#16 - Sự trở lại của Samuel Huntington
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào cuối thập niên 1980, hai luận thuyết nổi bật đã xuất hiện để dự báo về tương lai của trật tự thế giới. Francis Fukuyama, trong bài viết "Sự kết thúc của lịch sử" (1989), lạc quan cho rằng dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường sẽ lan rộng toàn cầu, đánh dấu điểm cuối của cuộc đấu tranh ý thức hệ. Ngược lại, Samuel Huntington, với "Sự va chạm giữa các nền văn minh" (1993), cảnh báo rằng xung đột toàn cầu trong tương lai sẽ diễn ra giữa các khối văn minh khác nhau - Tây phương, Trung Hoa, Hồi giáo, Ấn Độ giáo... - với những giá trị văn hóa và bản sắc riêng biệt. Trong ba thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, bùng nổ xung đột sắc tộc-tôn giáo, và gần đây là khuynh hướng một số cường quốc tự định vị là các "quốc gia-văn minh". Những phát triển này đặt ra câu hỏi: liệu tầm nhìn nào đang thắng thế trong cuộc tranh luận lịch sử này? Bài viết dưới đây có câu trả lời.
Dưới đây là bản dịch bài viết “Samuel Huntington Is Getting His Revenge” được đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 21/2/2025:
Ngày 21 tháng 2 năm 2025
GS. Nils Gilman Viện trưởng điều hành, Viện nghiên cứu Berggruen
Chúng ta đang đứng trước một sự chuyển dịch mang tính bước ngoặt trong quan hệ quốc tế, có tầm ảnh hưởng không kém các thời điểm lịch sử 1989, 1945 hay 1919. Đây là một sự chuyển đổi mang tính thế hệ. Như những lần trước, sự suy tàn của trật tự quốc tế tự do - vốn đã định hình từ thập niên 90 - đang mở ra một thời kỳ đan xen giữa kỳ vọng và lo âu, khi các định đề cũ, dù tích cực hay tiêu cực, đều đang bị xoá bỏ. Trong những thời khắc bước ngoặt như vậy, không phải những nhà điều hành thực tài mà chính những nhân vật có sức hút và biết nắm bắt thời cơ mới thực sự toả sáng.
Nhìn lại các thời điểm chuyển giao trước đây, chúng ta thấy rằng trật tự cũ thường mục rữa một cách từ từ trước khi sụp đổ hoàn toàn. Dù không phải lúc nào người đương thời cũng nhận thức được điều này, nhưng khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng trật tự mới vốn đã manh nha từ lâu. Chẳng hạn như năm 1919, việc phi pháp hóa chiến tranh và thiết lập một nghị viện các quốc gia đã được đưa ra thảo luận từ nhiều thập kỷ trước đó. Năm 1918, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã đề xuất nguyên tắc "tự quyết dân tộc" như một tiêu chí công nhận quốc gia (dù chỉ áp dụng cho các quốc gia do người da trắng lãnh đạo). Đến năm 1945, ý tưởng về một Hội Quốc Liên được cải tổ với Hội đồng Bảo an có thực quyền đã được hoạch định từ năm 1942 - mặc dù sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân vào cuối cuộc chiến đã làm thay đổi các tính toán chiến lược, mở đường cho Chiến tranh Lạnh sau đó. Và trước năm 1989, khái niệm về một trật tự quốc tế "tự do" hay "dựa trên luật lệ" như một giải pháp thay thế cho các cuộc đấu tranh quyền lực Đông-Tây và Bắc-Nam đã được đề xuất từ thập niên 70.
Trật tự bá quyền hậu Chiến tranh Lạnh hình thành trong thập niên 90 dựa trên một số trụ cột có tính chuẩn tắc: (a) biên giới quốc tế không thể bị thay đổi bằng vũ lực - việc bảo vệ chuẩn mực hậu chiến này chính là nguyên nhân dẫn tới Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991; (b) nguyên tắc chủ quyền quốc gia vẫn được tôn trọng, trừ khi xảy ra những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng - một ngoại lệ sau này được chính thức hóa dưới khái niệm "trách nhiệm bảo vệ" (R2P – Responsibility to Protect); (c) hội nhập kinh tế và tài chính toàn cầu cần được tất cả các bên chấp nhận vì thương mại tự do và công bằng sẽ mang lại lợi ích cho mọi bên; và (d) tranh chấp giữa các quốc gia sẽ được giải quyết thông qua đàm phán pháp lý trong các thể chế đa phương - việc nâng cấp Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995 là biểu hiện thể chế tiêu biểu cho nguyên tắc này.
Tất nhiên, không một trụ cột nào trong số này không gặp phải sự phản kháng; bá quyền không đồng nghĩa với sự đồng thuận. Trong 15 năm qua, mỗi trụ cột đều bị thách thức ngày càng trực diện, đặc biệt là từ Nga dưới thời Putin và Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Điều đáng chú ý là Mỹ - quốc gia vốn tự nhận là người bảo vệ kiên định nhất cho các nguyên tắc này trong thập niên 1990 và 2000 - nay lại đang bác bỏ tất cả những nguyên tắc đó. Như Nathan Gardels đã chỉ ra cách đây vài tuần, dưới sự lãnh đạo của một Donald Trump mới tái đắc cử, Mỹ đã trở thành cường quốc theo chủ nghĩa xét lại số một thế giới - một nhận định được Howard French gần đây tái khẳng định.
Khi trật tự cũ đang dần suy tàn, câu hỏi then chốt trong quan hệ quốc tế hiện nay là bản chất của trật tự mới đang hình thành sẽ là gì. Bất kể trật tự này cuối cùng được gọi bằng tên gì, những đặc điểm định hình của nó sẽ bao gồm chủ nghĩa giao dịch có tổng bằng không (zero-sum transactionalism) trong kinh tế quốc tế, chính trị cường quyền theo kiểu Thucydides - nơi "kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu chịu đựng những gì họ phải chịu" - và những tuyên bố mạnh mẽ về chính trị bản sắc tập trung vào các "quốc gia - văn minh" (civilizational states). Những đặc điểm này sẽ định hình trên một sân chơi quốc tế công bằng hơn nhiều so với thời điểm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, mà Charles Krauthammer đã gọi là "khoảnh khắc đơn cực", khi Mỹ xuất hiện như một "siêu cường độc tôn" theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine.
Trong giai đoạn tái định hình trọng đại cuối cùng đó, cuộc tranh luận nổi bật nhất trong quan hệ quốc tế là giữa luận điểm "Sự kết thúc của lịch sử" của Francis Fukuyama (xuất hiện chỉ vài tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ) và "Sự va chạm giữa các nền văn minh" của Samuel Huntington, công bố bốn năm sau đó. Bản thân Fukuyama cũng thừa nhận rằng "sự kết thúc của lịch sử" không phải là "một phát biểu về điều kiện thực nghiệm của thế giới, mà là một lập luận chuẩn tắc về tính chính danh và tính hiệu quả của các thể chế chính trị dân chủ tự do". Tuy nhiên, nhóm ủng hộ chủ nghĩa tự do khi đó cho rằng tầm nhìn chuẩn tắc của Fukuyama đáng được ủng hộ. Và đến đầu thế kỷ này, các nhà tự do có thể nhìn vào những cải cách ở nước Nga dưới thời Boris Yeltsin và Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân để tự thuyết phục rằng Fukuyama đã thắng cuộc tranh luận cả về nội dung lẫn phong cách.
Nhưng Huntington thì không đồng tình. Giống như Fukuyama, Huntington - một trong những đồng sáng lập của tạp chí Foreign Policy - cho rằng các ranh giới thời Chiến tranh Lạnh giữa phương Đông cộng sản và phương Tây dân chủ, giữa phương Bắc giàu có và phương Nam nghèo đói "không còn phù hợp nữa". Nhưng trong khi nhà quốc tế tự do (liberal internationalist) Fukuyama dự đoán rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh báo hiệu một nền hòa bình vĩnh cửu giữa các quốc gia đều thống nhất về các nguyên tắc dân chủ bầu cử và chủ nghĩa tư bản có quản lý (điều mà Fukuyama gọi là "hình thái cuối cùng của chính quyền loài người"), thì nhà hiện thực Huntington lại thấy trước một thế giới tiếp tục đầy rẫy xung đột, dù theo những trục mâu thuẫn hoàn toàn khác.
