#5 - Sự kiện - Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ở Gaza
Phạm Quang Hiền
Bức tranh toàn cảnh
Sau hơn 7 tuần giao tranh khốc liệt, một thỏa thuận đình chiến tạm thời được đồng ý giữa Israel và Hamas tạm dừng giao tranh trong bốn ngày và thực hiện trao đổi tù nhân và giải thoát con tin. Kể từ ngày 7/10, khi Hamas tiến hành vụ tấn công bằng rocket và trên bộ vào lãnh thổ Israel khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, đáp trả dải Gaza nhỏ bé đã trở thành mục tiêu oanh tạc từ trên không và trên bộ khiến hơn 14.000 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Hôm 22/11, chính phủ Israel đã đồng ý tạm dừng các hoạt động quân sự và có thể trao đổi con tin từ ngày 24/11. Thủ tướng Netanyahu khẳng định lệnh ngừng bắn chỉ là tạm thời và cuộc chiến sẽ tiếp tục sau khi hết thời hạn.
Ngừng bắn = hòa bình?
Thành công
1. Chiến tranh vùng Vịnh (1991)
Tình huống: Năm 1990, Tổng thống Iraq Saddam Hussein viện cớ Kuwait bí mật hút dầu thô của nước này từ mỏ dầu tranh chấp Rumaila, tấn công xâm lược nước này. Tháng 1/1991, Mỹ dẫn đầu liên quân nhanh chóng đánh bại đạo quân xâm lược của Iraq trên lãnh thổ Kuwait. Tổng thống Bush sau đó tuyên bố ngừng bắn..
Kết quả: Thành công. Chiến sự không bùng phát trở lại giữa Iraq và Kuwait sau đó.
2. Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994-1996)
Tình huống: Cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Chechnya Ichkeria từ việc Chính phủ tự trị ở Chechnya tuyên bố độc lập, ly khai vùng này khỏi nước Nga. Chiến sự nổ ra đến năm 1996 Nga đã đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn do cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề.
Kết quả: Thành công một phần. Năm 1999 do căng thẳng chính trị leo thang Nga và Chechnya đã quay lại chiến tranh.
3. Chiến tranh Afghanistan (2001–2021)
Tình huống: cuộc chiến tranh diễn ra sau khi Mỹ xâm lược Afghanistan và tiêu diệt thành công Taliban. Sau đó Taliban được tổ chức lại và tấn công chính quyền Afghanistan với sự can thiệp của nước ngoài. Năm 2020 một thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày được đưa ra trong tiến trình đi đến kết thúc chiến tranh ở quốc gia Trung Á này.
Kết quả: Thành công. Lệnh ngừng bắn 7 ngày có hiệu lực đã mở đường cho việc ký kết thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Mỹ và Taliban, đồng thời chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan.
Thất bại
1. Nội chiến Syria (2011)
Tình huống: Căng thẳng leo cao giữa những người biểu tình và chế độ Bashar-al-Assad. Vào tháng 7, tổ chức chống chính quyền Assad chính thức được thành lập từ các quân nhân đào ngũ ở quân đội Syria mang tên Quân đội Syria Tự do (FSA). Trong khi đó, dân tộc Kurd ở miền Bắc Syria cũng hình thành một đơn vị quân sự riêng để chống chính phủ.
Kết quả: Thất bại. Các lệnh ngừng bắn do quốc tế làm trung gian với sự tham gia của Liên hợp quốc, Mỹ và Nga nhưng hòa bình chỉ được một thời gian bạo lực lại leo thang do các bên có quan điểm khác nhau và sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc.
2. Nội chiến Sudan (2023)
Tình huống: Ngày 15 tháng 4, nội chiến nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) xung quanh cuộc đảo chính quân sự và phân chia quyền lực ở nước này.
Kết quả: Thất bại. Nhiều thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt giao tranh đã thất bại và bạo lực đã leo thang mở rộng ở Sudan.
Tín hiệu tích cực
Chiến sự tạm thời ngưng mở ra khả năng di tản khỏi vùng chiến đấu, tương lai có thể thực hiện hành lang tiếp tế nhân đạo cho người dân.
Israel nhận lại được con tin bị bắt cóc và tù binh, đổi lại cả hai bên đều có thêm thời gian để củng cố lại lực lượng
Cải thiện hình ảnh với dư luận thế giới sau thời gian xung đột kéo dài đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng, Israel có thể chèo lái lại dư luận quốc tế phản đối sau đợt phản công đẫm máu.
Trong tương lai với sự tham gia hòa giải của cộng đồng quốc tế có thể sẽ tiến tới chấm dứt chiến tranh hoàn toàn.
Các nguy cơ tiềm tàng
Là thỏa thuận đôi bên không có sự giám sát đảm bảo của quốc tế, không có căn cứ để khẳng định sẽ có một bên xé bỏ thỏa thuận.
Thỏa thuận ngừng bắn có giới hạn thời gian và trong tương lai xung đột sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi một bên đạt được mục đích của mình.
Chỉ mang tính chất tạm thời và đề cập đến vấn đề con tin mà chưa xác định về viện trợ nhân đạo, tìm kiếm người mất tích.
Hai bên vẫn bỏ ngỏ khả năng đàm phán xa hơn về hòa bình và vẫn thể hiện quyết tâm chính trị của mình với dải Gaza..
Kết luận
Nhìn chung không phải thỏa thuận ngừng bắn nào cũng dẫn đến hòa bình. Việc đạt được một thỏa thuận tạm thời đã là một bước tiến lớn trong đàm phán hướng tới ngừng bắn hoàn toàn giữa hai bên. Tuy nhiên, hành động tấn công Israel của Hamas gây chiến rõ ràng nhưng việc trả đũa từ chính phủ Do Thái đã gây ra thương vong cho hàng chục nghìn người vô tội đã càng đẩy xung đột lên nấc thang mới. Sự can thiệp từ “các bên thứ ba” một phần nguyên do làm mọi thứ phức tạp hơn.
Ngừng bắn chỉ là giải pháp ngắn hạn để hai bên điều chỉnh chiến lược hành động của mình nhằm đạt được mục tiêu chính trị. Muốn giải quyết mâu thuẫn phải từ căn nguyên của mâu thuẫn trả lời cho câu hỏi “tại sao họ làm vậy” để rồi kết nối liên lạc đàm phán dựa trên “giải pháp” mà hai bên mong muốn nhằm biến ngừng bắn (ceasefire) thành đình chiến (armistice) và cuối cùng là thỏa thuận hòa bình (peace agreement).
Phạm Quang Hiền là sinh viên K49 khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, ngành Quan hệ Quốc tế, DAV. Sở thích: tìm hiểu về quan hệ quốc tế và lịch sử (chiến tranh), các vấn đề về quân sự, vũ khí; hiện đang làm cộng tác viên của trang nccl.org.