#4 - Ai mới là “ngư ông đắc lợi” ?
Ngô Tiến Long
Vụ lực lượng Hamas của người Palestine từ Dải Gaza bất ngờ tấn công dữ dội vào hàng loạt mục tiêu trên khắp Israel hôm 7/10 vừa qua có lẽ là ác liệt nhất trong 20 năm qua và có nguy cơ khơi mào cho 1 cuộc chiến lớn có thể làm rung chuyển cả khu vực vốn chưa bao giờ hết căng thẳng và xung đột đầy phức tạp này.
Tuy ai cũng biết chừng nào vấn đề lãnh thổ và nhà nước của người Palestine chưa được giải quyết thỏa đáng, họ còn chiến đấu để đòi lại các quyền dân tộc thiêng liên của mình. Trong những năm gần đây, đã có những nỗ lực hòa giải hòng đem lại hòa bình bền vững hơn cho khu vực này, nhưng đáng tiếc là người Palestine lại thường bị gạt ra ngoài, hoặc ít nhất là vận mệnh của người Palestine đã không được quan tâm đúng mức.
Nguồn: Reuters
Hiệp định Abraham do chính quyền Trump khởi xướng, thúc đẩy đã giúp nối lại quan hệ giữa Israel với một số nước Arab (UAE, Bahrain, Maroc, Sudan) nhưng bất chấp những lời hứa về trợ giúp tới 50 tỷ USD, người Palestine trên thực tế hầu như chẳng được hưởng lợi gì cả về chính trị lẫn kinh tế. Có lẽ chính vì thế, giờ là lúc các cánh vũ trang của người Palestine đã không can tâm ngồi nhìn Israel và Arab Saudi đàm phán hòa bình với nhau. Cuộc tấn công và xung đột vũ trang dữ dội hiện nay giữa Israel và Hamas chắn chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí là có thể kết liễu quá trình hòa giải đó. Là đối thủ lớn của cả hai, Iran chắc chắn là bên thứ ba đầu tiên được hưởng lợi trực tiếp từ cuộc tấn công vừa rồi bởi còn gì tốt hơn khi ngăn cản được hai địch thủ lớn và trực tiếp không bắt tay kết thân được với nhau.
Trong tình thế này, Nga vô tình trở thành “ngư ông đắc lợi” bởi nhiều khả năng họ sẽ gián tiếp được hưởng lợi lớn từ những diễn biến vừa qua ở Trung Đông. Trước hết là về kinh tế, khi khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới rơi vào bất ổn, nguồn cung dầu khó khăn hơn khiến giá dầu sẽ tăng và Nga mặc nhiên sẽ thu được nhiều tiền hơn từ xuất khẩu dầu mỏ. Thứ hai và quan trọng hơn cả là tình hình căng thẳng giữa Hamas và Israel sẽ thu hút được phần nào sự chú ý và nguồn lực ngoại giao của Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung ra khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
Trước nguy cơ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn, Israel hẳn sẽ phải dừng ngay những hứa hẹn trợ giúp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine, đặc biệt là lá chắn Vòm sắt mà Ukraine đang rất mong chờ nhưng cũng là thứ Nga luôn kịch liệt phản đối. Và quan trọng hơn cả là Mỹ, nước đã nhanh chóng khẳng định sẽ “đảm bảo để Israel có tất cả những gì cần thiết để tự vệ” nhất định sẽ phải xác định lại ưu tiên trợ giúp quốc phòng cho các nước, trong đó Ukraine chắc chắn không còn được ưu tiên cao như hiện nay. Như thế, điều mà Nga luôn yêu cầu để kết thúc cuộc chiến là Mỹ và phương Tây phải chấm dứt bơm vũ khí cho Ukraine nhưng chẳng ai lắng nghe thì nay bất ngờ được đáp ứng, ít nhất là một phần, dù thái độ với Nga và cuộc chiến ở Ukraine chưa hề thay đổi.
Để có thể hình dung Nga sẽ được hưởng lợi như thế nào nếu nguồn vũ khí Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine bị cắt giảm, hãy cùng xem xét số liệu sau. Theo báo New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ và Israel, từ đầu cuộc chiến cho tới nay, Washington đã chuyển cho Ukraine hơn 2 triệu viên đạn pháo 155mm lấy cả từ các kho dự trữ ở trong và ngoài nước, trong đó có 300.000 viên từ một "kho dự trữ khổng lồ nhưng ít được biết đến" nằm trong lãnh thổ Israel.