Đối với Huntington, các chủ thể địa chính trị then chốt giờ đây là các "nền văn minh", được định nghĩa theo cách của sử gia người Anh Arnold J. Toynbee trong tác phẩm "Nghiên cứu về Lịch sử" (xuất bản thành 12 tập từ 1934 đến 1961). Theo Huntington, các "đường đứt gãy" (chú ý ẩn dụ mang tính kiến tạo địa chất đầy cảnh báo) giữa các nền văn minh sẽ là điểm đứt gãy trong trật tự hậu Chiến tranh Lạnh.
"Bản sắc văn minh sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong tương lai, và thế giới sẽ được định hình phần lớn bởi sự tương tác giữa bảy hoặc tám nền văn minh chính. Những nền văn minh này bao gồm phương Tây, Khổng giáo, Nhật Bản, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Chính thống giáo Slavơ, Mỹ Latinh và có thể cả văn minh châu Phi. Những xung đột quan trọng nhất trong tương lai sẽ xảy ra dọc theo các đường ranh văn hóa phân chia các nền văn minh này."
Tầm nhìn của Huntington về trật tự mới rõ ràng bi quan hơn nhiều so với của Fukuyama, dù cả hai đều thể hiện sự lưỡng phân. Fukuyama kết thúc bài viết của mình bằng nhận định rằng cái giá của hòa bình vĩnh cửu sẽ là sự tẻ nhạt của chủ nghĩa kỹ trị, trong đó "sự táo bạo, lòng can đảm, trí tưởng tượng và chủ nghĩa lý tưởng" của cuộc đấu tranh ý thức hệ sẽ nhường chỗ cho "những tính toán kinh tế đơn thuần, việc giải quyết bất tận các vấn đề kỹ thuật, những quan ngại về môi trường, và việc thỏa mãn những đòi hỏi ngày càng tinh vi của người tiêu dùng".
Ngược lại, Huntington lập luận rằng bản sắc nhóm, dựa trên những khác biệt sâu sắc về văn hóa, sẽ tồn tại lâu dài và chỉ càng trở nên rõ rệt hơn khi các hệ tư tưởng phổ quát của Chiến tranh Lạnh suy tàn. Trong cuốn sách năm 1996 mở rộng lập luận từ bài tiểu luận ban đầu, ông dự báo một trạng thái cân bằng mơ hồ dựa trên các "quốc gia trung tâm" áp đặt sự thống trị trong phạm vi "khu vực ảnh hưởng văn minh" của họ.
Một mặt, "sự va chạm giữa các nền văn minh là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới" bởi việc nhấn mạnh vào những khác biệt văn hóa không thể hóa giải tạo nền tảng cho sự thù địch vĩnh viễn. (Huntington cũng tiên đoán rằng thái độ thù địch với người nhập cư sẽ là đặc điểm định hình của chính trị nội bộ trong một trật tự thế giới được định nghĩa bởi sự va chạm giữa các nền văn minh.)
Mặt khác, chừng nào tất cả những ai bên trong trật tự mới này nhận ra sự điên rồ của việc cố gắng áp đặt hệ thống văn hóa của mình lên các nền văn minh "ngoại lai", thì "một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh là bảo đảm chắc chắn nhất chống lại một cuộc chiến tranh thế giới". Sự thù địch văn hóa giữa các nền văn minh có thể là không thể tránh khỏi, nhưng với may mắn, "sự đụng độ" có thể chỉ bao gồm những va chạm ồn ào, thay vì xung đột bạo lực.
