#6 – Chính sách và chiến lược

Không ít người đọc, học, nghiên cứu về chiến lược bao nhiêu năm nhưng vẫn lẫn lộn giữa hai khái niệm “chính sách” và “chiến lược”, hay phân biệt được nhưng không hiểu mối quan hệ giữa chúng. Phải có chiến lược rồi mới có chính sách hay ngược lại? Nói cách khác, cái nào “đứng trên” cái nào? Tôi biết vì tôi từng là một trong những người đó.

Thế rồi gần đây tôi mới ngộ ra hai “chân lý”:
1. Để giải được bài toán “con gà, quả trứng” này trước tiên phải hiểu được bản chất của cả chính sách và chiến lược. Hiểu được rồi mọi thứ sẽ tường minh.

2. Chính sách và chiến lược tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau. Có những cấp chính sách quyết định chiến lược và có những cấp chiến lược đẻ ra chính sách.

Tôi nghĩ biểu đồ này tóm gọn được chính xác suy nghĩ của tôi. Điều chúng ta có thể thấy ở đây là một thời điểm nào đó, chính sách đã quyết định chiến lược. Nói đúng hơn, chính sách ở cấp cao nhất (cấp quốc gia) sẽ chi phối đại chiến lược (là chiến lược cấp cao nhất). Nhưng dĩ nhiên mọi thứ không dừng ở đó. Đại chiến lược có thể sẽ yêu cầu việc xây dựng, triển khai chính sách của từng ngành cụ thể. Một khi đã có chính sách cho từng ngành, bước tiếp theo sẽ là xây dựng chiến lược cho ngành đó, v.v. Cứ theo logic đó, cuối cùng chúng ta sẽ có chiến lược ở cấp “vi mô”, có thể là chiến lược cho một cơ quan cụ thể nào đó.

Vậy tóm lại chính sách với chiến lược khác nhau như thế nào?

Chính sách đề ra mục tiêu -> trả lời câu hỏi: chúng ta muốn gì?

Chiến lược đề ra cách thức để đạt được mục tiểu -> trả lời câu hỏi: chúng ta phải làm gì để đạt được các mục tiêu mà chính sách đã đề ra theo cách tối ưu nhất, với nguồn lực hữu hạn?

Trong vô vàn những thứ mà chúng ta muốn đạt được thì chính sách sẽ dựa trên đánh giá về nhu cầu, sức mạnh nội tại và môi trường xung quanh đề xác định đâu là những mục tiêu trọng yếu. Còn chiến lược sẽ sắp xếp các mục tiêu này theo thứ tự phù hợp nhất để đảm bảo luôn có nguồn lực phục vụ những mục tiêu chính yếu nhất. 

Đó là mối quan hệ giữa chính sách và chiến lược.

Previous
Previous

#7 – Cờ vây và tư duy chiến lược Trung Quốc

Next
Next

#5 – Người tư duy chiến lược