#8 - Sự kiện - Iran tuyên bố “đã dạy cho Israel một bài học”

Ngô Di Lân

Tính toán của Iran

  • Theo nguồn tin mới nhất, các nhà lãnh đạo Iran đã thông báo trước với Nhà Trắng rằng các hoạt động trả đũa của họ sẽ có giới hạn và chỉ nhằm vào việc trừng phạt Israel, không nhằm vào các lực lượng của Mỹ, cho thấy nước này mong muốn giảm thiểu tối đa nguy cơ đối đầu với Mỹ.

  • Đồng thời, Iran đã đưa ra cảnh báo trước 72 giờ cho các quốc gia láng giềng về các hành động dự kiến chống lại Israel, thể hiện nỗ lực giảm thiểu tác động lan rộng trong khu vực và duy trì trọng tâm vào đối đầu Israel-Iran.

  • Tổng thống Iran Raisi mô tả cuộc tấn công quy mô lớn là hành động “tự vệ đáp trả” các hành vi khiêu khích của Israel, và tuyên bố rằng Iran đã dạy cho Israel "một bài học".

  • Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri, chỉ ra rằng Tehran không có ý định tiếp tục tấn công Israel, tuy nhiên cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh hơn nếu Israel tiếp tục các hành động thù địch.

  • Cuộc tấn công hạn chế của Iran, bất chấp khả năng tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn, cho thấy quốc gia này không tìm kiếm một cuộc đối đầu quân sự kéo dài với Israel.

Phản ứng của Mỹ và Israel

  • Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, Thủ tướng Israel Netanyahu đã hủy kế hoạch tấn công trả đũa ngay lập tức nhằm vào Iran, bất chấp một số thành viên nội các ủng hộ một hành động quân sự đáp trả nhanh chóng.

  • Tổng thống Biden được cho là đã nhấn mạnh lợi thế của Israel trong cuộc đối đầu quân sự và việc nước này cần cảm thấy hài lòng với kết quả hiện tại, đồng thời khẳng định rằng Mỹ sẽ không ủng hộ một cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran.

  • Điều này phần nào cho thấy ảnh hưởng đáng kể của sức ép từ phía Mỹ đối với quá trình ra quyết định của Israel, đồng thời thể hiện mong muốn chung của hai nước trong việc giảm rủi ro leo thang căng thẳng, tránh một cuộc chiến tranh ở quy mô khu vực.

Hàm ý & đánh giá

  • Những diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu Iran-Israel cho thấy cả hai bên đều ứng xử tương đối thận trọng, vừa khẳng định lập trường của mình, vừa hết sức nỗ lực tránh một cuộc chiến tranh lớn. Việc Iran đã sử dụng các kênh ngoại giao chính thức và không chính thức để chia sẻ thông tin với Mỹ và các quốc gia láng giềng, đồng thời với hạn chế tính chất cũng như quy mô của cuộc tấn công, cho thấy mục tiêu cao nhất của nước này là gửi đi tín hiệu răn đe tới Israel, “trừng phạt” nước này song vẫn tránh rủi ro leo thang.

  • Vai trò ngoại giao của Mỹ được thể hiện rõ rệt, thông qua việc giao thiệp với Iran (rất có thể là đã chia sẻ thông tin tình báo từ phía Iran cho đồng minh Israel) và tích cực khuyên can Israel không trả đũa, do nhận thức được nguy cơ leo thang và sự cần thiết phải duy trì ổn định trong khu vực. Việc Thủ tướng Netanyahu tuân theo lời khuyên của Tổng thống Biden để hủy các cuộc tấn công ngay lập tức nhằm vào Iran nhấn mạnh tầm quan trọng của ảnh hưởng từ Mỹ trong việc kiềm chế xung đột.

  • Dù căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và Israel vẫn chưa kết thúc ngay, song khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn dường như đã giảm đi đáng kể trong ngắn hạn. Cả hai bên đã thể hiện năng lực và quyết tâm của mình, nhưng cũng cho thấy sự do dự khi tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự kéo dài. Do đó, dự báo nguy cơ chiến tranh quy mô khu vực mới sẽ được điều chỉnh từ mức thấp vừa (25-30%) xuống mức thấp (8-10%).

  • Tuy nhiên, những vấn đề cốt yếu tạo nên mâu thuẫn trong quan hệ hai nước như chương trình hạt nhân của Iran và các mối quan tâm an ninh của Israel, vẫn chưa được giải quyết. Do đó, vẫn không thể loại trừ khả năng căng thẳng, thậm chí khủng hoảng bùng phát trở lại trong ngắn và trung hạn. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, cần tiếp tục gắn kết với cả hai bên để thúc đẩy đối thoại, hạ nhiệt căng thẳng, và cuối cùng, thiết lập một trạng thái cân bằng ổn định lâu dài hơn trong khu vực.

  • Trong thời gian tới, việc theo dõi phản ứng của các bên liên quan khác trong khu vực, như Ả Rập Saudi, Lebanon và Syria, sẽ không kém phần quan trọng vì phản ứng của họ có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của xung đột hiện nay giữa Iran và Israel. Ngoài ra, tình hình chính trị nội bộ ở cả hai nước cũng có thể đóng vai trò định hình các hành động trong tương lai, khi các nhà lãnh đạo phải cân nhắc dư luận công chúng và đưa ra các tính toán chính trị liên quan đến bầu cử.

(Nguồn tham khảo: NYTimes, AP News, RT & VNExpress)

Bài trước: #7 - Sự kiện - Iran tấn công trả đũa, nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông

Previous
Previous

#9 - Sự kiện - Tổng thống Iran qua đời sau tai nạn trực thăng

Next
Next

#7 - Sự kiện - Iran tấn công trả đũa, nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông