#7 - Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc trong thế kỷ 21
Dưới đây là tóm tắt những ý chính trong bài viết “The Rise and Fall of the Great Powers redux của Paul Kennedy”, được đăng trên trang The New Statesman ngày 20/9/2023:
Nhìn lại luận điểm chủ chốt: Lập luận nền tảng của Paul Kennedy khẳng định mối liên hệ giữa nguồn lực kinh tế của một quốc gia và ảnh hưởng toàn cầu của nó. Ông nhận định rằng quyền lực của một quốc gia luôn gắn liền với sức khỏe kinh tế. Quan điểm này được xem là đột phá vào thời điểm cuốn sách được xuất bản, cung cấp một lăng kính mới để xem xét các chu kỳ trỗi dậy và suy tàn của quyền lực trong lịch sử. Sự dàn trải quá mức của các đế chế (imperial overstretch), thường là kết quả của tham vọng quân sự vượt quá khả năng kinh tế, được cho là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến sự suy tàn của các cường quốc.
Sức mạnh kinh tế như nền tảng của quyền lực: Những thập niên cuối của thế kỷ 20 chứng kiến những thay đổi then chốt trong cán cân quyền lực toàn cầu, đặc biệt là sự suy tàn của Liên Xô và tình trạng trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản. Lập luận của Kennedy rằng sức mạnh kinh tế về nền tảng căn bản của sức mạnh quân sự và địa chính trị cung cấp một khung phân tích để giải thích những thay đổi này. Quan điểm này nhấn mạnh bản chất nhất thời của quyền lực và tầm quan trọng của đổi mới và tăng trưởng kinh tế để duy trì ảnh hưởng toàn cầu.
Khoảnh khắc đơn cực: Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh chứng kiến Mỹ tận hưởng sự thống trị toàn cầu chưa từng có. Tuy nhiên, Kennedy cho rằng giai đoạn này là một giai đoạn bất thường chứ không phải là một bước chuyển dịch vĩnh viễn, khi sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc sớm đặt ra một thách thức mới đối với bá quyền của Mỹ. Không giống như các cường quốc trước đây, các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào quân đội không làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước, đặt ra thách thức đặc biệt to lớn đối với Mỹ và các đồng minh.
Động lực quyền lực toàn cầu: Hệ thống quốc tế đương đại được đánh dấu bằng sự hiện diện của sáu cường quốc lớn, với những dự báo tầm nhìn 2050 cho thấy sự chuyển dịch kinh tế đáng kể về châu Á. Sự xoay trục này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Ấn Độ, cho thấy một trật tự thế giới đa cực đang hình thành.
Sự phát triển chiến lược của EU: Khả năng sáp nhập Ukraine vào EU không chỉ là một sự mở rộng thuần tuý; nó báo hiệu một sự chuyển biến chiến lược có thể khiến châu Âu trở nên ổn định và tìm lại được vai trò toàn cầu của mình. Động thái này có thể đóng vai trò là đối trọng với ảnh hưởng của Nga và đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh địa chính trị của lục địa này.
Chiến lược của Nhật Bản: Mặc dù sở hữu năng lực quân sự đáng gờm, trọng tâm chiến lược của Nhật Bản vẫn ở thế thủ. Cách tiếp cận này phản ánh những thách thức kinh tế và nhân khẩu học rộng lớn hơn mà đất nước này đang phải đối mặt, bao gồm dân số già và tỷ trọng GDP toàn cầu ngày càng thu hẹp. Lập trường của Nhật Bản nhấn mạnh mong muốn ổn định và hòa bình trong khu vực, phù hợp với lợi ích kinh tế của nước này.
Ảnh hưởng của Ấn Độ: Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã khẳng định vai trò của mình mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và các chính sách dân tộc chủ nghĩa. Sự xác quyết này phản tự chủ chiến lược của Ấn Độ, được thể hiện qua việc duy trì mạng lưới quan hệ đa chiều, đa tầng nấc với nhiều cường quốc toàn cầu khác nhau cùng lúc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của nước này trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, nước này cũng gặp nhiều phải thách thức nội bộ, bao gồm việc tăng trưởng kinh tế không đồng đều, mâu thuẫn xã hội, v.v.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc: Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu có nhiều mặt, với các đặc điểm nổi trội như tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc và sự đầu tư mạnh mẽ vào quân sự. Tuy nhiên, Kennedy cũng chỉ ra những thách thức nội bộ và những điểm yếu về môi trường có thể định hình quỹ đạo tương lai của Trung Quốc. Những yếu tố này bao gồm sự thay đổi về nhân khẩu học, suy thoái môi trường và nhu cầu về các mô hình tăng trưởng bền vững.
Tương lai của sức mạnh Mỹ: Mỹ đang đứng ở ngã ba đường, đối mặt với thách thức thích ứng với một trật tự toàn cầu nơi sự thống trị của nước này ngày càng bị thách thức. Kennedy nhận định rằng các quyết định chiến lược liên quan đến sự tham gia và ưu tiên toàn cầu sẽ rất quan trọng để duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong một thế giới đang thay đổi.
Không ai thoát khỏi sự thay đổi: Kennedy kết luận bằng cách suy ngẫm về bản chất mang tính chu kỳ của chuyển động quyền lực toàn cầu, được thúc đẩy bởi những thay đổi kinh tế và các quyết định chiến lược. Ông nhấn mạnh rằng sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc sẽ là "hằng số" trong quan hệ quốc tế, với hàm ý rằng cán cân quyền lực giữa các cường quốc toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi, được định hình bởi các thực tại về kinh tế và các lựa chọn chiến lược. Hay nói cách khác "sẽ là điên rồ nếu dám khẳng định rằng mình biết chắc sự thay đổi lớn tiếp theo sẽ xảy ra ở đâu, hay điều gì sẽ châm ngòi cho một cuộc đại chiến giữa các cường quốc. Nhưng sự thay đổi sẽ xảy ra."