#6 - Châu Âu: đánh đổi bản sắc để phát triển?
Phạm Vũ Thiều Quang
Châu Âu đang đứng trước một ngưỡng cửa, phải đối mặt với thách thức nhân khẩu học có nguy cơ phả huỷ hệ thống kinh tế xã hội phát triển mà châu lục này đã xây dựng trong nhiều thế kỷ qua. Khi dân số khắp lục địa ngày càng già đi, nhờ những bước tiến về công nghệ và chăm sóc sức khoẻ giúp người dân sống lâu hơn, thực tế rõ ràng về lực lượng lao động đang suy giảm ngày càng rõ. Sức sống kinh tế và hệ thống an sinh xã hội lâu nay là niềm tự hào của các xã hội Châu Âu sẽ gặp phải mối đe doạ chưa từng có, một mối đe doạ đang bắt đầu làm xói món tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng ngay từ bây giờ.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đặt ra những câu hỏi then chốt về tính bền vững và tính liên tục của các nền văn hoá. Khi tỷ lệ sinh bản địa đang giảm dần, tuổi thọ ngày càng tăng, câu hỏi lớn nhất mà Châu Âu sẽ phải trả lời trong thế kỷ 21 là: làm cách nào để lục địa này có thể duy trì hệ thống an sinh xã hội trong lúc bảo vệ lối sống truyền thống của người Châu Âu? Giải pháp, tưởng chừng như rõ ràng, lại là một vấn đề lớn không kém đối với Châu Âu, trong bối cảnh các làn sóng di cư của giới trẻ sôi động đến từ Châu Phi và Trung Đông.
Câu hỏi này không chỉ đặt ra vấn đề về con số và kinh tế – nó cũng là vấn đề của kết cấu xã hội và sự gắn kết dân tộc. Hàng thập kỷ qua Châu Âu đã đối mặt với những thách thức chưa từng có để hội nhập hàng triệu người đến từ làn sóng nhập cư, trong đó có những nỗ lực đồng hoá văn hoá thường thất bại, dẫn đến sự xuất hiện của các cộng đồng của những người nhập cư hoàn toàn tách biệt khỏi xã hội châu Âu. tiễn của Pháp và Thuỵ Điển, khi dân số di cư chiếm hơn 10% dân số quốc gia, là một lời cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu về sự những lệch chuẩn văn hoá trong xã hội. Có một mối lo ngại rõ ràng rằng các câu chuyện lịch sử của Châu Âu và hướng đi tương lai của nó có thể khác nhau, dẫn đến tương lai của một lục địa già nơi quá khứ chỉ còn được lưu giữ trong các viện bảo tàng và di sản, chứ không phải là các trải nghiệm sống hàng ngày của người dân châu Âu.
Nỗi sợ hãi này của người dân càng tăng thêm bởi những lo ngại về việc bảo tồn ngôn ngữ, những thay đổi trong thành phần tôn giáo nhân khẩu học và tính bền vững của các hoạt động văn hóa không được người dân nhập cư coi trọng hoặc tiếp nối. Nguy cơ các truyền thống bản địa bị xói mòn bởi sự xâm lấn của những nền văn hoá khác đến từ các nhóm nhập cư là một vấn đề ít được đề cập trong giới lãnh đạo Châu Âu, do tính nhạy cảm chính trị của vấn đề. Nhưng rốt cục thực tế này đã dẫn đến một làn sóng cực hữu trên khắp Châu Âu, với những phong trào chính trị cực hữu thu hút sự ủng hộ bằng cách lợi dụng nỗi sợ về sự suy giảm văn hoá và bất an về kinh tế, coi người nhập cư là mối đe doạ đối với bản sắc dân tộc. Người dân ở các quốc gia châu Âu phẫn nộ về cách tiếp cận của chính phủ họ hiện nay và đã bầu cho những chính trị gia phản đối nhập cư. Các chính trị gia cực hữu đã thành công đã tại các quốc gia như Ý, Ba Lan, Thuỵ Sĩ, và Phần Lan, trong khi mọi quốc gia tại EU đều nhận thấy sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong 10 năm qua.
Nhưng đây không phải là giải pháp, và việc ngăn chặn làn sóng nhập cư sẽ gây tổn hại đáng cho nền kinh tế Châu Âu trong những năm tới. Châu Âu sẽ cần hàng chục triệu người nhập cư để duy trì sự phát triển của mình trong những thập kỷ tới, và có lẽ sẽ phải mất dần đi bản sắc truyền thống trong quá trình này – nhưng đây là một thực tế lục địa này sẽ bắt đầu phải chấp nhận.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học
Cơ cấu nhân khẩu học của Châu Âu đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc. Lục địa này, nơi từng có lực lượng lao động trẻ xây dựng nên các nền kinh tế mạnh mẽ sau hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20, đang già đi nhanh chóng. Những con số vẽ nên một bức tranh rõ ràng – một tỷ lệ đáng kể của dân số Liên minh Châu Âu (EU) đang bước vào tuổi nghỉ hưu, với các dự đoán cho thấy hơn 30% dân số châu Âu sẽ ở tuổi 65 trở lên vào năm 2100. Những người ở độ tuổi 75-84 được dự đoán sẽ tăng 56.1% vào năm 2050, trong khi những người dưới 55 tuổi dự kiến sẽ giảm 13.5%.
Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những tiến bộ tốt đẹp – với các hệ thống chăm sóc sức khoẻ hàng đầu thế giới, chế đột ăn uống lành mạnh, và các tiến bộ trong công nghệ giúp người dân Châu Âu sống lâu hơn. Các tiến bộ trong xã hội cũng đã khiến hàng trăm triệu người Châu Âu chuyển vào thành thị, nơi họ tập trung vào các cơ hội nghề nghiệp và đời sống của chính họ hơn – khiến rất ít gia đình ở Châu Âu có nhiều hơn hai con. Cùng với đó, một Châu Âu ngày càng phi tôn giáo đồng nghĩa với việc giảm thiểu áp lực tôn giáo để người Châu Âu có nhiều con – trong khi Đạo Thiên chúa đã từng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trường dân số của lục địa này trong nhiều năm qua.
Dân số Châu Âu già đi cũng kéo theo những hậu quả kinh tế đáng kể. Như đang thấy tại Hàn Quốc và Nhật Bản, thị trường lao động sẽ là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề, với số người nằm trong độ tuổi làm việc giảm đáng kể và làm suy yếu năng suất lao động xã hội nói chung. Điều này cũng đồng nghĩa với mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn, gánh nặng nợ công cao hơn, và chi phí chăm sóc sức khoẻ và lương hưu ngày càng tăng – tất cả gây căng thẳng cho tài chính công và đe doạ tính bền vững của hệ thống phúc lợi. Khi dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, sẽ có ít người đóng góp cho nền kinh tế và nhiều người phụ thuộc hơn, chuyển gánh nặng kinh tế sang các hệ thống thuế cũng đang bị tổn hại vì chính lí do này.
Triển vọng kinh tế của Châu Âu sẽ ngày càng yếu đi bởi xu hướng nhân khẩu học này. Lực lượng lao động trẻ là một điều cần thiết cho sự đổi mới, tinh thần kinh doanh, và sự năng động của nền kinh tế. Do đó, lục địa này đang ở một thời điểm quan trọng khi các nhà hoạch định chính sách phải dung hoà giữa nhu cầu hỗ trợ dân số già với yêu cầu tiếp thêm sinh lực cho thị trường lao động. Trước những thách thức này, nhập cư sẽ không chỉ là một lựa chọn khó khăn, mà còn là điều cần thiết để Châu Âu duy trì trạng thái cân bằng kinh tế.
Tiềm năng của nhập cư
Sự gìa hoá của Châu Âu đòi hỏi một giải pháp mạnh mẽ để bổ sung thị trường lao động và hỗ trợ cơ cấu kinh tế của lục địa này, và người nhập cư, mặc dù tiếp tục gây tranh cãi, đã thể hiện tiềm năng để giải quyết vấn đề này. Dữ liệu lịch sử cho thấy dân số nhập cư đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia tiếp nhận bằng cách đóng góp cho lực lượng lao động, khởi nghiệp kinh doanh, và thúc đẩy đổi mới về cách tiếp cận. Không đâu tại Châu Âu rõ hơn là Tây Đức, nơi trong những thập kỷ 1950 và 1960 đã tiếp nhận hàng triệu “công nhân khách” (gastarbeiter) trong những năm phép màu kinh tế sau chiến tranh để bù đắp cho lực lượng lao động thiếu hụt tại đây. Nhiều công nhân nước ngoài trong thời kỳ này đã hoà nhập thành công vào xã hội và ở lại Đức để sinh sống cho đến ngày nay, tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Trong những năm gần đây, Châu Âu đã chứng kiến làn sóng di cư đáng kể từ nhiều quốc gia khác nhau, với những người di cư có tay nghề cao mang lại nhiều tiềm năng cho thị trường lao động. OECD nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoà nhập những người nhập cư này, bao gồm cả người tị nạn và con cái của họ, vì một tương lai thịnh vượng và hoà nhập hơn cho toàn bộ xã hội. Với nhiều nước Châu Âu, bao gồm chính Đức hiện nay, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nhập cư được coi là một chiến lược quan trọng để giải quyết vấn đề này và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp khác, bao gồm việc tăng độ tuổi nghỉ hưu hay hỗ trợ tài chính cho các gia đình có nhiều con hơn, sẽ không thể hiệu quả bằng nhập cư – như chúng ta đang thấy trong thực tiễn tại Pháp hay Trung Quốc.
