#7 - Chính sách ngoại giao của Charlie Munger

Charlie Munger, nhà đầu tư huyền thoại và là cánh tay phải của Warren Buffett, là người nổi tiếng với cách tiếp cận đầu tư thực tế, lý tính. Ông được biết đến như một người có tầm nhìn dài hạn, luôn tránh rủi ro không cần thiết, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ra quyết định một cách duy lý và học hỏi từ bài học của những người khác. Triết lý đầu tư của ông ưu tiên hiểu biết giá trị cơ bản của tài sản, tránh hành xử cảm tính, bốc đồng ở mức tối đa và luôn duy trì một biên độ an toàn nhất định.

Câu hỏi là: Một chính sách đối ngoại dựa trên các nguyên tắc đầu tư của ông sẽ trông như thế nào?

1.     Quan điểm dài hạn: Charlie nhấn mạnh giá trị dài hạn hơn lợi ích ngắn hạn trong đầu tư. Áp dụng vào chính sách đối ngoại, điều này có nghĩa là ưu tiên các mục tiêu chiến lược dài hạn và sự ổn định hơn là các thắng lợi trước mắt. Chính sách như vậy sẽ tập trung vào việc xây dựng các liên minh lâu dài, đầu tư phát triển bền vững và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao lâu dài. Do đó, nhiều khả năng Charlie sẽ khuyến nghị Mỹ tránh tìm cách "đánh bại" Trung Quốc trong một trận đánh quyết định mà thay vào đó, hãy kiên nhẫn xây dựng các lợi thế chiến lược ở trong nước và vun đắp quan hệ đối tác mạnh mẽ ở nước ngoài, đồng thời hợp tác với Trung Quốc khi có lợi ích song trùng. Bên nào hụt hơi trong cuộc chạy đua marathon sẽ tự thua cuộc.

2.     Biên độ an toàn: Trong đầu tư, Charlie khuyên không nên chấp nhận rủi ro quá mức và luôn tìm kiếm một biên độ an toàn nhất định. Chuyển sang chính sách đối ngoại, cách tiếp cận này sẽ ủng hộ một chính sách ngoại giao thận trọng, đánh giá rủi ro trong các cam kết quốc tế và đảm bảo rằng các quyết sách đều có những lựa chọn dự phòng, tránh để tham vọng vượt quá nguồn lực của quốc gia. Nếu là Ngoại trưởng dưới thời George W. Bush, Charlie chắc chẳn sẽ can ngăn việc tấn công Iraq, vì đó là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà không gần như chắc chắn không thể mang lại lợi ích đáng kể gì cho Mỹ

3.     Ra quyết định duy lý: Chiến lược đầu tư của Charlie dựa trên tư duy duy lý (rational thinking), tránh những quyết định mang tính cảm tính hoặc bốc đồng. Một chính sách đối ngoại lấy cảm hứng từ điều này sẽ dựa trên các đánh giá phân tích khách quan, bằng chứng thực nghiệm và lý luận logic, thay vì các quan điểm nặng tính ý thức hệ. Việc Mỹ mở cửa với Trung Quốc do Nixon và Kissinger chủ trương là một trường hợp điển hình. Họ gạt bỏ những khác biệt về hệ tư tưởng, và thấy đúng rằng sự chia rẽ Trung-Xô quá lớn đến mức Mỹ có thể khai thác sự khác biệt này để làm lợi cho mình.

4.     Đa dạng hóa: Mặc dù Charlie nổi tiếng với việc ủng hộ đầu tư tập trung nhưng ông cũng nhận ra tầm quan trọng của việc không bỏ hết trứng vào một giỏ. Trong chính sách đối ngoại, điều này có thể chuyển thành việc duy trì một danh mục đa dạng các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và chiến lược, tránh sự phụ thuộc quá mức vào một đồng minh hoặc đối tác kinh tế duy nhất. Không ở đâu điều này rõ ràng hơn chính sách đối ngoại đa hướng của Việt Nam dựa trên nguyên tắc 4 Không - 1 Tuỳ. Việt Nam nâng cấp đối tác chiến lược với toàn diện với Trung Quốc nhưng cũng sẵn sàng làm vậy với Mỹ. Việt Nam hợp tác quốc phòng với Mỹ nhưng không nhằm chống Trung Quốc. Việt Nam chơi với cả 3 cường quốc lớn nhất nhưng vẫn xem ASEAN là trung tâm và không quên nuôi quan hệ với các nước tầm trung khác trong khu vực.

5.     Hiểu về định giá sai (mispricing): Charlie Munger, giống như người bạn thân nhất của mình là Warren Buffett, thường đầu tư vào những tài sản được định giá quá thấp. Một chính sách đối ngoại dựa trên nguyên tắc này có thể liên quan đến việc xác định và can dự với các khu vực hoặc quốc gia bị đánh giá thấp có thể mang lại giá trị chiến lược về lâu dài. Điều này có thể có nghĩa là tăng cường mối quan hệ với các quốc gia nhỏ hoặc ít ảnh hưởng hơn nhưng có tiềm năng phát triển hoặc đóng vai trò quan trọng trong động lực khu vực. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như hiểu khá rõ nguyên tắc này, và đó là lý do tại sao ngay cả khi thế giới phần lớn phớt lờ các quốc gia châu Phi cận Sahara, Trung Quốc đã tích cực can dự vào khu vực này, một phần vì lý do kinh tế, một phần vì nước này đã thấy trước sự hình thành của một thế lực mới mà nhiều người giờ đang gọi là "Phía nam toàn cầu" (Global South).

6.     Thừa nhận và sửa chữa sai lầm: Charlie tin vào việc nhận ra lỗi lầm của một người và nhanh chóng sửa chữa chúng. Trong chính sách đối ngoại, điều này đòi hỏi sự sẵn sàng đánh giá lại và điều chỉnh các chính sách không hiệu quả dựa trên thông tin mới hoặc hoàn cảnh thay đổi. Chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ dưới thời chính quyền Obama có thể được coi là sự điều chỉnh chính sách đối ngoại trước đây vốn quá tập trung vào Trung Đông. Nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trong các vấn đề toàn cầu, sự thay đổi chiến lược này là một sự điều chỉnh phù hợp với nguyên tắc điều chỉnh quỹ đạo i của Munger dựa trên những thay đổi trong bối cảnh.

7.     Học hỏi từ người khác: Charlie là người đề xuất việc học hỏi từ thành công và thất bại của người khác. Trong chính sách đối ngoại, điều này có nghĩa là học hỏi từ các tiền lệ lịch sử, hiểu các bối cảnh văn hóa khác nhau và phân tích những thành công và thất bại trong chiến lược ngoại giao của các quốc gia khác. Kế hoạch Marshall sau Thế chiến II phản ánh bài học từ những sai lầm của Hiệp ước Versailles. Thay vì trừng phạt Đức và các quốc gia châu Âu khác, Mỹ đã giúp xây dựng lại nền kinh tế của nước này, bởi các nước thắng cuộc đã hiểu ra rằng không thể có một châu Âu ổn định và thịnh vượng nếu không có một nước Đức ổn định và thịnh vượng.

Các nguyên tắc đầu tư của Charlie Munger, nếu được áp dụng vào lĩnh vực hoạch định chính sách đối ngoại, sẽ tạo thành một thứ có thể được gọi là "Chính sách đối ngoại theo lẽ thường" (Common sense Foreign policy). Cách tiếp cận này đối với chính sách đối ngoại có đặc điểm là luôn tập trung vào các chiến lược, quyết sách thực tế, dựa trên dẫn chứng rõ ràng, nhằm đạt được kết quả có lợi bền vững trên đấu trường quốc tế. Nó hiểu rằng bất chấp sự phức tạp của thế giới, vẫn tồn tại những nguyên tắc cơ bản, có thể xem như các "quy luật thép", vốn thay đổi hết sức chậm rãi hoặc không thay đổi chút nào sau hàng nghìn nằm, mà nếu nắm bắt được có thể được sử dụng để quản trị mối quan hệ bang giao một cách hiệu quả.

Áp dụng "Tư tưởng Charlie Munger" vào trong đối ngoại có nghĩa là nhận thức được tầm quan trọng của một sự tỉnh táo, tầm nhìn xa và quan điểm cân bằng để đảm bảo sự tồn tại trong một môi trường quốc tế đầy phức tạp và bất định. Chính sách đối ngoại của Charlie Munger sẽ yêu cầu phải định vị quốc gia một cách hiệu quả và phù hợp với bối cảnh khu vực - toàn cầu, luôn kiểm soát rủi ro nhưng tận dụng cơ hội khi có thể (theo kiểu "phòng thủ - phản công") dựa trên các đánh giá thực tế và khách quan về điều kiện xung quanh. Về bản chất, đây là lời kêu gọi một chính sách đối ngoại dựa trên các nguyên tắc "bất biến" để ứng phó với "vạn biến" trong một thế giới ngày càng phức tạp và khó đoán định.

 

Previous
Previous

#8 - Dự báo cục diện và tình hình thế giới 2024

Next
Next

#6 - Châu Âu: đánh đổi bản sắc để phát triển?