#9 - Sự kiện - Tổng thống Iran qua đời sau tai nạn trực thăng
Phạm Quang Hiền
Bức tranh toàn cảnh
Ngày 19/5, ba chiếc trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Raisi và phái đoàn tháp tùng tới biên giới giữa Iran và Azerbaijan để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu. Khoảng 30 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay chở ông Raisi mất liên lạc với hai chiếc còn lại. Công tác tìm kiếm được thực hiện lập tức, ngày 20/5 một quan chức cấp cao của Iran xác nhận: “Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng đã thiệt mạng” nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết xấu. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Iran và quân đội sẽ tiến hành điều tra sự thật đằng sau vụ tai nạn.
Tại sao lại “nhạy cảm” vào thời điểm này
Sự kiện Tổng thống Iran gặp nạn đúng tròn một tháng sau khi nước này tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa vào lãnh thổ Israel.
Quan hệ ngoại giao giữa Israel và Iran hiện đang ở mức rất xấu. Iran cũng không loại trừ đây là hành động ám sát từ các bên thù địch.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố Mỹ không liên quan gì đến tai nạn ở Iran. Nhà Trắng sẽ theo dõi chặt chẽ cách Iran phản ứng trước cái chết của ông Raisi.
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga về những đổi mới của khối BRICS trong đó Iran ngày càng thân mật hơn với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đóng phần quan trọng trong tổng thể khối nhằm hướng đến xây dựng trật tự đa cực mới.
Iran đã từng phản ứng thế nào khi các quan chức cao cấp thiệt mạng?
1. Vụ ám sát Qasem Soleimani
Tình huống: Vào ngày 3/1/2020, Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào đoàn xe gần sân bay Baghdad làm tử vong một số tướng lĩnh trong đó có tướng Qasem Soleimani.
Kết quả: Iran đã bắn tên lửa vào căn cứ không quân Ayn al-Asad và Sân bay Erbil ở Iraq để trả thù. Mỹ và Iran đứng bên bờ vực chiến tranh.
2. Vụ không kích lãnh sự quán Iran tại Syria
Tình huống: Israel tiến hành không kích vào tòa lãnh sự của Đại sứ quán Iran tại Syria ngày 1/4/2024. Những người thiệt mạng gồm các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, trong đó có 2 chỉ huy cấp cao.
Kết quả: Rạng sáng 14/4, Iran phát động cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Israel, Teheran đã phóng hàng trăm tên lửa, máy bay không người lái.
Phản ứng của các bên và những tác động liên quan
Sau vụ tai nạn, không nhiều nước phương Tây tỏ ra có phản ứng thương tiếc dành cho ông Raisi do quan hệ với Mỹ đi xuống sâu và giữ nguyên trạng từ 2018 đến nay. Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ Israel, quốc gia được Iran coi là thù địch.
Các nhóm chiến binh Trung Đông trong liên minh “Trục kháng chiến” như Hamas, Hezbollah và Houthi cùng đưa ra tuyên bố thương tiếc trước cái chết của ông Raisi.
Tổng thống Nga Putin gọi ông là “người bạn thực sự của Nga” trong khi Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết ông “vô cùng sốc và đau buồn”.
Tổng thống Raisi là người theo đuổi con đường đưa Iran tiến lên trong khu vực cũng đồng thời đưa ra nhiều chính sách gay gắt với những quốc gia thù địch; chủ động làm giàu Uranium; ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine; ủng hộ Palestine và ông Raisi cũng tác động nhiều đến tính mạnh mẽ của chế độ Hồi giáo; lực lượng vệ binh cách mạng, việc ông gặp tai nạn đột ngột làm gãy đoạn tạm thời các chính sách cứng rắn của Iran đang triển khai.
Iran sẽ có nhà lãnh đạo mới, câu hỏi ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước sẽ đặt ra cho Iran nhiều khó khăn cho nội bộ trong quá trình tìm chọn được người xứng đáng và đảm bảo trật tự trong toàn bộ quá trình chuyển giao quyền lực.
Chính sách đối nội và đối ngoại của Iran có thể sẽ có thay đổi nhỏ, mặc dù chức vị Tổng thống ở Iran không quyết định nhiều về đối ngoại tuy nhiên chính sách “hướng Đông” thời ông Raisi đã gắn kết Iran với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ chặt chẽ hơn so với các nước trong khu vực.
Mặc dù khẳng định không liên quan đến vụ tai nạn song Mỹ vẫn tính đến khả năng Iran phản ứng mạnh với các nước xung quanh nhất là Israel sau vụ tấn công hôm 14/4 và sự trả đũa lại từ Israel hôm 19/4. Tuy nhiên, chừng nào Iran không đưa ra các cáo buộc thì khả năng xảy ra xung đột vượt ra ngoài khu vực vẫn thấp.
Việc Iran trong tiến trình nối lại quan hệ với Arab Saudi sau nhiều năm thù địch bởi nỗ lực hàn gắn mà ông Raisi và Ngoại trưởng Hossein triển khai sẽ bị chững lại.
Các lực lượng kháng chiến do Iran hậu thuẫn phía sau đặc biệt với Hamas tại Gaza có thể gặp phải những khó khăn ngắn về hỗ trợ trong thời gian Iran thay đổi nhà lãnh đạo.
Phạm Quang Hiền là sinh viên K49 khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, ngành Quan hệ Quốc tế, DAV. Sở thích: tìm hiểu về quan hệ quốc tế và lịch sử (chiến tranh), các vấn đề về quân sự, vũ khí; hiện đang làm cộng tác viên của trang nccl.org.