#17 - Đường đến hòa bình ở châu Âu

Hội nghị Đặc biệt của Hội đồng châu Âu ngày 6/3/2025 không đơn thuần là một cuộc họp khẩn, mà là dấu mốc của một thời điểm lịch sử: lần đầu sau hàng thập kỷ, châu Âu lâm vào tình thế phải tự đảm bảo an ninh của chính mình mình. Khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có xu hướng giảm bớt cam kết đối với đồng minh và tìm con đường đối thoại riêng với Nga, câu hỏi làm thế nào để châu Âu đảm bảo được hòa bình và an ninh về lâu dài trở thành một bài toán hết sức cấp bách.

Về vấn đề này, có lẽ bài học lịch sử đã quá rõ - hòa bình châu Âu chỉ vững bền khi cả hai trụ cột đều vững chắc: mối bang giao Pháp-Đức êm thuận và sự hữu hảo tương đối trong quan hệ giữa phương Tây và Nga. Từ Hội nghị Vienna 1815 đến Hội nghị Yalta ở cuối Thế Chiến II, từ thời Chiến tranh Lạnh đến xung đột Ukraine hiện nay, “quy luật” này vẫn chưa thay đổi. Thế nhưng, châu Âu chưa từng thực tâm đón nhận Nga vào đại gia đình châu Âu, và phía Nga cũng chưa bao giờ chấp nhận giấc mộng nước lớn của mình.

Giờ đây, tại ngã ba đường lịch sử, châu Âu cần vượt qua những định kiến cố hữu để kiến tạo một cấu trúc an ninh mới trong đó vừa công nhận vị thế của Nga, vừa đảm bảo chủ quyền cho các quốc gia nhỏ hơn. Đó là con đường duy nhất dẫn tới một nền hòa bình có thể trường tồn.

Năm tiền đề cho hòa bình châu Âu

Để có thể nhìn nhận một cách toàn diện về con đường hướng tới hòa bình ở châu Âu, tôi xin đề xuất năm tiền đề căn bản - những nguyên lý, bài học nhìn chung được đông đảo giới học thuật quốc tế chấp nhận và được kiểm chứng qua dòng chảy lịch sử châu Âu. Những nguyên lý này sẽ là nền tảng cho các giải pháp thực tiễn sẽ được trình bày trong phần sau của bài viết.

Thứ nhất, nền hòa bình châu Âu phải dựa trên hai trụ cột song hành. Trụ cột đầu tiên là mối quan hệ Pháp-Đức hòa thuận - điều mà nhiều người có thể coi là hiển nhiên ngày nay, nhưng đã từng là điều không tưởng sau các cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai nước này. Từ chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871) đến hai cuộc Thế Chiến, mối thù địch Pháp-Đức đã nhiều lần khiến châu Âu chìm trong biển máu. Chính vì vậy, các kiến trúc sư sáng lập Liên minh châu Âu như Robert Schuman và Jean Monnet ngay từ đầu đã xác định rằng hòa giải Pháp-Đức phải là nền tảng của trật tự châu Âu hậu chiến. Kết quả là sự ra đời của Cộng đồng Than và Thép châu Âu năm 1951, tiền thân của EU ngày nay. Thành công của EU trong việc biến đổi mối quan hệ Pháp-Đức từ thù địch thành đối tác chiến lược là một trong những thành tựu ngoại giao vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Trụ cột thứ hai là quan hệ tương đối hài hòa giữa khối phương Tây (đặc biệt là các nước Tây âu) và Nga. Cuối những thập niên 80, và kể cả sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, quan hệ Mỹ - Nga nói riêng và phương Tây - Nga nói chung dường như đã bước vào một kỷ nguyên mới với những hứa hẹn về hòa bình và hợp tác. Đó là một giai đoạn tương đối hòa bình và yên ổn của châu Âu. Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ sau George H. W. Bush coi sự sụp đổ của Liên Xô là "chiến thắng" của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh và liên tục mở rộng NATO về phía Đông, trong khi Nga dưới thời Putin ngày càng xem việc mở rộng NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, là sự xâm nhập vào “sân sau” của Nga. Những mâu thuẫn tích tụ này, cùng với các yếu tố khác, đã góp phần dẫn đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Thứ hai, Nga vẫn là một phần không thể tách rời của châu Âu và là nhân tố quan trọng trong kiến trúc an ninh châu lục. Từ thời Peter Đại đế, nước Nga đã hướng về phương Tây, xây dựng Saint Petersburg như "cửa sổ nhìn ra châu Âu" và tham gia vào hầu hết các liên minh và xung đột lớn trên lục địa này. Vai trò của Nga trong việc đánh bại Napoleon, ngăn chặn đế chế Ottoman, và sau này là Hitler, đã khẳng định vị thế của họ như một cường quốc châu Âu không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và phần còn lại của châu Âu luôn mang tính phức tạp và đầy mâu thuẫn. Nhiều nhà sử học, như Orlando Figes, đã chỉ ra rằng nước Nga luôn dao động giữa khát vọng trở thành một phần của châu Âu và cảm giác bị phương Tây từ chối, dẫn đến việc phát triển một bản sắc đối lập với châu Âu. Theo Henry Kissinger, "Nga quá lớn để hội nhập vào châu Âu nhưng quá yếu để thống trị châu Âu, và quá tham vọng để hài lòng với vị thế hiện tại".

