#6 - Sự kiện - Pháp và đồng minh bất đồng về khả năng đưa quân tới Ukraine

Phạm Quang Hiền & Ngô Di Lân

Bức tranh toàn cảnh

Xung đột Nga-Ukraine (24/2/2022) đã chính thức bước sang năm thứ 3. Tuy không thể công hạ Kyiv nhanh chóng, song tình hình chiến sự trong năm thứ hai để lại dấu ấn có phần đậm nét hơn cho phía Nga khi quân đội nước này không những không dễ bị khuất phục như NATO đã kỳ vọng, mà mới đây còn giành thêm được một số thắng lợi đáng kể như việc giành kiểm soát được khu vực Avdiivka trọng yếu. Phương Tây tuy cam kết tiếp tục viện trợ cho Ukraine để giúp nước này đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ của mình, song vấn đề viện trợ trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn, phần vì chính trị nội bộ (như Mỹ), phần vì chính các nước châu Âu đang không đủ súng đạn để viện trợ cho Ukraine. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp cùng các đồng minh ở Paris vào ngày 26/2 nhằm thúc đẩy lập trường chung trong vấn đề Ukraine.

Phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron

  • Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với các đồng minh, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng “Mọi vấn đề đã được thảo luận tối nay một cách cởi mở và thẳng thắn. Hiện chưa có sự đồng thuận chính thức về việc đưa quân đến thực địa. Nhưng xét về mặt động lực, chúng tôi không loại trừ khả năng nào. Chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để đảm bảo Nga không thể thắng cuộc chiến này".

  • Tuy nhiên, để đảm bảo tính “mập mờ chiến lược” (strategic ambiguity), TT. Macron không nêu rõ những nước nào ủng hộ ý tưởng đưa binh lính tới Ukraine (dường như là của Pháp), nếu đưa thì sẽ là những binh chủng nào, số lượng bao nhiêu, với nhiệm vụ gì. 

  • Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné sau đó đã cố gắng làm rõ nội hàm phát biểu của TT. Macron khi phát biểu rằng “Những khoản viện trợ mới cho Ukraine trong việc dò phá bom mìn, bảo vệ an ninh mạng và sản xuất vũ khí có thể sẽ yêu cầu một sự hiện diện nhất định trên lãnh thổ Ukraine, song không đồng nghĩa với trực tiếp tham chiến.”

  • Điều đáng chú ý là trước khi cuộc họp diễn ra, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã phát biểu trước báo chí rằng một số thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa binh sĩ đến Ukraine theo các thỏa thuận song phương, đồng thời khẳng định Slovakia không có ý định gửi quân đến Ukraine. Thủ tướng Séc Petr Fiala ngay sau đó đã phủ nhận rằng nước này sẽ gửi binh lính của mình tới Ukraine tham chiến.

Phản ứng của các đồng minh NATO 

  • Quan điểm của Mỹ gồm không có kế hoạch đưa lính Mỹ hay quân đội NATO đến tham chiến ở Ukraine và Nhà Trắng kêu gọi các nghị sĩ Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ an ninh đang bị đình trệ, trong đó đảm bảo Ukraine có vũ khí và đạn cần thiết để tiếp tục cuộc chiến. Mỹ sẽ chỉ tiếp viện về vật chất và không bao giờ có yếu tố con người.

  • Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ứng viên hàng đầu cho vị trí Tổng thư ký NATO nhiệm kỳ tiếp theo, cho biết triển khai binh sĩ đến Ukraine không phải vấn đề trọng tâm thảo luận tại cuộc họp ngày 26/2.

  • Đức là bên cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, nhưng nước này không muốn đối đầu trực tiếp với Nga và luôn có sự tôn trọng ngầm. Berlin rất thận trọng với các bước đi có thể kéo NATO vào xung đột trực tiếp với Nga. “Sẽ không có chuyện châu Âu hoặc thành viên NATO đưa binh sĩ đến lãnh thổ Ukraine”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong cuộc họp ngày 27/2.

  • Về phía NATO, quan điểm chung của khối hiệp ước phòng thủ sẽ giữ nguyên những gì mà hiến chương của khối đặt ra. Sẽ không có quân nhân NATO nào đặt chân đến một quốc gia khác nếu nước đó không thuộc thành viên NATO, ở đây là Ukraine. Chính phủ Tây Ban Nha cho biết Madrid muốn gửi thêm vũ khí và thiết bị tới Kiev, nhưng không phải binh sĩ. Đại diện NATO, ông Stoltenberg cho hay khối không có dự định đưa lực lượng và đổ máu người Tây Âu ở Ukraine.

  • Tuy nhiên các đồng minh của Ukraine đều nhấn mạnh tính cần thiết của việc nhanh chóng tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt trong vấn đề đạn dược.

Đánh giá 

  • Sau khi Mỹ dưới chính quyền Biden dường như đã giảm bớt cam kết quân sự đối với Ukraine, có thể nhận ra Pháp đang dần trở thành quốc gia sốt sắng nhất trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga. Điều này một phần phản ánh lập trường về an ninh của chính phủ Macron, cho rằng việc giúp đỡ Ukraine chính là đảm bảo an ninh lâu dài của nước này, đồng thời phản ánh khao khát được đóng vai trò lớn hơn, thậm chí là dẫn dắt, trong các vấn đề khu vực thường trực trong tư duy đối ngoại của các nhà lãnh đạo Pháp ít nhất kể từ thời De Gaulle. Do đó, không nên coi phát biểu này của ông Macron như một sự “lỡ lời” mà là một phát biểu nghiêm túc nhưng thiếu thấu đáo.

  • Phản ứng dứt khoát của nhiều đồng minh NATO, bao gồm các nước chủ chốt nhất, trước “đề xuất” của TT. Macron cho thấy khối này có một sự đồng thuận tương đối rõ rằng họ không muốn trực tiếp đối đầu với quân đội Nga, khi mà điều này chắc chắn sẽ dẫn đến leo thang quân sự, tính toán sai lầm và thậm chí là việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các quốc gia riêng lẻ sẽ không tự triển khai các nỗ lực viện trợ song phương dành cho Ukraine, bao gồm việc gửi một số lượng nhỏ binh sĩ tới lãnh thổ Ukraine để huấn luyện hay hỗ trợ dưới mức tham chiến. Trên lý thuyết, vẫn không thể loại trừ khả năng có một nước đồng minh NATO sẽ gửi binh lính tới Ukraine để chiến đấu và nếu điều này xảy ra, nó sẽ tạo ra những hệ luỵ phức tạp đối với cam kết phòng thủ chung của khối quân sự này.

  • Vấn đề mấu chốt đối với NATO trong vấn đề Ukraine vẫn là viện trợ quân sự, cụ thể là làm thế nào để mua từ bên ngoài hoặc sản xuất đủ đạn dược để chuyển ra tiền tuyến. Yếu kém của châu Âu trong vấn đề này càng bộc lộ rõ mâu thuẫn giữa Đức và Pháp, khi mà Đức chỉ trích Pháp rằng nước này tuy “mạnh miệng” nhưng cho đến nay mới chỉ chi 640 triệu euro để viện trợ Ukraine (so với 17,7 tỉ euro của Đức), trong khi Pháp phản bác lại rằng nước này cung cấp những hệ thống khí tài thực sự thiết yếu và luôn làm điều đó một cách nhanh chóng (không như Đức).

  • Với những gì đang diễn ra trên cả thực địa và giữa lòng châu Âu, rất khó để tưởng tượng ra một viễn cảnh mà trong đó Ukraine giành lại được ưu thế áp đảo trên chiến trường. Tuy nhiên Mỹ và các đồng minh vẫn có lợi ích và quyết tâm đáng kể trong việc giúp Ukraine tránh một thất bại nên nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì một mức độ viện trợ đủ nhiều để Nga không giành được một chiến thắng quyết định trên chiến trường có thể xoay chuyển cục diện của cuộc chiến.

Phạm Quang Hiền là sinh viên K49 khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, ngành Quan hệ Quốc tế, DAV. Sở thích: tìm hiểu về quan hệ quốc tế và lịch sử (chiến tranh), các vấn đề về quân sự, vũ khí; hiện đang làm cộng tác viên của trang nccl.org.

Previous
Previous

#7 - Sự kiện - Iran tấn công trả đũa, nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông

Next
Next

#5 - Sự kiện - Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ở Gaza