#9 - Sức mạnh của Generative AI từ góc nhìn của Mỹ (Phần 1)
Dưới đây là banr tóm tắt của một số chương chính trong báo cáo "GENERATIVE AI: THE FUTURE OF INNOVATION POWER” (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh: Tương lai của sức mạnh đổi mới) do Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt (SCSP) thực hiện. Báo cáo này đưa ra đánh giá thẳng thắn, thấu đáo và toàn diện về tiềm năng cũng như những nguy cơ Trí tuệ nhân tạo tạo sinh* (Generative AI - GenAI) có thể đặt ra.
*GenAI được dùng để chỉ một tập hợp các phần mềm trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh, dựa trên đầu vào ngôn ngữ tự nhiên hoặc các chất liệu hình ảnh, âm thanh, video. GenAI khác với các loại trí tuệ nhân tạo khác chuyên phân tích và xử lý dữ liệu, như nhận diện giọng nói, nhận diện khuôn mặt, chơi cờ vua, v.v.
Bối cảnh hiện nay về GenAI
Năm 2023 đánh dấu sự khởi đầu của Kỷ nguyên AI, với sự ra mắt của ChatGPT vào tháng 11 năm 2022, báo hiệu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển và ứng dụng dụng trí tuệ nhân tạo. GenAI đang lan tỏa với tốc độ chưa từng có, với ChatGPT đạt 100 triệu người dùng chỉ sau sáu tháng ra mắt. Các công cụ GenAI đã có thể giải quyết các vấn đề phức tạp, đạt điểm cao trong các kỳ thi và mô hình hoá chính xác được nhiều hiện tượng phức tạp. Đây mới chỉ là khởi đầu, GenAI sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân, tác động đến mọi khía cạnh của xã hội.
Mỹ cần chuẩn bị để quản trị một cách có trách nhiệm tiềm năng và rủi ro của GenAI, đưa ra các quyết định có tiềm năng ảnh hưởng sâu rộng đến cán cân quyền lực địa chính trị toàn cầu. Trung Quốc sẽ cạnh tranh gắt gao với Mỹ, nhưng cũng đối mặt với những thách thức trong việc phát triển và triển khai các mô hình ngôn ngữ quy mô lớn của riêng mình. AI đang thúc đẩy những thay đổi căn bản trong cách các quốc gia tiến hành chiến tranh, như có thể thấy ở Ukraine, các quân đội trên toàn thế giới đang thích ứng với thực tế mới này. Quân đội Trung Quốc đã nhận ra tính chất thay đổi của chiến tranh và đang chuẩn bị bằng cách phát triển các khái niệm, học thuyết và khả năng hỗ trợ mới.
Chính phủ Mỹ phải hiểu rõ cả tiềm năng và hạn chế của GenAI, đặc biệt khi nó có thể làm trầm trọng thêm các mối nguy hiểm hiện có và tạo ra các mối đe dọa mới, cho phép các đối thủ khai thác các điểm yếu trong các xã hội cởi mở, tự do. Các mô hình GenAI hiện tại có những hạn chế liên quan đến kiến trúc, dữ liệu huấn luyện và tài nguyên tính toán cần thiết. Tuy nhiên, một số hạn chế có thể được khắc phục thông qua các cải tiến thuật toán, kỹ thuật giải quyết thách thức về tính khả dụng của dữ liệu và tiến bộ trong phần cứng máy tính (chip xử lý).
Các mô hình mã nguồn mở (open source) hứa hẹn nhiều tiềm năng nhưng cũng đặt ra nhiều nguy cơ đến từ việc “dân chủ hóa” quyền truy cập các mô hình AI này. GenAI do đó có thể khuếch đại các mối đe dọa hiện có như tấn công mạng, chiến dịch tin giả, v.v. Những thách thức địa chính trị nảy sinh từ khả năng GenAI làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, đòi hỏi định hướng chiến lược và nỗ lực phối hợp do Mỹ dẫn dắt.
GenAI từ góc nhìn so sánh giữa Mỹ và Trung Quốc
Mỹ hiện vẫn dẫn đầu trong lĩnh vực GenAI nhờ lợi thế của ngành công nghiệp trong công nghệ cơ bản và cách tiếp cận cởi mở hơn đối với nội dung và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Mỹ có nguy cơ mất đi lợi thế này nếu GenAI không được tích hợp hiệu quả trong hệ sinh thái đổi mới và nền kinh tế rộng lớn hơn. Hệ sinh thái của Mỹ bao gồm sự kết hợp giữa đổi mới GenAI đa năng và chuyên biệt, trong khi hệ sinh thái của Trung Quốc dường như tập trung hơn vào các ứng dụng AI chuyên biệt cho từng ngành.
Trong khi chính phủ Trung Quốc thường đóng vai trò dẫn dắt các sáng kiến phát triển AI cấp quốc gia, chính phủ Mỹ lại chủ yếu đóng vai trò kiến tạo, như một nơi quy tụ các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu hàng đầu về AI. Trung Quốc hiện tập trung GenAI trong các ngành công nghiệp, đổi mới và nỗ lực giám sát, kiểm soát của chính phủ, trong khi Mỹ chọn cách tiếp cận do giới doanh nghiệp dẫn dắt để phát triển các tiêu chuẩn và chuẩn mực. Mỹ được hưởng lợi từ khoản đầu tư tư nhân vào GenAI lớn hơn đáng kể so với Trung Quốc, nhờ thị trường vốn phát triển và sự minh bạch về khung pháp lý.
Các công ty công nghệ lớn của Mỹ thể hiện các mô hình GenAI tiên tiến vượt trội trên toàn cầu, trong khi các công ty công nghệ của Trung Quốc tập trung vào các ứng dụng công nghiệp và đã sản xuất các mô hình ngôn ngữ quy mô lớn kém hơn. Mỹ có lợi thế trong thiết kế chip AI, nhưng cả hai quốc gia đều dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực của sự gián đoạn chuỗi cung ứng do hầu hết các chip AI được sản xuất ở Đài Loan. Mỹ có lợi thế về dữ liệu huấn luyện cho các mô hình ngôn ngữ lớn nhờ sự phổ biến của tiếng Anh trên internet, trong khi Trung Quốc lại tạo ra nhiều dữ liệu hơn về mọi mặt.
Mỹ và Trung Quốc đều có nguồn nhân tài AI mạnh mẽ, nhưng Mỹ phải đối mặt với thách thức trong việc giữ chân các nhà nghiên cứu nước ngoài do chính sách nhập cư, trong khi Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào giáo dục AI trong nước.
Vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong kỷ nguyên GenAI
Từ góc nhìn đối ngoại, mục tiêu quan trọng nhất của chính phủ Mỹ là góp phần định hình việc phát triển và sử dụng GenAI trên toàn cầu theo hướng thúc đẩy các lợi ích của Mỹ. Một số tác động trái chiều cũng như hàm ý lớn về chính sách bao gồm:
Quyền tự do số (digital freedom) sẽ cần được tăng cường hơn nữa để đối phó với thông tin sai lệch, tin giả được khuếch đại bởi GenAi, mặc dù công nghệ này cũng hứa hẹn mở ra những cơ hội và cách thức họp tập mới cho tất cả mọi người.
Nhu cầu về sức mạnh tính toán của GenAI sẽ làm tăng tính quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu, từ các trung tâm dữ liệu đến các mạng truyền thông kết nối chúng với các thiết bị biên (edge device), cũng như việc ai sẽ kiểm soát cơ sở hạ tầng đó.
Hiệu ứng mạng lưới (network effect) sẽ giúp khuếch đại sức mạnh của các nền tảng công nghệ, đồng nghĩa với việc bất cứ ai có thể cung cấp gói công nghệ xoay quanh GenAI tốt hơn sẽ thu hút được các quốc gia chủ chốt (swing states) về phía họ, thu hút nhiều người dùng hơn đến các nền tảng hấp dẫn hơn và ngày càng hữu ích.
Mỹ và Trung Quốc cần đưa GenAI vào các đối thoại song phương một cách thực chất, khi mà công nghệ này sẽ là một yếu tố chủ chốt đối với hòa bình và ổn định trên toàn cầu.
Các rủi ro tiềm tàng - và tồn tại - mà GenAI tạo ra sẽ đòi hỏi các diễn đàn và cuộc đối thoại mới để gắn kết với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, cũng như các đối thủ tiềm năng, để giảm thiểu những rủi ro này.
Bên cạnh những tác động vĩ mô, GenAI cũng có những ứng dụng quan trọng cho chính sách đối ngoại và trong xử lý công việc hàng ngày của cán bộ Bộ Ngoại giao:
Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể hỗ trợ dịch thuật dễ dàng và nhanh chóng, giúp soạn thảo bản ghi nhớ và hỗ trợ nghiên cứu về các vấn đề quốc tế.
Một hệ thống GenAI được huấn luyện dựa trên nguồn dữ liệu là các báo cáo và điện mật của Bộ Ngoại giao có thể trở thành một nguồn thông tin tham khảo đặc biệt hữu ích hỗ trợ các cuộc đàm phán quốc tế.
GenAI có thể đẩy nhanh quá trình xem xét và xử lý thị thực, tăng cường trách nhiệm tuân thủ quy định của các bộ và cơ quan đối ngoại với các hệ thống đánh giá tự động, và cung cấp các xu hướng và thông tin phân tích xu thế liên quan đến các sự kiện và khủng hoảng địa chính trị một cách nhanh chóng.
Cuối cùng, Mỹ cần tăng cường hợp tác với các đồng minh và các đối tác có chung chí hướng để xây dựng một diễn đàn thúc đẩy một tầm nhìn "DemTech" (Liên minh Công nghệ Dân chủ) mới, tập trung vào đổi mới cùng nhau, tài trợ cho nghiên cứu và thương mại hóa chung, quản trị và xây dựng các nền tảng công nghệ trên toàn cầu. Kỷ nguyên GenAI sẽ củng cố tầm quan trọng của việc Mỹ lãnh đạo, dẫn dắt chương trình nghị sự DemTech để thúc đẩy lợi ích của các xã hội mở chống lại các hệ thống chuyên chế, mở rộng phạm vi các quốc gia tham gia vào một hệ sinh thái DemTech dựa trên các nguyên tắc tôn trọng tự do cá nhân, cạnh tranh công bằng và pháp quyền.
(Hết phần 1).