#1 - Sách - Danger Zone (2022)

Ngô Di Lân

Michael Beckley & Hal Brands. Danger Zone: The Coming Conflict with China. WW Norton & Company, 2022.

Cuốn sách “Vùng nguy hiểm: Cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc” của GS. Hal Brands và PGS. Michael Beckley thách thức cách hiểu biết thông thường về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tác động của nó đối với trật tự toàn cầu.


Cuốn sách đưa ra lập luận táo bạo rằng sự kình địch Trung-Mỹ không phải là một cuộc chạy marathon kéo dài 100 năm như thường được mô tả, mà là một cuộc cạnh tranh khốc liệt đang trong giai đoạn nước rút. Các tác giả cho rằng Trung Quốc, dù đang trỗi dậy, nhưng sẽ phải đối mặt với một tương lai đình trệ, bị bao vây chiến lược và nguy cơ suy thoái. Chính những điều này đã và đang thúc đẩy lập trường hiếu chiến của nước này trên trường quốc tế. Hai tác giả cũng lập luận rằng thế giới dân chủ, dẫn đầu bởi Mỹ, đang tập hợp lực lượng để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh, và rằng Mỹ có vị trí đặc biệt thuận lợi để chống lại các địch thủ chuyên chế như Trung Quốc.

Cuốn sách cho rằng Trung Quốc có tham vọng trở thành bá quyền, thách thức vị trí độc tôn của Mỹ bằng cách từng bước viết lại luật chơi của khu vực châu Á và quốc tế. Tuy nhiên, tham vọng này khó có thể trở thành hiện thực được bởi Trung Quốc đang đối mặt với một loạt các thách thức mang tính cấu trúc, bao gồm: nợ công tăng phi mã, hiệu suất làm việc của nhân công Trung Quốc suy giảm, dân số ngày một già đi nhanh chóng, môi trường bị huỷ hoại, v.v. Những yếu tố này gần như đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại trong một khoảng thời gian tương đối dài, ngăn cản việc nước này hiện thực hoá tham vọng bá quyền.

Hal Brands và Michael Beckley cũng lập luận rằng tuy sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những thập kỷ vừa qua là rất ấn tượng, song nó đã “đạt đỉnh”. 5 yếu tố đã giúp Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng gồm: (i) môi trường địa chính trị thuận lợi, (ii) giới lãnh đạo ủng hộ việc cải cách kinh tế, (iii) những đổi mới về thể chế khiến quyền lực của một nhà lãnh đạo duy nhất được “pha loãng”, (iv) dân số khổng lồ và (v) một nền kinh tế toàn cầu cởi mở và năng động. Giờ đây, cả 5 yếu tố này đang dần biến mất và hệ quả là Trung Quốc chỉ còn một cửa sổ cơ hội tương đối hẹp để bứt phá, vượt ra khỏi tình thế khó khăn hiện nay.

Từ góc nhìn của các tác giả, Trung Quốc đang đối mặt với tình thế bị bao vây chiến lược (chủ yếu bởi các quốc gia dân chủ thân Mỹ) do tham vọng lãnh thổ quá lớn và những hành động khẳng định chủ quyền quyết liệt trong thời gian qua. Từ tranh chấp với Ấn Độ trên dãy Himalaya cho tới nỗ lực thu hồi Đài Loan, Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng ngày càng trở nên e ngại, dẫn tới một nỗ lực chung để bao vây, kiềm toả nước này, đặc biệt về mặt quân sự.

Những năm tháng sắp tới được đánh giá là “vùng nguy hiểm” với nguy cơ có một thảm hoạ địa chính trị xảy ra đặc biệt cao bởi nó là khoảng thời gian quá độ nhạy cảm: khi giới lãnh đạo Trung Quốc chưa chịu từ bỏ tham vọng của mình nhưng lại ngày càng cảm thấy bi quan, thậm chí là tuyệt vọng.

Cuốn sách cũng chỉ ra một số nét tương đồng giữa tình thế cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc với Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô trước đây. Từ đó, họ đúc kết một số bài học để Mỹ và các đồng minh có thể quản trị tốt thách thức mà Trung Quốc đặt ra: (i) phải thiết lập thứ tự ưu tiên một cách quyết liệt để tối ưu hoá nguồn lực quốc gia, (ii) cần có tầm nhìn chiến lược nhưng phải linh hoạt, uyển chuyển trong chiến thuật, (iii) chủ động khai thác điểm yếu của đối phương chứ không chỉ phòng thủ một cách thụ động, và (iv) duy trì thế và lực để có thể đánh bại địch thủ trong một cuộc cạnh tranh dài hơi, có thể kéo dài nhiều thập kỷ.

Previous
Previous

#3 - Đối ngoại Mỹ từ góc nhìn Cố vấn ANQG Jake Sullivan

Next
Next

#2 - NCKH - Hiểu về Trung Quốc, Kết thúc chiến tranh, và Chủ nghĩa dân tộc