#16 - Cường quốc sẽ mãi là cường quốc: Một góc nhìn về trò chơi quyền lực toàn cầu

1. Nước lớn, nước nhỏ, trong vòng xoáy địa chính trị

Năm 416 TCN, cuộc tranh giành quyền lực ở Hy Lạp tưởng chừng đã ngã ngũ sau khi liên quân dưới sự chỉ đạo của thành bang Athens đã bị đánh bại bởi quân đội Sparta trong một nỗ lực lội ngược dòng thần kỳ. Nhưng Athens vẫn quyết tâm phục thù, và mùa hè năm đó, các nhà lãnh đạo Athens đã cử một đoàn phái bộ đến đảo Melos nhỏ bé, vốn là xứ thuộc địa của Sparta nhưng không chịu thuần phục trước người Athens như dân các đảo khác và đến lúc đó vẫn giữ thế trung lập, không tham gia vào bên nào của cuộc chiến. Mục đích của Athens không thể rõ ràng hơn: buộc Melos từ bỏ thế trung lập và gia nhập liên minh của họ trong cuộc chiến một mất một còn giữa hai siêu cường.

Sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides đã ghi chép lại một cách chi tiết cuộc đối thoại đầy kịch tính giữa các sứ giả của Athens và những nhà lãnh đạo của Melos trong tác phẩm kinh điển của ông “Lịch sử chiến tranh Peloponnese”. Mặc cho thần dân Melos cầu khẩn rằng công lý phải được đặt lên trên hết, phái đoàn Athens vẫn khăng khăng rằng công lý chỉ tồn tại giữa những kẻ ngang tài ngang sức. "Kẻ mạnh làm những gì họ có thể, kẻ yếu phải chấp nhận những gì phải chịu đựng", câu nói sắt lạnh nổi tiếng này gần như tóm gọn toàn bộ đại ý của cuộc đối thoại giữa Athens và Melos. Cuối cùng, vì tin rằng thần linh sẽ che chở cho kẻ yếu thế có chính nghĩa, những người cầm quyền Melos đã can đảm từ chối đầu hàng, chỉ để vài tuần sau đó, quân Athen đổ bộ lên chiếm đảo, giết sạch nam giới và bắt giữ toàn bộ phụ nữ, trẻ em làm nô lệ. Kẻ mạnh đã giành chiến thắng áp đảo.

***

Trong gần 2.500 năm qua, Cuộc đối thoại ở Melos vẫn luôn được xem như một lời cảnh báo hùng hồn về bản chất tàn khốc của chính trị cường quyền. Suốt chiều dài lịch sử, những dân tộc nhỏ bé đã luôn phải vật lộn để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự đe dọa của các cường quốc. Kẻ mạnh sẽ luôn lấy "lợi ích quốc gia" làm cái cớ để áp đặt ý chí của mình lên người yếu hơn, vì vậy sẽ không có lòng tốt hay phép mầu nào có thể cứu vãn bên yếu thế. Như lý thuyết gia về chủ nghĩa hiện thực tấn công (offensive realism) nổi tiếng John Mearsheimer đã từng châm biếm: "Chúa chỉ giúp đỡ những ai biết tự cứu lấy mình". Chỉ có sự tỉnh táo và nỗ lực tự cường không ngừng mới đảm bảo được an ninh quốc gia và sự tồn vong lâu dài của dân tộc.

Gần 2.500 năm sau "Cuộc đối thoại ở Melos", chúng ta lại thấy những hình ảnh có phần tương tự lặp lại trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và những diễn biến mới nhất tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2 vừa qua. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai quyết định đàm phán với Nga về Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã phẫn nộ tuyên bố: "Chúng tôi không thể công nhận bất kỳ thỏa thuận nào về chúng tôi mà không có chúng tôi". Câu nói này vang vọng tiếng kêu cứu của người dân Melos cách đây hai thiên niên kỷ rưỡi, và cho thấy logic của quyền lực vẫn chưa hề thay đổi: Kẻ mạnh vẫn tiếp tục làm những gì họ có thể, và kẻ yếu vẫn phải chấp nhận những gì họ phải chịu đựng.

Nhờ sự phát triển của luật pháp quốc tế, cùng với mối quan tâm tới chính trị ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc của đông đảo người dân, các quốc gia ngày càng ngần ngại sử dụng vũ lực hay các biện pháp cưỡng ép trắng trợn, lộ liễu như Athens trước đây. Các cường quốc ngày càng ứng xử "tinh tế" hơn, hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự và nếu có, thường chỉ sử dụng vũ lực ở mức độ vừa phải để can thiệp, rồi dựng lên chính phủ "bù nhìn", thay vì tàn sát và nô dịch người dân vô tội ở các nước khác.

Nhưng đằng sau bức màn đó, nguyên tắc cơ bản của trò chơi quyền lực vẫn hệt vậy. Các quốc gia lớn nhỏ vẫn vừa cạnh tranh vừa hợp tác trong một thế giới "vô chính phủ", nơi mỗi dân tộc đều phải tự dựa vào chính mình thay vì trông cậy vào bất kỳ vị trọng tài nào để đảm bảo sự sinh tồn của mình. Lợi ích quốc gia và các tính toán địa chính trị luôn vẫn luôn là kim chỉ nam cho những quyết định then chốt có thể định đoạt số phận của hàng nghìn, hàng triệu sinh mạng. Và trong những tình huống sinh tử, nước mạnh luôn buộc nước yếu phải phục tùng mệnh lệnh của mình. Dù thế giới đã phần nào trở nên văn minh và hòa bình hơn, song bản chất của cạnh tranh địa chính trị và chính trị cường quyền vẫn chưa hề thay đổi.

"Cuộc đối thoại ở Melos" là một câu chuyện đơn giản nhưng mang hàm ý sâu sắc về mối quan hệ giữa đạo đức và quyền lực, và là phiên bản giản lược của một trong những "chân lý" quan trọng nhất trong chính trị quốc tế. Nó là điểm khởi đầu lý tưởng để bắt đầu hành trình tìm hiểu về thế giới đầy phức tạp, nơi địa lý, tham vọng quyền lực và nỗi bất an giao thoa tạo nên một bức tranh chính trị đa sắc màu và luôn đầy biến động.

