#6 - Ngoại giao thực dụng kiểu Henry Kissinger
Trong lịch sử ngoại giao của nước Mỹ, có lẽ không có nhân vật nào vừa được nể trọng, lắng nghe, vừa bị thiên hạ chê cười, thậm chí phỉ báng như Henry Alfred Kissinger. Sinh ra ở Đức, Kissinger đã cùng gia đình nhập cư tới Mỹ khi còn là một cậu bé 15 tuổi, khi mà chính quyền Đức Quốc Xã dưới Hitler bắt đầu đàn áp người Do Thái. Trong những năm tháng sau Thế Chiến II, Henry Kissinger đã tự xây dựng tên tuổi và thương hiệu cho mình như một học giả, nhà ngoại giao, kiêm chiến lược gia hàng đầu của trường phái “ngoại giao thực dụng” (realpolitik).
Cách tiếp cận hiện thực, đậm chất châu Âu mà Kissinger mang tới Nhà Trắng (trước tiên dưới vai trò là Cố vấn an ninh quốc gia của Nixon) đã tạo nên một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong một số thời điểm hỗn loạn nhất trong lịch sử hiện đại. Vai trò của ông trong việc định hình các sự kiện then chốt của giai đoạn giữa Chiến tranh Lạnh - từ việc nối lại quan hệ với Trung Quốc, hoà giải với Liên Xô, cho đến kết thúc Chiến tranh Việt Nam - vừa khiến một bộ phận đông đảo trong giới tinh hoa ca tụng Kissinger như một chiến lược gia hàng đầu, vừa khiến ông bị không ít người chỉ trích và lên án như một kẻ máu lạnh, sẵn sàng làm mọi thứ nhân danh “lợi ích quốc gia” mà ngó lơ mọi chuẩn mực về đạo đức.
Henry A. Kissinger đã mất ở tuổi 100 và như tờ Foreign Policy đã bình luận, sự ra đi của ông để lại cho nước Mỹ và thế giới một di sản hết sức phức tạp, gây nhiều tranh cãi. Lúc này hơn bao giờ hết, nhiều người đang đặt câu hỏi rằng: Thực sự thì Henry Kissinger tin vào điều gì ngoài quyền lực? Chính xác thì điều gì đã tạo nên thương hiệu ngoại giao của Kissinger? Tư duy chiến lược của ông đã thay đổi, phát triển như thế nào trong suốt chiều dài sự nghiệp của ông? Làm thế nào mà một người cả đời chỉ nói về “cân bằng quyền lực” giữa các cường quốc lại viết về trí tuệ nhân tạo với một thái độ lo lắng cho tương lai của loài người trong những năm tháng cuối đời?
Realpolitik: Thương hiệu ngoại giao của Kissinger
“Logic của chiến tranh là quyền lực, và quyền lực vốn có không có giới hạn. Logic của hòa bình là sự tiết chế, và bản chất của tiết chế đòi hỏi một giới hạn.”
Kissinger đã viết như vậy trong luận án tiến sĩ ngành Lịch sử của mình, sau đó được xuất bản thành sách với tựa đề “A World Restored: Metternich, Castlereagh and the Problems of Peace, 1812-1822” (tạm dịch - Một thế giới được khôi phục: Metternich, Castlereagh, và các vấn đề của hoà bình, 1812-1822). Cuốn sách này nói về nỗ lực của các cường quốc, đặc biệt là hai cá nhân (Ngoại trưởng Áo Klemens von Metternich và Ngoại trưởng Anh Tử tước Castlereagh) trong việc tái thiết nền hoà bình ở châu Âu sau khi đã bị Napoleon phá vỡ hoàn toàn.
Có thể nói rằng tiến trình khôi phục hoà bình ở châu Âu hậu Napoleon đã hình thành nên thế giới quan của Henry Kissinger về quan hệ quốc tế, và lý giải vì sao trong suốt phần đời còn lại, tên tuổi của Kissinger luôn gắn liền với trường phái ngoại giao thực dụng.
Trường phái tư duy chính trị Realpolitik vốn được du nhập và nước Mỹ bởi các học giả mang dòng máu Đức. Theo quan điểm thực dụng này, mọi đường đi nước bước trong chính trị phải bắt nguồn từ sự đánh giá thực tế, khách quan và thậm chí “máu lạnh” về lợi ích quốc gia. Không có chỗ đứng cho cảm xúc, ý thức hệ, các cân nhắc về đạo đức hay các yếu tố trừu tượng trong ngoại giao thực dụng. Tất cả mọi toan tính chính trị phải xoay quanh một và chỉ một điều duy nhất là cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn. Vì lẽ đó, chủ nghĩa hiện thực (realism) trong quan hệ quốc tế có một mối quan hệ mật thiết với realpolitik. Cả hai đều chia sẻ chủ thuyết rằng lợi ích quốc gia luôn phải chi phối mọi quyết sách, và rằng để đảm bảo an ninh quốc gia, mà cốt lõi là đảm bảo được sự sinh tồn trước mọi mối đe doạ, cần phải duy trì được một thế cân bằng quyền lực có lợi cho mình. Nói cách khác, nếu không thể mạnh hơn các đối thủ của mình thì cần phải đảm bảo rằng không một ai hoặc một tập hợp lực lượng nào được phép trở nên quá hùng mạnh đến nỗi có thể đe doạ sự tồn tại của mình. Và trong một thế giới “vô chính phủ”, tức một thế giới mà không có thế lực nào đứng trên các quốc gia có thể “cầm cân nảy mực”, tất cả đều phải lo cho an ninh của mình. Đó là nguyên tắc tự cứu (self-help).
Hơn ai hết, Henry Kissinger hiểu điều này. Nghiên cứu về châu Âu thời hậu chiến tranh Napoleon, ông nhận ra rằng hoà bình phải dựa trên nền tảng là một trật tự có thể chấp nhận được với tất cả những người chơi chính. Một trật tự như vậy phải có một sự phân bổ quyền lực hài hoà (không cho phép ai trở nên quá mạnh) và phải dựa trên một luật chơi không quá thiên vị cho bất kỳ ai. Một trật tự vừa hài hoà về quyền lực, vừa có tính chính danh sẽ điều tiết được các mâu thuẫn giữa các cường quốc và đảm bảo không ai quá bất mãn đến nỗi cầm súng lên và lật đổ nó. Những “thần tượng” của Kissinger do đó là những nhân vật như Metternich, hay sau này là Bismarck – người đã có công rất lớn trong việc thống nhất nước Đức dưới sự lãnh đạo của Đế quốc Phổ (thay vì Áo).
Với vai trò là Cố vấn ANQG dưới Tổng thống Nixon, sau đó kiêm nhiệm cả vai trò Ngoại trưởng Mỹ, Kissinger đã trở thành “kiến trúc sư trưởng” của chính sách đối ngoại Mỹ những thập niên 70, ở thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ có cặp đôi Nixon-Kissinger mới có thể vừa tuyên bố chống chủ nghĩa cộng sản, vừa hoà hoãn với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc và tạo ra một thế chân vạc có lợi cho Mỹ. Có thể nói rằng những quyết sách và chiến lược ngoại giao của Kissinger không những đã làm thay đổi quỹ đạo của Chiến tranh Lạnh mà còn định hình lại toàn bộ cục diện địa chính trị toàn cầu ở một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất của lịch sử hiện đại.
