#3 - Đối ngoại Mỹ từ góc nhìn Cố vấn ANQG Jake Sullivan
Bài gốc: The Sources of American Power
Tổng quan
Bài viết mới nhất của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phác thảo những đường nét chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden với mục tiêu củng cố sức mạnh toàn diện của Mỹ trong bối cảnh thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và Mỹ không còn duy trì được ưu thế vượt trội về sức mạnh so với các đối thủ tiềm tàng nhất.
1. Tăng cường Mặt trận Tổ quốc
Dưới biểu ngữ "Bidenomics", chính quyền hiện nay đang hướng nước Mỹ tới các khoản đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nghiên cứu & phát triển công nghệ. Theo Sullivan, nỗ lực này phục vụ hai mục tiêu lớn: kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước đồng thời giảm thiểu các yếu điểm, dễ bị khai thác của Mỹ. Điều này đi kèm với những nỗ lực nhằm đảm bảo và đa dạng hóa chuỗi cung ứng các nguồn tài nguyên quan trọng, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ địa chính trị như Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sullivan cũng nhắc tới những nỗ lực song song nhằm khôi phục lại nền tảng công nghiệp quốc phòng của Mỹ và bảo vệ các công nghệ chủ chốt khỏi các thế lực nước ngoài.
2. Khôi phục các liên minh
Sullivan nhấn mạnh các nỗ lực của chính quyền Biden trong việc khôi phục những liên minh quân sự lâu đời đang chịu nhiều sức ép trong những năm gần đây. Ông lưu ý sự xuất hiện của các mối quan hệ đối tác mới như AUKUS và Nhóm Bộ tứ (Quad), cũng như mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn với các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Chính quyền đang khuyến khích các đồng minh và đối tác đóng góp quốc phòng nhiều hơn, một chiến lược mà Sullivan cho rằng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ tập thể.
3. Một “giao kèo” tốt hơn cho toàn thế giới
Theo Sullivan, Mỹ đang tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng cách chủ động thực hiện các bước nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Điều này đi đôi với việc tập trung vào hiện đại hóa các thể chế quốc tế quan trọng và đầu tư vào việc thích ứng với khí hậu ở các nước đang phát triển. Điều quan trọng là Sullivan chỉ ra rằng chính quyền Biden hướng tới các mối quan hệ lâu dài, không đơn thuần mang tính đổi trác (transactional), đặc biệt là với các quốc gia ở phía Nam toàn cầu (Global South).
4. Kỷ luật trong sử dụng vũ lực
Sullivan xác định Trung Quốc là lý do chính để Mỹ sử dụng vũ lực một cách kỷ luật. Bằng cách tập trung các cam kết quân sự vào các mối đe dọa thật sự nghiêm trọng, bằng chứng là việc chính quyền Biden đã rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ đang giải phóng các nguồn lực để tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất. Đồng thời, Mỹ tiếp tục chống lại Nga thông qua các biện pháp gián tiếp, như trang bị vũ khí cho Ukraine.
5. Cạnh tranh với Trung Quốc
Sullivan mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung là một trong những căng thẳng được kiểm soát hơn là mối quan hệ thù địch toàn diện. Trong khi các biện pháp chống lại các hoạt động thương mại không công bằng và bảo vệ công nghệ đã được áp dụng, Sullivan nhấn mạnh rằng việc “phân tách” (decoupling) hoàn toàn khỏi Trung Quốc vừa phi thực tế, vừa lợi bất cập hại.
Đánh giá
Một trong những điểm mạnh nổi bật nhất của chiến lược chính sách đối ngoại do Sullivan vạch ra là cách tiếp cận toàn diện. Chính quyền Biden có một chiến lược rõ ràng nhằm giải quyết một loạt các vấn đề lớn bao gồm: vấn đề phục hồi kinh tế, xây dựng liên minh và lãnh đạo toàn cầu. Tính đa chiều này cho phép đưa ra một chính sách linh hoạt và thích ứng hơn, có khả năng ứng phó với bối cảnh quốc tế phức tạp và đang thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, việc tập trung vào cả khía cạnh kinh tế lẫn quân sự mang lại cho Mỹ một bộ công cụ mạnh mẽ để cạnh tranh lâu dài và hiệu quả với các nước như Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phức tạp và bao quát này cũng có thể là điểm yếu lớn nhất của chiến lược. Một chiến lược toàn diện như vậy đòi hỏi sự phối hợp ở mức độ cao giữa các bộ ngành ở trong nước và với các đối tác trên trường quốc tế. Bất kỳ nước đi sai lầm hoặc thất bại nào trong một lĩnh vực đều có thể gây ảnh hưởng lan rộng đến các lĩnh vực khác, làm suy yếu chiến lược tổng thể. Ngoài ra, việc tập trung vào việc khôi phục các liên minh cũ và hình thành các mối quan hệ đối tác mới, mặc dù phục vụ mục tiêu chiến lược rõ ràng, song cũng đầy thách thức. Cân bằng lợi ích và cam kết của một nhóm đồng minh gồm nhiều thành viên đa dạng, đặc biệt là trong một thế giới ngày càng theo xu thế đa cực, có thể gây áp lực rất lớn cho nguồn lực ngoại giao và quân sự của Mỹ. Một điểm yếu tiềm ẩn khác là giả định có phần lạc quan của chính sách này về khả năng Mỹ giành lại vai trò lãnh đạo thế giới của mình sau khi đã thoái lui khỏi các thể chế toàn cầu. Với sự trỗi dậy của các trung tâm quyền lực thay thế và sự hoài nghi chung về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở một số nơi trên thế giới, mục tiêu này là hết sức tham vọng.