#5 - Mỹ có lợi ích gì ở Trung Đông?

Ngoại trưởng Antony Blinken mới đây tuyên bố rằng: “Chúng ta không cần lựa chọn giữa việc bảo vệ Israel và hỗ trợ thường dân Palestine. Chúng ta có thể và phải làm cả hai việc cùng lúc” . Bất chấp những nỗ lực “xoay trục” về châu Á, nước Mỹ đang một lần nữa đối mặt với nguy cơ bị “sa lầy” vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông mà có khả năng leo thang thành một cuộc chiến quy mô khu vực. Tại sao Mỹ lại ủng hộ Israel trong khi vẫn tìm cách “đi dây” trong quan hệ với các nước Ả Rập khác? Bài viết này sẽ chỉ ra những lợi ích cốt yếu của Mỹ  ở Trung Đông, nó đã phát triển như thế nào kể từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh cho đến ngày nay.

Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Trong Chiến tranh Lạnh, Trung Đông là một trong ba mặt trận chiến lược mà hai siêu cường cạnh tranh, giành sức ảnh hưởng. Mối quan tâm của Mỹ khi đó chủ yếu được thúc đẩy bởi chủ thuyết ngăn chặn (containment), nhằm kiềm  chế sự làn sóng cộng sản và ảnh hưởng của Liên Xô sau khi Thế Chiến II kết thúc.

Các sự kiện quan trọng như cuộc đảo chính ở Iran năm 1953 (giúp khôi phục lại chế độ của vua Pahlavi và đảm bảo lợi ích về dầu mỏ của phương Tây), cũng như sự can thiệp liên tục của Mỹ nhằm bảo vệ Israel khỏi các mối đe doạ an ninh lớn nhỏ trong khu vực đã củng cố sự hiện diện và lợi ích của nước này ở Trung Đông. Việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Trung ương (CENTO), mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, là một nỗ lực khác nhằm xây dựng một “bức tường rào” nhằm ngăn cản Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở đây.

Cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo dòng chảy tự do của dầu mỏ, vốn là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu, đã càng làm sâu sắc sự can dự của Mỹ ở Trung Đông. Giai đoạn này chứng kiến Mỹ  hình thành các mối quan hệ đồng minh (dù không chính thức) mạnh mẽ với Ả Rập Saudi, một mối quan hệ đối tác được củng cố bởi các lợi ích kinh tế chung và mong muốn chống lại làn sóng cách mạng được thúc đẩy bởi Liên Xô. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran và khủng hoảng con tin kéo dài hơn 400 ngày sau đó đã đánh dấu một bước ngoặt, buộc Mỹ phải điều chỉnh lại các liên minh và chiến lược của mình trong khu vực.

Tóm lại, lợi ích của Mỹ ở Trung Đông trong hơn bốn thập kỷ Chiến tranh Lạnh chủ yếu là về chính trị, quân sự và kinh tế với mục tiêu cao nhất là giảm thiểu ảnh hưởng của Liên Xô ở đây. Cách tiếp cận của Mỹ tuy phát huy hiệu quả, song cũng tạo tiền đề cho những rối ren, phức tạp trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Đông sau này, và cũng chính là lý do vì sao Al-Qaeda lại tấn công nước Mỹ vào năm 2001.

Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông hậu 11/9

Vụ tấn công ngày 11 tháng 9 đã làm lay chuyển toàn bộ hệ thống chính trị - kinh tế - xã hội của Mỹ, buộc nước này phải dịch chuyển mạnh mẽ trọng tâm chính sách ở Trung Đông sang chống khủng bố và phá bỏ các mạng lưới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới.

Chính quyền Bush sau đó đã công bố một chủ thuyết mới: nước Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương để tấn công phủ đầu các mối đe dọa tiềm tàng, đồng thời thúc đẩy các giá trị “tự do - dân chủ” như các biện pháp phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan. Chính sách này đã dẫn tới hai cuộc “thập tự chinh” lớn: (i) chiến dịch quân sự lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan năm 2001 và (ii) cuộc tấn công xâm lược Iraq năm 2003, được biện minh bằng niềm tin sai lầm rằng Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thời kỳ hậu 11/9 cũng chứng kiến một nỗ lực đầy tham vọng – và gây tranh cãi – được phản ánh một cách sinh động nhất thông qua Chương trình nghị sự Tự do (Freedom Agenda), nhằm tìm cách định hình toàn bộ nền chính trị của Trung Đông. Bất chấp những tia hy vọng ban đầu, mạng lưới tôn giáo và sắc tộc hết sức phức tạp của khu vực Trung Đông đã vô hiệu hoá gần như mọi nỗ lực chính trị - ngoại giao của Mỹ nhằm dân chủ hoá Trung Đông và phổ biến các “giá trị Mỹ” ở khu vực này. Cán cân quyền lực mong manh trong khu vực đã bị phá vỡ, dẫn đến những kết quả không lường trước được, bao gồm việc củng cố vị thế của Iran, nước đã trở nên thù địch với Mỹ sau năm 1979, và sự lây lan mạnh hơn của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Nhìn lại, có thể thấy rằng lợi ích của Mỹ ở Trung Đông trong khoảng gần hai thập niên sau vụ tấn công ngày 11/9 là hết sức rõ ràng: Mỹ muốn quét sạch những mối đe doạ khủng bố tiềm tàng xuất phát từ Trung Đông và “đập đi xây lại” khu vực này theo các giá trị của Mỹ, với niềm tin rằng đây là cách thức tốt nhất để Trung Đông không thể trở thành bàn đạp cho các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, như các nỗ lực xây dựng quốc gia (state-building) và xây dựng dân tộc (nation-building) của Mỹ ở Afghanistan và Iraq đã cho thấy, đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Tổng thống Obama và sau này là Tổng thống Biden đã lần lượt rút quân đội Mỹ khỏi vũng lầy Trung Đông, chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở khu vực này.

Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông sau khi rút quân ở Afghanistan

Việc chính quyền Biden quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021 đã đánh dấu một bước ngoặt có tính then chốt trong cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Trung Đông. Nó biểu thị một sự thay đổi rộng lớn hơn từ các nhiệm vụ chống nổi dậy và xây dựng quốc gia sang ưu tiên cạnh tranh các cường quốc, chủ yếu là với Trung Quốc và Nga. Trục chiến lược này phản ánh sự nhận thức về bản chất đang thay đổi của các mối đe dọa chiến lược lớn và nhu cầu phân bổ nguồn lực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc đối thủ tại các khu vực quan trọng trên thế giới. Ngoài ra, những động thái của Mỹ trong thời gian này vô hình trung đã thừa nhận những hạn chế của sức mạnh quân sự trong việc đạt được các mục tiêu chính trị lâu dài ở Trung Đông và khẳng định tính thiết yếu của các nỗ lực can dự ngoại giao.

Theo chiến lược mới này, lợi ích lớn của Mỹ vẫn tiếp tục là khống chế từ xa các hoạt động chống khủng bố nhưng ở mức độ có chừng mực hơn để đảm bảo tính bền vững. Cách tiếp cận này bao gồm chỉ tổ chức các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu cụ thể, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ lực lượng an ninh địa phương - một chiến lược thúc đẩy quan hệ đối tác thay vì triển khai quân đội ở quy mô lớn. Đồng thời, Mỹ đã tìm cách củng cố liên minh với các đối tác quan trọng trong khu vực thông qua việc bán vũ khí, tập trận quân sự chung và tăng cường cam kết ngoại giao, mà bằng chứng rõ rệt nhất là việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập theo Hiệp định Abraham dưới thời Tổng thống Trump.

Lợi ích căn bản của Mỹ ở Trung Đông không thay đổi trong giai đoạn này nhưng cách thức triển khai đã khôn ngoan và khéo léo hơn. Mỹ vẫn muốn khống chế chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và “dập từ trứng nước” các nguy cơ khủng bố nhằm vào lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, họ dần hiểu ra rằng sự hiện diện quân sự ở quy mô lớn chỉ càng gia tăng sự hận thù của thế giới Hồi giáo và rằng con đường duy nhất để họ đạt được các mục tiêu chiến lược về lâu dài là hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong khu vực để kiến thiết Trung Đông theo hướng hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Đó là lý do vì sao Israel luôn nằm ở trung tâm của chiến lược Trung Đông của Mỹ và là lý do tại sao Mỹ lại luôn quan tâm tới tiến trình hoà bình giữa Isarel và Palestine.

Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông sau vụ tấn công của Hamas

Vụ tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10 đã tạo ra một cơn địa chấn trên toàn thế giới. Trước đó không lâu đã có những tín hiệu cho thấy Israel và Ả Rập Saudi (quốc gia chủ chốt ở vùng Vịnh), với sự ủng hộ của Mỹ, chuẩn bị đạt được một thoả thuận để bình thường hoá quan hệ. Tuy nhiên vụ tấn công nhằm vào Israel đã lặp tức đóng băng quá trình này, thậm chí là vô thời hạn nếu cuộc xung đột kéo dài. Khác với cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Mỹ hiện duy trì một lập trường có phần cân bằng hơn, một mặt khẳng định quyền tự vệ của Israel và vẫn có những động thái chính trị - ngoại giao – quân sự rõ ràng để ủng hộ và bảo vệ Israel, nhưng mặt khác cũng can ngăn các phản ứng quân sự thái quá từ phía Israel, nhấn mạnh việc cần bảo vệ tính mạng thường dân Palestine ở Dải Gaza. Cụ thể, Mỹ điều hai hạm đội tàu sân bay tới Đông Địa Trung Hải để răn đe Iran và nhóm vũ trang Hezbollah; tại Liên Hợp Quốc, Mỹ liên tục bỏ phiếu chống các nghị quyết bất lợi cho Israel. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang triển khai “ngoại giao con thoi” ở Trung Đông nhằm giải phóng con tin ở Gaza, và tích cực tác động để Israel không đổ quân bộ vào Gaza - một kịch bản nhiều khả năng sẽ làm đổ vỡ mọi nỗ lực ngoại giao để xuống thang căng thẳng trong bối cảnh hiện nay.

Phản ứng của Mỹ cho thấy nước này có nhiều ưu tiên, lợi ích chồng chéo, phức tạp và có phần mâu thuẫn với nhau ở Trung Đông ở thời điểm này. Ở mức độ chiến lược, Mỹ vẫn hi vọng có thể thoái lui khỏi Trung Đông nhằm giải phóng nguồn lực cho mặt trận Nga-Ukraine và cạnh tranh Mỹ-Trung. Israel vẫn là một yếu tố quan trọng trong chính trị Mỹ, phần bởi cam kết hỗ trợ quân sự truyền thống mà Mỹ dành cho Israel kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay, phần vì sức ảnh hưởng của nhóm cử tri Do Thái ở Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần phải duy trì quan hệ hữu hảo với các nước Ả Rập theo dòng Sunni để kiềm chế Iran - nước vẫn bị Mỹ cho là mối đe doạ an ninh lớn nhất đối với Mỹ và đồng minh ở Trung Đông. Do đó, Mỹ trong thời gian gần đây cố gắng duy trì một lập trường ngoại giao cân bằng, đa sắc thái hơn ở khu vực này. Tựu chung, các chính quyền dù Đảng Dân chủ hay Cộng hoà đều có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh cho Israel,  tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri Do Thái, đồng thời duy trì quan hệ ngoại giao tương đối hữu hảo với các nước chủ chốt khác ở Trung Đông như Ả Rập Xeut.

