#14 - Thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ từ Singapore

Dưới đây là bản dịch bài viết “Why America Should Drop Its Obsession With Being No. 1: A letter from Singapore to the next U.S. president” được đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 4/9/2024:

Kính thưa Bà/Ngài Tổng thống,

Xin chúc mừng Bà/Ngài đã lãnh đạo Mỹ trong một cuộc đổi mới chính trị. Khu vực Đông Nam Á chúng tôi trong nhiều thập kỷ đã luôn ngưỡng mộ và trân trọng những đóng góp của nước Mỹ dành cho thế giới. Mỹ đã giành được sự ngưỡng mộ của chúng tôi bằng cách chia sẻ Giấc mơ Mỹ, chỉ ra đường đến thành công, và làm gương cho tất cả.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng mọi thứ đã thay đổi. Ngay cả những kết quả mà Bà/Ngài đã đấu tranh cho bấy lâu nay - chủ nghĩa đa phương, hay một sân chơi bình đẳng; một nền kinh tế thế giới mạnh mẽ - giờ đây dường như đang chống lại đất nước của Bà/Ngài. Vào cuối thế kỷ 20, nước Mỹ đã đề xuất ba ý tưởng lớn: một hệ tư tưởng chính trị, hiệu suất kinh tế và lợi thế so sánh. Những điều này hứa hẹn một xã hội toàn cầu thịnh vượng và bình đẳng hơn. Nhưng chúng đã không mang lại kết quả như Bà/Ngài mong muốn. Điều đó hẳn sẽ khiến bất kỳ ai cảm thấy nản lòng và kiệt sức.

Tuy nhiên, tôi tin rằng thế giới có thể tiếp tục chiều lòng nước Mỹ và tất cả chúng ta. Để thành công, chúng ta chỉ cần tránh rơi vào bế tắc. Chúng ta thậm chí không cần phải chủ đích hợp tác hay đồng ý với nhau. Tôi có ba đề xuất như sau 

Thứ nhất, hãy tự hỏi điều gì thực sự quan trọng; hãy gác lại câu chuyện vị thế số 1 thế giới. Bà/Ngài có biết điều gì sẽ xảy ra với lối sống của người dân và hệ thống chính phủ Mỹ nếu nó tụt xuống vị trí số 2 không? Hoàn toàn không có gì cả.

Điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến cách chúng tôi ở Đông Nam Á cư xử và tương tác với Mỹ hoặc với Trung Quốc hoặc với bất kỳ ai khác. Chúng tôi hiểu rằng một quốc gia có thể là số 1 vì nó thực sự xuất sắc. Hoặc nó có thể là số 1 chỉ vì nó cố tình ngăn cản nước khác khác vươn lên. Đất nước của Bà/Ngài đến Đông Nam Á và yêu cầu chúng tôi chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, viện dẫn rằng cả hai đang kẹt trong thế cạnh tranh nước lớn. Chúng tôi đã khẳng định rằng chúng tôi sẽ không chọn bên.

Thứ hai, điều chúng tôi cho rằng thực sự quan trọng là chăm sóc người dân của Bà/Ngài. Hoàn cảnh của những người bất hạnh, yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội Mỹ không ăn nhập với thành công mà Bà/Ngài tuyên bố về sự phát triển kinh tế và xã hội quốc gia. Tại sao hệ thống của Mỹ lại hoạt động kém hiệu quả đến mức 50% dân số của nước này ngày nay hầu như không khá hơn là bao so với nhiều thập kỷ trước?

 Thứ ba, đừng quá bận tâm về thế giới. Điều này không có nghĩa là đóng cửa với thế giới để rút lui về lãnh địa bao quanh bởi bạn bè ở phía bắc và phía nam và bởi cá ở phía đông và phía tây. Nhưng chúng tôi cũng không yêu cầu thái cực ngược lại, rằng Mỹ phải tìm cách nhúng tay vào mọi vấn đề của thế giới. Đó là một công thức chắc chắn dẫn đến sự căng trải quá mức.

Thay vào đó, chúng tôi muốn Bà/Ngài chỉ theo đuổi lợi ích của chính mình. Như nhà kinh tế học Adam Smith đã chỉ ra trong " Sự thịnh vượng của các quốc gia ", chúng ta có thể trông đợi vào món ngon trên bàn ăn của mình không phải vì chúng ta nghĩ người bán thịt, thợ nấu bia, hay thợ làm bánh mì có lòng nhân từ mà bởi ta có thể trông đợi vào họ hành động vì lợi ích của bản thân.

Chúng tôi ở Đông Nam Á chỉ mong muốn một sự hợp tác vô tình. Trong khu vực của mình, chúng tôi đã thực hành điều này. Các quốc gia khác nhau có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Mặc dù mỗi bên rõ ràng có mâu thuẫn về lợi ích và mỗi nước đều có chương trình nghị sự riêng, chúng tôi vẫn có thể cùng nhau chung sống hoà bình ở vùng biển đó. Ngược lại, việc cố gắng đạt được hợp tác thông qua thỏa thuận thường không hiệu quả vì sự đồng thuận rất khó để đạt được. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà chúng tôi và đất nước của Bà/Ngài đã dày công xây dựng trong nhiều năm, nhanh chóng tan rã ngay sau khi nước Mỹ quyết định rằng nó không còn phù hợp. Khi cần đến sự hợp tác toàn diện, việc không đạt được nó có thể là một thất bại to lớn.