Những câu chuyện thành công về hội nhập cho thấy tỷ lệ có việc làm tăng nhanh chóng trong số những người tị nạn và di cư gần đây. Một trong hai đàn ông tị nạn, bao gồm cả người Syria, đến Châu Âu trong 5 năm qua đã có việc làm. Người di cư Venezuela, một nửa trong số họ đang sinh sống tại các quốc gia OECD, thậm chí còn có tỷ lệ làm việc cao hơn. Phụ nữ tị nạn từ Ukraine, những người có trình độ học vấn cao hơn hầu hết phụ nữ tị nạn khác, đã nhanh chóng hoà nhập vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, vấn đề nhập cư không chỉ mang tính kinh tế – nó cũng là một mệnh lệnh nhân đạo đối với những người thực sự phải di rời do chiến tranh hay bị áp bức ở quê nhà. Châu Âu có truyền thống lâu đời trong việc cung cấp nơi trú ẩn cho những người gặp khó khăn, và làn sóng người tị nạn gần đây từ các khu vực xung đột như Syria và Ukraine đã tái khẳng định cam kết này. Các khoản đầu tư vào hội nhập người di cư đã tăng lên, cho phép người nhập cư trên khắp Tây Âu có nhiều cơ hội để tham gia vào các chương trình hội nhập. Điều này đi kèm với các chính sách hiệu quả hơn , và thay đổi cách tiếp cận hội nhập dựa trên nhu cầu kinh tế của quốc gia tiếp nhận. Sự số hoá của các công cụ giúp hội nhập, chẳng hạn như đào tạo ngôn ngữ, đã tăng cường hơn nữa các nỗ lực hội nhập này. Một ví dụ là tại Thuỵ Điển, ngôn ngữ phổ biển nhất trên Duolingo lại là tiếng Thuỵ Điển, đang được hàng trăm nghìn người nhập cư tại đây học tập.
Những thách thức hội nhập
Tuy nhiên, con đường hội nhập thành công không phải là không có những trở ngại. Dòng người nhập cư vào Châu Âu không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là thách thức về văn hoá. Hội nhập thành công là một quá trình nhiều mặt, không chỉ liên quan đến sự hoà nhập của người nhập cư vào thị trường lao động mà còn cả sự hoà nhập văn hoá và cách sống của họ vào xã hội Châu Âu.
Mặc dù có một số thành công như nói trên, nhưng Châu Âu vẫn phải đối mặt với những khó khăn đáng kể trong việc hoà nhập người nhập cư. Cơ cấu xã hội của các nước Châu Âu liên tục bị thách thức bởi sự hình thành các cộng đồng riêng biệt bị tách rời hoàn toàn khỏi đời sống của người dân bản địa. Đây là một thứ có lẽ thấy rõ ràng trong những quận banlieu ở phía bắc Paris hay quận Rinkeby và Tensta ở Stockholm – những cái tên đã trở nên nổi tiếng đến mức bị cảnh sát khuyến nghị là “no-go zones” (khu vực không vào). Tại những khu vực này, tỷ lệ tội phạm và bạo lực băng đảng ở mức chưa từng có trước đây, hầu hết giữa các nhóm người nhập cư và đôi lúc còn diễn ra trong các quận trung tâm của hai thành phố này. Những vấn đề này tạo nên chuyện đánh đồng sự gia tăng của người nhập cư với sự gia tăng tội phạm, và cho dù ở đây còn có tác động của một loạt yếu tố kinh tế xã hội khác– điều này cũng chẳng hoàn toàn sai, và cho thấy thất bại trong chính sách hoà nhập của Châu Âu.
Khó khăn trong việc hoà trộn các văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng, và tôn giáo khác nhau vào các xã hội Châu Âu, vốn đơn sắc tộc trong suốt lịch sử, là một thử thách không thể chối từ ngay cả với những nhà lãnh đạo lý tưởng nhất. Một ví dụ là phản ứng của công chúng Đức trước những lời cầu nguyện của Nhà thờ Hồi giáo Cologne trên loa phóng thanh, phát 5 lần mỗi ngày. Những hoạt động như thế có thể coi là sự xâm phạm các truyền thống địa phương và phá vỡ hiện trạng xã hội, dẫn đến các cuộc tranh luận xã hội về sự khoan dung tôn giáo và bảo tồn văn hoá địa phương.
Những thách thức này càng trở nên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện của những người nhập cư từ các khu vực khủng hoảng, với gánh nặng tâm lý và mong muốn giữ gìn lối sống ở xã hội bản địa khiến cho việc hoà nhập còn khó khăn hơn nữa. Đối với nhiều người nhập cư, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp hơn, quá trình hội nhập sẽ diễn ra chậm chạp. Nếu không có những kỹ năng cơ bản cần thiết, họ sẽ bị bỏ lại phía sau trên thị trường lao động và xã hội nói chung. Sự phân biệt đối xử vẫn tiếp tục là rào cản lớn đối với hội nhập, người nhập cư, đặc biệt những người trong hoàn cảnh khó khăn, thường sẽ phải đảm nhiệm những công việc ít ổn định hơn hoặc bị đưa vào các công việc với trình độ chuyên môn thấp hơn so với kinh nghiệm của họ.
Hơn nữa, tác động của việc nhập cư đối với các dịch vụ công, nhà ở, và cơ hội việc làm cho người dân bản địa là một vấn đề không thể bỏ qua. Điều này đã trở thành một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong chính trị nhập cư của EU, khi nhiều người dân tin rằng các nhóm nhập cư đang “chiếm đoạt” việc làm của họ với chi phí lao động thấp hơn, và sẵn sàng đảm nhận các công việc tốn nhiều công sức hơn. Nhận thức rằng người nhập cư được đối xử ưu đãi hoặc đã góp phần làm giảm mức lương của người bản địa sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nữa và làm bùng phát quan điểm chống nhập cư trong xã hội.
Đối mặt với những vấn đề này, các chính phủ Châu Âu sẽ phải đưa ra các chính sách cân bằng nhằm đảm bảo sự hội nhập thành công của người nhập cư, đồng thời giải quyết các vấn đề được đặt ra bởi người dân bản địa về ảnh hưởng của nhập cư đối với cuộc sống của họ. Con đường phía trước phải bao gồm các chương trình hội nhập toàn diện – đảm bảo giáo dục ngôn ngữ và văn hoá thành công, cũng như là đào tạo nghề dẫn đến việc làm có ý nghĩa và đóng góp cho nền kinh tế.
Giải quyết thách thức
Để giải quyết hai thách thức kép là khủng hoảng nhân khẩu học và hội nhập người nhập cư, Châu Âu đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách toàn diện. Các quốc gia Châu Âu đã bắt đầu nhận ra rằng hội nhập không phải là một quá trình duy nhất phù hợp với tất cả các nhóm nhập cư; thay vào đó, nó đòi hỏi những cách tiếp cận phù hợp với nguồn gốc đa dạng của người nhập cư, và lý do họ nhập cư vào Châu Âu. Ví dụ, người Ukraine hoà nhập dễ dàng hơn ở những quốc gia như Ba Lan hay Séc do chia sẻ văn hoá Slavơ, trong khi người Syria và Somalia khó có thể hoà nhập ở Đức và Thuỵ Điển do khác biệt về các giá trị sống.
Các khoản đầu tư công cho hội nhập đang tăng đều đặn ở các quốc gia EU, phản ánh cam kết xây dựng một xã hội hoà nhập hơn. Các quốc gia đã mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ hội nhập ra ngoài các nhóm người tị nạn truyền thống, mở rộng đến những người di cư theo gia đình và thậm chí những người di cư trong EU. Điều này cho thấy sự thay đổi rộng rãi hơn trong cách tiếp cận dựa trên nhu cầu kinh tế và xã hội của các quốc gia, thay vì chỉ dựa vào các lý do đạo đức hay chỉ để thoả mãn các yêu cầu tiếp nhận do Uỷ ban Châu Âu đặt ra.