Kissinger trong Chiến tranh Lạnh: Công và tội
Việc bắt đầu các nỗ lực hoà hoãn, giảm căng thẳng với Liên Xô đại diện cho một trong những nỗ lực ngoại giao quan trọng bậc nhất của Henry Kissinger. Sự tan băng trong mối quan hệ giữa hai siêu cường này đã mang lại sự giảm nhiệt hết sức quan trọng trong cuộc đua hạt nhân. Bằng cách dẫn đầu các Cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược (SALT), Kissinger không chỉ thể hiện kỹ năng đàm phán lão luyện của mình mà còn góp phần đáng kể vào việc giảm phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc giảm bớt căng thẳng này đã ngăn chặn một cách hiệu quả sự leo thang hơn nữa của cuộc chạy đua vũ trang, mang lại một môi trường toàn cầu an toàn hơn và giúp giảm bớt mối đe dọa thường trực của chiến tranh hạt nhân. Quan trọng hơn, thế hòa hoãn đã mở ra các kênh đối thoại và hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô, mở đường cho các thỏa thuận tiếp theo và xoa dịu căng thẳng toàn cầu. Khoảng thời gian tương đối hoà diụ này cho phép Mỹ tập trung vào các vấn đề nội bộ và các thách thức quốc tế khác, thể hiện khả năng thích ứng và phản ứng của Kissinger trước những động lực toàn cầu đang thay đổi bằng tầm nhìn xa và tư duy thực dụng.
Tác động của Kissinger đối với Trung Đông cũng hết sức đáng kể. Những can thiệp chiến lược của ông trong Chiến tranh Yom Kippur, đặc biệt thông qua ngoại giao con thoi (shuttle diplomacy), không chỉ giải quyết một cuộc khủng hoảng lớn mà còn củng cố ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này trong nhiều thập kỷ sau đó. Bằng cách đóng vai trò trung gian hòa giải thành công giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập như Ai Cập và Jordan, Kissinger đã đạt được một loạt thỏa thuận nhằm ổn định một khu vực đầy biến động. Những thỏa thuận này, mặc dù không giải quyết được gốc rễ của xung đột, nhưng đã đặt nền móng cho các cuộc hoà đàm trong tương lai và đưa Mỹ trở thành một bên đóng vai trò chủ chốt trong ngoại giao Trung Đông. Cách tiếp cận của ông đối với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về sự cân bằng quyền lực mong manh trong khu vực và nêu bật vai trò trung gian không thể thiếu của Mỹ trong các cuộc xung đột liên quan tới Israel ở khu vực này. Hơn nữa, hành động của Kissinger trong thời kỳ này đã đảm bảo các liên minh chiến lược quan trọng và khả năng tiếp cận liên tục và ổn định các nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ, vốn rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, việc Kissinger quyết định nối lại quan hệ bang giao với Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1969 và lên đến đỉnh điểm là chuyến thăm Bắc Kinh của Nixon vào năm 1972, mới là thành công ngoại giao lớn nhất của ông. Bằng cách tận dụng sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Liên Xô, Kissinger đã đảo ngược cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ trong tam giác chiến lược Mỹ-Xô-Trung.
Sự xoay trục bất ngờ này tuy đem lại cho Mỹ những lợi thế mang tính quyết định trong Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng để lại những hệ luỵ lâu dài. Mặc dù ban đầu việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc biến nước này thành đối trọng với ảnh hưởng của Liên Xô, nhưng nó đã vô tình đặt nền móng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như thế lực quốc toàn cầu. Ngày nay, Trung Quốc bị chính giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của Mỹ xem như mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh và vị thế siêu cường số một của Mỹ, một hệ quả bắt nguồn từ việc Kissinger nối lại quan hệ với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Kissinger cũng bị chỉ trích kịch liệt vì những quyết định được cho là vô đạo đức. Vai trò của ông trong chiến dịch ném bom bí mật ở Campuchia, nhằm làm gián đoạn đường tiếp tế của Bắc Việt Nam, đã gây thương vong cho thường dân trên diện rộng. Ở Mỹ Latinh, sự ủng hộ của ông đối với cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Chile Salvador Allende và sự ủng hộ sau đó đối với chế độ của Pinochet, thể hiện sự sẵn lòng phản bội các nguyên tắc dân chủ vì lợi ích dân tộc hẹp hòi. Hơn nữa, Kissinger cũng bị nhiều người lên án vì đã tiếp tục ủng hộ quân đội Pakistan bất chấp các hành vi tàn bạo, thảm sát hàng loạt ở Bangladesh. Những hành động này, dù được thúc đẩy một cách chiến lược, đã để lại một di sản phức tạp tiếp tục gây ra tranh cãi về sự cân bằng giữa trách nhiệm đạo đức và lợi ích quốc gia trong chính sách đối ngoại.
