#3 - Gặp lại Clausewitz ở Trung Đông
Ngô Di Lân
Napoléon Bonaparte, người được coi là thiên tài quân sự, đã tự tin dẫn Đại quân của mình hành quân tới Moscow, để ép Sa hoàng Alexander I đầu hàng. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược để đối phó với chính sách tiêu thổ của Nga và mùa đông khắc nghiệt, đội quân của Napoléon cuối cùng đã đại bại.
Những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ với quân đội hùng mạnh nhất thế giới lúc đó, đã đưa quân đến Việt Nam với mục tiêu được cho là để ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên do không có một chiến lược ngoại giao và quân sự hợp lý, siêu cường này đã bị sa lầy ở chiến trường Đông Nam Á mười năm, cuối cùng phải rút quân trong sự ê chề.
Năm 1979, Liên Xô đưa quân sang Afghanistan với mục đích hỗ trợ một chính phủ thân thiện. Tuy nhiên, nước này cũng bước vào trận chiến đó mà không có một chiến lược mạch lạc để đối phó với lực lượng Mujahideen và mối quan hệ bộ lạc phức tạp ở Afghanistan. Hậu quả là một cuộc xung đột đẫm máu kéo cả thập kỷ mà sau đó không những đã làm Liên Xô kiệt quệ nguồn lực mà còn góp phần làm siêu cường này suy yếu và cuối cùng là tan rã.
Có vẻ như không ai trong số các đạo quân hùng cường này làm theo lời dạy của chiến lược gia lỗi lạc Carl von Clausewitz, người đã nhắc nhở chúng ta rằng chiến tranh chỉ đơn thuần là “sự kế tục của chính trị bằng các phương tiện khác”. Nói cách khác, chiến tranh là bạo lực có tổ chức vì mục tiêu chính trị và do đó chiến thắng hay thất bại chỉ được xác định thuần bởi việc vũ lực có đạt được các mục tiêu cốt yếu hay không.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng việc tiêu diệt đối phương hoàn toàn là mục tiêu hiếm khi đạt một phần bởi nguồn lực hạn chế, một phần bởi ở một mức độ nào đó chúng ta vẫn chiến đấu theo các quy tắc và chuẩn mực giao chiến “văn minh”, cố gắng phân biệt dân thường với binh lính. Do đó, việc sử dụng lực lượng quân sự phải được dẫn dắt bởi một chiến lược tỉnh táo và hợp lý.
Hiện nay có không ít ý kiến lo ngại rằng Israel sắp sửa tiến hành một chiến dịch trên bộ quy mô lớn nhằm chiếm đóng Gaza mà không có mục tiêu cuối cùng rõ ràng. Họ muốn trả thù và gần như chắc chắn sẽ tiêu diệt lực lượng Hamas về mặt quân sự. Nhưng giống như rất nhiều đội quân hùng mạnh trong quá khứ, Israel sẽ khó tìm thấy “kế hoạch rút quân” nếu “tiêu diệt lực lượng Hamas” là mục tiêu duy nhất của họ. Họ có thể sẽ giành chiến thắng trong chiến tranh nhưng sẽ đánh mất hòa bình sau đó. Trong trường hợp này điều đó sẽ đồng nghĩa với nhiều năm chiếm đóng tốn kém nhiều xương máu và tiền của mà không dẫn đến một giải pháp chính trị ổn thoả, giống như những gì đã xảy ra với Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Theo tiêu chuẩn của Clausewitz , quân đội dù có “thắng” trận như thế vẫn đối mặt với một thất bại chiến lược.
Nhưng ngay cả thành công của Israel trên mặt trận quân sự-ngoại giao cũng chưa chắc đã được đảm bảo. Như độ “viral” của cuộc phỏng vấn/tranh luận gần đây giữa Piers Morgan và Bassem Youssef đã cho thấy rõ, dư luận quốc tế có thể nhanh chóng chuyển từ ủng hộ Israel sang người Palestine ở dải Gaza. Nếu không có một chiến lược truyền thông hiệu quả, giới lãnh đạo Israel có thể nhanh chóng thua trong cuộc chiến thông tin hiện nay và đánh mất sự hậu thuẫn của bạn bè quốc tế, ngay cả từ các đồng minh cốt cán như Mỹ - quốc gia đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ nhằm ngăn chặn xung đột hiện nay trở thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.
Bài học lớn về chiến lược ở đây là gì?
Đầu tiên là sự thiết yếu của một tầm nhìn (vision) mạch lạc, cụ thể, và thực tế. Cho dù trong chính trị hay trong kinh doanh, việc thiếu một mục tiêu rõ ràng có thể dẫn đến sự tập trung thiển cận thái quá vào những thách thức trước mắt khiến ta phải trả giá về lâu dài. Mục đích rõ ràng đóng vai trò là ngôi sao bắc đẩu giữa cơn bão nghịch cảnh, đảm bảo rằng các quyết định chiến thuật được đưa ra trong thời điểm nóng bỏng phù hợp với các mục tiêu bao trùm. Nếu không có một mục tiêu lớn nhưng cụ thể dẫn lối, ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất cũng sẽ sa lầy vào một vòng luẩn quẩn vô tận nhằm đối phó với các triệu chứng bề nổi thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ.
Thứ hai, dù là một công ty nhỏ hay một cường quốc thì đều phải có chiến lược truyền thông. Đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay, khả năng thích ứng với thông tin mới, hoàn cảnh thay đổi và những thách thức không lường trước được là điều hết sức cần thiết. Một chiến lược truyền thông mạnh mẽ không chỉ nêu rõ các mục tiêu để giành sự ủng hộ mà còn thích ứng được với những thay đổi trong dư luận và quan điểm của các bên liên quan. Nó sẽ giúp các tổ chức kể được câu chuyện thuyết phục của riêng mình, tạo được sự đồng cảm đối với người đọc/nghe/xem, làm sáng tỏ các lý do đằng sau mọi hành động của chúng và thu hút sự ủng hộ cho các nỗ lực này. Sức mạnh tổng hợp giữa mục tiêu rõ ràng và chiến lược truyền thông năng động tạo thành nền tảng cho một chiến lược tổng thể hiệu quả, đảm bảo không chỉ riêng hiệu quả của hành động mà còn đảm bảo tính bền vững của những kết quả đạt được.