#12 - Khủng hoảng chính trị tại Đức và những ngã rẽ
Dương Huy Quốc Thịnh
Sự Sụp Đổ Của Liên Minh Cầm Quyền Đức: Một Thời Khắc Quyết Định
Hôm ngày 06/11/2024, Thủ Tướng Đức Olaf Scholz đã ra quyết định bãi nhiệm Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Christian Lindner – cũng là Chủ Tịch đảng Dân Chủ tự do – do những bất đồng trong quan điểm về quản trị ngân sách nhà nước. Sự kiện chấn động này đã đẩy Đức vào bất ổn chính trị leo thang khi đồng loạt các Bộ trưởng từ đảng Dân chủ tự do cũng đồng loạt từ chức, đảng Dân chủ tự do rời bỏ chính phủ dẫn đến sự tan vỡ của liên minh cầm quyền ba đảng gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (Greens). Liên minh ba đảng vốn đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động từ khi thành lập năm 2021, với những bất đồng sâu sắc về các chính sách đối nội và đối ngoại như viện trợ cho Ukraine. Sự thiếu đồng thuận này đã dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc ra quyết định, đặc biệt là đối với các chính sách quan trọng. Bởi thế, sự tan rã của liên minh có thể được xem như một bước tiến tất yếu cho một cuộc cải tổ chính trị nhằm thúc đẩy một định hướng mới cho nước Đức.
Chính bởi vậy, câu hỏi quan trọng lúc này là chính quyền mới ở Đức sẽ bao gồm những đảng phái chính trị nào và cách thức hoạt động sẽ thay đổi ra sao. Những bất an trong xã hội có thể tạo điều kiện cho các đảng phái dân túy cực đoan tác động lên dư luận để gia tăng quyền lực, có nguy cơ khiến quá trình thành lập chính quyền mới thiếu sự xem xét đa chiều và cẩn trọng. Do đó, những chuyển biến sắp tới tại Đức có thể có tầm ảnh hưởng sâu rộng và quan trọng hơn nhiều so với chính sự sụp đổ của liên minh cầm quyền hiện tại.
Điều này từng thể hiện rõ ràng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi Donald Trump giành chiến thắng trước Hillary Clinton, bất chấp các dự đoán ban đầu. Sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã làm gia tăng nghi ngại trong công chúng về Clinton, tạo điều kiện cho chiến lược dân túy của Donald Trump – khẳng định ông là người lãnh đạo chính danh duy nhất cho người dân Mỹ – trở nên đặc biệt thuyết phục vào giai đoạn cuối. Kết quả là Trump giành chiến thắng và trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Vì vậy, dù khả năng xuất hiện một chính quyền mới hiệu quả hơn ở Đức là đáng để kì vọng, nhưng những sự thay đổi bất ngờ trong chính trị Đức và quốc tế có thể mang đến những hệ lụy khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đã được lên kế hoạch vào tháng 1 này. Nếu phần lớn nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu ủng hộ cho thủ tướng hiện tại thì chính phủ Đức sẽ tiếp tục hoạt động với chính quyền hiện tại mà không có thêm sự thay đổi nào diễn ra. Ngược lại, nếu phần lớn quốc hội bỏ phiếu chống thì Đức sẽ có một cuộc bầu cử chính phủ mới, muộn nhất vào tháng 3 năm sau.
EU, Trump, và Cuộc Chiến Nga-Ukraine: Những Thách Thức Liên Kết
Trong bối cảnh chính trị Đức khủng hoảng, tình hình toàn cầu cũng có nhiều thay đổi đáng kể, điển hình như chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ 2024 và sự gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến Nga-Ukraine, càng khiến Liên minh Châu Âu phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc điều chỉnh chiến lược quân sự, đối ngoại và kinh tế. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã thể hiện tầm nhìn của mình về một chính sách thương mại biệt lập, dự định gia tăng thuế nhập khẩu đối với các quốc gia, bao gồm với cả Liên Minh Châu Âu. Chính sách này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế châu Âu, khi nhu cầu đối với các hàng hóa xuất khẩu giảm, đặc biệt là trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực phục hồi và gia tăng lại vị thế của mình trên trường quốc tế. Đức, với vai trò là một cường quốc kinh tế và chính trị trong Liên Minh Châu Âu, luôn là yếu tố then chốt trong quyết định của EU. Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu tại Budapest đã nhấn mạnh rằng: "Điều chắc chắn là châu Âu sẽ không thể trở nên hùng mạnh nếu nước Đức không đủ mạnh mẽ." Sự khẳng định này càng làm rõ hơn rằng nếu Đức rơi vào bất ổn chính trị, EU cũng sẽ đối mặt với khó khăn trong việc đưa ra các quyết sách chung, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ.
