#18 - Vai trò của Mỹ trong xung đột Nga-Ukraine: Những bí mật mới được hé lộ

Một bài phóng sự điều tra đặc biệt của The New York Times mới được đăng cách đây ít ngày, theo tôi, là một trong những tài liệu quan trọng nhất để hiểu cách cuộc chiến Ukraine thực sự được tiến hành – không chỉ trên chiến trường, mà còn trong các trung tâm chỉ huy, phòng họp kín và mạng lưới phối hợp xuyên quốc gia. Dựa trên hơn 300 cuộc phỏng vấn với giới chức quân sự, tình báo và chính phủ từ Mỹ, Ukraine và nhiều nước châu Âu, bài viết đã lột tả một cách chi tiết và sắc nét mức độ can thiệp sâu sắc của quân đội Mỹ mà cho đến nay có lẽ phần lớn vẫn được giữ kín. Đồng thời, nó cũng mang đến cái nhìn chân thực về cách Ukraine xử lý các vấn đề nội bộ giữa áp lực chiến tranh và tính toán chính trị.

Trong bài viết này, tôi muốn tóm lược và phân tích những điểm đáng chú ý nhất từ cuộc điều tra – không đơn thuần là để kể lại, mà để làm rõ những gì chúng ta thực sự học được từ hai phía: cách Mỹ vận hành một hình thức chiến tranh mà không “xuất đầu lộ diện”, cách Ukraine ra quyết định trong điều kiện sống còn, và những rạn nứt âm thầm dần định hình sự bế tắc hiện nay trên chiến trường. Đây không chỉ là một câu chuyện về Ukraine, mà còn là một cẩm nang đang mở cho những ai quan tâm đến chiến tranh hiện đại, liên minh chiến lược và khả năng tự chủ trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc:

Bài gốc: The Partnership: The Secret History of the War in Ukraine

Ảnh: Các tướng lĩnh Ukraine, Mỹ và Anh tại một cuộc họp ở Ukraine vào tháng 8/2023. Valerii Zaluzhnyi

Bộ chỉ huy trong bóng tối: Sự ra đời của Task Force Dragon…

Một trong những tiết lộ gây bất ngờ nhất của bài báo là việc Mỹ đã bí mật thiết lập một trung tâm chỉ huy hỗn hợp tại Clay Kaserne, Wiesbaden (Đức), nơi diễn ra sự phối hợp chiến thuật sâu sắc với quân đội Ukraine ngay từ những tháng đầu của cuộc chiến. Nơi này không chỉ là hậu phương vận chuyển vũ khí, mà thực chất là bộ não chiến lược của toàn bộ chiến dịch hỗ trợ – một trung tâm điều hành chiến tranh phi chính thức, hoạt động dưới tên gọi Task Force Dragon.

Đứng đầu lực lượng này là trung tướng Christopher Donahue – một chỉ huy kỳ cựu của Delta Force, người từng dẫn dắt các chiến dịch bí mật ở Trung Đông và châu Phi. Đồng hành với ông là trung tướng Mykhaylo Zabrodskyi, đại diện phía Ukraine, người có nền tảng đặc biệt khi từng phục vụ trong cả quân đội Nga lẫn được đào tạo tại Mỹ.

Ban đầu, mục tiêu của Task Force Dragon chỉ là huấn luyện pháo binh Ukraine sử dụng M777. Nhưng rất nhanh chóng, nó được mở rộng thành một cấu trúc tác chiến toàn diện. Mỗi sáng, các sĩ quan Mỹ và Ukraine cùng phân tích tình báo về hoạt động của quân Nga, xác định những mục tiêu có giá trị cao, và lên kế hoạch phối hợp hỏa lực. Tầng hầm hội trường Tony Bass trở thành trung tâm hợp nhất thông tin tình báo (fusion center), nơi các cơ quan như CIA, NSA, DIA và các đối tác NATO xử lý dữ liệu vệ tinh, tín hiệu và hình ảnh chiến trường.