 Giờ tôi xin phép được nói thẳng. Chúng tôi không muốn Mỹ can thiệp vào mọi vấn đề vì đôi khi khi làm vậy, nước Mỹ lại gây rối. Khi Bà/Ngài không thực sự tâm huyết với một dự án hoặc không đặc biệt giỏi về nó hoặc không hiểu những gì phần còn lại của chúng tôi mong muốn, xin hãy thoải mái lui về sân nhà của mình. Chúng tôi khá thoải mái với chủ nghĩa “tiểu đa phương”, nơi mỗi bên giữ lập trường riêng về những lĩnh vực mà chúng ta có thể bất đồng. Thế giới không nhất thiết lúc nào cũng phải theo chủ nghĩa đa phương.

Đây là cách để ba đề xuất này có thể được chuyển hoá thành chính sách. Xin nhớ rằng người Đông Nam Á đánh giá qua hành động. Khi chúng tôi thấy những gì Bà/Ngài tuyên bố là đúng đắn, không cần nói thêm gì chúng tôi vẫn ủng hộ. Nhưng hãy chứng minh bằng hành động - đừng chỉ nói suông.

 Một khi Bà/Ngài đã từ bỏ nỗi ám ảnh về vị trí số 1, quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ không còn phải mang tính đối đầu nữa. Có thể có một kết quả đôi bên cùng có lợi, nơi Trung Quốc tiếp tục phát triển thịnh vượng và Mỹ được hưởng an ninh kinh tế.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã nói về sự thăng trầm của dân chủ ngay tại đất nước mình. Antony Blinken, trước khi trở thành Ngoại trưởng, đã nhận xét rằng ngay cả khi nền dân chủ đang thoái trào trên khắp thế giới, tại Mỹ cũng vậy, với cựu Tổng thống Donald Trump khi đó "đang từng ngày phá hoại các thể chế, giá trị và người dân của đất nước". Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, nước Mỹ đã quá tin tưởng rằng các giá trị chính trị và xã hội của mình là phổ quát - và rằng nền dân chủ kiểu Mỹ luôn mạnh mẽ và bền vững.

Nếu sân chơi bình đẳng được xây dựng trên chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa - những ý tưởng và thể chế tuyệt vời mà Mỹ đã trao tặng cho thế giới - đang bị xói mòn bởi những kẻ không tuân thủ luật lệ, giải pháp đúng đắn là tìm hiểu tại sao hệ thống này lại mỏng manh và dễ bị thao túng đến vậy. Để cho các lực lượng bảo hộ, chống toàn cầu hóa của Mỹ phá hủy một hệ thống đã đưa hàng trăm triệu người trên khắp thế giới thoát khỏi đói nghèo và tạo cơ hội cho sự tiến bộ liên tục ở Đông Nam Á và Đông Á không phải là giải pháp.

Sẽ có những người xung quanh Bà/Ngài khăng khăng gọi thời kỳ cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Hãy tránh xa cách diễn đạt đó. Trong Chiến tranh Lạnh thế kỷ XX giữa Mỹ và Liên Xô, đối thủ của Mỹ đã cố gắng áp đặt một hệ tư tưởng và một hệ thống kinh tế-xã hội có khả năng đe dọa lối sống của người Mỹ và nền tảng của chính phủ Mỹ. Ngày nay, Bắc Kinh, với tất cả những khuyết điểm của họ, không có ý đồ nào như vậy đối với xã hội và chính phủ Hoa Kỳ. Trong cuộc cạnh tranh hiện tại với Trung Quốc, Mỹ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, các ngành công nghiệp bị đe doạ, các thị trấn ma xuất hiện từ nơi cộng đồng tầng lớp trung lưu đang phát triển. Không ai thấy điều tương tự trong cuộc đối đầu của Mỹ với Liên Xô. Gọi thời kỳ này là chiến tranh lạnh là một nỗ lực hồi sinh một sách lược từng hiệu quả chống lại một đối thủ hoàn toàn khác.

Từ góc nhìn của Đông Nam Á, chúng tôi nhận thấy có một mối quan hệ nhân quả hai chiều và sự kết nối giữa những thách thức nội bộ của Mỹ và hành vi của nước này trên trường quốc tế. Cải thiện phúc lợi của nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội Mỹ và tạo cơ hội cho họ thông qua các thể chế công và cơ sở hạ tầng trong nước mạnh mẽ cùng các trường đại học đẳng cấp thế giới sẽ không chỉ giúp ích cho sự gắn kết trong xã hội Mỹ mà còn một lần nữa khiến nước này trở thành tấm gương cho chúng tôi noi theo.

Năm 1967, Richard Nixon đã viết về Trung Quốc: "Không có chỗ trên hành tinh nhỏ bé này cho một tỷ người có tiềm năng nhất sống trong sự cô lập đầy thù địch." Kể từ đó, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng một thế giới có đủ chỗ cho một Trung Quốc đang trỗi dậy. Dù ở Đông Nam Á hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, giờ đây chúng tôi cũng không thể xây dựng một thế giới cho một nước Mỹ bất ổn và bất an. Chúng tôi muốn có Mỹ trong thế giới của chúng tôi - cũng như chúng tôi muốn Trung Quốc ở trong đó.

Previous
Previous

#15 - Tranh luận tiếp theo về Trí tuệ nhân tạo: Cuộc chơi địa chính trị mới

Next
Next

#13 - “Học thuyết” Kamala Harris?