So với Fukuyama, bài luận và cuốn sách tiếp theo của Huntington, nếu có gì khác biệt, còn nhận được nhiều sự chú ý hơn - phần lớn với giọng điệu phê phán gay gắt hơn. Các nhà sử học và nhân học học đã chỉ trích tính thiếu mạch lạc của khái niệm văn minh (điều mà chính Huntington cũng thừa nhận là không có hình thù rõ ràng), trong khi các học giả quan hệ quốc tế lưu ý rằng nhiều cuộc xung đột dữ dội nhất của thời đại - như các cuộc chiến tàn khốc giữa người Hồi giáo Sunni và Shia, cũng như trên khắp châu Phi - đang diễn ra trong nội bộ các nền văn minh, chứ không phải giữa chúng. Giới đa văn hóa, toàn cầu hóa và tự do ghét bỏ cuốn sách không phải vì phân tích động thái chính trị của nó mà vì chủ nghĩa phi đạo đức trắng trợn.
Trong hai thập kỷ đầu sau Chiến tranh Lạnh, trật tự quốc tế vận hành chủ yếu trong khuôn khổ chuẩn tắc của Fukuyama. Từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2010, các nhà lãnh đạo chính trị các quốc gia, dù miễn cưỡng đến đâu, đều tuân thủ các quy tắc "quốc tế tự do". Châu Âu đẩy mạnh hội nhập dưới cấu trúc hành chính của Liên minh châu Âu. Các tranh chấp thương mại được đưa ra WTO, và các phán quyết của tổ chức này thường được tôn trọng. Tội phạm chiến tranh bị truy đuổi không đồng đều, nhưng khi bị bắt, họ đều phải ra trước các tòa án quốc tế chính thức, dù là Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (thành lập năm 1993), Tòa án Hình sự Quốc tế về Rwanda (thành lập năm 1994), hay Tòa án Hình sự Quốc tế (thành lập năm 2002).
Khi Mỹ quyết định tiến hành chiến tranh - như ở vùng Balkans những năm 1990, ở Iraq năm 2003, và Libya năm 2011 - họ đều tìm kiếm sự ủng hộ pháp lý từ một thực thể quốc tế nào đó, dù là Liên Hợp Quốc hay NATO (mặc dù họ không để lá phiếu phủ quyết ngăn cản họ). Thực tế, George W. Bush đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và thay đổi chế độ ở Iraq được tiến hành theo quan điểm của Fukuyama chứ không phải Huntington: "Khi đề cập đến các quyền và nhu cầu chung, cơ bản của con người, không có sự đụng độ văn minh nào cả," ông tuyên bố. "Những đòi hỏi của tự do áp dụng đầy đủ cho châu Phi và Mỹ Latinh và toàn bộ thế giới Hồi giáo." “Người dân các quốc gia Hồi Giáo mong muốn và khao khát những quyền tự do và cơ hội giống như người dân ở những nơi khác. Chính phủ của họ nên lắng nghe nguyện vọng của người dân.”
Ngay cả Nga, quốc gia gánh chịu tổn thất địa chính trị nặng nề nhất trong trật tự hậu Chiến tranh Lạnh, và do đó không có gì đabgs ngạc nhiên khi trở thành cường quốc phản kháng quyết liệt nhất, cũng thể hiện sự tôn trọng với trật tự mới bằng cách chỉ thực hiện các cuộc sáp nhập trên thực tế - chứ không phải trên pháp lý - đối với các vùng lãnh thổ họ chiếm đoạt từ các quốc gia láng giềng (vùng Transnistria từ Moldova sau năm 1992, và các vùng Abkhazia cùng Nam Ossetia từ Georgia sau năm 2008). Mỗi trường hợp này có thể được xem như sự cống nạp mà cái xấu phải dâng cho cái thiện, nhưng dẫu sao đó vẫn là sự cống nạp.
Nếu tiếp cận theo tư duy của phái Fukuyama (hay nói cách khác, theo triết học Hegel), mỗi thời đại đều mang trong mình mầm mống của thời đại kế tiếp - dưới dạng các lực lượng đối kháng với trật tự đương thời. Đến đầu thập niên 2010, những vết rạn trong cấu trúc chuẩn mực của trật tự hậu lịch sử đã bắt đầu hiện rõ. Ngày càng nhiều cường quốc mới nổi tự định vị theo các phạm trù văn minh mà Huntington đã phác họa hai thập kỷ trước đó công khai bác bỏ những giá trị được coi là phổ quát vốn làm nền tảng cho trật tự quốc tế tự do. Trong khi vào thập niên 90, lãnh đạo của một số quốc gia nhỏ hơn như Singapore và Malaysia đã đề xướng khái niệm về "giá trị châu Á" (để đối lập với giá trị phương Tây), thì đến năm 2014, cả Putin và Tập Cận Bình đều công khai định vị Nga và Trung Quốc như những "nền văn minh" với những giá trị đặc thù không thể tương dung với (và theo quan điểm của họ, còn ưu việt hơn) những giá trị của các nền dân chủ phương Tây.
Nhìn lại một thập kỷ, năm 2014 nay được xem như thời điểm bước ngoặt khi sự mục rữa trong trật tự quốc tế tự do bắt đầu trở nên trầm trọng. Việc Nga chính thức sáp nhập bán đảo Crimea năm đó thể hiện một sự đoạn tuyệt rõ ràng, một sự bác bỏ thẳng thừng đối với một trong những trụ cột chính của trật tự quốc tế tự do - nguyên tắc không được thay đổi biên giới bằng vũ lực. Đáng chú ý là Putin biện minh cho hành động của mình bằng những lý lẽ "văn minh" rõ ràng, lập luận rằng Crimea từ xưa đã là một phần của "thế giới Nga". Tương tự, việc Narendra Modi và đảng BJP lật đổ đảng Quốc đại có khuynh hướng đa nguyên vào năm 2014 được thực hiện dưới ngọn cờ tư tưởng Hindutva, một hệ tư tưởng coi Ấn Độ như một quốc gia văn minh dựa trên tôn giáo Hindu (bất chấp sự hiện diện của hàng trăm triệu người Ấn Độ không theo đạo Hindu). Và sự xuất hiện của Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo tối cao không còn quan tâm đến tính mơ hồ chiến lược về khả năng tự do hóa của Trung Quốc, đồng thời ngày càng hướng tới đối đầu ý thức hệ trực diện, đã báo hiệu sự kết thúc của tầm nhìn không tưởng của Fukuyama. Đến giữa những năm 2010, làn sóng dân chủ hóa "thứ ba" trông giống một sự nguỵ tạo hơn là chỉ dấu của tương lai.
Từ góc nhìn này, một phần tư thế kỷ vừa qua giống như một thời kỳ ươm mầm dài cho tiên đoán của Huntington. Giờ đây, ta thấy rõ Huntington không phải đã sai về đường nét của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh đang thành hình, mà đúng hơn là ông chỉ đưa ra dự báo quá sớm. Ông đã chỉ ra được yếu tố đối kháng sẽ âm ỉ bên trong trật tự đó, chờ đợi thời cơ để trỗi dậy thành nền tảng cho trật tự kế tiếp - trật tự đã và đang thành hình rõ nét trong thập kỷ qua.
Nhìn từ thời kỳ vàng son của chủ nghĩa quốc tế tự do lạc quan cuối thập niên 90, thời điểm hiện tại của chúng ta có thể xem như "sự trả thù của Huntington": Giấc mơ về một sự đồng thuận phổ quát ủng hộ nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản được quản lý về mặt kỹ thuật đã chết, và những người theo thuyết đụng độ văn minh đang trỗi dậy gần như ở khắp nơi, từ Matxcơva và Bắc Kinh đến Delhi và Istanbul - và tất nhiên cả ở Washington, D.C.
Trong trật tự mới này, vận may sẽ tập trung vào (dù có thể không ưu ái) những kẻ táo bạo và quyết đoán hơn là những người lịch thiệp và trật tự. Thay vì phải chịu đựng sự nhàm chán vô trùng của các quy tắc hành chính hậu lịch sử, chúng ta sẽ được thưởng thức những màn đấu trí đẫm máu của một hệ thống quốc tế với nanh vuốt đỏ thẫm. Sự tàn nhẫn sẽ được tưởng thưởng, sự nhu nhược sẽ bị lợi dụng. Tôi nghĩ rằng Huntington lúc đang mỉm cười dưới suối vàng.