Tư duy chiến lược của Mỹ ở Trung Đông đã phát triển như thế nào?

Sự “tiến hoá” trong tư duy chiến lược của Mỹ ở Trung Đông đóng vai trò như một mô hình thu nhỏ phản ánh quỹ đạo chính sách đối ngoại chung của nước này, thể hiện khả năng thích ứng đã được định hình bởi bối cảnh lịch sử và sự nhận thức rõ ràng về những thách thức toàn cầu đang nổi lên.

Trong Chiến tranh Lạnh, ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ được xác định bởi học thuyết ngăn chặn – chống lại sự lan rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở mọi mặt trận, bao gồm khu vực Trung Đông là tối quan trọng. Các liên minh chiến lược với các quốc gia chủ chốt như Israel và Ả Rập Saudi không chỉ là mối quan hệ song phương mà còn là một phần không thể thiếu trong chiến lược lớn hơn nhằm duy trì một thế cân bằng có lợi cho Mỹ, đồng thời đảm bảo nguồn cung dầu mỏ ổn định, nhằm duy trì ổn định kinh tế - chính trị ở các nước phương Tây, giảm thiểu khả năng các nước đồng minh của Mỹ đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và trỗi dậy của khủng bố toàn cầu sau cuộc tấn công 11/9, chiến lược của Mỹ đã trải qua một sự thay đổi lớn. Trọng tâm chuyển sang việc dỡ bỏ các mạng lưới khủng bố Hồi giáo cực đoan và tiến hành các nỗ lực cải cách dân chủ. Đây là thời kỳ được đánh dấu bằng các nỗ lực can thiệp quân sự và thay đổi chế độ, với những cam kết quân sự quan trọng ở Afghanistan và Iraq thể hiện sự tham gia trực tiếp, mạnh mẽ của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, chính những sự can thiệp này đã làm rõ sự phức tạp của khu vực này và những hạn chế của sức mạnh “cứng” trong việc đạt được các giải pháp chính trị lâu dài, đồng thời bộc lộ rõ hạn chế của chủ nghĩa đa phương.

Thất bại của Mỹ ở Trung Đông đã dẫn tới một loạt các điều chỉnh về mặt chiến lược, từ chống khủng bố sang cạnh tranh nước lớn, đặc biệt là với Trung Quốc và Nga, cũng như việc phải có lập trường cân bằng hơn giữa Israel và thế giới Ả Rập. Phản ứng của Mỹ  đối với cuộc xung đột Israel-Hamas, với cam kết kép về quốc phòng và ngoại giao, là biểu hiện của cách tiếp cận đa chiều và khéo léo hơn. Dường như Mỹ đã hiểu rằng khu vực Trung Đông quá phức tạp để các nước ở bên ngoài áp đặt các giải pháp của mình và rằng điều tốt nhất các nhà lãnh đạo nước này có thể kỳ vọng ở Trung Đông là một sự ổn định tương đối. Để Mỹ có thể tập trung nguồn lực cho cuộc cạnh tranh dài hơi với Trung Quốc và Nga, họ sẽ phải tìm cách thoái lui khỏi Trung Đông mà không đẩy khu vực này vào tình trạng bất ổn. Đó là bài toán lớn mà các chính quyền Mỹ hiện tại và tương lai sẽ phải tìm lời giải. Nhìn chung, tư duy chiến lược của Mỹ ở Trung Đông đã trải qua một quá trình trưởng thành đáng kể, từ sự tập trung “cực đoan” vào một đối tượng duy nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tới những tham vọng quá mức trong giai đoạn hậu 11/9, để dẫn tới kết luận rằng Mỹ chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ các đồng minh và đối tác có chung lợi ích, chung chí hướng nhằm đảm bảo ổn định và thịnh vượng lâu dài cho khu vực Trung Đông.

Previous
Previous

#6 - Châu Âu: đánh đổi bản sắc để phát triển?

Next
Next

#4 - Câu chuyện của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương