#5 - Ba kịch bản Israel – Hamas
Ngô Tiến Long
Cuộc xung đột Hamas - Israel đang diễn ra hiện nay gây ra nhiều lo ngại sâu sắc trong dư luận khu vực và thế giới, không phải chỉ vì số dân thường đã thiệt mạng mà còn bởi không biết rồi nó sẽ kết thúc ra sao? Liệu sẽ sớm có ngừng bắn, ít nhất là vì lý do nhân đạo, hay sẽ dẫn đến một cuộc chiến lớn quy mô toàn khu vực với những hệ quả khó lường cho nền kinh tế toàn cầu?
Nguồn: Axios
So với các cuộc nổi dậy/tấn công vào Israel của các phong trào kháng chiến Palestine từ trước đến nay, cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 làm khoảng 1.400 người chết và 220 người bị bắt làm con tin chắn chắn là cuộc tấn công tổng lực thành công nhất của lực lượng kháng chiến Palestine nhắm vào Israel và cũng là lời đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của nhà nước Do Thái trong suốt khoảng nửa thế kỷ vừa qua.
Việc giới chính trị và quân đội Israel nhanh chóng tuyên bố rất đanh thép thề sẽ quét sạch lực lượng Hamas và ngay lập tức pháo kích dữ dội vào Dải Gaza là điều có thể dự đoán và hiểu được. Mặc dù có sự cảm thông nhất định với Israel trước những thương vong lớn như vậy, cộng đồng quốc tế, kể cả Mỹ và phương Tây, đều kêu gọi Israel kiềm chế để tránh xung đột lan rộng không thể kiểm soát được. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng đã nhóm họp tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng này nhưng chưa có đề xuất ngừng bắn nào được thông qua, kể cả của cả Nga lẫn Mỹ.
Dù chiến dịch dùng bộ binh tổng tấn công thẳng vào Gaza để “xóa sổ” Hamas của Israel vẫn chưa thực sự bắt đầu, người dân Palestine ở Gaza đã phải trả giá đắt. Trước hết, Dải Gaza một lần nữa lại bị phong tỏa khiến nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng cận kề. Còn theo Ngoại trưởng Chính quyền Palestine Riyad al-Maliki, đến nay ở Gaza đã có hơn 6.000 người Palestine thiệt mạng, hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và trên 170.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Làn sóng phản đối những hành động quân sự trả đũa vừa qua của Israel đã bùng lên tại nhiều nước Ả-rập, nhất là sau vụ một bệnh viện dân sự ở Gaza bị không kích làm chết hơn 500 người Palestine, qua đó gián tiếp khiến tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Tel Aviv và Riyadh nói riêng và giữa Israel với các đối thủ Ả-rập khác ở khu vực nói chung, ít nhất là tạm thời bị ngưng trệ. Như vậy, với cuộc tấn công vào Isreal vừa qua, ngoài các mục tiêu đã công khai tuyên bố, Hamas đã đạt được mục đích ngầm nhưng vô cùng quan trọng là buộc thế giới Ả-rập không thể làm ngơ "sự nghiệp giải phóng Palestine" trong quá trình xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Israel.
Đáng chú ý là trong tình hình vẫn đang rất căng thẳng hiện nay, ngày 17/10, kênh truyền hình NBC dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao của phong trào Hamas cho biết lực lượng này sẵn sàng trả tự do cho tất cả những con tin dân sự trong vòng 1 giờ nếu Israel ngừng ném bom Dải Gaza và ký thỏa thuận ngừng bắn. Hamas cũng ngụ ý sẽ trao đổi tù binh Israel với những người Palestine hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Israel. Phát biểu của quan chức Hamas này đã giải thích tại sao khi tấn công vào bên trong Israel hôm 7/10, họ đã bắt giữ một số lượng lớn con tin như vậy.
Phải chăng khi mục tiêu chính đã cơ bản đạt được và để giảm áp lực không kích và phong tỏa Dải Gaza dữ dội như hiện nay, đặc biệt là tránh phải đương đầu với một cuộc chiến có thể tàn phá toàn bộ Dải Gaza mà Israel đang đe dọa sẽ bắt đầu bất cứ lúc nào, Hamas đã khôn khéo đưa ra con bài phóng thích các con tin đổi lấy ngừng chiến để buộc Israel phải hết sức cân nhắc trước khi bác bỏ? Còn Israel, tuy đã ngay lập tức bắt đầu chiến dịch không kích dữ dội vào Dải Gaza để trả đũa, một mặt vẫn tiếp tục tuyên bố “đã sẵn sàng” cho một cuộc tổng tấn công trên bộ vào Gaza, mặt khác vẫn còn trì hoãn biện pháp mạnh mẽ cuối cùng này.
