#15 - Donald Trump và vận mệnh thế giới trong 4 năm tới
Khi ánh nắng Florida rọi qua những ô cửa sổ cao của biệt thự Mar-a-Lago vào một ngày tháng 8 năm 2024, nó soi thẳng vào một vết thương nhỏ trên vành tai phải của Donald Trump - dấu ấn của viên đạn suýt bẻ cong quỹ đạo lịch sử nước Mỹ hơn một tháng trước đó. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, đã chỉ vào vết thương và gọi nó là "đường ray xe lửa".
Theo lời kể của Ronny Jackson, cựu bác sĩ Nhà Trắng và nay là một dân biểu Cộng hòa, viên đạn chỉ lấy đi một phần da và mô mỡ nhỏ trên đỉnh tai. Một vết thương hình bán nguyệt - không đủ nghiêm trọng để cần khâu, nhưng đủ để thay đổi cục diện chính trị nước Mỹ và có lẽ, thay đổi cả con người Donald Trump.
- - -
Trump của năm 2024 hiện lên có đôi phần khác biệt với hình ảnh quen thuộc trước đây trên truyền thông. Ở tuổi 78, ông gầy đi đôi chút, mái tóc vàng nhạt hơn, nước da vẫn màu đỏ cam nhưng trong ánh mắt thoáng hiện một vẻ trầm tư mới mẻ. Những người thân cận nhận xét về một con người dường như vừa thay đổi vừa không thay đổi - trầm tĩnh hơn có lẽ, nhưng không kém phần quyết đoán về sứ mệnh định hình lại vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.
Sự biến chuyển đó, dù nhỏ, đã góp phần tạo nên một trong những kỳ tích chính trị ấn tượng nhất lịch sử nước Mỹ. Ngày 6/11 vừa qua, Trump đã trở thành tổng thống đầu tiên kể từ thời Grover Cleveland cách đây hơn một thế kỷ giành lại Nhà Trắng sau một nhiệm kỳ vắng bóng. Từ một cựu tổng thống bị luận tội hai lần và phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc hình sự, ông đã tạo nên một chiến thắng vang dội vượt xa mọi dự đoán ban đầu của đại bộ phận giới quan sát chính trị Mỹ.
Quy mô của thắng lợi này thậm chí còn gây bất ngờ với chính đội ngũ tranh cử của Trump. Không chỉ giành lại bang Georgia, ông còn chiến thắng tại North Carolina và phá vỡ "Bức tường Xanh" của đảng Dân chủ. Đặc biệt ấn tượng là cách Trump thu hút được cử tri Latino: tỷ lệ ủng hộ của nam giới gốc Latinh tăng từ 36% lên 54% trên toàn quốc. Tại Pennsylvania, bang chiến địa chủ chốt trong kỳ bầu cử lần này, con số này nhảy vọt từ 27% lên 42%. Ngay cả với nhóm cử tri lần đầu đi bầu, Trump đã nâng tỷ lệ ủng hộ từ 32% lên tới 54%.
Đằng sau những con số đó là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng. Bà Susie Wiles (người mới được bổ nhiệm vào vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng của Trump) và Chris LaCivita, hai chiến lược gia chủ chốt của chiến dịch tranh cử, đã nhận ra từ sớm rằng chìa khóa nằm ở cử tri nam giới. Năm 2020, Biden đã thắng nhờ thu hẹp khoảng cách với Trump trong nhóm cử tri này. Lần này, đội ngũ của Trump quyết định không để điều đó lặp lại.
Họ tập trung vào nhóm nam giới trẻ dưới 40 tuổi - những người ít quan tâm đến chính trị truyền thống nhưng bị thu hút bởi phong cách táo bạo của Trump. Thay vì các kênh truyền thông chính thống, chiến dịch của Trump chuyển sang các podcast dành cho nam giới và mạng xã hội. Đó là một canh bạc táo bạo, nhưng như LaCivita thường trích dẫn Winston Churchill: "Cố gắng an toàn ở mọi nơi là không mạnh ở bất cứ đâu."
Tất nhiên, con đường đến chiến thắng của Trump cũng được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố bên ngoài. Các phiên tòa hình sự nghiêm trọng nhất đều bị hoãn đến sau bầu cử. Biden, đối thủ ban đầu của ông, ngày càng bộc lộ những dấu hiệu của tuổi tác, đặc biệt trong cuộc tranh luận duy nhất giữa hai người vào cuối tháng 6. Và quan trọng hơn cả, quyết định thay thế Biden bằng Harris của đảng Dân chủ - dù táo bạo và hợp lý - đã xảy ra quá muộn. Hơn nữa, đa số cử tri Mỹ đã khẳng định rằng họ vẫn chưa sẵn sàng có một nữ tổng thống, càng không phải là một nữ tổng thống da màu.