Kissinger: Những năm tháng cuối đời
Đối với một số người (như Christopher Hitchens), Henry Kissinger chẳng hơn gì một kẻ tội phạm chiến tranh, một quan điểm xuất phát từ những quyết định gây tranh cãi của ông thời gian làm ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những sự chỉ trích này, Kissinger vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng đáng kể và được nể trọng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Những hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của ông tiếp tục được các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách săn đón, khẳng định vị thế của ông là một chính khách dày dặn kinh nghiệm bậc nhất thế giới. Đặc biệt, mối quan hệ của ông với Trung Quốc nổi bật như một minh chứng cho di sản lâu dài của ông. Sự tôn trọng mà ông giành được ở đó, việc Kissinger đến tận lúc mất vẫn được giới lãnh đạo Trung Quốc gọi là “bạn cũ”, cho thấy vị thế độc nhất của của ông trong nền ngoại giao toàn cầu. Tại Mỹ, Kissinger vẫn được giới tinh hoa lắng nghe, đặc biệt là về các vấn đề chính sách đối ngoại. Các ý kiến của ông thường xuyên được trưng cầu, phản ánh sự hiểu biết sâu sắc của ông về quan hệ quốc tế và khả năng đưa ra những quan điểm sâu sắc, toàn diện về các vấn đề toàn cầu phức tạp.
Trong những năm cuối đời, Kissinger đã chuyển sự chú ý của mình sang một lĩnh vực khác biệt nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong tương lai: những tiến bộ trong lĩnh vực AI. Trong cuốn sách “Thời đại AI” mà ông viết cùng hai đồng tác giả khác, Kissinger đã khám phá tiềm năng của AI trong việc thay đổi cấu trúc của quan hệ quốc tế và thậm chí là cách thức vận hành căn bản của nền ngoại giao. Ông bày tỏ lo ngại về tác động của AI đối với việc ra quyết định của con người, đồng thời cảnh báo về một tương lai nơi các thuật toán có thể làm lu mờ khả năng phán đoán và cân nhắc về đạo đức của con người trong các lĩnh vực quan trọng như chiến tranh, tình báo, đàm phán quốc tế và quản trị xã hội.
Suy ngẫm về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Henry Kissinger, chúng ta buộc phải đối mặt với một nhân vật có ảnh hưởng không thể xóa nhòa trên trường thế giới nhưng cũng hết sức gây tranh cãi về đạo đức. Ngoài vai trò là một chiến lược gia và một nhà đàm phán, Kissinger còn là một học giả không ngừng tìm cách hiểu và thích ứng với những động lực đang thay đổi của quyền lực toàn cầu. Di sản của ông, với tất cả các góc cạnh của nó, đóng vai trò như một lời nhắc nhở sâu sắc về sự tương tác, tranh đấu liên tục giữa những cân nhắc thực dụng xoay quanh quyền lực và tầm quan trọng của đạo đức trong một thế giới ngày càng biến động và bất định.
Những hiểu biết sâu sắc và đa chiều của Kissinger về cân bằng quyền lực, về các sắc thái của ngoại giao cũng như tác động của những công nghệ mới nổi như AI, tất cả đều góp phần tạo nên một di sản có thể gây ảnh hưởng đến tư duy và diễn ngôn của nhiều lãnh đạo trên thế giới về các vấn đề toàn cầu. Trong một thế giới mà những thách thức của ngoại giao quốc tế đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, sự nghiệp của Kissinger mang đến những bài học lâu dài về nghệ thuật quản trị quốc gia, nhắc nhở chúng ta rằng việc theo đuổi lợi gia phải luôn được tiết chế bởi những cân nhắc toàn diện về tác động lớn hơn đối với toàn nhân loại.