2. Cường quốc và địa chính trị

Nhiệm vụ của các địa chính trị gia là nghiên cứu những mối quan hệ mật thiết giữa các yếu tố địa lý và hành vi chính trị của các quốc gia. Nhưng xét về bản chất, địa chính trị, dù hàng trăm năm trước hay bây giờ, vẫn chủ yếu là tập hợp những nỗ lực nhằm hiểu được những động lực sâu xa thôi thúc các cường quốc tham gia trò chơi quyền lực trên bàn cờ chính trị thế giới.

Halford Mackinder, nhà địa chính trị học người Anh, đã đặt nền móng cho lý thuyết "Vùng đất trung tâm" (Heartland Theory) trong bài thuyết trình nổi tiếng năm 1904 "The Geographic Pivot of History". Quan điểm cốt lõi của ông là ai kiểm soát được vùng trung tâm Á-Âu - bao gồm Đông Âu, Tây Á và Trung Á - sẽ nắm trong tay chìa khóa để thống trị thế giới. Mackinder lập luận rằng: "Ai thống trị Đông Âu sẽ thống trị vùng đất trung tâm; ai thống trị vùng đất trung tâm sẽ thống trị đảo thế giới; ai thống trị đảo thế giới sẽ thống trị cả thế giới." Lý thuyết này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy chiến lược của các cường quốc trong thế kỷ 20, đặc biệt là trong Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô kiểm soát phần lớn "vùng đất trung tâm" và Mỹ theo đuổi chiến lược ngăn chặn (containment) để kiềm chế ảnh hưởng của Moscow.

Đối lập với quan điểm đó, Đô đốc người Mỹ Alfred Thayer Mahan lại cho rằng chính sức mạnh hải quân mới là yếu tố quyết định trong cạnh tranh địa chính trị. Trong tác phẩm "The Influence of Sea Power Upon History" (1890), Mahan lập luận rằng các vùng biển và đại dương chính là những "xa lộ" kết nối các châu lục, và quốc gia nào kiểm soát được các tuyến đường biển thương mại sẽ thịnh vượng và chi phối được trật tự thế giới. Quan điểm của Mahan đã có ảnh hưởng to lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ và châm ngòi cho cuộc chạy đua xây dựng hải quân giữa các cường quốc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ngày nay, tư tưởng của Mahan vẫn tiếp tục chi phối chiến lược của Mỹ trong việc duy trì các hạm đội hùng mạnh để kiểm soát các tuyến đường biển then chốt trên toàn thế giới.

Nicholas Spykman, một chiến lược gia người Mỹ thời kỳ Thế Chiến II, đã phát triển thêm lý thuyết của Mackinder và đưa ra quan điểm trung dung hơn thông qua học thuyết "Vùng đất vành đai" (Rimland Theory). Spykman cho rằng chính vùng đất ven biển bao quanh lục địa Á-Âu - bao gồm Tây Âu, Trung Đông, Tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Á - mới là khu vực trọng yếu nhất. Ông lập luận: "Ai kiểm soát được vùng đất vành đai sẽ thống trị Á-Âu; ai thống trị Á-Âu sẽ kiểm soát vận mệnh của thế giới." Lý thuyết này đã trở thành nền tảng cho chiến lược của Mỹ sau năm 1945 khi Washington thiết lập các liên minh quân sự bao vây Liên Xô từ NATO ở châu Âu đến các hiệp ước an ninh với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Dù có những quan điểm và lý lẽ khác nhau, các nhà tư tưởng địa chính trị lớn đều thống nhất ở hai điểm căn bản. Thứ nhất, mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều là những "tù nhân của địa lý" - bị giới hạn và định hình bởi vị trí địa lý, địa hình, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thứ hai, địa chính trị chủ yếu là trò chơi dành cho các cường quốc, khi mà chỉ những quốc gia với tiềm lực vượt trội mới có khả năng định hình trật tự thế giới theo ý muốn của mình.

***

Từ lăng kính địa chính trị, một cường quốc gần như luôn luôn là nước lớn - một quốc gia sở hữu diện tích lãnh thổ rộng lớn, vốn là cơ sở nền tảng để phát triển dân số đông đảo, cũng như có được tài nguyên thiên nhiên vừa dồi dào vừa phong phú. Đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào tạo điều kiện lý tưởng cho nông nghiệp; trong khi dồi dào các tài nguyên như gỗ, than đá và dầu mỏ giúp đem lại một nguồn năng lượng vô tận, vốn là điều kiện thiết yếu để phát triển một cỗ máy công nghiệp khổng lồ. Một điều kiện quan trọng khác là địa thế thuận lợi: vừa dễ phòng thủ nhưng cũng dễ triển khai quân lực, lại có điều kiện thuận lợi cho giao thương và hội nhập quốc tế. Đây chính là những tiền đề quan trọng để xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh và một quân đội đáng gờm - nền tảng của một cường quốc thực thụ.

Một cách vô tình, bản mô tả có vẻ lý tưởng quá mức này lại vô cùng trùng khớp với những gì chúng ta biết về vị thế địa chính trị vô song của nước Mỹ. Với tổng diện tích hơn 9,8 triệu km², Mỹ đứng thứ ba trên thế giới về diện tích lãnh thổ, chỉ sau Nga và Canada. Trong đó có hơn 1,2 triệu km² là đất nông nghiệp - tương đương với diện tích của cả Tây Âu, làm nên một vựa lúa khổng lồ giữa đồng bằng trung tâm. Với sự đa dạng địa hình từ núi non hùng vĩ, sông hồ bao la, tới rừng rậm xanh mướt, nước Mỹ được thiên nhiên ban tặng một kho báu tài nguyên gần như vô tận: dự trữ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đều đứng trong tốp 10 của thế giới, đồng thời là một trong những quốc gia sản xuất than đá và khoáng sản hàng đầu.

Được bao bọc bởi hai vùng biển bao la là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, hai sườn Đông và Tây của nước Mỹ vừa có những cảng nước sâu tuyệt vời để giao thương với thế giới, vừa dễ dàng kiểm soát các tuyến hàng hải then chốt. Phía Bắc là một Canada thân thiện, phía Nam là nước láng giềng Mexico đã thần phục, nước Mỹ từ lâu đã có một hậu phương vô cùng an toàn. Như một nhà ngoại giao người Pháp từng bình luận: "Ông Trời đã độ cho nước Mỹ. Ở phía Bắc là một nước láng giềng yếu; phía Nam lại một láng giềng yếu nữa; nhìn sang hướng Đông hay nhìn sang phía Tây, cũng chỉ có mỗi tôm cá." Nói cách khác, nước Mỹ đã trúng giải độc đắc sổ xố địa chính trị.

Ngày nay, những tham vọng lãnh thổ mới của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai đã chứng minh rằng lịch sử chưa bao giờ kết thúc, và các cường quốc vẫn tiếp tục hành động theo logic địa chính trị truyền thống. Vào cuối năm 2024, Trump đã liên tục đề cập đến việc Mỹ cần phải kiểm soát Greenland, lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, thậm chí còn nửa đùa nửa thật về việc sáp nhập Canada làm bang thứ 51 của Mỹ. Cách tiếp cận này không chỉ gợi nhớ đến những luận điểm về "Vận mệnh hiển nhiên" (Manifest Destiny) của thế kỷ 19, mà còn cho thấy tư duy quyền lực dựa trên địa lý của các cường quốc vẫn chưa thay đổi, bất chấp những tiến bộ về luật pháp quốc tế và chuẩn mực toàn cầu.

Ngay từ thời kỳ lập quốc, các nhà lãnh đạo ở Washington đã ý thức được rất rõ về tầm quan trọng của "không gian sinh tồn" - một trong những khái niệm cốt lõi của nghiên cứu địa chính trị. Chỉ mất không đầy 150 năm, nước Mỹ đã từng bước vươn lên, từ một vùng thuộc địa tương đối nhỏ bé của Anh Quốc để trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, nhờ vào không gian rộng lớn, vị trí thuận lợi và nguồn tài nguyên dồi dào về mọi mặt.

Ngay từ giữa thế kỷ 19, giới tinh hoa Mỹ đã bắt đầu nói về "Vận mệnh hiển nhiên" - tức một niềm tin rằng nước Mỹ ắt sẽ mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương bởi Chúa Trời đã ban cho nước Mỹ sứ mệnh thống trị lục địa Bắc Mỹ. Trên thực tế, suốt chiều dài của thế kỷ 19, từ Hiệp ước Louisiana năm 1803 cho phép nước này mua lại toàn bộ vùng Louisiana rộng lớn từ tay nước Pháp, cho tới Hiệp ước Adam-Onís năm 1819 giúp họ đoạt được Florida từ Tây Ban Nha, và cuối cùng là chiến tranh Mỹ-Mexico (1846-1848), tất cả đã giúp nước Mỹ mở rộng gấp đôi diện tích lãnh thổ so với lúc lập quốc. Tới năm 1867, Mỹ lại chi 7,2 triệu USD để mua lại Alaska từ Sa hoàng Alexander đệ Nhị, giúp cho Mỹ có một lá chắn vĩnh viễn chặn đứng Nga thâm nhập vào lục địa Bắc Mỹ.

Trong khi đó, ở phía bên kia của Thái Bình Dương, lịch sử nước Nga trước thời kỳ Xô Viết là một hành trình mở rộng lãnh thổ không ngừng về cả hai hướng Đông và Tây, nhằm lấp đầy mảnh đất bao la ở giữa tâm của lục địa Á-Âu. Nước Nga thời kỳ đầu vốn chỉ là một công quốc nhỏ bé ở vùng Novgorod, nhưng với tầm nhìn của những vị sa hoàng đầy tham vọng như Ivan Bạo chúa và Pyotr Đại đế, đất nước này đã nhanh chóng vươn lên để gia nhập hàng ngũ những đế chế hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Sự mở rộng không ngừng nghỉ của nước Nga phần lớn bắt nguồn từ nỗi bất an trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Với đường biên giới trải dài và dễ bị xâm nhập do thiếu các hàng rào tự nhiên dù là rừng hay núi (ngược lại hoàn toàn với Thuỵ Sĩ hay Anh Quốc), các nhà lãnh đạo Nga luôn lo sợ quốc gia của mình trở thành nạn nhân của các cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Chính vì vậy, họ đã kiên trì theo đuổi triết lý phòng thủ tốt nhất là tấn công, liên tục mở rộng, càn quét các vùng lãnh thổ lân cận để tạo ra các vành đai, vùng đệm chiến lược ngày một rộng lớn hơn để bảo vệ trung tâm Moscow. Công cuộc "thu nạp các vùng đất" của Ivan Bạo chúa vào thế kỷ 16, hay việc Pyotr Đại đế thu phục vùng Baltic từ tay Thụy Điển đầu thế kỷ 18, đều nhằm phục vụ tính toán địa chính trị này.

Cuộc chiến ở Ukraine hiện nay chính là minh chứng rõ ràng cho tư duy "vùng đệm" cổ điển của Nga. Trong nhận thức của giới lãnh đạo ở Điện Kremlin, mọi nỗ lực của phương Tây nhằm kéo Ukraine vào quỹ đạo của NATO được xem như một mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga. Bỏ qua những lý lẽ về chủ quyền và quyền tự quyết của nước láng giềng nhỏ hơn, chính quyền của Tổng thống Putin đã phát động cuộc chiến với mục tiêu tối thiểu là ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, và tối đa là biến nước này trở thành một nước chư hầu của Nga. Thông qua một bài phát biểu trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự, Putin đã viện dẫn đến lịch sử và những mối liên hệ văn hóa sâu sắc giữa Nga và Ukraine, nhưng đằng sau những luận điệu đó, rõ ràng là một tư duy địa chính trị rất đơn giản: trong mắt của một cường quốc như Nga, những quốc gia nằm trong "vùng ảnh hưởng" của họ không được phép thực hiện các chính sách độc lập đi ngược lại lợi ích của Moscow.

Song song với hướng Tây, Đế chế Nga cũng đẩy mạnh bành trướng lãnh thổ về phía Đông. Theo nhận định của cây bút Tim Marshall trong cuốn Những tù nhân của địa lý, việc mở rộng về hướng Đông là một động thái mang tính cân bằng tự nhiên khi đã bị chặn đường ở phía Tây. Vào năm 1860, Đế quốc Nga đã tiến hành một bước quan trọng trong quá trình mở rộng lãnh thổ của mình về phía Đông. Thông qua việc ký kết Hiệp ước Ái Hồn với triều đình nhà Thanh, Nga đã giành được quyền kiểm soát vùng đất rộng lớn kéo dài tận đến bờ biển Thái Bình Dương. Sa hoàng Alexander Đệ Nhị sau đó đã quyết định biến thành phố cảng Vladivostok thành một căn cứ hải quân tối quan trọng cho Hạm đội Viễn Đông, đảm bảo sự hiện diện và sức ảnh hưởng thường trực của Nga tại khu vực Đông Bắc Á.

Kết quả là một vùng lãnh thổ trải dài 11 múi giờ, đồng nghĩa với việc Nga luôn luôn là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất mà mọi cường quốc Á-Âu phải tính tới trong gần như mọi vấn đề chiến lược. Không ngạc nhiên khi ngày nay, dù đã bị cô lập bởi phương Tây và đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt, Nga vẫn có thể tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh. Địa lý rộng lớn và nguồn tài nguyên phong phú đã tạo cho Nga một nền tảng vững chắc để duy trì vị thế cường quốc bất chấp những thách thức hiện đại.

Như vậy, có thể thấy tuy người Mỹ và người Nga có nhiều điểm khác nhau, song cả hai dân tộc này đều đã trải một quá trình mở rộng lãnh thổ có phần tương đồng để vươn lên thành những cường quốc toàn cầu. Từ vị trí địa lý thuận lợi, lãnh thổ rộng lớn cùng những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, hai quốc gia này đã gây dựng một nền kinh tế năng động và phát triển sức mạnh quân sự vượt trội để trở thành các thế lực chi phối nền chính trị quốc tế trong một khoảng thời gian dài. Cho đến ngày nay, trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, Mỹ và Nga vẫn tiếp tục đóng vai trò những kỳ thủ hàng đầu, với những nước đi được định hình bởi cả di sản lịch sử và địa lý đặc thù của họ.

3. Tư duy nước lớn và cạnh tranh chiến lược

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng một quốc gia đông dân, có lãnh thổ rộng lớn, một quân đội hùng hậu và một nền kinh tế năng động mặc định là nước lớn. Giống như người giàu chưa chắc đã sang, một nước có tiềm lực lớn chưa chắc đã hành xử giống như một cường quốc. Yếu tố không thể thiếu ở đây là tư duy nước lớn.

Ấn Độ trong nhiều thập niên vừa qua là một trường hợp nổi bật về một quốc gia sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc nhưng thiếu tư duy nước lớn. Với dân số hơn 1,3 tỉ người, diện tích lãnh thổ rộng lớn, bề dày văn hóa lâu đời và tư tưởng chiến lược vượt thời đại, Ấn Độ hoàn toàn có nền tảng để trở thành một thế lực đáng gờm trong trật tự thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Năm 1991, Ấn Độ bắt đầu cải cách kinh tế và mở cửa với thế giới. Với dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào và ngành công nghệ phần mềm phát triển, Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ toàn cầu. Đến năm 2014, Ấn Độ đã vươn lên, gia nhập hàng ngũ tốp 10 các nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng GDP đạt gần 3.000 tỉ USD và cũng là quốc gia có chi tiêu quân sự lớn thứ ba khi đó. Thế nhưng trong quãng thời gian đó, Ấn Độ đã không thể hiện được tiếng nói của mình ở mức độ tương xứng với tầm vóc trên trường quốc tế và vô hình trung chấp nhận đóng vai phụ trong một vở kịch Mỹ - Trung - Nga. Tự chủ chiến lược từ góc nhìn của Ấn Độ chỉ dừng lại ở mức bảo toàn quyền tự quyết và sự tự do trong hành động chứ chưa hướng đến việc định hình lại môi trường chiến lược xung quanh mình.

Phải đến giai đoạn 2020-2023, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi mới bắt định hình và bộc lộ tư duy nước lớn của mình một cách rõ rệt. Với thông điệp "Ấn Độ mới", chính quyền Modi bắt đầu theo đuổi một chính sách đối ngoại chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán hơn, thể hiện rõ khát vọng đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Từ việc không ngại đối đầu với Trung Quốc ở khu vực biên giới có tranh chấp, tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật, Úc trong khuôn khổ Bộ Tứ QUAD, tìm cách thúc đẩy các tập hợp lực lượng ở Nam Bán cầu cho tới nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Ấn Độ đang ngày càng nỗ lực định vị mình như một cực mới của một trật tự quốc tế đang trong giai đoạn chuyển mình.

Đến năm 2025, Ấn Độ đã thể hiện rõ nét hơn tư duy nước lớn của mình. Với nền kinh tế đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào cuối năm 2024, Delhi không còn thỏa mãn với vai trò là cường quốc khu vực, mà đã bắt đầu tích cực tham gia vào việc định hình lại trật tự toàn cầu. Việc Ấn Độ không chỉ giữ quan hệ tốt với cả Mỹ và Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine, mà còn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các bên, cho thấy Delhi đã sẵn sàng đảm nhận những vai trò vốn chỉ dành cho các siêu cường thực thụ.

Tương tự Ấn Độ, nền tảng sức mạnh quốc gia của Mỹ đã đi trước tư duy nước lớn một đoạn đường khá xa. Khởi đầu là một quốc gia tầm trung non trẻ, nước Mỹ đã tận dụng lợi thế địa lý và tài nguyên để phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự một cách thần tốc. Tuy nhiên, phải tới cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi nền kinh tế và quân đội đã đạt tới một quy mô nhất định, Mỹ mới có những nước đi cụ thể nhằm chi phối nền chính trị toàn cầu. Tổng thống Theodore Roosevelt là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong với tầm nhìn này. Năm 1904, ông tuyên bố bổ sung Học thuyết Monroe, khẳng định Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào bất kỳ quốc gia nào ở Tây Bán cầu nếu họ để xảy ra "tội ác hoặc thể hiện sự bất lực trầm trọng", nhằm tránh việc các cường quốc châu Âu có cớ để quay trở lại. Mỹ đã bắt đầu tư duy và hành xử như một nước lớn, trước tiên ở vùng Caribe và Mỹ Latinh, khi tự cho mình quyền đóng vai cảnh sát của khu vực.

Như John Mearsheimer đã lập luận trong tác phẩm "The Tragedy of Great Power Politics" (Bi kịch của chính trị cường quyền), các cường quốc luôn tìm cách tối đa hóa quyền lực tương đối của mình và hướng tới bá quyền khu vực. Đối với Mearsheimer, đây không phải là vấn đề về ý thức hệ hay tham vọng cá nhân của các nhà lãnh đạo, mà là kết quả tất yếu của cấu trúc hệ thống quốc tế vô chính phủ, nơi không có một thẩm quyền tối cao nào đứng trên các quốc gia. Trong một môi trường như vậy, các quốc gia không thể chắc chắn về ý định của nhau và do đó phải luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Sự bất an này thúc đẩy các cường quốc không ngừng tích lũy sức mạnh, dẫn đến một vòng luẩn quẩn của cạnh tranh quyền lực - một "Bi kịch" thực sự của chính trị quốc tế. Tuy những người theo chủ nghĩa tự do có thể lập luận rằng các thể chế quốc tế và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể giảm thiểu xung đột, nhưng Mearsheimer tin rằng những yếu tố này chỉ là thứ yếu so với logic cơ bản của cạnh tranh quyền lực.

