#7 – Cờ vây và tư duy chiến lược Trung Quốc
Bài viết này giới thiệu một trích đoạn đã được lược dịch từ cuốn “Bàn về Trung Quốc” của cố Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, trong đó nêu bật sự khác biệt giữa tư duy chiến lược của phương Tây và Trung Quốc, được thể hiện qua hai môn thể thao trí tuệ hàng đầu là cờ vua và cờ vây:
“Người Trung Quốc từ lâu đã thực hành một cách thuần thục ngoại giao thực dụng (realpolitik) và là các môn sinh của một học thuyết chiến lược khác xa với những gì được ưa chuộng ở phương Tây. Một lịch sử đầy biến cố đã dạy cho các nhà lãnh đạo Trung Hoa rằng không phải mọi vấn đề đều có giải pháp, rằng nhấn mạnh quá nhiều đến sự kiểm soát tuyệt đối đối với những sự kiện cụ thể có thể làm xáo trộn sự hài hòa của vũ trụ. Có quá nhiều kẻ thù tiềm tang đối để một đế chế có thể tồn tại trong sự an toàn tuyệt đối. Nếu số phận của Trung Quốc là an ninh tương đối nó cũng có nghĩa là bất an tương đối, đòi hỏi việc phải nắm bắt thuần thục quy tắc của hơn một chục nước láng giềng, với những lịch sử và khát vọng khác biệt đáng kể. Hiếm khi các nhà cầm quyền Trung Hoa lại mạo hiểm đánh cược kết quả của một cuộc chiến vào một trận đánh theo kiểu được ăn cả ngã về không; triển khai khéo léo, tỉ mỉ từng mưu sách trong nhiều năm mới là phong cách của họ. Trong khi truyền thống phương Tây đánh giá cao những cuộc đụng độ quyết định của các lực lượng và đề cao chủ nghĩa anh hùng, thì lý tưởng của người Trung Hoa lại nhấn mạnh sự kết hợp tinh tế, gián tiếp và việc kiên nhẫn từng bước giành lợi thế tương đối.
Sự tương phản này được phản ánh qua các trò chơi trí tuệ tương ứng được hai nền văn minh đối lập này ưa thích. Trò chơi có bề dày lịch sử lớn nhất của Trung Quốc là wei qi (phát âm đơn giản là ‘way chee’, và thường được biết đến ở phương Tây như một biến thể của cái tên tiếng Nhật tương ứng, ‘go’). Wei qi dịch ra là ‘cờ vây’; hàm ý một khái niệm bao vây chiến lược. Bàn cờ là một mạng lưới có kích cỡ 19x19, ban đầu hoàn toàn trống rỗng. Mỗi người chơi có 180 quân là các viên đá trắng/đen, mỗi quân đều có giá trị tương đương nhau. Những người chơi lần lượt đặt quân lên bất kỳ điểm nào trên bàn cờ, xây dựng các cứ điểm trong khi cố gắng bao vây và bắt sống quân đối phương. Rất nhiều cuộc đụng độ có thể diễn ra đồng thời tại các khu vực khác nhau của bàn cờ. Cán cân các lực lượng thay đổi dần dần từng bước sau mỗi nước cờ, khi những người chơi tiến hành các kế hoạch chiến lược và phản ứng trước các nước đi của đối thủ của nhau. Khi chấm dứt trò chơi trí tuệ này, bàn cờ chứa đầy các khu vực sức mạnh bị chiếm một phần. Điểm biên lợi thế thường rất mỏng manh, và với những người quan sát nghiệp dư, việc ai đang thắng thế không phải lúc nào cũng hiển nhiên.
Mặt khác, mục đích của cờ vua là giành chiến thắng tuyệt đối. Mục tiêu của người chơi là chiếu tướng, dồn quân vua của đối thủ vào một vị trí không thể di chuyển mà không bị tiêu diệt. Rất nhiều ván kết thúc khi đạt được một chiến thắng tuyệt đối bằng chiến thuật đầy kỹ năng, kịch tính và hiếm hoi hơn. Kết quả khả dĩ duy nhất khác là hòa, nghĩa là cả hai bên cùng từ bỏ hy vọng đạt được chiến thắng.
Nếu cờ vua tìm kiếm một trận đánh quyết định, thì cờ vây chấp nhận một chiến dịch dài hơi. Người chơi cờ vua nhắm đến chiến thắng tuyệt đối. Người chơi cờ vây lại tìm kiếm lợi thế tương đối. Trong cờ vua, người chơi luôn nhìn thấy sức mạnh của đối phương trước mắt mình, bởi tất cả các quân cờ luôn nằm trên bàn cờ. Người chơi cờ vây luôn cần phải đánh giá không chỉ các quân trên bàn cờ, mà cả những quân cứu viện mà đối phương sắp triển khai. Cờ vua dạy các khái niệm của Clausewitz về ‘trung tâm trọng lực’ và ‘điểm quyết định’ - trò chơi thường bắt đầu như một cuộc chiến giành giật vị trí trung tâm bàn cờ. Cờ vây dạy nghệ thuật bao vây chiến lược. Nếu người chơi cờ vua có kỹ năng nhằm mục đích loại bỏ các quân cờ của đối thủ trong một loạt những cuộc đụng độ mặt đối mặt, thì một người chơi cờ vây tài năng di chuyển vào các khoảng trống trên bàn cờ, dần dần kiềm chế tiềm năng chiến lược của các quân cờ của đối thủ. Cờ vua tạo ra tư duy tập trung cao độ, cờ vây giúp phát triển sự linh hoạt chiến lược.”
Bình luận:
Đoạn trích từ cuốn “Bàn về Trung Quốc” của Henry Kissinger đưa ra một sự so sánh, tưởng phản thú vị giữa tư tưởng chiến lược của phương Tây và Trung Quốc. Thứ nhất, trò chơi cờ vây, với sự nhấn mạnh vào lợi thế tương đối và sự bao vây, phản ánh quan điểm toàn diện, lâu dài của học thuyết chiến lược Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trung Quốc, như Kissinger chỉ ra, ít tập trung vào những trận chiến mang tính sồng còn mà tập trung nhiều hơn vào việc tích lũy dần dần các lợi thế và vị thế chiến lược. Điều này phản ánh chiến lược quân sự kinh điển của Trung Quốc được nêu trong cuốn Binh thư của Tôn Tử, trong đó chiến thắng đạt được chủ yếu không dựa vào đối đầu trực tiếp mà chủ yếu thông qua mưu lược và các hình thức giao chiến gián tiếp. Trong quan hệ quốc tế, điều này có nghĩa là Trung Quốc ưa chuộng các chiến thuật không đối đầu, như ngoại giao kinh tế và xây dựng ảnh hưởng trong khu vực, thay vì can thiệp quân sự trực tiếp.
Ngược lại, tư duy chiến lược của phương Tây, được phản ánh thông qua triết lý của Cờ vua, tập trung vào các hành động quyết định và mục tiêu rõ ràng. Cờ vua là một trò chơi đối kháng trực tiếp với mục tiêu cuối cùng là chiếu tướng hết cờ quân vua của đối phương. Điều này phản ánh các chiến lược chính trị và quân sự của phương Tây, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các nguyên tắc của Clausewitz, trong đó trọng tâm là xác định và nhắm vào trọng tâm của đối thủ để đạt được chiến thắng chung cuộc. Trong chính trị quốc tế, điều này thường chuyển thành cách tiếp cận trực diện hơn, chẳng hạn như can thiệp quân sự hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, để đạt được các mục tiêu rõ ràng, hữu hình (đặc biệt rõ sau khi chiến sự bùng phát trên lãnh thổ Ukraine).
Sự ưa thích Cờ vua ở phương Tây và cờ vây ở Trung Quốc cũng phản ánh thái độ khác biệt đối với yếu tố bất định. Cờ vua mang tính quyết định; mỗi quân cờ đều có một giá trị cố định và di chuyển theo một cách thức đã được xác định trước, phản ánh sở thích của phương Tây đối với các quy tắc và cấu trúc rõ ràng. Cờ vây, với cấu trúc phức tạp và linh hoạt hơn, phản ánh khả năng chấp nhận sự mơ hồ và bất định cao hơn, những đặc điểm thường thấy trong các hoạt động ngoại giao và chiến lược của Trung Quốc.
Phân tích của Kissinger, tuy sâu sắc, nhưng đôi khi khái quát hóa quá mức các khuôn mẫu văn hóa và có nguy cơ đơn giản hóa bản chất nhiều sắc thái và đang phát triển của tư duy chiến lược ở cả hai nền văn hóa. Bên cạnh đó, Kissinger - một người nổi tiếng là “thân Trung Quốc” - đôi khi có những đánh giá có phần hơi thiên vị nghiêng về phía Trung Quốc, khiến người đọc cảm được sự thiếu khách quan tương đối rõ.
Tóm lại, tuy các trò chơi truyền thống như cờ vây và cờ vua cung cấp một lăng kính hấp dẫn để hiểu sự khác biệt chiến lược giữa Trung Quốc và phương Tây, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra bản chất năng động, không ngừng thay đổi của cuộc sống nói chung và nền chính trị toàn cầu nói riêng. Chiến lược và tư duy về chiến lược của mỗi cá nhân sẽ không chỉ phản ánh bản sắc văn hoá dân tộc mà còn cả thời thế, bên cạnh quan điểm và thiên kiến của mỗi cá nhân.