia ký kết tham gia, có quy chế kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, CTBT cấm tất cả các quốc gia thành viên tiến hành các vụ thử hạt nhân, bất luận là vì mục đích hòa bình hay quân sự và áp dụng với mọi môi trường. Nhẽ ra, đây sẽ phải trở thành công cụ pháp lý quốc tế chính để ngăn chặn bất kỳ hình thức thử nghiệm hạt nhân nào, đến nay CTBT vẫn chưa có hiệu lực thi hành vì chưa được 8/44 quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc có tiềm năng chế tạo vũ khí hạt nhân phê chuẩn (Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT; còn Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan chưa tham gia,).
Mặc dù vậy, CTBT cũng đã phát huy được giá trị nhất định của nó trên thực tế. Theo Liên Hợp Quốc, trong giai đoạn khi chưa có CTBT (từ 1945 đến 1996), trên thế giới đã có hơn 2.000 vụ thử hạt nhân lớn bé được tiến hành, trong đó Mỹ thực hiện hơn 1.000 vụ, còn Liên Xô là hơn 700 vụ. Nhưng từ khi có CTBT đến nay, cả thế giới chỉ ghi nhận 10 cuộc thử nghiệm hạt nhân (trong đó Ấn Độ và Pakistan mỗi nước thực hiện 2 lần, Triều Tiên thực hiện 6 lần và là nước duy nhất trên thế giới thử bom nguyên tử). Đáng chú ý, dù chưa phê chuẩn CTBT, Mỹ cũng không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân trực tiếp nào kể từ năm 1992.
Tuy số vụ thử hạt nhân đã ít hẳn đi kể từ khi có CTBT, nhưng cũng phải nói rõ là không phải vì thế mà sự phát triển của vu khi hạt nhân trên thế giới đã ngưng lại. Ngược lại, nó vẫn diễn ra rất sâu rộng bởi công nghệ hạt nhân vẫn ngày càng phát triển; các nước ngày càng có nhiều hình thức kiểm tra, thử nghiệm hạt nhân, nhất là việc thực hành “nổ” trên máy tính, chứ không cần cứ phải áp dụng kiểu thử nghiệm cổ điển qua các vụ nổ thật trên thực địa.
Hệ lụy và triển vọng
Việc Nga ra luật thu hồi phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện về hình thức có thể làm suy yếu nỗ lực kiểm soát vũ khí dẫn đến leo thang hoạt động hạt nhân toàn cầu, đồng thời tạm thời đẩy CTBT vào thế lâm nguy, ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực ngăn chặn phổ biến hạt nhân, duy trì an ninh và hòa bình trên toàn thế giới. Đây cũng có thể là cái cớ thuận lợi để một số nước thành viên hiệp ước chưa phê chuẩn CTBT nối lại việc thử hạt nhân. Trên thực tế, ảnh vệ tinh gần đây cho thấy không chỉ có 3 cường quốc là Mỹ, Nga, Trung cải tạo, nâng cấp các thiết bị, cơ sở hạ tầng và bãi thử hạt nhân của mình. Thậm chí, không loại trừ việc lợi dụng tình hình này, một số quốc gia có tiềm năng/công nghệ hạt nhân sẽ mở lại hoặc đẩy nhanh các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể và với thực tiễn gần 3 chục năm qua, trong bối cảnh nhận thức ngày càng cao của các dân tộc về trách nhiệm của mỗi quốc gia trước vấn đề hệ trọng này, khả năng cao là CTBT nếu gặp khó khăn thì cũng chỉ là về ngắn hạn, dần dần sẽ vượt qua và tiếp tục phát huy giá trị của nó.
Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây vẫn đối đầu toàn diện với Nga như hiện nay, với việc rút lại phê chuẩn CTBT, đảo ngược quyết định từ 23 năm trước, Nga đã gián tiếp làm nóng lại vấn đề vũ khí hạt nhân với nhiều tính toán ẩn ý khác nhau. Thực tế là kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa. Đầu năm nay, Tổng thống Putin đã thông báo đình chỉ tham gia hiệp ước New Start về cắt giảm vũ khí chiến lược mới đã ký với Mỹ từ năm 2010. Tháng trước, Moscow thông báo bắn thử tên lửa đạn đạo có thể mang theo đầu đạn hạt nhân chuẩn bị đối phó khi cần “trả đũa” nếu nước Nga bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử. Đặc biệt, đầu mùa hè vừa qua, Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến nước đồng minh Belarus nằm sát cạnh với biên giới Ukraine. Tất cả những bước đi có tính toán, sắp đặt kỹ càng đó đã khiến dư luận không thể không đặt ra câu hỏi “phải chăng đây là dấu hiệu báo trước Moscow có thể sử dụng cả vũ khí hủy diệt hàng loạt trong một cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây lần này”?
Rất có thể đó không phải là dụng ý chính của Nga, nhưng dù sao nó cũng khiến Mỹ và phương Tây phần nào bất ngờ và phải bị động đối phó. Nhất là khi với những lý lẽ công khai đưa ra, Nga còn gián tiếp đẩy trách nhiệm về phía Mỹ trong việc tiếp tục duy trì thế cân bằng về vũ khí hạt nhân giữa 2 siêu cường hạt nhân hàng đầu thế giới. Trong tình hình mới này, dù muốn hay không, Washington khó có thể làm ngơ mà sẽ phải xem kỹ lại các chương trình và tham vọng tạo thêm ưu thế về vũ khí hạt nhân cho mình trước Nga nói riêng và toàn bộ chiến lược đối đầu toàn diện với Nga hiện nay nói chung. Nếu kết quả là một sự thay đổi, dù ít dù nhiều, sẽ đều được coi là thắng lợi của Nga. Và đó có thể là lý do chính của những hành động nhìn bề ngoài là rất “quyết liệt’, “cứng rắn” hiếm có vừa qua của Moscow.
Ngô Tiến Long là nhà Ngoại giao chuyên nghiệp đã nghỉ hưu; trưởng thành từ cán bộ nghiêu cứu khu vực Đông Âu; đã từng là Cục trưởng Bộ Ngoại giao & Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (sau là TG&VN) của BNG. Ông hiện là một facebooker hàng ngày có bài phản ánh suy nghĩ cá nhân về các vấn đề thời sự nổi cộm ở trong nước & trên thế giới.