#11 - Đấu pháp mới cho Mỹ ở Ukraine?

Dưới đây là tóm tắt những ý chính trong bài viết "How to Convince Putin He Will Lose", được đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 12/6/2024:

  • Để kết thúc xung đột hiện nay ở Ukraine, phương Tây cần thay đổi kỳ vọng dài hạn của Nga và thuyết phục Moskva rằng phương Tây có sức chống chịu tốt hơn Nga về mọi mặt trong nhiều năm tới. Điều này sẽ khiến Nga bớt lạc quan hơn về khả năng giành phần thắng chung cuộc trong một cuộc chiến tranh kéo dài.

  • Hiện nay phía Nga tin rằng họ có thể đánh bại ý chí chiến đấu của Ukraine và làm xói mòn sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine. Phương Tây phải chứng minh rằng họ có sức bền lớn hơn Nga mong đợi.

  • Việc thể hiện quyết tâm và đưa ra cam kết dài hạn, đáng tin cậy đối với Ukraine là rất quan trọng. Phương Tây không thể chỉ đưa ra các phát ngôn khẳng định cam kết hay tung ra các gói viện trợ ngắn hạn mà cần đầu tư trước vào việc mở rộng nền tảng sản xuất vũ khí, thể hiện rằng họ đang chuẩn bị hỗ trợ Ukraine trong nhiều năm nếu cần thiết.

  • Sự phản đối của đảng Cộng hòa trong việc hỗ trợ Ukraine ở Mỹ sẽ khuyến khích Nga tiếp tục chiến đấu. Châu Âu phải nỗ lực đầu tư hơn nữa để bù đắp cho nguy cơ thiếu hụt viện trợ của Mỹ trong thời gian tới.

  • Cuộc chiến rất có thể sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn thay vì một chiến thắng quyết định cho bất kỳ bên nào. Mục tiêu của phương Tây nên là đạt được điểm đồng trong tư duy của cả Nga và Ukraine về việc không thể kết thúc cuộc chiến bằng vũ lực càng sớm càng tốt, trong khi giúp Ukraine tái kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt. Thay đổi kỳ vọng dài hạn của Nga là chìa khóa để đạt được điều này.

Nhận xét:

Bài viết của GS. Dan Altman đưa ra luận điểm khá thuyết phục rằng chỉ tập trung vào nhu cầu ngắn hạn của Ukraine là không đủ để kết thúc cuộc chiến hiện nay. Chừng nào Nga còn tin rằng mình có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiêu hao chống lại Ukraine và các đồng minh phương Tây, họ sẽ không có động lực để đàm phán một cách thực chất.

Ý tưởng cho rằng Mỹ và các đồng minh cần phát đi tín hiệu cam kết dài hạn và đáng tin cậy thông qua việc bỏ (nhiều) tiền đầu tư vào nền tảng quốc phòng để sản xuất một lượng lớn vũ khí, khí tài ở quy mô lớn trong nhiều năm là một đề xuất tương đối mới. Theo tác giả thì khoản đầu tư như vậy là đáng giá ngay cả khi vũ khí đầu ra cuối cùng không được sử dụng, bởi vì chúng có thể thay đổi tính toán của Nga và rút ngắn chiến tranh. Nói cách khác, Altman đang kiến nghị một đấu pháp “tâm lý chiến” cho Mỹ và phương Tây.

Một điểm thú vị khác mà Altman chỉ trong bài viết đó là bằng chứng lịch sử cho thấy xung đột giữa các quốc gia hiếm khi kéo dài hơn một thập kỷ. Đây ít nhiều cũng là một điểm tựa tinh thần đối với Mỹ và các đồng minh châu Âu, vốn sợ rằng dư luận trong nước sẽ không ủng hộ một cuộc chiến dài hơi ở Ukraine.

Tóm lại, đại ý của bài viết này là Mỹ và đồng minh cần thay đổi tư duy/cách tiếp cận trong vấn đề xung đột Ukraine hiện nay, chuyển từ việc chỉ “bơm” tiền và vũ khí cho Ukraine để nước này tiếp tục cầm cự được sang việc thuyết phục Nga rằng nước này sẽ không thể giành chiến thắng dù cuộc chiến có kéo dài 5, 10 năm hay lâu hơn. Quan điểm này không phải không có cơ sở nhưng có lẽ nó đang đơn giản hoá quá mức tình hình hiện nay cũng như đánh giá chưa thực sự chính xác phản ứng của Nga. Việc Mỹ và EU có những khoản đầu tư, cam kết dài hạn dành cho Ukraine có thể phần nào khiến ông Putin và các cộng sự ít lạc quan hơn nhưng họ cũng có thể phản ứng bằng cách hạ quyết tâm và triển khai những khoản đầu tư tương tự cho bộ máy quân sự - an ninh quốc gia của mình. Nga cũng có thể nhìn thấy những hành động đó như một sự khiêu khích hoặc leo thang, dẫn đến những tính toán sai lầm, gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu một trong những kịch bản này xảy ra, “đấu pháp” mà Altman đang hiến kế cho Mỹ và đồng minh rất có thể sẽ gây phản tác dụng hoặc không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Previous
Previous

#12 - Tương lai nào cho châu Âu nếu Trump thắng cử?

Next
Next

#10 - Sách - World on the Brink (2024)