Vì là 2 bên đối đầu nhau trực tiếp, điều gì có lợi cho Nga bao nhiều thì hại cho Ukraine bấy nhiêu, và ngược lại. Nhưng trớ trêu thay, Ukraine khó có thể phàn nàn nếu nguồn cung vũ khí từ Mỹ và Israel sắp tới bị cắt giảm bởi theo một số nguồn tin (chưa được kiểm chứng), ngay sau vụ tấn công vừa rồi, Hamas đã công khai “cảm ơn Ukraine” vì đã cung cấp vũ khí cho họ. Vậy là chính những vũ khí mà Mỹ và Israel cung cấp cho Ukraine thì bằng cách nào đó đã lọt vào tay của nhóm Hamas rồi được dùng chống lại chính người Israel. Thật “họa vô đơn chí” cho Kiev khi điều này xảy ra bên cạnh bối cảnh không kém bi quan là cùng với việc Washington vừa qua đã trì hoãn thông qua gói viện trợ quân sự trên 6 tỷ USD như đã hứa từ trước cho Ukraine thì ở châu Âu, ngoài việc Hungary từ lâu đã không ủng hộ Kiev, nay các đồng minh thân cận như Ba Lan, Slovakia cũng đã thẳng thừng tuyên bố “sẽ dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine”, và mới nhất là Italia khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này cũng đã công khai làm rõ “khả năng viện trợ cho Ukraine không phải là vô hạn”.
Tuy nhiên ai thực sự sẽ là “ngư ông đắc lợi” sau tất cả những diễn biến này vẫn sẽ còn là một ẩn số lớn. Có thể nói rằng cuộc tấn công mới đây của nhóm Hamas nhằm vào Israel là lời nhắc nhở rằng chính trị quốc tế luôn đầy rẫy những bất ngờ. Dù đúng hay sai, tin tức về việc vũ khí cung cấp cho Ukraine có thể đã rơi vào tay Hamas đang làm phức tạp thêm một vấn đề vốn đã phức tạp, phủ bóng đen lên khả năng các đồng minh phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine như thời gian đầu của cuộc chiến. Mối quan hệ tương tác qua lại nhiều chiều giữa những sự kiện này nhắc nhở chúng ta rằng các quốc gia không hoạt động biệt lập: tất cả ở trên một bàn cờ lớn và một tác động đủ mạnh ở một góc, cả thế cờ có thể bị đảo lộn hoàn toàn.
Sự phức tạp và khó đoán này khiến việc dự đoán kết cục của những cuộc xung đột kéo dài như xung đột giữa Nga và Ukraine trở nên đặc biệt khó khăn. Mấu chốt của vấn đề không chỉ là mối quan hệ song phương giữa các bên tham chiến mà là cả mối liên hệ của các tác nhân bên ngoài, bao gồm các quốc gia và các chủ thể phi nhà nước khác, mỗi bên có các mục tiêu và áp lực nội bộ riêng của mình. Vì điều này, gần như không thể dự đoán chính xác xung đột Nga-Ukraine sẽ giải quyết như thế nào và khi nào. Các yếu tố như giá dầu toàn cầu thay đổi, những xung đột mới tiềm ẩn có thể bùng nổ hoặc những thay đổi trong bối cảnh chính trị trong nước đều có thể góp phần tạo ra những bước ngoặt không lường trước được trong quỹ đạo xung đột. Trong bối cảnh đầy biến động này, cần nhớ rằng nghệ thuật địa chính trị nằm ở việc liên tục thích ứng với một bàn cờ đa chiều, không ngừng thay đổi, trong đó ngay cả một động thái được tính toán kỹ lưỡng cũng có thể mang lại những kết quả hoàn toàn bất ngờ.
Ngô Tiến Long là nhà Ngoại giao chuyên nghiệp đã nghỉ hưu; trưởng thành từ cán bộ nghiên cứu khu vực Đông Âu; đã từng là Cục trưởng Bộ Ngoại giao & Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (sau là TG&VN) của BNG. Ông hiện là 1 facebooker hàng ngày có bài phản ánh suy nghĩ cá nhân về các vấn đề thời sự nổi cộm trong nước và trên thế giới.