#5 - Thế giới năm 2024 theo The Economist
Bài gốc: What the “superforecasters” predict for major events in 2024
Tạp chí The Economist triển khai dự án thường niên khai thác mạng lưới các chuyên gia siêu dự báo (superforecasters*) trên toàn cầu để dự báo khả năng của các sự kiện địa chính trị - kinh tế lớn trong năm kế tiếp. dụng phương pháp tập trung vào dữ liệu có thể định lượng, phối hợp nhóm và cập nhật liên tục các dự đoán dựa trên thông tin mới, dự án thường cung cấp được các dự báo chính xác và cụ thể, thay vì những nhận định mơ hồ.
*Superforecasters là những cá nhân đã chứng minh được khả năng dự đoán khả năng xảy ra của các sự kiện trong tương lai với độ chính xác cao trong một khoảng thời gian dài, nhờ khả năng vận dụng logic khéo léo, phân tích tỉ mỉ và tư duy xác suất thống kê. Nghiên cứu cho thấy "những nhà dự báo hàng đầu... thực hiện tốt hơn khoảng 30% so với mức trung bình của các chuyên gia phân tích của cộng đồng tình báo, vốn được tiếp xúc với các nguồn tin và dữ liệu mật".
1. Tổng tuyển cử ở Vương Quốc Anh
Với kết quả dự báo cho thấy có 74% Đảng Lao động giành được đa số ghế ở Nghị viện, các chuyên gia dường như kỳ vọng vào một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh chính trị hiện nay của Vương quốc Anh. Nếu Đảng Lao động giành được đa số, điều đó có thể dẫn đến một sự “xoay trục” trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại, bởi công chúng có thể đã chán ngán sự lãnh đạo của Đảng Bảo thủ.
Chính phủ Đảng Lao động có thể ưu tiên các dịch vụ công, sửa đổi chính sách tài khóa và triển khai các quan điểm mới về chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong quan hệ với EU thời hậu Brexit. Điều này có thể khơi dậy các cuộc tranh luận lớn về các vấn đề công bằng xã hội, tài trợ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và thách thức các chiến lược kinh tế hiện tại, thậm chí có thể dẫn đến đàm phán lại các thỏa thuận thương mại và đánh giá lại lực lượng răn đe hạt nhân của Vương quốc Anh.
2. Xung đột Nga - Ukraine
Dự đoán áp đảo (91%) ở đây là sẽ không có thỏa thuận nào chấm dứt xung đột hiện nay giữa Nga - Ukraine trước tháng 10 năm 2024 cho thấy niềm tin của các nhà dự báo rằng xung đột này sẽ còn kéo dài. Điều này sẽ kéo dài tình trạng bất ổn ở châu Âu, vì chiến sự sẽ gây ra nhiều khó khăn về kinh tế, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo với làn sóng người tị nạn từ Ukraine sang Đông Âu và Tây Âu và gia tăng nguy cơ có khủng hoảng quân sự xảy ra giữa Nga và các nước NATO.
Dự báo xung đột sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2024 cho thấy các nỗ lực ngoại giao nhiều khả năng vẫn sẽ bế tắc vì chưa có đột phá nào trên chiến trường. Cuộc xung đột kéo dài có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Nga, tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến thị trường năng lượng biến động mạnh. Đối với Ukraine, xung đột kéo dài đồng nghĩa với chi phí ngày một tăng lên về người và của, bên cạnh thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng.
3. Quad - Trung Quốc
Dự đoán rằng chỉ có 21% khả năng xảy ra việc một quốc gia thuộc nhóm Bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc) hoặc Trung Quốc công khai cáo buộc bên kia sử dụng vũ lực nhằm vào mình cho các chuyên gia có niềm tin rằng các nước chủ chốt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ cạnh tranh một cách tương đối thận trọng, trong một khuôn khổ cho phép. Tuy nhiên, 21% không phải là một con số nhỏ, do đó vẫn không thể loại trừ khả năng một kịch bản leo thang quân sự ở khu vực này.
4. Bầu cử Tổng thống ở Mỹ
Các chuyên gia dự báo có 63% khả năng ứng viên Đảng Dân chủ (gần như chắc chắn sẽ là đương kim Tổng thống Joe Biden) giành được đa số phiếu đại cử tri lẫn phiếu phổ thông, bất chấp những kết quả thăm dò cho thấy mức tín nhiệm thấp của Biden và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều bộ phận cử tri dành cho cựu Tổng thống Donald Trump.
Về đối ngoại, nếu Đảng Dân chủ tiếp tục nắm quyền, nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một sự kế tục rõ ràng trong chính sách. Tuy nhiên, về đối nội, việc Biden tái đắc cử có thể sẽ có tác động đến thành phần thẩm phán của Toà án Tối cao, chính sách chống biến đổi khí hậu, các đạo luật về chăm sóc sức khỏe.
5. Nền kinh tế Eurozone
Dự đoán có 82% xảy ra ít nhất một quý tăng trưởng âm nhưng không phải hai quý liên tiếp cho thấy các chuyên gia dự báo kỳ vọng khu vực đồng tiền Euro sẽ đối mặt với một số thách thức nhưng có lẽ tránh được một cuộc suy thoái toàn diện.
Điều này có thể phản ánh mối lo ngại về lạm phát, mức nợ công hoặc tác động của căng thẳng địa chính trị đối với thương mại. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể tiếp tục các nỗ lực cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và kích thích tăng trưởng. Triển vọng kinh tế không chắc chắn này có thể ảnh hưởng đến khả năng tài trợ cho các dự án đầy tham vọng như Thỏa thuận xanh hoặc chuyển đổi kỹ thuật số của EU.
6. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Theo The Economist, có 54% khả năng GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức từ 4,5% đến 6%, cho thấy nền kinh tế của siêu cường thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm hơn so với trước, điều có thể ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, đặc biệt nếu mức tăng trưởng ở mức sát với 4.5% hơn là 6%.
Kết quả này có thể phản ánh sự thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như sự chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu sang tiêu dùng và dịch vụ trong nước. Nó cũng có thể phản ánh tác động của một dân số đang già đi nhanh chóng, các chính sách môi trường và sự siết chặt quản lý của chính quyền TW đối với công nghệ và các lĩnh vực khác. Trên bình diện quốc tế, tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt nếu Trung Quốc tập trung nỗ lực để đạt được tự chủ về công nghệ và năng lượng.
7. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Đa số dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức từ 1,5% đến 3% cho thấy sự tin tưởng vào một khả năng phục hồi tương đối khiêm tốn nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe kinh tế toàn cầu và môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, nó cũng cho thấy nền kinh tế thế giới đang tiếp tục phải vật lộn với các hậu quả của đại dịch, cạnh tranh nước lớn và có thể là cả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này có thể sẽ không được phân bổ đồng đều, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu và tác động tiêu cực đến hợp tác quốc tế trên nhiều mặt, bao gồm viện trợ phát triển, hiệp định thương mại và tài chính khí hậu.