Nhưng có lẽ bước ngoặt quyết định nhất trong chiến dịch tranh cử là vụ ám sát hụt tại Butler, Pennsylvania vào ngày 13/7. Khoảnh khắc Trump đứng dậy, nắm tay đấm lên trời khi máu còn chảy dọc khuôn mặt đã trở thành biểu tượng của sức sống phi thường và ý chí không thể khuất phục. Ngay cả những cử tri vốn hoài nghi về Trump cũng không thể phủ nhận tác động mạnh mẽ của hình ảnh đó.
Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch, Trump còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Elon Musk. Với hơn 100 triệu đô la đổ vào các tiểu bang chiến địa và việc biến nền tảng X thành một công cụ truyền thông hiệu quả, tỷ phú công nghệ này đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng của Trump.
2 giờ 24 phút sáng ngày 6/11, khi bước lên sân khấu tại phòng tiệc Mar-a-Lago giữa biển người đội mũ đỏ MAGA, Donald Trump không còn là kẻ bị săn đuổi của bốn năm trước. Ông đã trở lại, mạnh mẽ hơn, với một tầm nhìn quyết liệt hơn về việc định hình lại nước Mỹ theo ý mình. "Chúng ta đã làm nên điều không tưởng," ông nói với đám đông. "Nước Mỹ đã trao cho chúng ta một sứ mệnh chưa từng có."
Ông Trump bị ám sát hụt tại Butler, Pennsylvania. (Ảnh: CNN)
Donald Trump của nhiệm kỳ thứ hai rất có thể sẽ khác với Donald Trump của năm 2016 hay thậm chí 2020. Những người từng làm việc gần ông trong Nhà Trắng nhận xét rằng thời gian xa cách quyền lực và đặc biệt là vụ ám sát hụt đã để lại những dấu ấn sâu sắc. Họ kể về một Trump có phần trầm tĩnh hơn trong các cuộc họp, sẵn sàng lắng nghe hơn, và đôi khi còn bày tỏ những suy tư về sự bất tử và ý nghĩa của cuộc sống.
Thế nhưng, những phẩm chất làm nên con người và thương hiệu Donald Trump không hề thay đổi: niềm tin tuyệt đối vào trực giác của bản thân và xu hướng nhìn nhận mọi vấn đề qua lăng kính của quyền lực cá nhân. "Tôi là một người kiến tạo," ông thường nhắc đi nhắc lại câu này trong các cuộc phỏng vấn. "Và giờ đây chúng ta sẽ kiến tạo lại nước Mỹ."
Trong những cuộc trao đổi với giới báo chí, Trump thường xuyên đề cập đến khái niệm "số phận" và "sứ mệnh". Vụ ám sát hụt dường như càng củng cố niềm tin của ông rằng mình được "Chúa lựa chọn" để dẫn dắt nước Mỹ. "Người ta nói với tôi rằng đó là sự can thiệp của Chúa," ông nói với phóng viên Time. "Ngay cả những người trước đây không tin vào Chúa cũng đã tin sau chuyện đó."
Nhưng có lẽ đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của vị tổng thống thứ 47 là niềm tin gần như tuyệt đối vào khả năng đàm phán và "chốt deal" của mình. "Tôi có thể giải quyết xung đột Ukraine-Nga trong vòng 24 giờ," ông tuyên bố, cũng với sự tự tin như khi nói về việc đối phó với Trung Quốc hay tái cấu trúc NATO. Đối với Trump, mọi vấn đề địa chính trị phức tạp đều có thể được giản lược thành một thương vụ, nơi các bên ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra một thỏa thuận - miễn là có một "nghệ sĩ của những thương vụ" như ông làm trung gian.
Cách tiếp cận này, vốn đã định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, giờ đây có vẻ sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa. Các chuyên gia cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến những hệ quả không lường trước được trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp. Nhưng với Trump, đó chính là điểm mạnh chứ không phải điểm yếu của chiến lược này.
Với Trump, thực tại luôn đơn giản và rõ ràng như những con số. "Trung Quốc đã lấy đi 31% ngành sản xuất ô tô của chúng ta", "NATO nợ chúng ta hàng tỷ đô la", "15, có thể là 20 triệu người nhập cư bất hợp pháp". Những tuyên bố như vậy được ông đưa ra với niềm tin tuyệt đối, bất chấp tính chính xác của chúng.
Các chuyên gia tâm lý học nhìn thấy ở Trump một đặc điểm tính cách nổi bật: khả năng kiềm chế thấp (low disinhibition). Nếu hầu hết mọi người, đặc biệt là các chính trị gia, đều hành động trong một khuôn khổ các ràng buộc, phép tắc xã hội và đạo đức ngầm định, Trump dường như hoàn toàn không bị giới hạn bởi những rào cản vô hình đó. Ông di chuyển trong thế giới chính trị như một người không bị trói buộc bởi những lo lắng và kìm nén thông thường.
Đây vừa có thể được xem là điểm yếu chí mạng vừa là vũ khí lợi hại nhất của Trump. Chính sự thiếu kiềm chế này khiến ông có thể nói những điều mà không chính trị gia nào dám nói (dù nghĩ trong bụng) và thử nghiệm những chiến lược không ai dám thử. Trên sân khấu vận động tranh cử, đặc điểm này tạo nên một sức hút kỳ lạ. Trump có thể tuyên bố mình là "người duy nhất có thể cứu nước Mỹ" mà không hề tỏ ra ngượng ngùng hay đắn đo. Ông có thể chuyển từ việc ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin sang chỉ trích gay gắt nhà lãnh đạo Nga trong cùng một ngày, mà không cảm thấy có bất kỳ sự mâu thuẫn nào trong lời nói của mình.
Điều đáng chú ý là đặc điểm tính cách này không chỉ thể hiện qua những phát ngôn của Trump mà còn định hình toàn bộ cách ông tiếp cận quyền lực. Trong các cuộc họp tại Mar-a-Lago để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai, Trump thường đưa ra những ý tưởng mà các cố vấn cho là bất khả thi hoặc quá mạo hiểm. "Chúng ta sẽ trục xuất họ trong một ngày," ông có thể nói về kế hoạch đối phó với người nhập cư. "Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ." Với Trump, không có vấn đề nào là quá phức tạp để không thể giải quyết bằng một thương vụ táo bạo.
Các cộng sự kỳ cựu của Trump nhận xét rằng chính đặc điểm này đã giúp ông đạt được một số thành công bất ngờ trong nhiệm kỳ đầu - như thỏa thuận Abraham ở Trung Đông hay việc hai lần gặp mặt Kim Jong Un. Nhưng nó cũng dẫn đến những thất bại lớn, như cách xử lý đại dịch Covid-19 hay những ngày cuối cùng hỗn loạn của nhiệm kỳ. Trump không bao giờ để những thất bại này làm suy giảm niềm tin vào bản thân. Với ông, mỗi thất bại đều là kết quả của âm mưu chống phá từ "deep state" hay những kẻ thù chính trị.
- - -
Giờ đây, khi chuẩn bị trở lại Nhà Trắng với một đội ngũ cố vấn trung thành hơn và ít rào cản thể chế hơn, Donald Trump có thể sẽ định hình chính sách của Mỹ theo những cách vô tiền khoáng hậu. Nhiều cộng sự thân cận nhất của ông đã tham gia vào Project 2025 - một sáng kiến do Viện Heritage Foundation khởi xướng nhằm chuẩn bị một kế hoạch chi tiết cho chính quyền Cộng hòa tiếp theo. Dù Trump chưa chính thức ủng hộ toàn bộ kế hoạch này, nhưng các ý tưởng trong đó - từ việc mở rộng quyền lực hành pháp đến tái cơ cấu toàn diện guồng máy chính phủ - phản ánh rõ nét tầm nhìn của những người thân cận nhất với ông.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Trump vẫn duy trì niềm tin rằng mọi vấn đề đều có thể được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo. Ông coi thường các thể chế đa phương và tin rằng quan hệ quốc tế, về bản chất, không khác gì việc mua bán bất động sản ở Manhattan. "Tôi biết Putin, tôi hiểu ông Tập," ông thường nói. "Họ hiểu sức mạnh. Và họ chỉ tôn trọng sức mạnh.
Hơn ai hết, ông Trump yêu sự bất định và khẳng định việc xây dựng hình ảnh là một người khó đoán, thậm chí điên rồ, mang lại cho ông lợi thế trong đàm phán. Ông có thể đe dọa hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên trong một bài phát biểu, rồi vài tháng sau tuyên bố "đem lòng yêu mến" Kim Jong Un. Các quyết định đối ngoại của ông thường được đưa ra một cách đột ngột, đôi khi ngay cả các cố vấn thân cận nhất cũng không được thông báo trước.
Điều này giải thích vì sao không ít chuyên gia lo ngại về một nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Nếu trong nhiệm kỳ đầu, những người như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cựu Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster hay cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đã nhiều lần ngăn Trump khỏi những quyết định bốc đồng, thì lần này các vị trí then chốt trong chính quyền nhiều khả năng sẽ được trao cho những người ủng hộ tuyệt đối đường lối của ông. Theo tiết lộ từ các nguồn thân cận, Trump đã yêu cầu đội ngũ chuyển tiếp quyền lực áp dụng một bài kiểm tra trung thành đặc biệt: ứng viên phải tin rằng cuộc bầu cử 2020 đã bị đánh cắp.
"Lần này sẽ khác," một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Trump đầu tiên nhận định. "Ông ấy đã học được bài học từ nhiệm kỳ đầu - rằng để thực hiện được tầm nhìn của mình, ông ấy cần những người sẵn sàng phá vỡ các rào cản thể chế." Theo kế hoạch được phác thảo trong một văn kiện Project 2025, hàng nghìn vị trí trong guồng máy chính phủ sẽ được phân loại lại để dễ dàng thay thế người đương nhiệm bằng những người trung thành với Trump.
Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất cũng thừa nhận rằng tính cách của Trump có thể tạo ra những bất ngờ. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông thường xuyên đề cập đến những suy tư về số phận và sứ mệnh thiêng liêng sau vụ ám sát hụt. "Điều đó đã thay đổi ông ấy," một cố vấn thân tín chia sẻ. "Ông ấy tin rằng mình được chọn để thực hiện một sứ mệnh lớn lao hơn."
Một trong những chính sách gây tranh cãi nhất mà Trump dự định thực hiện ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức là chiến dịch trục xuất người nhập cư quy mô lớn. Tom Homan, cựu giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) và hiện đang tham gia Project 2025, được dự đoán sẽ đứng đầu nỗ lực này. "Đây không chỉ là vấn đề thực thi pháp luật," Homan từng tuyên bố. "Đây là vấn đề sinh tử của đất nước này."
Trong lĩnh vực đối ngoại, Trump đang chuẩn bị những thay đổi còn táo bạo hơn. Ông công khai nói về việc điều chỉnh lại cam kết của Mỹ với NATO, thậm chí gợi ý rằng việc bảo vệ các đồng minh châu Âu sẽ phụ thuộc vào mức độ đóng góp tài chính của họ. J.D. Vance, người được chọn làm Phó Tổng thống, đã trở thành tiếng nói quan trọng ủng hộ chính sách đối ngoại theo xu hướng biệt lập này. Tác giả của cuốn hồi ký best-seller "Hillbilly Elegy" tin rằng Mỹ cần tập trung vào việc khôi phục lại sức mạnh nội lực thay vì "đóng vai cảnh sát của thế giới."
Với Trung Quốc, cách tiếp cận của Trump thậm chí còn quyết liệt hơn. Ông đề xuất áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và tăng cường các biện pháp hạn chế chuyển giao công nghệ. Robert Lighthizer, người từng là Đại diện Thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Trump và được dự đoán sẽ trở lại vị trí này, đã phác thảo một chiến lược toàn diện nhằm "phân tách" (decouple) nền kinh tế Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
"Chúng ta sẽ đưa sản xuất trở lại với nước Mỹ," Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính sách này có thể dẫn đến lạm phát tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trump dường như không mấy bận tâm với những cảnh báo này. Với ông, việc "đánh bại" Trung Quốc quan trọng hơn bất kỳ chi phí kinh tế ngắn hạn nào.
Đối với Ukraine, kế hoạch của Trump còn gây tranh cãi hơn. Stephen Miller, một trong những cố vấn thân cận nhất và là kiến trúc sư chính của các chính sách nhập cư cứng rắn trong nhiệm kỳ đầu, đã vẽ ra một bức tranh đối lập gay gắt giữa Trump và Harris: một bên là hòa bình, bên kia là nguy cơ "Thế chiến thứ ba". Trump tin rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận với Putin, dù điều đó có thể đồng nghĩa với việc Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ.
Những người thân cận với Trump cho biết ông đặc biệt tự hào về thành tích đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu. "Tôi là tổng thống duy nhất trong nhiều thập kỷ không đưa Mỹ vào cuộc chiến mới nào," ông thường nhắc lại. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông đã tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Trung Quốc và Nga đang tranh thủ lấp đầy.
Với nền kinh tế, Trump đã để mắt đến Cục Dự trữ Liên bang. Ông công khai chỉ trích chính sách tiền tệ hiện tại và đe dọa sẽ thay thế Chủ tịch Jerome Powell - dù điều này vượt quá thẩm quyền hiến định của tổng thống. Judy Shelton, một nhà kinh tế theo trường phái phi chính thống từng được Trump đề cử vào Fed nhưng không thành công trong nhiệm kỳ đầu, đang được xem xét cho vai trò quan trọng trong chính sách kinh tế.
"Đây sẽ là một chính quyền hoàn toàn khác," một cố vấn cao cấp của Trump nhận định. "Không còn những người như Mattis hay Kelly để kiềm chế ông ấy nữa. Không còn những 'người lớn trong phòng' nữa. Chỉ có những người tin tưởng vào tầm nhìn của ông ấy và sẵn sàng thực hiện nó bằng mọi giá."
- - -
Tuy nhiên, ngay cả những kế hoạch táo bạo nhất của Trump cũng sẽ phải đối mặt với thực tế phức tạp của guồng máy chính phủ Mỹ. Một ví dụ điển hình là kế hoạch triển khai Vệ binh Quốc gia để thực hiện các chiến dịch trục xuất người nhập cư. Các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng đạo luật Posse Comitatus ngăn cấm việc sử dụng quân đội trong các hoạt động thực thi pháp luật dân sự. Khi được hỏi về vấn đề này, Trump đáp lại đơn giản: "Đây không phải dân thường. Đây là một cuộc xâm lược."