Tuy mức độ phối hợp đã gần như đồng chỉ huy, Mỹ vẫn tìm cách giữ giới hạn pháp lý rõ ràng. Thay vì gọi là “mục tiêu” (targets), các điểm tấn công được gọi một cách mềm hóa là “điểm quan tâm” (points of interest). Mỗi điểm đều phải tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt: không được nằm trên lãnh thổ Nga, không nhắm vào cá nhân lãnh đạo cấp cao, và không tiết lộ nguồn thu thập thông tin. Tất cả được chuyển cho phía Ukraine qua một hệ thống đám mây bảo mật – chỉ là những chuỗi tọa độ, không giải thích, không chú thích.

Tuy nhiên, chính tính chính xác đáng kinh ngạc của thông tin này đã dần xây dựng lòng tin. Khi các đơn vị Ukraine triển khai pháo theo đúng tọa độ từ Wiesbaden, hỏa lực trúng đích với độ chuẩn cao. Thành công ban đầu trong việc tiêu diệt hệ thống radar Zoopark, làm gián đoạn các đợt vượt sông của Nga tại Sievierodonetsk, và nhất là chiến dịch HIMARS sau đó, đã củng cố niềm tin giữa hai bên.

Task Force Dragon về bản chất là một “back office” cho chiến tranh kiểu mới – không có quân Mỹ hiện diện trên chiến trường, nhưng mọi hoạt động then chốt của quân đội Ukraine đều được hỗ trợ từ xa: từ hoạch định chiến lược, chọn mục tiêu, phân bổ đạn dược cho đến đánh giá hiệu quả tác chiến.

Tất cả những điều này không hề được công khai trong suốt hơn một năm rưỡi. Và giờ đây, khi được hé lộ, nó cho thấy Mỹ đã can dự vào cuộc chiến sâu hơn rất nhiều so với hình dung trước đây – không chỉ viện trợ, mà tham gia gần như mọi khâu trong chuỗi vận hành chiến sự.

Những bước ngoặt chiến lược: Từ hy vọng đến rạn nứt

Sau khi hệ thống Wiesbaden đi vào vận hành ổn định, mối quan hệ hợp tác Mỹ–Ukraine nhanh chóng chuyển từ thăm dò sang giai đoạn có tính quyết định. Những chiến dịch phản công đầu tiên đã chứng minh hiệu quả của mô hình tác chiến phối hợp này – kết hợp giữa tốc độ cung cấp tọa độ, khả năng khai hỏa chính xác của HIMARS, và sự dũng cảm trên thực địa của binh sĩ Ukraine.

Một trong những thành công tiêu biểu là chiến dịch tấn công vào lực lượng Nga tại Kherson và Kharkiv vào giữa và cuối năm 2022. Tại Kherson, nhờ vào thông tin tình báo chính xác từ Wiesbaden, Ukraine đã làm suy kiệt tuyến hậu cần của Nga, buộc Moscow phải rút quân khỏi bờ tây sông Dnipro. Còn tại Kharkiv, một chiến dịch được thiết kế ban đầu như đòn nghi binh đã bất ngờ chuyển thành đợt tấn công tổng lực khi lực lượng Nga sụp đổ nhanh hơn dự kiến. Những thắng lợi này không chỉ có giá trị quân sự, mà còn làm dấy lên niềm tin rằng Ukraine có thể thực sự lật ngược thế trận.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, những mâu thuẫn âm ỉ bắt đầu xuất hiện giữa hai đồng minh. Trong khi Mỹ chủ trương cách tiếp cận “thận trọng và khả thi” – từng bước làm suy yếu đối phương – thì Kyiv lại hướng tới một mục tiêu táo bạo hơn: đánh bại Nga hoàn toàn. Sự khác biệt trong tư duy chiến lược bắt đầu gây ra căng thẳng, đặc biệt là khi chuyển sang giai đoạn chuẩn bị cho chiến dịch phản công năm 2023.

Căng thẳng không chỉ đến từ giữa hai quốc gia, mà còn từ nội bộ Ukraine. Tổng thống Zelensky, Tổng tư lệnh Zaluzhny và Tướng Syrsky – ba nhân vật trọng yếu trong bộ máy chiến tranh của Ukraine – bắt đầu có những bất đồng ngày càng rõ. Cuộc đấu đá quyền lực ngấm ngầm giữa các tướng lĩnh, kết hợp với áp lực chính trị từ thượng tầng, dần làm xói mòn tính nhất quán trong hoạch định chiến lược.

Điểm rạn nứt lớn đầu tiên xuất hiện khi kế hoạch phản công được định hình. Mỹ và Anh khuyến nghị Ukraine nên tập trung đánh vào khu vực Melitopol – nút giao chiến lược có thể cắt đứt tuyến tiếp viện từ Nga vào Crimea. Kế hoạch này được hỗ trợ bởi dữ liệu tình báo và khả năng pháo binh tầm xa từ HIMARS. Tuy nhiên, vào phút chót, Tổng thống Zelensky quyết định đẩy nhanh chiến dịch ở Kherson nhằm tạo lợi thế ngoại giao trước kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Quyết định này khiến lực lượng bị phân tán, hậu cần thiếu chuẩn bị, và lợi thế chiến thuật bị đánh đổi để phục vụ mục tiêu chính trị.

Dù vậy, vẫn còn một cơ hội lớn. Khi Nga điều quân từ đông sang nam để tăng cường phòng thủ Kherson, tuyến phòng ngự ở Kharkiv bất ngờ trở nên mỏng manh. Ukraine đã chớp thời cơ, giành lại nhiều khu vực quan trọng dọc sông Oskil. Nhưng chính trong chuỗi thành công đó, một nghịch lý bắt đầu hình thành: trong khi trên bản đồ, chiến thắng đang đến gần, thì trong bộ máy chỉ huy, chiến lược lại ngày càng thiếu thống nhất. Sự lệch pha giữa mong muốn chiến thắng nhanh chóng và năng lực thực tế dần dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn – đặc biệt là khi bước sang năm 2023.

…Khi chiến lược vỡ vụn trên thực địa

Chiến dịch phản công năm 2023 – từng được kỳ vọng là bước ngoặt lớn của cuộc chiến – đã trở thành ví dụ điển hình cho cách một chiến lược đầy tham vọng có thể đổ vỡ vì thiếu tính thống nhất và đồng thuận trong chỉ huy. Những gì được tiết lộ cho thấy sự thất bại này không bắt nguồn từ thiếu vũ khí hay năng lực, mà chủ yếu đến từ sai lệch trong ưu tiên, tranh đấu quyền lực cá nhân và những tính toán chính trị nội bộ.

Kế hoạch ban đầu, do tổng tư lệnh Zaluzhny và các cố vấn phương Tây thiết kế, xoay quanh mục tiêu Melitopol – điểm then chốt nối đất liền với Crimea. Với sự hỗ trợ của pháo phản lực tầm xa HIMARS và dữ liệu từ Wiesbaden, họ tin rằng đây là cơ hội để chia cắt tuyến tiếp vận của Nga và thay đổi cục diện chiến trường ở miền Nam.

Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng bị phá vỡ từ bên trong. Tướng Syrsky, một đối thủ chính trị lẫn quân sự của Zaluzhny, tìm cách tập trung lực lượng để giành lại Bakhmut – một thành phố đã thất thủ trước đó nhưng có giá trị biểu tượng cao. Ông cho rằng chiến thắng tại Bakhmut sẽ gây rạn nứt tinh thần quân Nga và tạo hiệu ứng chính trị tích cực trong nước. Tổng thống Zelensky, vốn xem Bakhmut là “pháo đài của tinh thần Ukraine”, đã chọn ủng hộ Syrsky. Hậu quả là súng pháo, đạn dược và cả các lữ đoàn tinh nhuệ được chia đôi, làm suy yếu hướng tấn công chủ lực ở Melitopol ngay từ giai đoạn chuẩn bị.

Không chỉ lực lượng bị phân tán, mà tinh thần chiến lược cũng trở nên rối loạn. Các chỉ huy Ukraine trên thực địa bắt đầu trì hoãn tấn công, yêu cầu xác minh lại từng tọa độ từ Wiesbaden bằng drone trinh sát. Sự thiếu lòng tin vào dữ liệu tình báo – từng là điểm mạnh của hệ thống phối hợp – khiến tốc độ ra quyết định bị chậm lại một cách nghiêm trọng. Trong một tình huống điển hình được kể lại, chỉ một trung đội Nga án ngữ trên ngọn đồi gần làng Robotyne cũng đủ làm lực lượng Ukraine dừng lại suốt gần hai ngày. Trong thời gian đó, Nga kịp xây thêm tuyến phòng thủ, rải mìn, và củng cố trận địa, khiến bước tiến của Ukraine trở nên vô cùng tốn kém và chậm chạp.

Đồng thời, tình hình huấn luyện cũng gặp vấn đề nghiêm trọng. Các lữ đoàn được gửi sang châu Âu để đào tạo gồm phần lớn tân binh lớn tuổi, trong khi các đơn vị dày dạn kinh nghiệm lại bị giữ lại để chiến đấu tại Bakhmut. Các sĩ quan Mỹ tỏ ra thất vọng, cho rằng “lực lượng này không đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch”. Dù vậy, kế hoạch vẫn được triển khai – một phần vì không còn lựa chọn nào khác, một phần vì không ai dám đảo ngược quyết định đã thành chính trị.

Khi chiến dịch chính thức bắt đầu, gần như tất cả các điều kiện thuận lợi đã mất: thời cơ bất ngờ, khả năng tập trung hỏa lực, sự thống nhất trong chỉ huy. Đòn đánh vào Melitopol bị chặn đứng ở Tokmak – chỉ mới đi được nửa chặng đường. Kế hoạch Rolling Thunder – chiến dịch phá hủy các đơn vị phòng thủ Nga bằng pháo tầm xa – bị trì hoãn vì các chỉ huy Ukraine không đồng ý với thứ tự mục tiêu. Khi Mỹ đề xuất chuyển quyền chỉ huy mặt trận phía Nam sang cho một chỉ huy khác, đề xuất cũng bị bác bỏ.

Trong lúc ấy, một cánh quân khác của Ukraine tìm cách vượt sông Dnipro để tấn công vào khu vực gần Crimea. Nhưng lực lượng này nhanh chóng hết người, hết đạn, và phải rút lui sau một thời gian ngắn. Cuộc phản công – từng được kỳ vọng sẽ xoay chuyển cục diện – đã kết thúc mà không đạt được mục tiêu chiến lược nào rõ rệt.

Với Mỹ và các đối tác phương Tây, đây là cú đánh mạnh vào niềm tin chiến lược. Mối quan hệ từng được mô tả như “tình huynh đệ” trong năm 2022 dần chuyển thành trạng thái căng thẳng và hoài nghi. Hệ thống tác chiến kiểu mới được xây dựng trong bóng tối – với tốc độ, tin tưởng và phối hợp – giờ bị bào mòn bởi chính những thứ không thể giải quyết bằng công nghệ: chính trị, cá nhân, và thiếu đồng thuận chiến lược.

Ukraine và Mỹ: Đồng sàng, dị mộng?

Bên cạnh các diễn biến chiến thuật cụ thể, bài điều tra còn giúp người đọc lần đầu tiếp cận được cách vận hành bên trong của cả hai cỗ máy chiến tranh – Ukraine và Mỹ. Phía Mỹ có tổ chức, có năng lực, nhưng đầy giới hạn về mặt chính trị. Phía Ukraine có quyết tâm, có bản lĩnh chiến đấu, nhưng luôn phải vật lộn với bài toán nội tại về chỉ huy và phối hợp. Khi đặt cạnh nhau, hai logic này vừa hỗ trợ, vừa đối chọi – và chính trong sự giằng co đó mà chiến dịch chung được hình thành.

1. Phía Ukraine: Thực dụng, quyết liệt, nhưng thiếu đồng thuận

  • Tính chủ động rất cao trong điều kiện bị động: Ngay từ những ngày đầu, Ukraine đã chủ động lập kênh liên lạc ngầm, cử đoàn sĩ quan cấp cao vượt hàng trăm cây số để thiết lập quan hệ tác chiến với phía Mỹ. Dù phải vận hành trong hoàn cảnh bất lợi tuyệt đối, họ vẫn tìm cách xoay chuyển tình thế bằng mọi giá.

  • Xung đột trong nội bộ chỉ huy: Các mâu thuẫn giữa Tổng tư lệnh Zaluzhny, tướng Syrsky và Tổng thống Zelensky không chỉ là bất đồng cá nhân, mà phản ánh sự thiếu thống nhất về tư duy chiến lược. Cuộc đối đầu giữa hai vị tướng – một người ưu tiên chiến thắng mang tính quyết định, người kia nhắm tới các mục tiêu biểu tượng – đã phân tán lực lượng và làm suy yếu nỗ lực phản công năm 2023.

  • Khát vọng giành chiến thắng toàn diện: Ukraine không chỉ muốn “sống sót” – họ muốn giành chiến thắng áp đảo. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ, nhưng cũng khiến họ nhiều lần bác bỏ khuyến nghị mang tính thận trọng từ phía Mỹ, dẫn đến việc chọn những phương án rủi ro cao hơn năng lực thực tế.

  • Chính trị chi phối chiến thuật: Nhiều quyết định quân sự lớn – như đẩy nhanh chiến dịch Kherson hay chia đôi lực lượng cho Bakhmut – không xuất phát từ nhu cầu chiến trường mà từ áp lực chính trị. Điều này làm chiến lược tổng thể trở nên kém hiệu quả, dù từng phần có vẻ hợp lý.

2. Phía Mỹ: Hệ thống hóa, thận trọng, và đầy giới hạn tự mình đặt ra

  • Can dự sâu hơn công khai thừa nhận: Lần đầu tiên, bài viết tiết lộ rằng Mỹ không chỉ gửi vũ khí hay cung cấp tình báo – họ tham gia trực tiếp vào toàn bộ chuỗi vận hành chiến dịch, từ lựa chọn mục tiêu, truyền dữ liệu thời gian thực, đến đánh giá hiệu quả hỏa lực.

  • Vận hành chiến tranh kiểu mới: không hiện diện, nhưng vẫn tham chiến: Mô hình Wiesbaden cho thấy Mỹ đang thử nghiệm một hình thức chiến tranh mới – không có lính trên mặt đất, nhưng có thể điều phối chiến dịch từ xa với độ chính xác cao. Đây là bước tiến lớn về chiến lược lẫn công nghệ, dù đi kèm nhiều rủi ro về kiểm soát.

  • Giới hạn đỏ luôn dịch chuyển: Ban đầu, Mỹ cấm sử dụng dữ liệu để tấn công lãnh thổ Nga, hay nhắm vào các chỉ huy cấp cao. Nhưng qua từng giai đoạn, các lằn ranh đỏ này liên tục bị nới dần – từ hỗ trợ tấn công Crimea, đến cung cấp tọa độ cho drone tập kích vào hải quân Nga.

  • Cốt yếu là không để Ukraine thất bại – không nhất thiết phải giành chiến thắng: Mỹ xem việc giúp Ukraine tồn tại là mục tiêu sống còn, nhưng lại dè chừng trước những bước đi có thể khiến xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát. Sự khác biệt này khiến hai bên đôi lúc mâu thuẫn ngay trong lúc phối hợp.

  • Tổ chức và quy trình rất mạnh – nhưng phụ thuộc vào yếu tố con người: Task Force Dragon vận hành như một trung tâm tác chiến gần hoàn hảo, nhưng nó cũng phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ cá nhân giữa các chỉ huy. Khi tướng Donahue rời nhiệm vụ, sự hiệu quả bắt đầu suy giảm, niềm tin cũng trở nên mong manh hơn.

Những bài học lớn từ một cuộc chiến hiện đại

Khi tấm màn bí mật đã được vén lên (một phần), điều đọng lại không chỉ là câu chuyện về các chiến dịch, khí tài hay các quyết định cấp cao. Điều quan trọng hơn là những bài học nền tảng về cách vận hành của một cuộc chiến hiện đại – nơi công nghệ, dữ liệu, quan hệ liên minh và yếu tố con người cùng lúc đan xen trong từng lựa chọn chiến lược. Với những ai đang theo dõi cuộc xung đột này không chỉ với tư cách người quan sát, mà như một phép thử cho tương lai an ninh khu vực và toàn cầu, đây là những điểm không thể bỏ qua.

1. Không thể giành chiến thắng nếu chỉ dựa vào công nghệ

Hệ thống tình báo thời gian thực, năng lực điều phối xuyên quốc gia và khả năng tấn công chính xác đã giúp Ukraine tạo ra những bước ngoặt chiến lược vào năm 2022. Tuy nhiên, khi lòng tin bị xói mòn, khi quy trình ra quyết định bị làm chậm vì phải xác minh lại từng mục tiêu, những lợi thế đó dần biến mất. Công nghệ chỉ là công cụ – hiệu quả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ tin tưởng và sự mạch lạc trong chỉ huy.

2. Chính trị luôn can thiệp vào chiến lược, dù trên chiến trường hay ở hậu phương

Không có chiến dịch nào thuần túy “quân sự”. Những tính toán chính trị – từ mục tiêu ngoại giao, tâm lý xã hội đến cạnh tranh cá nhân trong nội bộ bộ máy chỉ huy – đều có thể định hình hướng đi của chiến tranh. Sự phân tán lực lượng giữa Melitopol và Bakhmut, hay việc trì hoãn chiến dịch để chờ thêm viện trợ, cho thấy rõ ràng yếu tố chính trị có thể làm trật hướng cả một chiến lược quân sự dù được thiết kế kỹ lưỡng.

3. Liên minh chiến lược không đồng nghĩa với đồng thuận chiến lược

Mối quan hệ Mỹ–Ukraine là minh chứng cho sự hợp tác có chiều sâu về mặt kỹ thuật và chiến thuật. Nhưng khác biệt về mục tiêu cuối cùng – giữa một bên muốn đảm bảo Ukraine không thất bại, và một bên muốn giành chiến thắng toàn diện – tạo ra những rạn nứt khó hàn gắn. Điều này đặt ra câu hỏi lớn: trong các cấu trúc an ninh tương lai, làm sao để các bên cùng chia sẻ không chỉ lợi ích, mà cả định nghĩa về “thành công”?

4. Tốc độ và khả năng thích nghi là yếu tố sống còn

Chiến tranh hiện đại không còn là bài toán về ưu thế tuyệt đối, mà là cuộc đua về thời gian: ai ra quyết định nhanh hơn, phối hợp tốt hơn, và thích ứng kịp thời với biến động thực địa. Khi nhịp độ phản ứng chậm lại – như đã thấy rõ trong phản công năm 2023 – cửa sổ chiến thắng có thể khép lại vĩnh viễn, bất kể lực lượng tổng thể có ưu thế đến đâu.

5. Niềm tin – giữa người với người – là hạ tầng quan trọng nhất

Cuối cùng, những gì giữ cho hệ thống Wiesbaden hoạt động trơn tru trong giai đoạn đầu không phải là thuật toán hay thiết bị tối tân, mà là sự tin tưởng cá nhân giữa các chỉ huy – giữa Donahue và Zabrodskyi, giữa các nhóm sĩ quan cùng ngồi ở “trung tâm hợp nhất”. Khi những mối quan hệ đó suy yếu, không một mô hình tác chiến nào có thể duy trì hiệu quả như cũ.

Trong một thế giới ngày càng phân mảnh, nơi các cuộc xung đột khó lường có thể nổ ra ở bất kỳ khu vực nào, bài học từ Ukraine không nên chỉ được xem như chuyện riêng của châu Âu. Những gì diễn ra từ chiến trường Donbas tới hành lang tình báo ở Wiesbaden đang định hình lại cách thế giới hiểu về chiến tranh, liên minh và tự chủ chiến lược.

Next
Next

#17 - Sự chuyển dịch của trật tự toàn cầu: Trump và Vance miệt thị châu Âu