Thực tế thì Israel, như tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu, đã bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch trừng phạt Hamas với việc tiến hành các cuộc đột kích chớp nhoáng tấn công nhiều vị trí đóng quân, hạ tầng và điểm khai hỏa tên lửa chống tăng của các nhóm vũ trang Hamas ở phía bắc Dải Gaza và điều bộ binh tấn công một số đường hầm nằm sâu dưới dải đất này. Liệu đây chỉ là hành động “thăm dò” như người phát ngôn quân đội Israel tuyên bố trước khi quyết định tổng tiến công trên bộ, hay Tel Aviv có thể hài lòng với những hoạt động “diệt Hamas, đưa con tin về nhà” ở giai đoạn 2 này để vừa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận trong nước, vừa tránh dẫn đến một cuộc chiến có nguy cơ lan rộng ra cả khu vực không có lợi cho chính nhà nước Do Thái? Ở thời điểm hiện nay, trong khi ít ai có thể trả lời được chính xác những câu hỏi trên, có thể có 3 kịch bản đối với cuộc xung đột:
Kịch bản 1: Quyết đánh Hamas bằng tổng lực bộ binh, chiến tranh lan rộng khó kiểm soát, Israel có thể mất nhiều hơn được.
Trong trường hợp này, như đã tuyên bố, sau khi mọi chuẩn bị cần thiết được hoàn tất, kể cả sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ và việc đảm bảo các nguồn hỗ trợ vũ khí, trang thiết bị và cả cố vấn cần thiết cho một chiến dịch quân sự kéo dài cũng như công tác chuẩn bị dư luận, Israel sẽ bắt đầu cuộc tấn công tổng lực trên bộ vào Gaza với mục đích phá hủy “tận gốc” các cơ sở quân sự và hậu cần của Hamas trên mảnh đất chỉ rộng 360 km này. Nếu thành công với thương vong cho cả binh lính Israel lẫn dân thường ở vùng chiến sự ở mức chấp nhận được, nhà nước Israel sẽ được bảo đảm an ninh tốt hơn và có nhiều ưu thế vượt trội trong các cuộc thương lượng hòa tiếp theo với người Palestine. Tuy nhiên, rủi ro của chiến dịch quân sự này cũng rất cao bởi nhiều lý do.
Đầu tiên là khả năng kháng cự đã tiến bộ nhiều của Hamas với ma trận đường hầm chằng chịt khắp lòng đất Gaza mà không ai có thể coi thường khi xe tăng Israel và lục quân tiến vào dải đất này. Thứ hai cũng rất quan trọng là vận mệnh của số con tin, trong đó bên cạnh những người mang quốc tịch Israel và các nước phương Tây còn có nhiều sỹ quan an ninh và quân đội Israel, đang nằm trong tay Hamas buộc Tel Aviv phải thận trọng tính đến. Thứ ba là làn sóng phản đối Israel được dự báo là sẽ ngày càng lan rộng một khi cuộc chiến kéo dài và thương vong trong dân thường Palestine tăng lên đe dọa làm hỏng toàn bộ những kết quả dày công tạo nên trong quá trình cải thiện và bình thường hóa quan hệ với các nước Ả-rập; cùng khả năng nếu cuộc chiến kéo dài, có thể có thêm các lực lượng khác từ thế giới Ả-rập (trước hết là Lebanon, Syria, I-raq rồi đến Yemen) và thậm chí cả Iran tham chiến sẽ rất bất lợi cho Israel. Thứ tư là nguy cơ một cuộc chiến vượt quá mức độ trả đũa, trừng phạt thông thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ đồng minh gần gũi của Israel với ngay cả Mỹ và các đồng minh phương Tây bởi bên cạnh cuộc chiến ở Ukraine, thêm một cuộc chiến nữa ở Trung Đông mà Mỹ và phương Tây phải can dự là điều phương Tây không hề mong muốn. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng là ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trước hết là những nước lệ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, trong đó có rất nhiều nước phương Tây, nên họ hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra.
Nếu chỉ để chứng tỏ ai dám tấn công Israel sẽ không thể thoát bị Tel Aviv trừng phạt nặng nề và cũng là một cố gắng trong tuyệt vọng hòng giữ được cái ghế Thủ tướng đang lung lay của mình, nhiều khả năng ông Benjamin Netanyahu sẽ phát động cuộc chiến trên bộ vào Gaza như đã tuyên bố. Tuy nhiên, do khả năng mất nhiều hơn được và ngay cả nếu thành công, ông Netanyahu cũng vẫn khó tiếp tục tái cử được, do vậy khả năng ông sớm quyết định phát động cuộc chiến trên bộ là không cao.
Kịch bản 2: Tiếp tục pháo kích kết hợp các hoạt động đột kích bằng xe tăng và bộ binh vào Gaza nhằm tiêu diệt Hamas cả trên mặt đất lẫn dưới các hầm ngầm rồi lại rút về.
Đây chính là điều đang diễn ra hiện nay với sức thị uy lớn nhưng khó có khả năng tiêu diệt được “sạch” các cơ sở chiến tranh của Hamas. Điều này cũng sẽ tạm thời làm ngưng trệ các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ của nhà nước Do Thái với các nước hồi giáo Ả-râp (Ả-rập Xê-út đã tuyên bố tạm dừng đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel), ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình Trung Đông nhưng có thể chỉ là trong ngắn hạn và cũng sẽ không gây phản ứng quốc tế bất lợi quá lớn cho Israel. Điều này tuy không thỏa mãn những phần tử cứng rắn nhất trong nội bộ nhưng cơ bản được dân chúng chấp nhận vì như truyền thông đưa tin, chỉ có 29% người được khảo sát đồng tình với việc phát động một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza (kết quả của Viện Panel4All ở Israel). Đây có thể cũng là kịch bản thích hợp nhất để Thủ tướng Netanyahu giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, tránh được một cuộc chiến lớn với rất nhiều rủi ro mà vẫn có thể đưa được con tin về nhà an toàn & làm suy yếu đáng kể các đội quân của Hamas, giữ được tiến trình hòa bình Trung Đông không bị phá vỡ hoàn toàn. Do vậy, đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.
Kịch bản 3: Hai bên sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên cơ sở Hamas trao trả toàn bộ con tin đang giam giữ còn Tel Aviv cam kết không mở cuộc chiến trên bộ vào Gaza.
Đây là kịch bản lý tưởng mà hầu như cả khu vực Trung Đông và toàn thế giới đang mong muốn nhưng với những gì đã & đang diễn ra những ngày qua, đây lại là điều khó xảy ra hơn cả, ít nhất là tại thời điểm hiện tại. Thực tế là Liên hợp quốc cùng nhiều hoạt động ngoại giao con thoi của các nước lớn cũng như Liên đoàn Ả-rập đang diễn ra dồn dập nhằm thúc đẩy giải pháp này nhưng đều chưa mang lại kết quả đột phá nào. Có thể thấy trước ngay là nếu kịch bản này xảy ra, nhiều khả năng Hamas sẽ lên tiếng coi mình là bên chiến thắng còn chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể bị những thành phần cứng rắn trong nội bộ quy là yếu kém, nhưng thực chất đây là giải pháp “win – win” hai bên cùng thắng.
Với một người đã có tổng cộng hơn 16 năm đứng đầu chính phủ và là Thủ tướng tại vị lâu nhất của nhà nước Do Thái, đây có lẽ là thời điểm để ông Netanyahu cân nhắc gạt bỏ “sỹ diện” cá nhân, đặt lợi ích lâu dài của Israel là thực sự chung sống hòa bình với người Palestine và thế giới Ả-rập lên trên tính toán vì lợi ích cá nhân và đảng phái. Nếu dũng cảm vượt qua được áp lực của phái cứng rắn trong nội bộ để làm được như vậy, ông Netanyahu có thể sẽ được ghi nhận là vị Thủ tướng có công đem lại an ninh và hòa bình bền vững cho Israel hơn là một Thủ tướng “diều hâu” như vẫn thể hiện lâu nay.
Ngô Tiến Long là nhà Ngoại giao chuyên nghiệp đã nghỉ hưu; trưởng thành từ cán bộ nghiêu cứu khu vực Đông Âu; đã từng là Cục trưởng Bộ Ngoại giao & Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (sau là TG&VN) của BNG. Ông hiện là một facebooker hàng ngày có bài phản ánh suy nghĩ cá nhân về các vấn đề thời sự nổi cộm ở trong nước & trên thế giới.