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy mọi giải pháp an ninh châu Âu đều cần tính đến vị thế và lợi ích chính đáng của Nga, dù không thể biện minh cho hành động xâm lược. "Kế hoạch Tái vũ trang châu Âu" với khoản đầu tư dự kiến hơn 800 tỷ euro trong những năm tới phản ánh nhu cầu cấp thiết của châu Âu trong việc tự bảo đảm an ninh, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về tác động của kế hoạch này đối với quan hệ Âu-Nga trong tương lai.

Thứ ba, chính sách răn đe dù hiệu quả đến mấy vẫn luôn có giới hạn. Khi một quốc gia đủ mạnh nhận thấy lợi ích cốt lõi hoặc danh dự quốc gia bị đe dọa, họ có thể hành động bất chấp rủi ro và hậu quả mà việc sử dụng vũ lực có thểm ang lại. Đây là bài học mà lịch sử đã nhiều lần minh chứng, từ quyết định của Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, đến quyết định của Argentina xâm chiếm quần đảo Falkland/Malvinas năm 1982.

Trong bối cảnh Nga-Ukraine, cả phương Tây và Nga đều cần nhận thức rõ giới hạn này. Phương Tây có cơ sở để tin rằng sức mạnh quân sự của NATO có tác dụng răn đe đáng kể đối với Nga, nhưng cũng cần thừa nhận rằng răn đe quân sự không thể thay thế cho một thỏa thuận an ninh toàn diện được cả hai bên chấp nhận. Tương tự, Nga cần hiểu rằng sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng không chỉ gây tổn thất nhân mạng mà còn làm sâu sắc thêm sự nghi ngờ và thù địch, khiến mục tiêu an ninh của họ càng khó đạt được.

Thứ tư, không một thế lực đơn lẻ nào đủ sức thống trị toàn bộ lục địa Á-Âu. Đây là nguyên lý địa chính trị được chấp nhận tương đối rộng rãi, từ Halford Mackinder với lý thuyết "Vùng đất trung tâm" (Heartland) đến Zbigniew Brzezinski với "Bàn cờ lớn" (The Grand Chessboard). Mackinder từng viết: "Ai kiểm soát Đông Âu sẽ kiểm soát Vùng đất trung tâm; ai kiểm soát Vùng đất trung tâm sẽ kiểm soát Đảo thế giới; ai kiểm soát Đảo thế giới sẽ kiểm soát thế giới." Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng chưa một quốc gia nào thực hiện được tham vọng này.

