#4 - Để tư duy chiến lược hơn
Ngô Di Lân
Có 4 “bí kíp” lớn tôi muốn chia sẻ với những bạn mong muốn cải thiện khả năng tư duy chiến lược nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu:
1. Luôn nghĩ tới đích đến cuối cùng
Xác định mục tiêu của bạn: Có mục tiêu không nhất thiết đồng nghĩa với việc có chiến lược nhưng không có mục tiêu thì không thể có chiến lược. Lý do là bởi chiến lược sinh ra để định hướng, giúp chúng ta tập trung, kỷ luật hơn trong hành động. Nó hoạt động như một chiếc la bàn định hướng mọi quyết định và hành động. Do đó, thói quen tự đề ra mục tiêu trong mọi việc từ nhỏ tới lớn sẽ bổ trợ cho tư duy chiến lược.
“Đi giật lùi”: Khi đã xác định đích đến cuối cùng của bạn đã rõ ràng, chúng ta bắt đầu tính các bước cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Cách tiếp cận này cho phép bạn thấy trước những thách thức và yêu cầu tiềm ẩn để thành công.
2. Tự đặt giới hạn cho bản thân
Hiểu về giới hạn: Chúng ta có thể thúc đẩy thói quen đề ra mục tiêu trong mọi việc bằng cách tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Dù đó là bị giới hạn về nguồn lực, thời gian hay tiền bạc, sự thiếu thốn luôn buộc ta phải suy tính kĩ hơn về những gì chúng ta muốn và chúng ta cần. Những “lằn ranh đỏ” buộc chúng ta phải kỷ luật, tập trung nguồn lực cho những thứ thật sự trọng yếu, từ đó giảm thiểu xác suất bị dàn trải quá mức.
3. Tính đến mọi khả năng
1000 kịch bản: Các chiến lược gia không bao giờ chỉ lập kế hoạch cho một kịch bản. Họ là những người được giao trọng trách hoạch định chiến lược bởi họ có khả năng nhìn xa hơn người khác, để thấy được những kịch bản, khả năng và rủi ro mà ít người có thể tưởng tượng ra được. Chúng ta luyện kĩ năng này bằng việc liên tục hỏi mình: Có khả năng X xảy ra không? Còn khả năng gì tôi chưa tính đến không? Đừng để chừa trường hợp nào.
4. Học quá khứ để dự báo tương lai
Nhận dạng khuôn mẫu: Các nhà tư tưởng chiến lược rất giỏi trong việc nhận ra các khuôn mẫu (pattern) có thể dự đoán các xu hướng hoặc sự gián đoạn tiềm ẩn. Bằng cách nghiên cứu các trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, cả những trường hợp phổ biến lẫn những trường hợp ngoại lệ, bạn sẽ nâng cao khả năng nhận diện những khuôn mẫu này.
Thực hành phản tư: Thường xuyên dành thời gian để suy ngẫm về các quyết định mình đã đưa ra trong quá khứ và kết quả của chúng. Quá trình chiêm nghiệm, phản tư này là một công cụ hữu ích để ta rút kinh nghiệm và liên tục mài sắc tư duy của bản thân.
Điều quan trọng nhất là nhớ rằng tư duy chiến lược cũng như mọi kĩ năng khác, cần thời gian để hoàn thiện. Phương pháp đúng + thời gian + kiên trì = kết quả!