#5 – Người tư duy chiến lược

Chúng ta đã bàn tới bản chất của chiến lược, sự khác biệt giữa chiến thuật và chiến lược, những thói quen để rèn tư duy chiến lược. Vậy thế nào là một người tư duy chiến lược?

Tôi sẽ mô tả một cá nhân điển hình.

Nguồn: Dall-E3

Với tôi, một người thấm nhuần tư duy chiến lược: (i) luôn nghĩ tới đích đến cuối cùng; (ii) ý thức được tất cả những điểm “dừng chân” và các trở ngại trên toàn bộ cuộc hành trình; (iii) thường xuyên trăn trở về việc làm sao đảm bảo mình về được đến đích.

Người có năng lực tư duy chiến lược tốt hiểu mấy sự thật căn bản nhưng hết sức quan trọng như sau:

1. Chiến lược là một quá trình tư duy lý tính (rational), không có chỗ cho bản năng hay cảm xúc.

2. Tham vọng của con người nhìn chung là vô hạn nhưng nguồn lực (thường bao gồm 3 yếu tố cơ bản là: thời gian, sức lực và tiền bạc) thì luôn hữu hạn. Bài toán lớn nhất của chiến lược là cân đối tham vọng với nguồn lực.

3. Trong hai thứ trên, nguồn lực khó thay đổi hơn tham vọng. Thế nên để nguồn lực tương xứng với tham vọng, điều bắt buộc phải làm là giảm bớt tham vọng xuống, ít nhất trong ngắn hạn.

Nếu chỉ có 10 đồng, điều quan trọng nhất là nghĩ xem dùng 10 đồng đấy như thế nào để “vắt kiệt”giá trị đồng tiền ở mức đối đa. Còn trên đường dài, ta vẫn phải nghĩ cách làm thế nào để có 20, 100, 1000 đồng. Tuy nhiên, dù là bao nhiêu đi nữa thì nó vẫn không phải vô tận. Tham vọng thì khác, chúng ta càng có nhiều thì càng dễ muốn có thêm.

4. Để đạt được cái tham vọng “vừa phải” ấy, ta phải có lộ trình, kế hoạch với các mục tiêu cụ thể, được xác định rõ ràng. Chiến lược muốn hiệu quả phải đi với chiến thuật.

5. Các mục tiêu không có tầm quan trọng như nhau. Chính vì nguồn lực có hạn nên trong trường hợp bất khả kháng, ta sẽ phải chấp nhận sự hy sinh, đánh đổi. Để có sự đánh đổi khôn ngoan nhất, ta sẽ phải xác định từ đầu đâu là mục tiêu quan trọng, đâu là mục tiêu thứ yếu. Tuyệt đối tránh việc dành quá nhiều nguồn lực cho mục tiêu thứ yếu mà không đầu tư đủ nguồn lực cho các mục tiêu cốt yếu.

Hãy tưởng tượng một cặp đôi tổ chức một bữa tiệc đám cưới hoành tráng ở một trung tâm hội nghị lớn cùng nhiều hoa tươi lộng lẫy, đắt tiền nhưng thực đơn lại xoàng xĩnh!

Cuối cùng, hơn ai hết, người tư duy chiến lược hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc thích ứng với thay đổi. Lòng người có thể thay đổi, tình thế có thể thay đổi, thời tiết có thể thay đổi, các kế hoạch cứng nhắc như các bảng giờ tàu ắt sẽ thất bại. Phải dĩ bất biến ứng vạn biến mới thành công!

Previous
Previous

#6 – Chính sách và chiến lược

Next
Next

#4 - Để tư duy chiến lược hơn