#4 - Câu chuyện của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ngô Di Lân
Chỉ sau một vài năm, thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã nhanh chóng phát triển từ một cụm từ mô tả địa lý đơn thuần thành một điểm tập hợp địa chính trị. Được Nhật Bản khởi xướng và Hoa Kỳ ủng hộ sau đó, câu chuyện nổi bật hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của một “ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ”, một câu chuyện thường xem Trung Quốc như vai “phản diện”. Trong bối cảnh tình hình khu vực vẫn tiếp tục diễn biến một cách khó lường, ASEAN cần đóng một vai trò tích cực hơn bằng cách thúc đẩy thông điệp của riêng mình về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sức mạnh của kể chuyện
Quyền lực không chỉ được sử dụng thông qua sức mạnh kinh tế hay kho vũ khí quân sự; nó cũng được thực hiện thông qua những câu chuyện mà các quốc gia kể. Bằng cách đưa ra một tầm nhìn mạch lạc, những câu chuyện chiến lược (strategic narrative) này có thể đóng vai trò như một lăng kính để diễn giải và từ đó giúp các bên hiểu được các hành động, từ đó huy động sự ủng hộ của công chúng, xây dựng các chính sách và quản trị các liên minh. Hơn nữa, những câu chuyện chiến lược có thể hoạt động trên nhiều cấp độ — (i) hệ thống, (ii) quốc gia và (iii) từng vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, bất kể nó hoạt động ở cấp độ nào, một câu chuyện chiến lược có thể đem lại những hậu quả sâu rộng.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện "Chiến tranh toàn cầu chống khủng bố" nổi lên sau vụ tấn công 11 tháng 9. Câu chuyện này không chỉ biện minh cho việc can thiệp quân sự vào Afghanistan mà còn mở đường cho cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003. Được xem như một bước cần thiết để loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt và mang lại nền dân chủ cho Trung Đông, câu chuyện này đã tái định hình các mối quan hệ quốc tế một cách đáng kể. Mọi quốc gia được xem là chỉ rơi vào một trong hai nhóm " theo chúng ta hoặc chống lại chúng ta", dẫn đến sự hình thành các "liên quân cùng chung chí hướng" tham gia vào cuộc xâm lược. Đây là một ví dụ điển hình về cách một câu chuyện chiến lược có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách và có tác động đáng kể đến chính trị toàn cầu, liên minh quân sự và thể chế quốc tế.
Ngày nay, Mỹ đang kể một câu chuyện mới để cạnh tranh với Trung Quốc. Câu chuyện “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đã và đang tìm cách tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng xung quanh tầm nhìn về một trật tự dựa trên luật lệ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các giá trị Anglo-Saxon. Tuy hầu hết các quốc gia có xu hướng ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ nói chung, người Đông Á không nhất thiết ưu tiên “tự do và cởi mở” hơn các giá trị khác, đặc biệt khi hàm ý chống Trung Quốc của câu chuyện Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện nay quá rõ ràng. Thay vì tạo ra một mặt trận thống nhất, câu chuyện phổ biến hiện nay có khả năng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong một khu vực vốn được định hình bởi sự đa dạng và làm xói mòn một cấu trúc khu vực vốn đã mong manh.
Đây là lúc ASEAN nên đóng một vai trò tích cực hơn. Với các nước thành viên đa dạng bao gồm cả các nền dân chủ, quân chủ và các thể chế một đảng, ASEAN có vị thế đặc biệt để đưa ra một câu chuyện mang tính bao trùm hơn. Vị trí địa lý trung tâm của nó, nằm giữa vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, càng làm tăng thêm vai trò tự nhiên của nó với tư cách là bên kết nối và hòa giải.
Câu chuyện chiến lược mới của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Việc công bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2019 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đó khối này nỗ lực thể hiện rõ lập trường của mình ở khu vực. Tuy nhiên, để có tác động tối đa, giờ đây ASEAN phải biến được các yếu tố trong bản Tầm nhìn thành một câu chuyện mạch lạc, được xây dựng khéo léo với một câu “khẩu hiệu” thuyết phục. Câu chuyện về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao trùm và kết nối” (Inclusive and Interconnected Indo-Pacific) sẽ là “đối trọng” của ASEAN đối với khuôn khổ “tự do và cởi mở” hiện hành.
Tầm nhìn này nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, đối thoại cởi mở và thịnh vượng chung. Nó phù hợp với các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN về đồng thuận và không can thiệp, đưa ra cách tiếp cận toàn diện, đồng thời bác bỏ việc coi khu vực là một chiến trường địa chính trị mà thay vào đó là một mạng lưới gồm các quốc gia đa dạng nhưng đoàn kết bởi những thách thức chung và mong muốn cùng nhau phát triển thịnh vượng.
Câu chuyện này có khả năng được ủng hộ bởi nhiều bên liên quan, đặc biệt là các nước tầm trung đã nêu rõ tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng họ như Úc và Hàn Quốc . Giống như các nước Đông Nam Á, các cường quốc tầm trung này không muốn phải chọn bên và do đó sẽ dễ thấy câu chuyện này hấp dẫn vì nó đưa ra một con đường trung dung, ưu tiên hợp tác hơn là đối đầu.
Hơn nữa, với cách diễn đạt mới này, ASEAN có cơ hội “chiếm lĩnh” được thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chuyển nó ra khỏi nhận thức hiện tại là một khái niệm có hàm ý chống Trung Quốc. Điều này không chỉ tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN mà còn biến khối này thành cầu nối ngoại giao, giảm thiểu tác động chia rẽ của các quan điểm hiện có và thúc đẩy một cấu trúc khu vực toàn diện hơn, tạo ra một không gian đủ rộng lớn cho cả hai siêu cường.
Để phổ biến một cách hiệu quả câu chuyện “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”, ASEAN có thể bắt đầu từ các cuộc trao đổi cấp cao để giành sự ủng hộ từ các nước tầm trung chủ chốt trong khu vực như Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc, lý tưởng nhất là được công bố tại các hội nghị thượng đỉnh cấp cao để có tác động tối đa. Tại các phiên họp đặc biệt của Diễn đàn khu vực ARF, cần có những nỗ lực ngoại giao để đưa khái niệm này vào các khuôn khổ chính sách khu vực một cách chính thức. Cuối cùng, một chiến dịch ngoại giao công chúng có trọng tâm, với sự hậu thuẫn của các đối tác chiến lược và các cơ quan truyền thông có ảnh hưởng có thể giúp phổ biến và nâng cao tính chính danh của câu chuyện “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”. Nhưng bất kể chiến thuật cụ thể là gì, sự đoàn kết và ủng hộ nội bộ giữa các quốc gia thành viên ASEAN là vẫn là yếu tố cốt lõi để đảm bảo khả năng tồn tại và hiệu quả lâu dài của nó.
Bằng cách tích cực tham gia định hình diễn ngôn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các quốc gia ASEAN có thể đảm bảo rằng lợi ích của mình không bị gạt ra ngoài lề trong một câu chuyện do các cường quốc bên ngoài áp đặt. Hơn nữa, việc thúc đẩy một quan điểm chiến lược độc lập cho thấy ASEAN không chỉ nói suông mà có các hành động thực chất để khẳng định vai trò trung tâm của mình. Bằng cách này, ASEAN có thể đóng góp vào một cấu trúc khu vực ổn định, hài hòa và toàn diện hơn, phù hợp với sự phức tạp và đa dạng vốn có ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.