Đến thời Tổng thống Woodrow Wilson, tư duy nước lớn của Mỹ đã phát triển mạnh mẽ hơn. Việc Wilson quyết định tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất dù lãnh thổ Mỹ không bị tấn công trực tiếp, rồi sau đó là đề xuất thành lập Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc ngày nay), hay kêu gọi các cường quốc châu Âu trả lại tự do cho các thuộc địa đã cho thấy tầm nhìn và khát vọng tái thiết lại trật tự thế giới theo các giá trị Mỹ. Mặc dù chủ trương biệt lập vẫn chiếm ưu thế trong chính giới Mỹ trong suốt những thập niên 1920 và 1930, song những nỗ lực có tính cách mạng của Wilson đã mở ra một chương mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ nói riêng và trật tự thế giới nói chung.

Các vị tổng thống Mỹ sau đó như Franklin Roosevelt và Harry Truman nhìn chung đã kế thừa và phát huy di sản mà Woodrow Wilson để lại. Sự tham gia của Mỹ vào Chiến tranh thế giới thứ hai có nguồn gốc sâu xa từ những tính toán địa chính trị chứ không chỉ là cân nhắc thuần túy về đạo đức. Các nhà lãnh đạo ở Washington ý thức được nếu Đức Quốc xã và Nhật Bản giành thắng lợi, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ bị đảo lộn và lợi ích của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Về lâu dài, nền dân chủ Mỹ sẽ khó lòng tồn tại được trong một thế giới mà tư tưởng phát xít thắng thế.

Vậy tư duy nước lớn thực chất là gì? Khi phân tích một cách hệ thống, ta có thể nhận thấy tư duy nước lớn bao gồm nhiều yếu tố cốt lõi sau:

Thứ nhất, đó là nhận thức rõ ràng về vị thế và tiềm lực quốc gia. Các quốc gia có tư duy nước lớn nhìn nhận một cách khách quan về sức mạnh của mình trong tương quan với các cường quốc khác. Họ hiểu rõ những điểm mạnh cần phát huy và những điểm yếu cần khắc phục, đồng thời nhận thức sâu sắc về vị trí địa chính trị của mình trong bức tranh toàn cầu.

Thứ hai, tư duy nước lớn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược dài hạn. Các cường quốc không chỉ phản ứng thụ động trước các sự kiện quốc tế mà còn chủ động định hình môi trường chiến lược phù hợp với lợi ích của mình. Bằng cách đưa ra những sáng kiến tầm cỡ quốc tế và khu vực, họ tạo ra "luật chơi" mới và buộc các quốc gia khác phải điều chỉnh theo.

Thứ ba, một đặc điểm không thể thiếu của tư duy nước lớn là xác định rõ ràng về "khu vực ảnh hưởng" - những vùng địa lý mà cường quốc đó coi là thuộc phạm vi lợi ích cốt lõi của mình. Trong những khu vực này, họ thường áp dụng các biện pháp đặc biệt, từ ngoại giao cưỡng ép đến can thiệp quân sự nếu cần thiết, để bảo vệ vị thế thống trị của mình.

Thứ tư, tư duy nước lớn bao gồm khả năng và sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ quyền lực quốc gia, từ sức mạnh kinh tế, ngoại giao, văn hóa đến quân sự, để đạt được mục tiêu chiến lược. Các cường quốc hiện đại thường ưu tiên sử dụng "sức mạnh mềm" như ảnh hưởng kinh tế và văn hóa trước khi cân nhắc đến các biện pháp quân sự.

Thứ năm, tư duy nước lớn thể hiện ở khả năng và tham vọng xây dựng và lãnh đạo các liên minh. Mỹ sau Thế chiến II đã thành công trong việc tạo ra một mạng lưới đồng minh toàn cầu, từ NATO ở châu Âu đến các hiệp ước an ninh song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia ở châu Á-Thái Bình Dương. Nga dưới thời Putin cũng đã nỗ lực xây dựng lại ảnh hưởng của mình thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Cuối cùng, tư duy nước lớn còn bao gồm niềm tin vào "sứ mệnh đặc biệt" hay "thiên mệnh" của quốc gia mình. Dù là khái niệm "Vận mệnh hiển nhiên" của Mỹ, "Thế giới Nga" của Putin hay "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình, các cường quốc đều có xu hướng tạo ra những tường thuật lịch sử và ý thức hệ để biện minh cho tham vọng của mình, đồng thời tạo động lực cho người dân ủng hộ các chính sách đối ngoại tích cực.

Khi phân tích những diễn biến địa chính trị gần đây, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đến những tuyên bố của Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, ta có thể thấy rõ tư duy nước lớn truyền thống đang trở lại mạnh mẽ sau một thời gian dài bị che đậy bởi những tường thuật về trật tự thế giới dựa trên luật lệ và các giá trị phổ quát. Các cường quốc, bất kể hệ tư tưởng chính trị và mô hình kinh tế, vẫn tiếp tục hành xử theo logic quyền lực cổ điển khi lợi ích cốt lõi của họ bị đe dọa.

Đáng chú ý là nhiều quốc gia đang nổi lên như Ấn Độ, Brazil hay Indonesia cũng đang dần phát triển tư duy nước lớn riêng của mình. Họ không còn chấp nhận một thế giới do các cường quốc truyền thống chi phối, mà đang ngày càng chủ động định hình lại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế phù hợp với lợi ích của mình. Điều này báo hiệu một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm đang hình thành, nơi không chỉ có Mỹ, Trung Quốc hay Nga, mà còn nhiều trung tâm quyền lực khác cùng tồn tại và cạnh tranh ảnh hưởng.

4. Trật tự quốc tế tự do: Lời hứa và thực tế

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu thập niên 1990, Mỹ đã xuất hiện như siêu cường duy nhất còn sót lại, với sức mạnh vượt trội về mọi mặt, từ quân sự đến kinh tế, công nghệ và văn hóa. Sự sụp đổ của Liên Xô không chỉ đánh dấu chiến thắng của Mỹ trong cuộc đối đầu ý thức hệ kéo dài gần nửa thế kỷ, mà còn tạo ra một khoảng trống quyền lực chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Trong bối cảnh đó, Washington đã có cơ hội hiếm có để định hình một trật tự thế giới mới theo ý muốn của mình.

Trật tự mới này, thường được gọi là "Trật tự quốc tế tự do" (Liberal International Order), được xây dựng dựa trên các nguyên tắc tự do như thương mại mở, dân chủ đại diện, quyền con người và luật pháp quốc tế. Nhưng để hiểu đầy đủ trật tự này, ta cần phải đặt nó trong bối cảnh rộng lớn hơn của địa chính trị cường quyền. Nói cho cùng, trật tự này không phải là sự phá vỡ hoàn toàn với logic quyền lực truyền thống của các cường quốc, mà đúng hơn là một hình thức tinh vi hơn của cùng một logic cơ bản đó.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thiết lập trật tự này mang lại nhiều lợi thế chiến lược cho Mỹ với tư cách là siêu cường thống trị. Thứ nhất, bằng cách thiết lập các quy tắc và chuẩn mực quốc tế phù hợp với lợi ích và giá trị của mình, Mỹ có thể định hình môi trường quốc tế theo cách có lợi cho họ mà không cần phải sử dụng vũ lực một cách “trắng trợn” như các đế quốc trước đây. Khi các quốc gia khác chấp nhận những quy tắc này, họ về cơ bản đã chấp nhận một hệ thống trong đó Mỹ có lợi thế cố hữu.

Thứ hai, sự lan rộng của chủ nghĩa tự do kinh tế và toàn cầu hóa đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các công ty đa quốc gia của Mỹ mở rộng hoạt động trên toàn cầu, đồng thời giúp đồng đô la Mỹ củng cố vị thế là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Địa vị độc tôn của đồng đô la không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Mỹ mà còn cung cấp cho Washington một công cụ quyền lực mạnh mẽ dưới hình thức các lệnh trừng phạt tài chính, có thể được sử dụng để trừng phạt hoặc gây sức ép lên các quốc gia không tuân thủ.

Thứ ba, bằng cách thúc đẩy các giá trị dân chủ, tự do trên toàn cầu, Mỹ có thể mở rộng số lượng các quốc gia cùng chí hướng, những nước có nhiều khả năng trở thành đồng minh của Mỹ và ủng hộ các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ. Lý thuyết "hòa bình dân chủ" – quan điểm cho rằng các nước dân chủ không bao giờ hoặc hiếm khi gây chiến với nhau – đã trở thành một phần của học thuyết chính sách đối ngoại Mỹ, biện minh cho nỗ lực thúc đẩy dân chủ như một cách để mở rộng "khu vực hòa bình" do Mỹ lãnh đạo.

Cuối cùng, thông qua việc thiết lập và duy trì các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, NATO, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Mỹ có thể "thể chế hóa" quyền lực của mình, làm cho nó bền vững hơn và ít tốn kém hơn so với việc duy trì bá quyền đơn thuần bằng sức mạnh quân sự. Các tổ chức này thường phản ánh lợi ích và giá trị của Mỹ, đồng thời cung cấp cho Washington những diễn đàn để gây ảnh hưởng đến các quyết định quốc tế.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, đã có những mâu thuẫn cố hữu trong Trật tự quốc tế tự do. Trong khi Mỹ công khai ủng hộ các nguyên tắc như chủ quyền quốc gia và không can thiệp, họ cũng không ngần ngại vi phạm những nguyên tắc này khi lợi ích của họ đòi hỏi. Cuộc tấn công xâm lược Iraq năm 2003 – được tiến hành mà không có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và dựa trên những lý do sau này được chứng minh là sai – đã làm suy yếu nghiêm trọng tính chính danh của trật tự dựa trên luật lệ mà Mỹ tuyên bố đang bảo vệ.

Tương tự, trong khi Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ tự do hóa kinh tế ở các nước đang phát triển, họ vẫn duy trì nhiều biện pháp bảo hộ trong các ngành nhạy cảm của nền kinh tế nội địa. Điều này đã khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á và Mỹ Latinh, cáo buộc Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép và sử dụng chủ nghĩa tự do kinh tế chủ yếu như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng của mình.

Mâu thuẫn sâu sắc hơn nằm ở chính giữa tâm của Trật tự quốc tế tự do: liệu quyền tự quyết của các dân tộc – một nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa tự do – có được tôn trọng thực sự khi một siêu cường đơn phương định hình các quy tắc của trò chơi quốc tế? Như nhà lý luận chính trị Robert Cox đã từng nói: "Lý thuyết luôn luôn vì ai đó và cho mục đích nào đó." Tương tự, trật tự quốc tế – dù được gọi là "tự do" hay bất kỳ tên gọi nào khác – luôn phản ánh lợi ích và quan điểm của những kẻ mạnh nhất trong hệ thống.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đã không ngừng chỉ trích trật tự này của Mỹ như một hình thức "đế quốc tân thời" của Mỹ. Họ lập luận rằng dưới vỏ bọc hào nhoáng của các giá trị phổ quát và luật pháp quốc tế, Mỹ đang tìm cách áp đặt hệ thống chính trị và kinh tế của mình lên phần còn lại của thế giới, bất chấp các nền văn hóa và truyền thống khác nhau.

Tuy nhiên, phải đến thời điểm Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần đầu tiên vào năm 2016, những mâu thuẫn trong Trật tự quốc tế tự do mới thực sự bị phơi bày một cách rõ ràng. Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" (America First), Trump đã công khai từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu truyền thống của Mỹ, chỉ trích các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và NATO, rút khỏi các hiệp định đa phương như Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và Hiệp định Hạt nhân Iran, đồng thời kích động các cuộc chiến thương mại với cả đồng minh lẫn đối thủ.

Điều đặc biệt đáng chú ý là Trump đã xé bỏ lớp vỏ bọc tự do ra khỏi chính sách đối ngoại của Mỹ, cho thấy dưới tất cả những lời hùng biện về tự do và dân chủ, chính sách của Mỹ vẫn chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia và những tính toán địa chính trị hết sức truyền thống. Bằng cách này, Trump đã vô tình khẳng định tính đúng đắn của những lời chỉ trích của các đối thủ của Mỹ lâu: rằng Trật tự quốc tế tự do thực chất chỉ là một lớp vỏ bọc cho quyền lực truyền thống của Mỹ.

Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã làm rung chuyển nền tảng của Trật tự quốc tế tự do, nhưng những diễn biến trong nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu từ năm 2025 còn đáng lo ngại hơn nhiều. Chỉ trong vài tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, Trump đã đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu các thành viên châu Âu không tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 3% GDP, đồng thời công khai thảo luận về việc Mỹ nên mua lại Greenland từ Đan Mạch, lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, và thậm chí nửa đùa nửa thật về việc biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ. Những tuyên bố này gợi nhớ đến chính sách bành trướng lãnh thổ của Mỹ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chứ không phải một siêu cường dân chủ cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia khác.

Việc Mỹ dưới thời Trump 2.0 tiến hành đàm phán riêng với Nga về tương lai của Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev hay các đồng minh châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2/2025 là một minh chứng rõ ràng cho sự rệu rã của trật tự quốc tế tự do như chúng ta từng biết. Cách tiếp cận này không chỉ vi phạm nguyên tắc cơ bản về chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết, mà còn cho thấy các cường quốc lớn vẫn đang hành xử theo logic của "chính trị cường quyền" truyền thống, nơi số phận của các quốc gia nhỏ được quyết định bởi thỏa thuận giữa các cường quốc lớn.

Trong khi đó, Nga dưới thời Putin đã không ngần ngại sử dụng vũ lực để khẳng định lại vị thế cường quốc của mình và tái thiết lập ảnh hưởng ở "cận Nga" - khu vực mà Moscow coi là sân sau truyền thống của mình. Chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine năm 2022 là minh chứng rõ ràng nhất cho tham vọng này. Tương tự, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đang tích cực theo đuổi "Giấc mộng Trung Hoa" thông qua các sáng kiến như "Vành đai và Con đường" (BRI), quân sự hóa Biển Đông, và nỗ lực định hình lại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế theo hướng có lợi cho mình.

Như vậy, sau hơn ba thập kỷ được quảng bá như một kỷ nguyên mới của hòa bình, hợp tác và thịnh vượng dựa trên các giá trị phổ quát và luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế hiện nay đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi nó ra đời cách đây 80 năm. Và điều đáng lo ngại là thách thức này không chỉ đến từ các đối thủ truyền thống của hệ thống, mà còn từ chính người sáng lập và bảo trợ lâu nay của nó - Mỹ.

Từ góc nhìn địa chính trị, sự suy tàn của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh không phải là một sự đứt đoạn với quá khứ, mà là sự trở lại của một quy luật cơ bản trong quan hệ quốc tế: các cường quốc, bất kể hệ tư tưởng và giá trị công khai của họ, sẽ luôn tìm cách tối đa hóa quyền lực và ảnh hưởng của mình, và trong trường hợp cần thiết, sẽ không ngần ngại sử dụng mọi phương tiện có sẵn, bao gồm cả vũ lực, để đạt được mục tiêu này. Chủ nghĩa quốc tế tự do, từng được coi là một bước tiến trong tiến trình phát triển của nhân loại, giờ đây ngày càng bị nhìn nhận như một kỳ nghỉ tạm thời từ thực tế khắc nghiệt của chính trị quyền lực, chỉ có thể tồn tại trong những điều kiện đặc biệt của thời kỳ ưu thế tuyệt đối của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh.

5. Bài học cho các nước vừa và nhỏ

Trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, các quốc gia vừa và nhỏ thường đứng trước những thách thức to lớn. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng khi các nước lớn đụng độ, những quốc gia nhỏ hơn thường trở thành nạn nhân hoặc "vật tế thần" trong cuộc chơi quyền lực. Từ số phận bi thảm của đảo Melos dưới tay Athens cổ đại cho đến tình cảnh éo le của Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay, chúng ta thấy một mô thức lặp đi lặp lại: khi lợi ích cốt lõi của các cường quốc bị đe dọa, các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia, tự do và công lý thường bị gạt sang một bên.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các quốc gia vừa và nhỏ hoàn toàn bất lực trước sức mạnh áp đảo của các cường quốc. Trái lại, lịch sử cũng cho thấy nhiều ví dụ về những quốc gia nhỏ đã thành công trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình trước áp lực từ các nước lớn. Từ Phần Lan trong Chiến tranh Lạnh cho đến Singapore hiện đại, những quốc gia này đã phát triển các chiến lược tinh vi để điều hướng trong môi trường quốc tế đầy biến động.

Vậy đâu là những bài học cho các quốc gia vừa và nhỏ trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, khi mà chính trị cường quyền đang quay trở lại mạnh mẽ và trật tự quốc tế hiện nay đang lung lay?

Thứ nhất, các quốc gia vừa và nhỏ cần phải tỉnh táo trước thực tế khắc nghiệt của chính trị quyền lực. Dù các cường quốc có thể sử dụng ngôn ngữ cao đẹp về hòa bình, hợp tác và các giá trị phổ quát, nhưng khi lợi ích của họ thực sự bị đe dọa, họ sẽ không ngần ngại sử dụng mọi công cụ – từ áp lực kinh tế đến can thiệp quân sự – để bảo vệ những lợi ích đó. Việc Mỹ và Nga thảo luận về tương lai của Ukraine mà không có sự tham gia của chính Kiev, là một lời nhắc nhở đầy cay đắng về thực tế nghiệt ngã này.

Như nhà khoa học chính trị Hans Morgenthau đã từng viết: "Chính trị quốc tế, giống như mọi chính trị, là một cuộc đấu tranh giành quyền lực." Các quốc gia vừa và nhỏ sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu họ tin rằng các cường quốc sẽ hành động dựa trên tình bạn, lòng biết ơn hay thậm chí là các giá trị đạo đức chung, thay vì dựa trên lợi ích quốc gia của họ. "Đừng trông chờ vào sự tốt bụng của bất kỳ ai, dù là đồng minh hay đối tác", đó là bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà các nước nhỏ cần ghi nhớ.

Thứ hai, tự chủ chiến lược là yếu tố then chốt để các quốc gia vừa và nhỏ tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh cường quốc. Tự chủ chiến lược không có nghĩa là biệt lập hay trung lập tuyệt đối, mà là khả năng ra quyết định độc lập dựa trên lợi ích quốc gia của chính mình, không bị chi phối hoàn toàn bởi áp lực từ bên ngoài. Singapore, dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu, đã thành công trong việc duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời vẫn giữ được tiếng nói độc lập trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Thứ ba, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại là một chiến lược quan trọng để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá mức vào một cường quốc duy nhất. Bằng cách duy trì quan hệ cân bằng với nhiều trung tâm quyền lực khác nhau, các quốc gia vừa và nhỏ có thể tạo ra không gian di chuyển chiến lược cho mình. Việt Nam là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận này, với chính sách "đa phương hóa, đa dạng hóa" quan hệ quốc tế, cho phép cùng lúc cân bằng hài hòa các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU, Nhật Bản và nhiều đối tác khác.

Thứ tư, xây dựng năng lực quốc phòng đáng  vững chắc vẫn là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược an ninh của các quốc gia vừa và nhỏ. Mặc dù không thể cạnh tranh trực tiếp với sức mạnh quân sự áp đảo của các cường quốc, nhưng một năng lực phòng thủ mạnh có thể làm tăng chi phí của bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào, từ đó răn đe các hành động gây hấn. Israel, Thụy Sĩ và Phần Lan là những ví dụ về các quốc gia nhỏ đã xây dựng được năng lực quốc phòng đáng kể, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia của họ trong môi trường địa chính trị khắc nghiệt.

Thứ năm, các quốc gia vừa và nhỏ cần tích cực tham gia vào các thể chế đa phương và cơ chế hợp tác trong khu vực để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. Các tổ chức như ASEAN, mặc dù không phải là liên minh quân sự, đã cung cấp cho các nước thành viên một nền tảng để phối hợp chính sách và tăng cường tiếng nói tập thể khi đối phó với các cường quốc.

Thứ sáu, phát triển sức mạnh kinh tế và xây dựng các lợi thế cạnh tranh quốc gia là yếu tố quan trọng để tăng cường vị thế quốc tế. Các quốc gia nhỏ nhưng giàu có và phát triển như Na Uy, Đan Mạch hay New Zealand đã chứng minh rằng sức mạnh kinh tế vững chắc có thể bù đắp phần nào cho quy mô địa lý và dân số hạn chế. Bằng cách tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị gia tăng cao và đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển, những quốc gia này đã tạo dựng được vị thế đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu.

Cuối cùng, các quốc gia vừa và nhỏ cần phải xây dựng "sức mạnh mềm" thông qua ngoại giao công chúng, văn hóa và các giá trị phổ quát. Các nước Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng, mặc dù là một quốc gia nhỏ về quy mô dân số, đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh quốc tế tích cực thông qua cam kết mạnh mẽ với hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người. Sức mạnh mềm này không chỉ nâng cao vị thế quốc tế của Thụy Điển mà còn tạo ra sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế khi quốc gia này đối mặt với các thách thức.

Tuy nhiên, khi nhìn lại lịch sử, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế đáng buồn: không có chiến lược nào có thể bảo đảm tuyệt đối an ninh cho các quốc gia vừa và nhỏ trong một thế giới vô chính phủ. Như số phận của Melos dưới tay Athens đã cho thấy, khi một cường quốc quyết tâm áp đặt ý chí của mình, các quốc gia nhỏ hơn có thể phải đối mặt với những lựa chọn hết sức khó khăn.

Nhưng nếu lịch sử dạy chúng ta bài học về những giới hạn của quyền lực nhỏ, thì nó cũng cho chúng ta những tấm gương về khả năng chống chịu và phục hồi phi thường của các dân tộc trong nghịch cảnh. Phần Lan, sau khi bị Liên Xô tấn công vào năm 1939, đã phải nhượng bộ lãnh thổ nhưng vẫn giữ được độc lập. Thụy Sĩ, bao quanh bởi các cường quốc châu Âu, đã duy trì được chủ quyền của mình qua hai cuộc Thế chiến. Và Việt Nam, sau nhiều thế kỷ đấu tranh chống lại các đế quốc lớn, cuối cùng đã giành lại độc lập và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới.

Những ví dụ này cho thấy rằng mặc dù chính trị cường quyền là một thực tế không thể tránh khỏi của quan hệ quốc tế, nhưng không phải số phận của tất cả các quốc gia vừa và nhỏ đều được định đoạt hoàn toàn bởi ý chí của các cường quốc. Với sự tỉnh táo, chiến lược thông minh và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, các quốc gia này vẫn có thể tìm được không gian để tồn tại và phát triển trong môi trường địa chính trị đầy thách thức của thế kỷ 21.

Nhìn về tương lai, chúng ta có thể dự đoán rằng cạnh tranh cường quốc sẽ tiếp tục là một đặc điểm định hình của chính trị quốc tế trong nhiều thập kỷ tới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, nỗ lực tái khẳng định vị thế của Nga, và phản ứng của Mỹ trước những thách thức này sẽ tạo ra một môi trường quốc tế đầy biến động, với những cơ hội và rủi ro cho tất cả các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, lời cảnh báo từ cuộc đối thoại giữa Athens và Melos cách đây gần 2.500 năm vẫn còn nguyên giá trị: "Kẻ mạnh làm những gì họ có thể, kẻ yếu phải chấp nhận những gì phải chịu đựng." Nhưng lịch sử cũng dạy chúng ta rằng "kẻ yếu" không nhất thiết phải cam chịu số phận của mình một cách thụ động. Bằng cách hiểu rõ quy luật của chính trị cường quyền và phát triển các chiến lược thông minh để điều hướng trong môi trường đó, các quốc gia vừa và nhỏ vẫn có thể viết nên câu chuyện của riêng mình trong lịch sử thế giới.

Cường quốc sẽ mãi là cường quốc, với tất cả những đặc quyền và tham vọng của họ. Nhưng trong một thế giới ngày càng phức tạp và đa cực, nơi quyền lực đang được phân tán theo những cách mới và không lường trước được, các quốc gia vừa và nhỏ cũng có thể tìm thấy không gian để phát triển và thịnh vượng, miễn là họ không quên bài học cơ bản của địa chính trị: Trong quan hệ quốc tế, không có tình bạn vĩnh cửu, càng không có đồng minh vĩnh viễn. Lợi ích quốc gia là tất cả.

Previous
Previous

#17 - Đường đến hòa bình ở châu Âu

Next
Next

#15 - Donald Trump và vận mệnh thế giới trong 4 năm tới