Một giải pháp đổi mới là cải thiện sự phối hợp theo cả chiều ngang và chiều dọc giữa các bên liên quan trong vấn đề nhập cư, chẳng hạn như chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, và chính phủ trung ương – nhằm nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các chính sách hội nhập. Đáng chú ý nhất là các nỗ lực nhằm nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo rằng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hội nhập được đồng bộ trên khắp quốc gia. Những sáng kiến này ngày càng được quan tâm ở các quốc gia Châu Âu, ví dụ các các chính sách duy trì việc làm trong đại dịch COVID-19 được mở rộng cho cả người bản địa lẫn nhập cư– ví dụ như Kurzabeit ở Đức hay Activité partielle ở Pháp. Ngoài ra, đã có sự thúc đẩy việc công nhận bằng cấp và kỹ năng nước ngoài, đặc biệt đối với những người di cư có trình độ học vấn cao – để tận dụng tiềm năng của họ và giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Để giải quyết vấn đề khác biệt về văn hoá và đảm bảo người nhập cư tôn trọng các phong tục và giá trị bản địa, các quốc gia Châu Âu sẽ cần phải có các chương trình định hướng văn hoá toàn diện cho người nhập cư. Các chương trình này nhằm mục đích giáo dục những người mới đến về ý nghĩa lịch sử vả văn hoá của quốc gia tiếp nhận, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tôn trọng các truyền thống trong khi sinh sống tại đó. Những sáng kiến như vậy cũng cần phải mang tính tương hỗ, thúc đẩy sự hiểu biết rằng mặc dù người nhập cư được khuyến khích hoà nhập vào phong tục địa phương, nhưng truyền thống và bản sắc riêng của họ cũng được tôn trọng và có giá trị – nếu không có ảnh hưởng xấu đến xã hội bản địa. Cách tiếp cận kép này, kết hợp với sự tham gia và đối thoại tích cực từ cộng đồng, có thể mở đường cho một xã hội gắn kết hơn, nơi sự đa dạng văn hoá trở thành tài sản chư không phải nguồn gốc của sự chia rẽ như hiện nay.
Đối mặt với ngưỡng cửa đặt ra thử thách kép về nhân khẩu học và văn hoá, tương lai và sự thành công của hội nhập tại Châu Âu sẽ được định hình bởi các chính sách của ngày nay. Kinh nghiệm của lục địa này trong các thập kỷ qua cho thấy Châu Âu sẽ phải liên tục thích ứng với những thách thức đặt biệt do mỗi làn sóng nhập cư đặt ra. Theo các dự đoán dân số của thế kỷ 21, làn sóng nhập cư lớn nhất từ Châu Phi thậm chí còn chưa thực sự bắt đầu. Dân số Châu Phi đến Châu Âu sẽ tăng từ gấp đôi lên gấp ba, rồi gấp bốn, và có thể gấp năm lần trong suốt những năm còn lại của thế kỷ này – và những người trẻ tại Châu Phi sẽ tiếp tục hướng tới phía Bắc để tìm kiếm các cơ hội làm việc tốt hơn. Do vậy, các chính sách hội nhập sẽ phải phát triển để cung cấp sự hỗ trợ toàn diện trong mọi khía cạnh của xã hội, kinh tế, và văn hoá Châu Âu.
Các chính sách hội nhập của Châu Âu sẽ phải đủ linh hoạt để đáp ứng với các mô hình di cư biến động và nhu cầu thay đổi của cả người nhập cư lẫn người bản địa. Điều này bao gồm việc thừa nhận tiềm năng của người di cư trong việc hồi sinh và duy trì tình trạng nhân khẩu cân bằng trong các xã hội già đi của Châu Âu, trong khi vẫn bảo tồn các truyền thống văn hoá phong phú đặc trưng của các quốc gia Châu Âu. Tương lai của hội nhập tại Châu Âu sẽ không chỉ đơn thuần là vấn đề chính sách, mà còn là sự phản ánh các giá trị của lục địa này và cam kết của Liên minh Châu Âu để xây dựng một xã hội thống nhất. Sự thành công của nỗ lực này sẽ được đo không chỉ bằng các chỉ số kinh tế, mà còn bằng sức mạnh và sự gắn kết của cộng đồng trong những năm tới.
Phạm Vũ Thiều Quang là biên tập viên tại Báo VietnamNet, thực hiện nghiên cứu cho Bộ Thông tin & Truyền thông. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ Luật và Cử nhân Quan hệ Quốc tế tại Đại học Leiden, Hà Lan. Các chủ đề nghiên cứu của Quang bao gồm cạnh tranh nước lớn, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, và các xu hướng địa chính trị tại Châu Á-Thái Bình Dương.