Napoleon, Hitler, hay kể cả Thành Cát Tư Hãn trước đây đều đã thất bại trong nỗ lực thống trị toàn bộ không gian từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Đội quân "Grande Armée" của Napoleon đã bị đánh bại bởi không gian rộng lớn và mùa đông khắc nghiệt của Nga. Đức Quốc xã cũng đã vấp phải số phận tương tự, và ngay cả Liên Xô ở đỉnh cao quyền lực cũng không thể duy trì sự kiểm soát hoàn toàn đối với Đông Âu. Trong số này, có lẽ Thành Cát Tư Hãn và đế chế Mông Cổ đã tiến gần nhất đến mục tiêu này, khi họ chinh phục một lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Trung Quốc đến Đông Âu. Tuy vậy, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao quyền lực, đế chế Mông Cổ vẫn không thể kiểm soát toàn bộ lục địa Á-Âu và cuối cùng cũng phân mảnh thành nhiều vương quốc riêng biệt.

Nguyên lý này ngụ ý rằng một trật tự an ninh bền vững ở châu Âu cần dựa trên sự cân bằng lợi ích giữa các cường quốc, chứ không đến từ sự áp đảo của bất kỳ bên nào. Nó cũng giải thích tại sao mọi nỗ lực thiết lập "an ninh tuyệt đối" cho một bên thường dẫn đến sự bất an cho bên kia, và do đó, không bền vững về lâu dài.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng hành xử lý tính. Năm 1957, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Herbert Simon đã đề xuất khái niệm “lý tính hạn chế” (bounded rationality) để chỉ việc con người, kể cả các nhà lãnh đạo giỏi nhất, không thể hoàn toàn lý tính trong mọi quyết định. Dù nhận thức được hay không, họ vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như định kiến văn hóa, áp lực chính trị nội bộ, thông tin không đầy đủ, và thậm chí là cảm xúc cá nhân.

Có thể nói rằng hiện tượng này đã góp phần vào những tính toán sai lầm của cả phương Tây và Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Phương Tây đã đánh giá thấp quyết tâm của Putin trong việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO. Ngược lại, Putin dường như đã đánh giá quá cao khả năng chia rẽ phương Tây và đánh giá thấp sức kháng cự của Ukraine.

Phát biểu gần đây của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2/2025, cho rằng mối đe dọa an ninh chính của châu Âu "đến từ bên trong" thay vì đến từ Nga hay Trung Quốc, thể hiện một góc nhìn khác biệt về địa chính trị châu Âu, đồng thời phản ánh những thay đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ. Tuyên bố này, cùng với quyết định của Tổng thống Trump gọi Tổng thống Zelensky là "độc tài” và rằng Ukraine mới là bên gây ra cuộc chiến hiện nay, cho thấy giới hạn của lý tính thuần túy trong chính trị quốc tế.

Nhận thức về những hạn chế này giúp chúng ta hiểu rằng hòa bình bền vững đòi hỏi cả sự khiêm tốn về nhận thức lẫn cầu thị trong hành động. Cả châu Âu và Nga đều cần nỗ lực vượt qua những nhận thức đơn giản hóa quá mức về nhau, thừa nhận cả điểm đồng và khác biệt, để xây dựng một trật tự an ninh thực sự bền vững.

Con đường nào đến hoà bình ở châu Âu?

Một châu Âu được hưởng nền hòa bình bền vững là một mục tiêu tham vọng nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Viễn cảnh về một châu Âu thật sự hoà bình cần dựa trên một kiến trúc an ninh toàn diện nơi cả Nga và các quốc gia châu Âu đều cảm thấy an toàn, không phải bằng sự đe dọa lẫn nhau mà qua cơ chế đối thoại thường xuyên và hợp tác thực chất trong một số lĩnh vực cốt lõi. Đó là một châu Âu nơi không có vùng ảnh hưởng độc quyền, không có "khoảng trống quyền lực" dẫn đến cạnh tranh nguy hiểm, và không quốc gia nào cảm thấy an ninh của mình bị hy sinh cho lợi ích của nước khác.

Để đạt được tầm nhìn này, các bên phải vượt qua cách tiếp cận "anh được - tôi mất" (zero-sum) đã thống trị quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh Lạnh. Như nhà ngoại giao kỳ cựu Henry Kissinger đã nhấn mạnh, cả răn đe (deterrence) và trấn an (reassurance) đều là yếu tố cần thiết cho một trật tự quốc tế ổn định. Răn đe mà không đi kèm với trấn an sẽ dẫn đến căng thẳng không ngừng; trấn an không có răn đe sẽ khuyến khích tham vọng bá quyền. Sự cân bằng tinh tế giữa hai yếu tố này đòi hỏi một yếu tố thứ ba mà nhiều nhà hoạch định chính sách thường bỏ qua: sự “thấu cảm chiến lược” (strategic empathy) - khả năng thấu hiểu nỗi sợ hãi, niềm tin và động cơ của đối phương, ngay cả khi ta có nhiều bất đồng lớn với họ, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp.

Đạt được một nền hoà bình bền vững ở châu Âu đòi hỏi những thay đổi tư duy lớn ở cả ba bên chính: các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ. Mỗi bên đều phải từ bỏ một phần quan điểm tuyệt đối của mình, thừa nhận những lỗi lầm nhất định trong quá khứ, và tìm kiếm điểm đồng thực sự, không chỉ là những sự nhượng bộ chiến thuật tạm thời. Cuộc xung đột Ukraine có thể là một thảm kịch, nhưng diễn biến của nó cũng mở ra cơ hội hiếm có để xây dựng lại hoàn toàn trật tự an ninh châu Âu trên nền tảng bền vững hơn.

Đối với EU, trước tiên, họ cần quyết tâm phát triển năng lực tự chủ về an ninh và quốc phòng. "Kế hoạch Tái vũ trang châu Âu" là bước đi đúng hướng, nhưng châu Âu còn cần một chiến lược thống nhất vượt ra ngoài phản ứng trước sự thoái lui của Mỹ dưới thời Donald Trump. Tự chủ chiến lược châu Âu không nên được hiểu là chủ nghĩa đối đầu với Nga hay tách rời khỏi Mỹ, mà là khả năng theo đuổi lợi ích an ninh của mình một cách độc lập và hiệu quả, bất chấp những lực cản từ bên ngoài. Điều này đòi hỏi không chỉ đầu tư vào quân sự, mà còn phát triển một chủ trương đối ngoại, tiếng nói ngoại giao mạnh mẽ và thống nhất.

Thứ hai, châu Âu cần cân bằng giữa nguyên tắc và thực tiễn trong quan hệ với Nga. Việc duy trì các giá trị dân chủ và chủ quyền quốc gia sẽ luôn quan trọng đối với các nước châu Âu song được trở thành rào cản cho đối thoại thực chất với Nga. Châu Âu cần đề xuất một khuôn khổ an ninh mới hoặc làm mới lại những cơ chế đã có Nga tham dự như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), trong đó Nga được tham gia như một đối tác bình đẳng, chứ không phải đối tượng cần được "cải tạo" theo một hình mẫu lý tưởng nào đó của châu Âu . Điều này không đòi hỏi châu Âu phải từ bỏ các giá trị cốt lõi của mình, mà chỉ cần thừa nhận rằng an ninh châu Âu không thể đạt được bằng cách loại trừ hoặc cô lập Nga.

Cuối cùng, châu Âu cần phát triển sự thấu cảm chiến lược với Nga. Điều này đòi hỏi nỗ lực hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa và tâm lý Nga, vượt ra ngoài những khuôn mẫu đơn giản hóa. Khoảng cách về nhận thức giữa châu Âu và Nga không chỉ là vấn đề thông tin sai lệch hay tuyên truyền, mà còn bắt nguồn từ những trải nghiệm lịch sử và văn hóa khác biệt. Bằng cách thừa nhận những khác biệt này và tìm kiếm điểm chung, châu Âu có thể xây dựng một nền tảng vững chắc hơn cho đối thoại.

Đối với Nga, nước này cần từng bước chấp nhận rằng bán cầu ảnh hưởng của họ sẽ nhỏ hơn mong muốn (dĩ nhiên nhỏ hơn so với những gì Nga từng đạt được trước đây) và chấp nhận một trật tự an ninh châu Âu dựa trên nguyên tắc bình đẳng tương đối và sự tôn trọng lẫn nhau. Điều này không có nghĩa là Nga phải từ bỏ vị thế cường quốc của mình, mà là thừa nhận rằng an ninh thực sự không đến từ việc kiểm soát các nước láng giềng dù ở vùng Baltic, Trung Âu hay Đông Âu, mà từ việc xây dựng quan hệ hợp tác cùng có lợi. Động thái gần đây của Nga trong việc đàm phán với Mỹ về Ukraine cho thấy dấu hiệu của những tính toán thực dụng, nhưng cần tiến xa hơn thành một chiến lược rõ ràng và nhất quán.

Thứ hai, Nga cần kiềm chế sử dụng vũ lực như công cụ giải quyết bất đồng quốc tế. Cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy, ngay cả khi đạt được mục tiêu quân sự ngắn hạn, việc sử dụng vũ lực luôn dẫn đến những hậu quả chiến lược tiêu cực lâu dài: sự cô lập ngoại giao, thiệt hại kinh tế và làm trầm trọng thêm những lo ngại an ninh mà hành động quân sự ban đầu nỗ lực giải quyết. Nga cần nhận ra rằng sức mạnh thực sự không chỉ nằm ở khả năng quân sự, mà còn ở khả năng tập hợp lực lượng, xây dựng ảnh hưởng và dẫn dắt các thể chế quốc tế.

Cuối cùng, Nga cũng cần phát triển sự thấu cảm chiến lược với châu Âu. Điều này đòi hỏi nỗ lực hiểu rõ hơn về cấu trúc, giá trị và ưu tiên của Liên minh châu Âu, cũng như những lo ngại chính đáng của các nước Đông Âu về an ninh của mình ở cạnh một nước lớn như Nga. Nga cần nhận thức rằng mối đe dọa mà họ cảm nhận từ sự mở rộng của NATO cũng tương tự như mối đe dọa mà các nước Baltic và Ba Lan cảm nhận từ chính Nga. Sự mở rộng không ngừng nghỉ của NATO không đơn thuần là một dự án của Mỹ, nó cũng phản ánh nỗi lo sợ và bất an của nhiều nước đã từng nằm trong bán cầu ảnh hưởng của Nga.

Đối với Mỹ, dù đang có xu hướng giảm cam kết đối với an ninh của châu Âu, Mỹ vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong việc định hình trật tự an ninh của châu lục này. Trước tiên, Mỹ cần tránh làm phức tạp thêm tình hình bằng các chính sách đơn phương thất thường, khó đoán. Quyết định gần đây của Tổng thống Trump về việc ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và tuyên bố về Tổng thống Zelensky đã gây bất ổn cho đồng minh châu Âu. Mỹ nên phối hợp chặt chẽ hơn với đồng minh châu Âu, đảm bảo rằng mọi đàm phán với Nga đều tính đến các lợi ích chính đáng của Ukraine và các nước EU.

Thứ hai, Mỹ cần thực tâm ủng hộ nỗ lực đạt được tự chủ chiến lược của châu Âu thay vì coi đó là mối đe dọa đối với ảnh hưởng của mình. Một châu Âu mạnh hơn và độc lập hơn về an ninh không mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ; ngược lại, nó cho phép Mỹ phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trong chiến lược toàn cầu của mình. Phát biểu của Phó Tổng thống Vance rằng châu Âu đối mặt chủ yếu với "các mối đe dọa nội tại" cho thấy họ đang chưa hiểu chính xác về thực tế địa chính trị châu Âu.

Cuối cùng, Mỹ nên đóng vai trò trung gian trung thực giữa châu Âu và Nga, không thiên vị bên nào. Lịch sử cho thấy rằng khi Mỹ hành động như một cường quốc cân bằng, cả châu Âu và thế giới đều hưởng lợi từ sự ổn định lớn hơn. Cuộc gặp thượng đỉnh tại Riyadh có thể là khởi đầu cho vai trò mới này, nhưng Mỹ cần đảm bảo rằng mọi thỏa thuận đều tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, không chỉ là những tính toán địa chính trị ngắn hạn.

Kết luận

Một nền hòa bình bền vững ở châu Âu không phải là mục tiêu không tưởng, mà là kết quả tất yếu của chính sách thông minh và tầm nhìn dài hạn. Bằng cách kết hợp răn đe với trấn an, nguyên tắc với thực tiễn, và trên hết là phát triển sự đồng cảm chiến lược, các bên có thể cùng nhau xây dựng một kiến trúc an ninh mới - một kiến trúc không chỉ ngăn ngừa xung đột mà còn thúc đẩy hợp tác và thịnh vượng chung.

Đường đến hòa bình bền vững ở châu Âu sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn, khôn ngoan và cả (rất nhiều) can đảm chính trị. Thách thức trước mắt rõ ràng là to lớn: vết thương Ukraine vẫn đang tiếp tục rỉ máu; niềm tin giữa Nga và phương Tây đã xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc; và sự chuyển dịch chính sách của Trump đang tạo ra những bất định mới. Một số người có thể kết luận rằng mối thù địch giữa phương Tây và Nga là không thể hàn gắn, rằng địa chính trị châu Âu vĩnh viễn bị kẹt trong một vòng luẩn quẩn đối đầu.

Tuy nhiên, nếu lập luận rằng thực tế địa chính trị không thể thay đổi và quyền lực luôn chi phối tất cả, thì hòa giải Pháp-Đức sau năm 1945 hẳn phải là điều không tưởng. Sau ba cuộc chiến tàn khốc trong vòng chưa đầy một thế kỷ (1870, 1914, 1939), ai có thể tưởng tượng rằng Paris-Berlin sẽ trở thành trục chính của một liên minh châu Âu thống nhất? Thậm chí ngay trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, với hai khối quân sự đối đầu và hàng nghìn đầu đạn hạt nhân chĩa vào nhau, ai dám mơ rằng Bức tường Berlin sẽ sụp đổ trong hòa bình và Đông Âu sẽ được tự do không đổ máu?

Lịch sử châu Âu đã liên tục chứng minh rằng những gì tưởng chừng không thể đã trở thành hiện thực khi các nhà lãnh đạo có đủ tầm nhìn và sự can đảm để vượt qua định kiến thời đại. Từ Hiệp ước Rome đến Hiệp định Helsinki, từ sự thống nhất của Đông và Tây Đức đến sự mở rộng của EU, châu Âu đã nhiều lần tái sinh. Ngay cả trong những khoảnh khắc tối tăm nhất của Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo từ cả hai phía rào cản sắt vẫn tìm ra cách để đối thoại và ngăn chặn thảm họa xảy ra.

Khủng hoảng hiện tại, dù nghiêm trọng, cũng mang trong mình hạt giống của cơ hội. Khi trật tự cũ sụp đổ, không gian sẽ được mở ra cho những ý tưởng mới và cách tiếp cận đột phá. Sự thay đổi chính sách của Mỹ, dù gây ra nhiều bất ổn, cũng buộc châu Âu phải tư duy lại về vai trò và trách nhiệm đảm bảo an ninh của mình. Cuộc xung đột Ukraine, với tất cả bi kịch của nó, đã làm sáng tỏ sự cần thiết phải xây dựng một kiến trúc an ninh mới, toàn diện hơn cho châu Âu.

Trên hết, hòa bình bền vững đòi hỏi một nhận thức sâu sắc rằng, trong thế giới đan xen phụ thuộc ngày nay, an ninh đích thực không thể đạt được bằng cách làm suy yếu an ninh của một bên khác. Châu Âu, Nga và Mỹ - tất cả đều có lợi ích chung trong một châu Âu ổn định, thịnh vượng và an toàn. Đó là con đường gian nan nhưng có lẽ cũng là con đường duy nhất để hướng tới một nền hòa bình thực sự bền vững ở châu Âu.

Next
Next

#16 - Cường quốc sẽ mãi là cường quốc: Một góc nhìn về trò chơi quyền lực toàn cầu