Những bất định trong nền chính trị Đức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới đặt ra mối lo ngại về những quyết định chung của Liên Minh Châu Âu trong thời điểm này, bởi sự biến thiên lớn trong chính sách có thể xảy ra nếu một cuộc bầu cử cho chính quyền mới được tổ chức. Trong trường hợp một chính phủ mới lên nắm quyền, các quyết định chính trị của Đức có thể thay đổi, làm gia tăng sự bất ổn cho toàn bộ Liên minh. Bởi thế, những cam kết của Đức với Liên Minh Châu Âu trong thời điểm này đều mang tính ngắn hạn đến từ chính quyền lâm thời thiểu số.
Cách đó gần 1300 kilômét về phía Đông, một cuộc khủng hoảng khác cũng đang diễn ra khi chiến sự Nga-Ukraine ngày càng leo thang. Sự trở lại của Trump đồng thời làm dấy lên những lo ngại từ phía Đức và các quốc gia đồng minh trong NATO. Ông từng mạnh mẽ chỉ trích và đe dọa rút Mỹ khỏi tổ chức vì cho rằng các thành viên khác không gánh vác trách nhiệm đầy đủ về mặt tài chính và an ninh. Điều này buộc các nước đồng minh phải tăng đáng kể angân sách quốc phòng cho ngân khố chung của NATO, nhưng cũng tạo ra một tiền lệ mới trong chính sách đối ngoại Mỹ với các quốc gia đồng minh.
Trong đợt tranh cử tổng thống năm 2024, Trump tiếp tục kiên định với mục tiêu “Make America Great Again” (làm nước Mỹ vĩ đại trở lại), cho thấy Trump có thể sẽ tiếp tục hướng đến một chính sách đối ngoại ưu tiên lợi ích trực tiếp của Mỹ. Điều này ngụ ý khả năng Mỹ sẽ giảm bớt tài trợ tài chính và hỗ trợ quân sự cho các cuộc xung đột kéo dài, có thể giảm viện trợ quân sự cho Ukraine và đẩy các thành viên NATO, đặc biệt là các quốc gia chủ chốt trong EU như Anh, Đức, và Pháp, vào thế phải đảm đương phần lớn gánh nặng an ninh. Điều này có thể dẫn đến 2 tác động lớn:
Trước hết, với việc Mỹ giảm vai trò hỗ trợ, EU sẽ cần gia tăng ngân sách viện trợ quân sự nhằm duy trì thế cân bằng cho Ukraine, điều này có thể làm phân tán nguồn lực khỏi các mục tiêu kinh tế nội khối. Đức, quốc gia đầu tàu của EU, có thể gặp khó khăn trong việc duy trì cam kết đối với xung đột này, do áp lực từ các khủng hoảng chính trị và kinh tế trong nước. Điều này làm suy yếu khả năng chung của EU trong việc ứng phó trước các biến động quốc tế, đẩy Liên minh ra xa hơn khỏi mục tiêu phát triển kinh tế và đối ngoại bền vững.
Sau cùng, dù EU có gia tăng viện trợ quân sự, việc thiếu hụt sự hỗ trợ từ Mỹ vẫn sẽ là một đòn giáng mạnh vào năng lực chiến đấu và phòng thủ của Ukraine, tạo điều kiện cho Nga gia tăng ảnh hưởng. Việc mất đi sự hỗ trợ vững chắc của Mỹ sẽ đặt Ukraine vào thế yếu trong việc đạt được các mục tiêu chính trị, đồng thời thúc đẩy lo ngại về khả năng phòng vệ của quốc gia này. Sự bất ổn và lo ngại có thể dẫn đến làn sóng di cư từ Ukraine sang các quốc gia châu Âu, tạo ra áp lực cưỡng ép khá lớn buộc các quốc gia EU tiếp nhận dòng người tị nạn. Tình thế này có thể đẩy EU vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan, vừa phải bảo vệ an ninh châu lục, vừa phải đối diện với các khó khăn về kinh tế và xã hội từ làn sóng di cư này.
Tựu chung, Đức đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, khi sự sụp đổ của liên minh cầm quyền đặt ra những thách thức nghiêm trọng không chỉ cho chính họ mà còn cho cả Liên minh Châu Âu. Bất ổn nội bộ tại Đức tạo nên khoảng trống quyền lực nguy hiểm trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng của chính quốc gia này và khả năng lãnh đạo cũng như đồng thuận của EU trước các thách thức toàn cầu. Vấn đề này càng trở nên phức tạp về mặt thời gian khi hàng loạt các sự kiện quốc tế quan trọng làm cho chính trị quốc tế thay đổi khó lường, yêu cầu sự thích ứng nhanh chóng của Đức trên trường quốc tế. Một chính quyền mới tại Đức, nếu được thành lập, sẽ cần phải điều hướng một cách thận trọng giữa các lợi ích quốc gia và cam kết quốc tế. Kết cục nào cho Đức, trong thời điểm này, cũng đều mang ý nghĩa sâu rộng, bởi quyết định của họ không chỉ định hình chính sách đối ngoại mới của Đức hay EU mà còn tác động đến sự ổn định chính trị quốc tế.
Dương Huy Quốc Thịnh là một học sinh IB tại Trường Quốc Tế Đông Địa Trung Hải (EMIS), Israel, với niềm đam mê sâu sắc với khoa học chính trị và ngoại giao quốc tế.