#8 - Vì sao quân đội Israel thiện chiến đến vậy?

Dưới đây là tóm tắt những ý chính trong bài viết “How Israel Fights”, được đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3/4 năm 2024:

Cuốn sách mới nhất của Edward Luttwak và Eitan Shamir chỉ ra những bài học về “nghệ thuật đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực quân sự” đúc rút ra được từ những trải nghiệm của quân đội Israel từ 4 cuộc chiến lớn kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1948.

  • Đổi mới sáng tạo trong chiến thuật và công nghệ quân sự: Một phần rất lớn sức mạnh của quân đội Israel đến từ việc sử dụng công nghệ và chiến thuật một cách sáng tạo. Bài báo nhấn mạnh Chiến dịch Mole Cricket 19 là một ví dụ điển hình, trong đó Israel sử dụng hiệu quả máy bay không người lái mồi nhử và hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến để vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Syria (trong cuộc chiến năm 1982).

  • Văn hoá bình đẳng & cơ cấu tinh gọn: Cơ cấu của IDF (Lực lượng quốc phòng Israel) đặc biệt bình đẳng, thúc đẩy một môi trường nơi các ý tưởng có thể được trao đổi tự do giữa các cấp bậc. Văn hóa này có vai trò then chốt trong việc khuyến khích sự đổi mới, vì nó cho phép các luồng ý tưởng được trao đổi năng động hơn và quá trình ra quyết sách nhanh hơn. Bầu không khí thân mật, nơi các sĩ quan và binh lính tương tác một cách thoải mái, ít câu nệ, đã góp phần tạo nên một lực lượng quân sự gắn kết và linh hoạt hơn.

  • Cho phép lãnh đạo trẻ thăng tiến nhanh chóng: IDF có tư duy về thăng tiến cởi mở hơn so với nhiều quân đội khác, dẫn đến việc có các sĩ quan trẻ hơn nhanh chóng được đặt vào các vị trí chỉ huy. Các nhà lãnh đạo trẻ do ít bị "trói" bởi các các phương pháp luận và cách làm cũ, có nhiều khả năng nắm bắt các công nghệ mới và chiến thuật độc đáo hơn.

  • Nghĩa vụ quân sự thống nhất: Quyết định duy trì một quân đội đồng nhất của Israel (thay vì tách thành nhiều nhánh nhỏ) giảm thiểu được việc cạnh tranh giành nguồn lực, đồng thời cho phép nghiên cứu, phát triển và triển khai công nghệ quân sự hiệu quả hơn. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng những đổi mới và tiến bộ mang lại lợi ích cho toàn bộ quân đội, thay vì chỉ áp dụng trong các quân chủng cụ thể.

  • Môi trường an ninh bị đe doạ liên tục: Tình trạng bị đe dọa thường trực đòi hỏi Israel phải có một nền văn hóa đổi mới nhanh chóng, đặc biệt là về công nghệ quốc phòng. Sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome là minh chứng cho khả năng của Israel trong việc ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa mới nổi bằng các giải pháp công nghệ hiệu quả.

  • Các yếu tố văn hóa và chấp nhận rủi ro: Văn hóa của IDF không chỉ khuyến khích sự đổi mới mà còn tưởng thưởng sự táo bạo và chấp nhận rủi ro (ví dụ như việc phát triển hệ thống Iron Dome, vốn từng bị chỉ trích và bị coi là làm trái lệnh cấp trên). Điều này đã dẫn đến một quân đội không chỉ tiên tiến về công nghệ mà còn táo bạo về mặt chiến lược, sẵn sàng thực hiện các hoạt động có rủi ro cao có thể mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể.

  • Tích hợp các tiến bộ công nghệ dân sự: Sự phụ thuộc của IDF vào quân dự bị và mối quan hệ chặt chẽ của họ với lĩnh vực dân sự của Israel tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dân sự vào các ứng dụng quân sự. Mối quan hệ cộng sinh giữa các lĩnh vực quân sự và dân sự này giúp nâng cao lợi thế công nghệ của IDF.

  • Đổi mới sáng tạo toàn diện: Ngoài các công nghệ hoặc chiến thuật cụ thể, sức mạnh quân sự của Israel còn bắt nguồn từ cách tiếp cận đổi mới toàn diện, bao gồm học thuyết, cơ cấu tổ chức và tích hợp công nghệ mới vào các khái niệm tác chiến. Cách tiếp cận toàn diện này đảm bảo rằng những đổi mới không chỉ đơn thuần là những bước cải tiến nhỏ mà còn có thể dẫn đến những thay đổi mang tính đột phá về năng lực quân sự.

Nhận xét:

Sự thiện chiến của quân đội Israel dường như là điều không thể gây tranh cãi, nhất là bởi họ đã đánh bại được quân đội của các nước láng giềng Arab vốn hùng hậu hơn nhiều sau nhiều cuộc chiến lớn nhỏ trải dài hơn 8 thập kỷ. Sự hậu thuẫn của Mỹ dĩ nhiên đóng một vai trò rất lớn (ước tính trong khoảng thời gian 1951-2022, Mỹ đã viện trợ cho Israel hơn 225 tỉ đôla tiền viện trợ quân sự). Dù vậy, khó có thể nói rằng viện trợ của Mỹ là nhân tố then chốt đối với sức mạnh quân sự của Israel bởi không ít các đồng minh của Mỹ, bao gồm ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, được nhận các khoản viện trợ quân sự nhiều tỉ đôla trong một khoảng thời gian dài. Điều mang đến lợi thế thực sự to lớn và bền vững cho IDF rõ ràng vẫn là sự cải thiện, đổi mới không ngừng về cả mặt tư duy lẫn khoa học - công nghệ. Nói cách khác, họ không những thành công trong việc liên tục sáng chế ra các công nghệ, kỹ thuật quân sự mới mà còn có một bộ máy có đủ khả năng “thẩm thấu” và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật đó một cách thành thục và hiệu quả. Yếu tố văn hoá và con người chắc chắn đóng một vai trò hết sức đáng kể, bởi đổi mới sáng tạo chưa bao giờ sinh ra trong một môi trường “chân không”. Ý tưởng mới và những người “dám nghĩ, dám làm” cần được khuyến khích, bồi dưỡng, bảo vệ và tưởng thưởng. Đó là những gì quân đội Israel đã làm được trong suốt thời gian qua và quả thực là một tấm gương đáng để học hỏi.

Previous
Previous

#9 - Sức mạnh của Generative AI từ góc nhìn của Mỹ (Phần 1)

Next
Next

#7 - Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc trong thế kỷ 21