Cách tiếp cận này - bỏ qua các rào cản pháp lý bằng cách định nghĩa lại vấn đề - là đặc trưng của phong cách lãnh đạo Trump. Russ Vought, cựu Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách và hiện đang điều hành Trung tâm Phục hưng Nước Mỹ, đã chuẩn bị hàng trăm sắc lệnh hành pháp để Trump có thể ký ngay trong những ngày đầu nhậm chức. Nhiều sắc lệnh này được thiết kế để mở rộng tối đa quyền lực của tổng thống, thậm chí vượt ra ngoài các giới hạn thông thường.
"Chúng ta phải cứu lấy đất nước này," Trump thường nói trong các cuộc họp chiến lược. "Và đôi khi để làm điều đó, bạn phải phá vỡ một vài quy tắc cũ."
Với riêng quân đội Mỹ, Trump đang chuẩn bị những thay đổi sâu rộng. Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia từng bị kết án và sau đó được Trump ân xá, đang đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự cấp cao cho Lầu Năm Góc. Các nguồn tin thân cận tiết lộ rằng Trump tin tưởng vào một học thuyết mới về "chủ quyền hành pháp", theo đó tổng thống có quyền kiểm soát trực tiếp mọi khía cạnh của chính sách quân sự và đối ngoại, không cần thông qua các kênh thông thường.
Tầm nhìn của Trump về một nước Mỹ "vĩ đại trở lại" cũng bao gồm việc định hình lại mối quan hệ với các tập đoàn công nghệ lớn. Elon Musk, ông chủ của Tesla và cũng là người đã đổ hơn 100 triệu đô la vào chiến dịch tranh cử của Trump, được cho là sẽ đứng đầu một ủy ban đặc biệt về "hiệu quả chính phủ". Peter Thiel, một tỷ phú công nghệ khác trong vòng tròn thân cận của Trump, đang vận động cho một chương trình đầy tham vọng nhằm số hóa toàn bộ chính phủ liên bang - một kế hoạch mà các nhà phê bình lo ngại có thể tạo ra những rủi ro về quyền riêng tư và an ninh quốc gia.
Điều khiến nhiều nhà quan sát lo ngại không chỉ là những kế hoạch cụ thể, mà còn là cách Trump nhìn nhận về quyền lực tổng thống. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông thường xuyên so sánh mình với các tổng thống thời chiến như Abraham Lincoln hay Franklin Roosevelt - những người đã mở rộng đáng kể quyền lực của hành pháp trong bối cảnh khủng hoảng quốc gia. Sự khác biệt là Trump dường như tin rằng nước Mỹ đang trong tình trạng khẩn cấp thường trực, đòi hỏi những biện pháp đặc biệt không chỉ trong ngắn hạn mà còn dài hạn.
Stephen Miller, một người có tư tưởng cực hữu và được dự đoán sẽ giữ vai trò cố vấn cấp cao trong Nhà Trắng, đã phác thảo một kế hoạch sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để thực thi các chính sách thương mại và nhập cư. Đạo luật này, vốn được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, có thể được Trump sử dụng để áp đặt các biện pháp cực đoan mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
Jeffrey Clark, một cựu quan chức Bộ Tư pháp và là người ủng hộ nhiệt thành các tuyên bố về gian lận bầu cử năm 2020, đang được xem xét cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp. Điều này báo hiệu một sự thay đổi căn bản trong cách Bộ Tư pháp - vốn tự hào về tính độc lập của mình - sẽ hoạt động dưới thời Trump. "Bộ Tư pháp sẽ phải trung thành với tổng thống," Trump đã nhiều lần nhấn mạnh.
"Đây không chỉ là một nhiệm kỳ tổng thống nữa," một cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng nhận xét. "Đây là một nỗ lực toàn diện nhằm tái định nghĩa vai trò của chính phủ liên bang và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế." Nhận định này phản ánh một thực tế ngày càng rõ ràng: Trump của năm 2024 không còn là một kẻ ngoại đạo “ngỗ ngược” của năm 2016. Ông giờ đây là trung tâm của một phong trào chính trị có tổ chức, với một tầm nhìn rõ ràng về việc cải tổ toàn diện nước Mỹ. Thậm chí sẽ không quá nếu nói rằng Donald Trump đang chuẩn bị tiến hành một cuộc cách mạng trong lòng nước Mỹ, dù vô tình hay hữu ý.
- - -
Trong những ngày đầu tiên sau chiến thắng của Trump, phản ứng của lãnh đạo các nước đã phản ánh rõ nét sự phân hóa trong nền chính trị quốc tế hiện nay. Benjamin Netanyahu là một trong những người đầu tiên chúc mừng Trump, gọi đây là một "chiến thắng lịch sử" và "khởi đầu mới cho liên minh vĩ đại Israel-Mỹ". Không có gì ngạc nhiên về điều này - cả hai nhà lãnh đạo đều chia sẻ tầm nhìn dân tộc chủ nghĩa và đều đang đối mặt với những thách thức pháp lý đáng kể.
