#10 - Sách - World on the Brink (2024)
Cuốn sách "Thế Giới Bên Bờ Vực: Làm Thế Nào Để Hoa Kỳ Đánh Bại Trung Quốc Trong Cuộc Đua Thế Kỷ 21" của Dmitri Alperovitch và Garett M. Graff đưa ra một góc nhìn sâu sắc và gợi mở về cuộc tranh đua địa chính trị quan trọng nhất thời đại chúng ta. Alperovitch, một chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng và là đồng sáng lập của công ty CrowdStrike, cùng với Graff, một nhà báo chuyên về mảng an ninh quốc gia, mang đến những quan điểm bổ trợ cho nhau khi đánh giá mối quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung. Cuốn sách của gióng lên một hồi chuông cảnh báo, kêu gọi sự hành động khẩn cấp của nước Mỹ để đối mặt với thách thức từ Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự tự tin rằng nước Mỹ cuối cùng sẽ chiến thắng bằng cách tận dụng những thế mạnh độc đáo của mình.
Một số ý chính và quan điểm đáng chú ý trong cuốn sách bao gồm:
Chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ trở thành siêu cường thống trị toàn cầu, đã được đẩy nhanh dưới thời Tập Cận Bình, trong khi chính giới Mỹ lại chậm nhận ra mức độ thách thức do bị phân tâm bởi những vấn đề như chống khủng bố, tái thiết Afghanistan/Iraq, v.v. Cuốn sách đi sâu vào lịch sử phức tạp của quan hệ Mỹ-Trung, cho thấy Trung Quốc đã xác định Mỹ là đối thủ chính kể từ những thập niên 90 như thế nào.
Vị trí then chốt của Đài Loan khiến nơi này có nguy cơ trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất cho một cuộc xung đột quân sự tàn khốc giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm tới. Đối với Trung Quốc, thống nhất Đài Loan là mấu chốt để Tập Cận Bình đạt được "sự phục hưng dân tộc". Còn với Mỹ, cho phép Trung Quốc dùng vũ lực sáp nhập hòn đảo này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng vị thế của họ ở châu Á và thậm chí là hệ thống liên minh toàn cầu của Mỹ.
Những thách thức và điểm yếu nghiêm trọng trong nội trị của Trung Quốc mà Mỹ có thể khai thác, từ những cơn gió ngược về kinh tế do nhân khẩu học, nợ nần và năng suất giảm, cho tới những yếu kém trong hệ thống chính trị. Các tác giả cho rằng không nên đánh giá quá cao thế mạnh cũng như đánh giá thấp điểm yếu của Trung Quốc.
Những nguồn lực bền vững mang lại lợi thế cạnh tranh cho nước Mỹ so với Trung Quốc, được hai tác giả gói gọn trong "5 chữ I": nhập cư (immigration), sáng tạo (innovation), đầu tư (investment), ảnh hưởng (influence), và ý tưởng (ideas). Mỗi yếu tố tự thân đã rất mạnh mẽ nhưng chúng còn hỗ trợ, bổ sung cho nhau tạo thành một hệ thống kiên cố.
Mỹ cần một chiến lược gồm bốn phần để cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc: 1) Thúc đẩy vị thế dẫn đầu về công nghệ thông qua đầu tư và nhân tài; 2) Khôi phục năng lực công nghiệp quốc phòng và bảo vệ sở hữu trí tuệ; 3) Củng cố và mở rộng liên minh, đối tác nhằm đối trọng Trung Quốc; 4) Tránh dàn trải sang các vấn đề phụ để tập trung vào thách thức chính.
Nhận xét:
Những phân tích và đề xuất của hai tác giả nhìn chung phản ánh sự thấu hiểu khá sâu sắc về hệ thống của Trung Quốc cũng như những nền tảng căn bản của sức mạnh Mỹ. Đề xuất của họ về việc cạnh tranh bất đối xứng bằng cách phát huy thế mạnh của Mỹ về sự cởi mở và sáng tạo, thay vì cố đánh bại Trung Quốc trong cuộc chơi của chính họ, có thể là một cách tiếp cận khôn khéo. Hơn nữa, Alperovitch và Graff nhấn mạnh một cách xác đáng vai trò trọng yếu của các đồng minh đối với sự thành công của Mỹ. Kêu gọi của họ rằng Mỹ cần phải là một đối tác đáng tin cậy, hậu thuẫn các đồng minh trước áp lực từ Trung Quốc, và mở đường cho sự hợp tác chặt chẽ hơn về công nghệ, thương mại và an ninh, là định hướng đúng đắn. Quan trọng nhất là họ nhận thức được rằng cuộc cạnh tranh này cũng như mọi cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn trước đây sẽ là một cuộc chạy đua marathon dài hơi, chứ không phải một cuộc chạy nước rút, cần phải tiến hành với sự kiên nhẫn mang tính chiến lược.
Tuy nhiên, cuốn sách cũng có một số “lỗ hổng” trong lập luận. Thứ nhất, nó dường như mặc nhiên coi rằng việc xây dựng đồng thuận chính trị trong nước cho một cuộc cạnh tranh quyết liệt và kéo dài với Trung Quốc sẽ không phải là một thách thức quá lớn trong bối cảnh nền chính trị Mỹ đang trở nên phân cực hơn bao giờ hết. Dù chính giới và người dân Mỹ có thể nhất trí rằng việc kiềm chế Trung Quốc và “đánh bại” đại kình địch này là cần thiết nhưng chưa chắc đã có một sự đồng thuận về cách thức thực hiện cũng như cái giá mà họ sẵn sàng trả để đạt được mục tiêu đó.
Thứ hai, mặc dù việc kêu gọi tăng cường và mở rộng các liên minh của Mỹ là cần thiết song họ quên rằng nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh và đối tác thân cận của Mỹ sẽ không muốn phải chọn bên và vô tình trở thành “con tốt” trong ván cờ chiến lược giữa hai siêu cường. Điều này không chỉ đúng với các quốc gia là láng giềng với Trung Quốc mà còn đúng với cả các nước ở châu Âu như Pháp, Hungary, v.v. Việc tập hợp lực lượng của Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết ngày nào Trung Quốc còn thi hành đường lối ngoại giao mềm mỏng, khéo léo, “chia để trị”.
Cuối cùng, cuốn sách đôi lúc đánh giá thấp những khó khăn vốn có trong việc định hình lại đáng kể quỹ đạo quan hệ Mỹ-Trung. Ngay cả một chiến lược cạnh tranh khôn ngoan cũng sẽ phải đối mặt với những căng thẳng sâu sắc và những xung đột lợi ích. Việc cuốn sách chỉ đề cập tương đối ngắn gọn tới các chiến lược ứng phó tiềm tàng của Trung Quốc nhằm khắc chế các nước đi của Mỹ cũng là một thiếu sót đáng kể.
Tựu chung, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc trong bối cảnh đã có những sự chuyển dịch nhất định trong quan hệ Mỹ-Trung trong vài năm qua nhưng cần nhận thức rằng những luận điểm trong cuốn sách cơ bản không quá mới mẻ, thiếu yếu tố đột phá và phản ánh thiên kiến khá rõ của cả hai tác giả.