#3 – Bài học từ thất bại tình báo của Israel
Ngô Di Lân
50 năm sau Chiến tranh Yom Kippur (1973) — một cuộc chiến lâu nay vẫn ám ảnh giới lãnh đạo Israel như một sự thất bại của Cơ quan tình báo Mossad — đất nước này đang một lần nữa phải đối mặt với một đòn tấn công thảm khốc và bất ngờ. Nhóm Hamas đã thực hiện một chiến dịch quân sự được lên kế hoạch tỉ mỉ và bài bản, khiến ít nhất 900 người Israel thiệt mạng. Cuộc tấn công của Hamas có lan rộng ra thành một xung đột quy mô toàn khu vực Trung Đông hay không vẫn còn là một ẩn số lớn. Tuy nhiên, việc lực lượng an ninh của Israel hoàn toàn bị bất ngờ bởi cuộc tấn công vừa qua là lời cảnh tỉnh không thể rõ ràng hơn cho các quốc gia gần các điểm nóng tiềm tàng, đặc biệt ở khu vực Đông Á. Bài viết này do đó sẽ mổ xẻ khái niệm “thất bại tình báo” (intelligence failure), sau đó phân tích một số trường hợp kinh điển để đúc rút bài học cho tương lai.
Vì sao thất bại tình báo xảy ra?
Thất bại tình báo thường được định nghĩa là việc cơ quan tình báo đã không thu thập, phân tích, và phổ biến thông tin một cách chính xác và kịp thời, dẫn đến những đánh giá sai hoặc không đầy đủ, gây hậu quả lớn cho an ninh quốc gia. Trên thực tế, những thất bại tình báo thường không chỉ đơn thuần là sơ suất; chúng là những vấn đề mang tính hệ thống có nguồn gốc sâu xa từ sự phức tạp của quá trình thu thập, phân tích và sử dụng thông tin. Richard Betts, một trong các học giả hàng đầu trong lĩnh vực này, xác định hai loại thất bại chính: thu thập và phân tích. Thất bại trong việc thu thập thông tin xảy ra khi các cơ quan, mặc dù có phương tiện, nhưng không thu thập được thông tin quan trọng. Những hạn chế về công nghệ, lỗi của con người và các biện pháp đối phó hiệu quả của đối phương đều có thể góp phần gây ra những thất bại trong thu thập thông tin. Mặt khác, những sai sót trong phân tích có thể phát sinh ngay cả khi thông tin đã có đầy đủ nhưng không được diễn giải một cách chính xác. Robert Jervis đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra việc các thành kiến nhận thức (cognitive bias), lối tư duy tập thể (group think) và áp lực chính trị có thể làm thiên lệch quá trình phân tích, dẫn đến những kết luận thiếu sót như thế nào.
Khi những “sự cố” này xảy ra cùng lúc, kết quả sẽ rất thảm khốc. Một học giả khác là Joshua Rovner cũng đã chỉ ra vai trò của các lãnh đạo và giới hoạch định chính sách trong việc định hình kết quả tình báo, đồng thời khẳng định rằng việc chính trị hóa (politicization) quá trình thu thập tình báo có thể làm trầm trọng thêm những thất bại này. Nói cách khác, nếu những người lãnh đạo “duy ý trí” và ép các sĩ quan tình báo phải soạn thảo các báo cáo để phục vụ mục tiêu chính trị, thay vì phản ánh thực tại một cách khách quan, kết quả có thể sẽ là thảm hoạ.
Chu trình tình báo, một vòng lặp liên tục của việc lập kế hoạch, thu thập, phân tích và phổ biến thông tin, chỉ phát huy tác dụng nếu mọi mắt xích của nó đều chắc chắn. Một sự cố ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có thể làm tổn hại đến toàn bộ hệ thống, ảnh hưởng đến an ninh, vị thế của một quốc gia và niềm tin của người dân vào chính quyền của quốc gia đó.
Một trong những thất bại tình báo nổi tiếng nhất trong 20 năm qua là đánh giá tình báo của Mỹ về Iraq năm 2003. Mỹ lúc đó tin rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), một tuyên bố sau đấy đã được chứng minh là hoàn toàn sai. Đây vừa là thất bại về thu thập thông tin, vừa là thất bại trong quá trình phân tích: tình báo Mỹ đã dựa vào các nguồn thông tin không đáng tin cậy và sau đó diễn gỉai thông tin một cách duy ý trí để biện hộ cho những thành kiến có sẵn về chế độ Saddam Hussein, dẫn đến một cuộc chiến hao người tốn của và gây tranh cãi.
Một ví dụ “đình đám” khác là cuộc tấn công bất ngờ của hải quân Nhật Bản vào Trân Châu Cảng năm 1941. Mặc dù đã phá được mật mã của Nhật Bản nhưng tình báo Mỹ đã không lường trước được quy mô và bản chất của cuộc tấn công. Đây chủ yếu là một thất bại về mặt phân tích, vì Mỹ có một số thông tin nhưng không thể sâu chuỗi chúng lại với nhau để cảnh báo cho Hạm đội Thái Bình Dương về cuộc tấn công chuẩn bị xảy ra. Sự kiện này đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hoạt động tình báo của Mỹ và là bài học lâu năm về sự nguy hiểm của việc đánh giá thấp đối thủ của mình.
Thất bại tình báo của Israel
Cuộc tấn công của Hamas như một lời nhắc nhở rằng ngay cả những hệ thống tình báo tinh vi và hiện đại nhất vẫn có thể mắc sai lầm. Dù sở hữu các hệ thống cảm biến điện tử tối tân, mạng lưới gián điệp nằm vùng dày đặc ở Gaza, Israel vẫn bị bất ngờ. Đây không chỉ là sự thất bại về mặt công nghệ mà còn là sự thất bại trong cách tư duy, chiến lược và trên hết là trí tưởng tượng.
Một trong những vấn đề dễ thấy nhất là sự thất bại trong việc thu thập thông tin. Bộ máy giám sát rộng khắp của Israel đã không phát hiện được kế hoạch triển khai quân lực tỉ mỉ của Hamas. Hamas đã hoạt động một cách hết sức cẩn mật, giới hạn thông tin về chiến dịch này trong một phạm vi rất nhỏ của các lãnh đạo cấp cao. Họ cũng sử dụng các phương tiện dân sự như xe bán tải và các hoạt động thường ngày gần biên giới để che giấu ý định của mình. Những chiến thuật này đã đánh lừa bộ phận thu thập thông tin tình báo của Israel một cách hiệu quả, làm bộc lộ những điểm mù lớn trong hoạt động tình báo của Israel.
Vấn đề thứ hai là lỗi phân tích. Trên thực tế, tình báo Israel có một số thông tin mà nếu nhìn lại, có thể dẫn tới kết luận rằng một cuộc tấn công có khả năng sắp xảy ra. Tuy nhiên, thông tin này đã bị hiểu sai hoặc bị ngó lơ hoàn toàn. Họ đã đinh ninh rằng sau cuộc đụng độ gần nhất vào năm 2021, các nhà lãnh đạo Hamas cơ bản đã chấp nhận “đầu hàng” và tập trung cho phát triển kinh tế ở các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, thay vì đối đầu với Israel. Điều này đã dẫn tới sự chủ quan trong quá trình xử lý thông tin.
Cuối cùng là vai trò của người lãnh đạo chính trị trong những thất bại tình báo. Các chính trị gia Israel, đặc biệt là Thủ tướng Binyamin Netanyahu, đã bị chỉ trích vì bỏ qua mối đe dọa ở Gaza mà tập trung vào Iran và lực lượng ủy nhiệm của nước này là nhóm Hezbollah. Việc phân bổ nguồn lực tình báo thiên lệch này có thể đã góp phần vào bỏ lỡ mất một số thông tin quan trọng, dẫn đến thất bại nghiêm trọng về mặt tình báo.
Bài học cho tương lai
Thứ nhất, thất bại tình báo là không thể tránh khỏi. Câu hỏi chỉ là ở đâu, bao giờ và mức độ nghiêm trọng sẽ tới đâu. Để giảm thiểu tối đa hậu quả của thất bại tình báo, các quốc gia cần đầu tư mạnh cho các nỗ lực dự báo địa chính trị (geopolitical forecasting) để có thể bảo vệ an ninh quốc gia từ sớm, từ xa. Những đúc kết từ cuốn "Siêu dự báo" của Philip Tetlock sẽ đặc biệt hữu ích ở đây. Tetlock nhấn mạnh giá trị của việc tổng hợp trí tuệ từ tập thể các chuyên gia đa dạng và sử dụng tư duy xác suất thống kê, để giảm thiểu tối đa các thành kiến cá nhân trong quá trình dự báo về các rủi ro tiềm ẩn. Điều này đặc biệt thiết yếu đối với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi căng thẳng địa chính trị đang tăng cao trong những năm gần đây và cũng là nơi tụ hội nhiều điểm nóng xung đột tiềm tàng.
Thứ hai, trong thời đại mà gần như ai cũng bị quá tải thông tin, thách thức đối với các cơ quan tình báo thường không phải là sự khan hiếm dữ liệu mà là sự dồi dào quá mức của dữ liệu. Vấn đề thực sự nằm ở việc tách tín hiệu khỏi nhiễu. Các cơ quan tình báo cần một lý thuyết để định hướng việc xử lý thông tin đã thu thập một cách hiệu quả. Nếu không có một khung lý thuyết như vậy, ngay cả những cơ quan tình báo có nguồn lực dồi dào nhất cũng có thể thấy mình chìm trong biển dữ liệu trong khi bỏ lỡ các mối đe dọa nghiêm trọng. Do đó, các nhà lãnh đạo cần thúc đẩy, khuyến khích việc phát triển các bộ khung lý thuyết như vậy, dựa trên nghiên cứu học thuật và thực tiễn đã được chứng minh, để định hướng quá trình xử lý thông tin tình báo. Điều này không chỉ đảm bảo rằng các nguồn lực được phân bổ hiệu quả mà còn được sử dụng hiệu quả, giảm nguy cơ thất bại tình báo.
Cuối cùng, để tránh sự lơ là hoặc tư duy nhóm, các quốc gia nên tiến hành thanh tra quá trình tình báo thường xuyên và tổ chức các bài tập mô phỏng với sự tham gia của “nhóm đỏ” (red teaming). Những bài tập này đóng vai trò phản biện, giúp các cơ quan tình báo nhìn ra được cái sai sót và lỗ hổng của mình trước khi các thế lực xấu khai thác.
Thất bại tình báo vừa qua của Israel không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Hoạt động tình báo là một quá trình liên tục đòi hỏi sự cảnh giá, đổi mới về cả tư duy lẫn công nghệ. Nếu các cơ quan tình báo không ngừng tìm ra sơ hở trong chính quá trình hoạt động của mình, sớm muộn những lỗ hổng đó cũng sẽ bị khai thác bởi những thế lực bên ngoài. Khi đó, những người được phó thác để bảo vệ an ninh quốc gia sẽ không tránh khỏi mắc lại những sai lầm đắt giá, đặt tính mạng của vô số người dân vô tội vào vòng nguy hiểm.