Các đồng minh châu Âu tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Emmanuel Macron của Pháp, Keir Starmer của Anh, và Giorgia Meloni của Ý đều đưa ra những lời chúc mừng ngoại giao, nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Mark Rutte, tân Tổng Thư ký NATO, tuyên bố sẽ làm việc với Trump để "thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh". Tuy nhiên, đằng sau những phát biểu ngoại giao này là nỗi lo ngại sâu sắc về kế hoạch áp thuế 20% lên hàng hóa từ các nước đồng minh của Trump.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, dù chúc mừng Trump, đã ngay lập tức triệu tập các cuộc họp an ninh cấp cao để thảo luận về tương lai của liên minh Mỹ-Nhật. Tổng thống Vladimir Putin chọn chờ đến tận thứ Sáu mới chúc mừng Trump, nhưng không quên gọi ông là "người đàn ông dũng cảm" vì đã sống sót sau vụ ám sát hụt.
Nhìn rộng ra có thể thấy có ba nhóm chính. Nhóm đầu tiên - những người hưởng lợi trực tiếp từ chính sách của Trump - thể hiện sự phấn khởi không giấu giếm. Netanyahu dẫn đầu nhóm này, tin rằng sự trở lại của Trump sẽ củng cố thêm sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ với Israel, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Gaza. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một đồng minh thân cận khác của Trump, cũng nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ.
Nhóm thứ hai - các đồng minh truyền thống của Mỹ - đang cố gắng che giấu sự lo lắng đằng sau những lời chúc mừng ngoại giao. Họ nhớ rõ cách Trump đã làm rung chuyển trật tự phương Tây trong nhiệm kỳ đầu và lo ngại điều tồi tệ hơn có thể xảy ra. Các nhà lãnh đạo châu Âu đặc biệt quan ngại về hai vấn đề: kế hoạch áp thuế mới của Trump và thái độ của ông đối với NATO. Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với câu hỏi hóc búa về chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Nhóm thứ ba - các đối thủ địa chính trị của Mỹ - thể hiện thái độ chờ đợi thận trọng. Putin dường như hy vọng Trump sẽ giúp kết thúc chiến tranh Ukraine theo hướng có lợi cho Nga. Trung Quốc đã chúc mừng Mỹ đồng thời kêu gọi hai bên cùng hợp tác trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ-Trung rất có thể sẽ bước vào một giai đoạn khó khăn mới, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và công nghệ.
Điều đáng chú ý là hầu hết các nhà lãnh đạo đều nhận thức rằng Trump nhiệm kỳ hai sẽ khác Trump nhiệm kỳ đầu. Ông không còn là một nhân tố bất ngờ trong chính trường quốc tế. Các cam kết tranh cử của ông về một chính sách đối ngoại quyết liệt hơn, cùng với đội ngũ cố vấn cực đoan hơn, báo hiệu những thay đổi sâu sắc trong cục diện thế giới sắp tới.
- - -
Trước hết, khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương có thể sẽ trải qua những biến động lớn. NATO, trụ cột của an ninh xuyên Đại Tây Dương trong 75 năm qua, sẽ phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Dù không hoàn toàn rút khỏi liên minh, Trump nhiều khả năng sẽ biến NATO thành một mối quan hệ thuần túy thương mại - "bảo hiểm an ninh" mà các nước châu Âu phải trả giá đắt. Điều này có thể thúc đẩy EU phát triển nhanh hơn về năng lực quốc phòng độc lập, như Macron đã nhiều lần kêu gọi.
Tại châu Á, một cuộc tái cấu trúc địa chính trị có thể diễn ra. Chính sách thương mại cứng rắn của Trump với Trung Quốc, kết hợp với những nghi ngờ về cam kết an ninh của Mỹ, có thể thúc đẩy các nước trong khu vực tìm kiếm những cân bằng mới. Nhật Bản dưới thời Shigeru có thể đẩy nhanh quá trình tái vũ trang. Các nước Đông Nam Á, vốn đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, sẽ phải cẩn trọng trong việc cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Gần như chắc chắn điểm nóng đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ là quan hệ Mỹ-Trung. Mặc dù Trump đe dọa áp thuế lên tới 60% với hàng hóa Trung Quốc, nhiều nhà phân tích nhận định rằng một kịch bản hoàn toàn khác, dù khả năng rất thấp, vẫn có thể xảy ra. Với tính cách ưa thích những "thương vụ lớn" và xu hướng đàm phán mặt đối mặt với các nhà lãnh đạo, Trump có thể tìm cách đạt được một thỏa thuận toàn diện với ông Tập Cận Bình - một kiểu "Thỏa thuận Plaza" của thế kỷ 21.
Một thỏa thuận như vậy có thể bao gồm việc Trung Quốc đồng ý tăng mạnh nhập khẩu từ Mỹ, mở cửa thị trường tài chính, và có thể cả một vài nhượng bộ mang tính hình thức trong vấn đề Đài Loan, đổi lại việc Mỹ giảm bớt các hạn chế công nghệ và chấp nhận một vùng "bán cầu ảnh hưởng" của Trung Quốc ở châu Á. "Trump không bị ràng buộc bởi các quan điểm chính sách đối ngoại truyền thống," một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung nhận định. "Ông ấy có thể làm những điều mà không tổng thống Mỹ nào dám làm."
Trong tầm nhìn của Trump, các thỏa thuận ở Trung Đông không chỉ là những thắng lợi ngoại giao đơn lẻ mà còn là một phần của bức tranh lớn hơn về việc định hình lại cục diện khu vực. Với việc "giải quyết" xung đột Israel-Palestine theo cách của mình và tập hợp các nước Ả Rập ôn hòa, Trump có thể chuyển sự chú ý sang "thương vụ" lớn tiếp theo: Ukraine.
Kế hoạch "chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ" của Trump, dù được nhiều người chế giễu là phi thực tế, phản ánh một logic địa chính trị đặc biệt. Theo các nguồn tin thân cận, Trump tin rằng một thỏa thuận với Putin - có thể bao gồm việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và chấp nhận mất một số lãnh thổ - sẽ mở đường cho việc tái định hình quan hệ Mỹ-Nga. "Nga không phải là kẻ thù của chúng ta," Trump đã nhiều lần nhắc lại.
Một sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Nga có thể làm thay đổi hoàn toàn sự vận động của tam giác chiến lược Mỹ-Nga-Trung. Bắc Kinh, vốn đã hưởng lợi từ mối quan hệ ngày càng gần gũi với Moscow kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu, có thể thấy mình đứng trước một tình thế khó khăn mới. Điều này có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cân nhắc lại chiến lược toàn cầu của mình và thậm chí đẩy nhanh việc đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận toàn diện như đã đề cập ở trên.
Cả thế giới nín thờ chờ đợi những nước đi đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Sydney Morning Herald)
Thế giới dưới thời Trump nhiệm kỳ hai có thể sẽ không phát triển theo những khuôn mẫu quen thuộc mà các nhà phân tích vẫn dự đoán. Chúng ta có thể chứng kiến sự hình thành của một trật tự thế giới thực dụng hơn, nơi các cường quốc lớn - dù có những khác biệt về ý thức hệ và hệ thống chính trị - vẫn có thể đạt được những thỏa thuận dựa trên lợi ích thực tế.
Điều đáng chú ý là cách tiếp cận này có thể khiến nước Mỹ trở nên "bình thường" hơn trong vai trò một cường quốc. Thay vì không ngừng nhấn mạnh về sứ mệnh toàn cầu hay tính ngoại lệ của mình, Mỹ dưới thời Trump có thể sẽ hành xử như một cường quốc truyền thống - tập trung vào các lợi ích quốc gia cụ thể và sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được những mục tiêu quan trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc các mối quan hệ giữa các nước có thể sẽ ít bị chi phối bởi những tuyên bố về giá trị hay ý thức hệ, thay vào đó là những tính toán thực tế về lợi ích địa chính trị và kinh tế. Điều này không nhất thiết dẫn đến một thế giới hỗn loạn hơn - ngược lại, nó có thể tạo ra những cân bằng mới, dựa trên sự thừa nhận lẫn nhau về quyền lợi và phạm vi ảnh hưởng của mỗi bên.
Tuy nhiên, một trật tự thế giới như vậy cũng đặt ra những thách thức lớn cho các quốc gia vừa và nhỏ. Họ sẽ phải thích nghi với một môi trường quốc tế nơi các quy tắc và chuẩn mực có thể thay đổi nhanh chóng theo những thỏa thuận giữa các cường quốc, đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén và uyển chuyển hơn trong chính sách đối ngoại.
Về phương diện kinh tế, một trật tự thế giới thực dụng hơn có thể mang lại những thay đổi sâu sắc trong cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu. Thay vì theo đuổi tự do thương mại, các quốc gia có thể chuyển sang một hệ thống thương mại có quản lý chặt chẽ hơn, nơi các thỏa thuận song phương và khu vực được ưu tiên hơn các quy tắc toàn cầu.
Điều này không có nghĩa là toàn cầu hóa sẽ bị đảo ngược. Thực tế cho thấy các chuỗi cung ứng đang được tái cấu trúc theo hướng đa dạng hóa và khu vực hóa thay vì hoàn toàn đứt gãy. Các tập đoàn đa quốc gia đang xây dựng những mạng lưới sản xuất linh hoạt hơn, có khả năng thích ứng với những thay đổi trong quan hệ giữa các cường quốc. Xu hướng này có thể tăng tốc dưới thời Trump, tạo ra cơ hội cho các nền kinh tế mới nổi.
Đáng chú ý là cách các khối kinh tế lớn đang điều chỉnh chiến lược của mình. Liên minh châu Âu đẩy mạnh chính sách công nghiệp độc lập và tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực đa dạng hóa đối tác thương mại. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đang tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư để nâng cấp cơ sở sản xuất và phát triển các ngành công nghiệp mới.
Những thay đổi này trong cục diện hiện nay - từ địa chính trị đến kinh tế - cho thấy chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi các mối quan hệ quốc tế được định hình bởi sự thực dụng và những thỏa thuận thực tế hơn là các nguyên tắc trừu tượng. Đây có thể không phải là thế giới mà nhiều người mong đợi, nhưng nó có thể là một thế giới ổn định hơn theo cách riêng của nó - miễn là các cường quốc có thể đạt được những thỏa thuận cơ bản về phạm vi ảnh hưởng và lợi ích của nhau.
Và ở trung tâm của tất cả những thay đổi này là một nhân vật “có một không hai” trong lịch sử chính trị Mỹ: Donald Trump.
- - -
Gần bốn năm sau khi rời Nhà Trắng trong tâm thế của một người thua cuộc nhưng không phục, và chỉ vài tháng sau vụ ám sát hụt ở Butler, Donald Trump đã trở lại vị trí quyền lực nhất thế giới với một niềm tin sâu sắc: chỉ có ông, và duy nhất ông, mới có thể thay đổi vận mệnh nước Mỹ và thậm chí là cả thế giới.
"Tôi có thể giải quyết xung đột Ukraine-Nga trong vòng 24 giờ," Trump tuyên bố, với cùng sự tự tin như khi ông nói về khả năng đạt được một thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc hay tái định hình NATO. Với Trump, mọi vấn đề địa chính trị phức tạp đều có thể được giải quyết thông qua nghệ thuật đàm phán mà ông tin rằng mình đã hoàn thiện qua hàng thập kỷ làm "những thương vụ bất khả thi" trong lĩnh vực bất động sản.
Các cường quốc đối thủ của Mỹ dường như đã hiểu ra điều này. Putin chờ đợi một thỏa thuận có thể chấm dứt chiến tranh Ukraine. Trung Quốc, dù đối mặt với đe dọa về thuế quan, vẫn có thể để ngỏ khả năng một "thương vụ thế kỷ" với Donald Trump. Ngay cả các đồng minh cũng đang học cách tiếp cận Trump theo cách mới - không phải thông qua các kênh ngoại giao truyền thống, mà là những đề xuất táo bạo có thể đáp ứng khao khát của ông về những thành tựu mang tính lịch sử.
Tuy nhiên, chính niềm tin này của Trump - rằng ông có thể một mình phá vỡ thế bế tắc và định hình lại trật tự thế giới thông qua các hành động đơn phương hoặc những cuộc đàm phán lớn - cũng tiềm ẩn những rủi ro sâu sắc. Các thỏa thuận được đạt được nhờ quan hệ cá nhân và đột phá nhanh chóng có thể thiếu nền tảng vững chắc cho sự ổn định lâu dài. Một thế giới được xây dựng trên những "thương vụ" thay vì các thể chế và nguyên tắc có thể dễ dàng sụp đổ khi các điều kiện thay đổi.
Nhưng có lẽ đó chính là điều Trump muốn - một trật tự thế giới linh hoạt hơn, nơi các quốc gia, giống như các công ty trong thế giới kinh doanh, liên tục đàm phán và tái đàm phán các thỏa thuận của họ. Trong thế giới quan của Trump, đây mới là cách thức tự nhiên để các quốc gia tương tác với nhau, không bị ràng buộc bởi những ý thức hệ hay các cam kết trừu tượng.
Khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, ở tuổi 78, Donald Trump không còn là một nhân tố gây sốc như tám năm trước. Ông đã trở thành biểu tượng của một kỷ nguyên mới trong chính trị thế giới - kỷ nguyên của những "nhà lãnh đạo vĩ đại", nơi vận mệnh thế giới được định đoạt không phải bởi các thể chế hay ý thức hệ, mà bởi những nhà lãnh đạo mạnh mẽ dám phá vỡ mọi quy tắc để đạt được những kết quả mang tính lịch sử.
Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Narendra Modi, Mohamed bin Salman - họ là những người đã và đang định hình lại bản đồ địa chính trị thế giới theo cách riêng của mình, và giờ đây Trump đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi này với tất cả sự tự tin của một người tin rằng mình được số phận lựa chọn. Việc ông có thực sự tạo nên những đột phá lịch sử hay không vẫn còn là một ẩn số, nhưng một điều là chắc chắn: Hộp Pandora đã mở, cả thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới.