#3 - Bầu cử tăng nhiệt, chính sách nhập cư nóng theo
Ngô Tiến Long
Mỹ vốn nổi tiếng là một quốc gia của người nhập cư đến từ tất cả các châu lục. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn là nước có lượng người nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đến nhiều nhất & nay vẫn là nước có số lượng người nhập cư cao hơn tổng số người nhập cư vào các nước khác cộng lại. Mặc dù vậy, với thời gian, dòng người người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, đặc biệt là từ phía Mexico, ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối đối với nước này & Bức tường biên giới Mỹ - Mexico ra đời là nhằm đối phó với vấn đề này.
Lịch sử hình thành Bức tường biên giới
Bức tường biên giới Mỹ - Mexico là một loạt các bức tường và hàng rào dọc biên giới 2 nước nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp từ các nước nghèo ở khu vực Caribe/Mỹ La-tinh qua Mexico vào Mỹ. “Bức tường” đầu tiên được xây dựng là vào năm 1911 dưới dạng một hàng rào đơn giản dài khoảng 30km nhằm ngăn chặn gia súc qua lại & ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Trước tình trạng người nhập cư từ Mexico vào Mỹ ngày càng tăng, năm 1979, chính quyền Tổng thống Jimmy Carter đã cho phủ dây thép gai dọc hàng rào biên giới Mỹ - Mexico & việc này sau đó tiếp tục được thực hiện bởi chính quyền Bill Clinton. Kết quả là hơn 300km đường biên giới Mỹ - Mexico đã được bảo vệ bằng hàng rào kim loại. Năm 2006, Tổng thống George W. Bush bổ sung và gia cố hơn 1.000km đường biên giới phía Nam này & tăng gấp đôi lực lượng tuần tra biên giới. Đến thời Tổng thống Barack Obama, ông cho triển khai tiếp 1 biện pháp công nghệ là lắp đặt camera chụp ảnh nhiệt ở tuyến “Tường” biên giới này. Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng của nhiều đời tổng thống Mỹ, thực tế cũng chỉ có khoảng 1/3 trong tổng số 3.200km đường biên giới giữa Mỹ với Mexico được ngăn cách bởi một bức tường.
Từ Bức tường Trump tới Đạo luật Quốc tịch Mỹ của Biden
Tổng thống Donald Trump trong 4 năm cầm quyền của mình đã dành một khoản tiền lớn quyết xây dựng 1 tuyến biên giới cứng với Mexico để chặn dòng người di cư bất hợp pháp như những gì đã hứa trong lúc tranh cử. Tuy nhiên đến cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, bức tường vẫn chưa hoàn thành, đồng thời đã trở thành nguồn cơn của nhiều tranh cãi trong nội bộ Mỹ. Theo tờ Independent nhận định, bức tường biên giới của ông Trump trên thực tế đã góp phần gây ra thêm nhiều cái chết cho con người (Theo GS. Chris Zepeda-Millán của Đại học Chicago, từ khi có tường đã có 460 người/năm chết ở đấy vì không sang Mỹ được so với trung bình số người chết chỉ là 100 người/năm trong những thập niên trước khi có tường), phá hủy một hệ sinh thái mong manh, và tác động tiêu cực đến các bộ lạc bản địa. Cũng theo ý kiến này, bức tường đã không đạt được mục tiêu, vì các yếu tố gốc rễ của việc di cư không được giải quyết.
Ngay sau khi tiếp quản Nhà trắng, Tổng thống Biden đã quyết định chấm dứt dự án xây tường biên giới còn đang dang dở của ông Trump và Nhà Trắng, hôm 18/2/2021 đã công bố Dự luật nhập cư mới giúp mở ra lộ trình 8 năm trở thành công dân Mỹ cho hàng triệu người nhập cư đã ở nước này. Động thái này được cho là thể hiện ý định của ông Biden như trên nhằm đảo ngược các hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump và sẽ củng cố các chính sách của Cựu Tổng thống Obama như Hành động hoãn trục xuất 2 năm đối với trẻ em nhập cư lậu (DACA) trên thực tế không phải là giải pháp hợp lý để đối phó hiệu quả với làn sóng nhập cư ngày càng tằng từ Mexico vào Mỹ.
Áp lực bầu cử: chính quyền Biden “quay xe”
Thực tế thì chính quyền của Tổng thống Joe Biden gần đây đã mạnh tay ngăn chặn dòng người nhập cư qua biên giới Mỹ - Mexico. Theo CBS News, trong tháng 9/2023 vừa qua, Biên phòng Mỹ đã tiến hành khoảng 210.000 vụ bắt giữ người nhập cư trái. Trong năm tài khóa 2022, Mỹ cũng đã chặn hơn 2 triệu lượt người di cư bất hợp pháp qua biên giới từ Mexico.
Làn sóng người vượt biên bất hợp pháp nhiều tuần qua một lần nữa lại dấy lên cuộc tranh cãi trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm thắt chặt việc kiểm soát tình trạng di cư trái phép chưa từng có trong những năm gần đây. Ngày 5/10 vừa qua, chính quyền Biden cho biết họ sẽ xây dựng thêm các phần Bức tường biên giới để ngăn làn sóng vượt biên kỷ lục của người di cư từ Mexico. Cụ thể hơn, Bộ An ninh Nội địa Mỹ trước đó đã ra thông báo sẽ xây tường biên giới ở hạt Starr, bang Texas, nơi tình trạng người di cư xâm nhập bất hợp pháp đang ở mức cao.
Dù có giải thích là “không đi chệch khỏi lời hứa của ông Biden trước đó vì số tiền dự kiến sử dụng trong dịp này vốn đã được phân bổ trong nhiệm kỳ của ông Trump”, không ai có thể phủ nhận thực chất là chính quyền Joe Biden đã buộc phải thực thi một chính sách kiểm soát biên giới theo cách cứng rắn hơn với Mexico mang đậm dấu ấn của Trump.
Quyết định của chính quyền Biden nhằm thắt chặt kiểm soát nhập cư và mở rộng bức tường biên giới Mỹ - Mexico cho thấy một sự đảo ngược chính sách đáng chú ý. Mặc dù được coi là một sự điều chỉnh cần thiết, nhưng sự thay đổi này thừa nhận rõ ràng những áp lực chính trị gắn liền với vấn đề gây phân cực này. Ở một góc nhìn khác, sự “quay xe” này của chính quyền Biden có thể được coi là một phần của xu thếrộng lớn hơn ở nhiều nền dân chủ Tây Âu.
Ở Châu Âu, sự thay đổi hướng tới các biện pháp kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt hơn đặc biệt nổi trội, với các đảng bảo thủ và cánh hữu đang tác động đến các chính phủ để họ phải điều chỉnh lại lập trường chính sách. Những nhân vật như bà Angela Merkel của Đức, người ban đầu ủng hộ các chính sách nhập cư cởi mở hơn, sau này cũng đã phải điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình để ứng phó với những làn gió chính trị đổi chiều. Đây không chỉ đơn thuần là một sự thay đổi về ý thức hệ mà còn là một phản ứng phức tạp trước sự kết hợp của nhiều yếu tố: áp lực di cư gia tăng, những lo ngại về an ninh quốc gia và sự trỗi dậy của các phong trào dân túy. Cũng giống như Mỹ, các nước châu Âu đang “đu dây”, cố gắng dung hòa trách nhiệm nhân đạo với cách quản lý thực dụng và những yêu cầu của chính trị đối nội.
Cả ở Mỹ và Châu Âu, những điều chỉnh về chính sách nhập cư thể hiện những thách thức phức tạp và lâu năm trong quản trị trong lĩnh vực này. Nhập cư là một chủ đề không chỉ gây chia rẽ mà còn rất khó để giải quyết dứt điểm ,nếu không phải là bất khả thi. Sự phức tạp xuất phát từ thực tế là vấn đề này đan xen với vô số mối quan tâm khác - bản sắc dân tộc, lợi ích kinh tế và an ninh, cùng nhiều mối quan tâm khác. Điều này khiến cho việc nhập cư khó có thể không còn là một vấn đề gây tranh cãi; đó là một bài toán muôn thuở mà các chính phủ sẽ tiếp tục phải giải quyết, thường xuyên bị mắc kẹt giữa các mệnh lệnh đạo đức, nhu cầu an ninh và bối cảnh thay đổi không ngừng nghỉ của nền chính trị bầu cử.
Ngô Tiến Long là nhà Ngoại giao chuyên nghiệp đã nghỉ hưu; trưởng thành từ cán bộ nghiêu cứu khu vực Đông Âu; đã từng là Cục trưởng Bộ Ngoại giao & Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (sau là TG&VN) của BNG. Ông hiện là 1 facebooker hàng ngày có bài phản ánh suy nghĩ cá nhân về các vấn đề thời sự nổi cộm ở trong nước & trên thế giới.