#9 - Đường đến hoà giải và công lý trong xung đột Nga-Ukraine
Bùi Minh Toàn
Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine là minh chứng hùng hồn cho luận đề "cơn bão hoàn hảo" (perfect storm thesis), vốn xem những hiện tượng phức tạp như chiến tranh là kết quả của các giai đoạn chuyển tiếp bắt nguồn từ nhiều bất ổn sâu sắc mang tính hệ thống. Cuộc xung đột này đã bộc lộ sự bất cập của các chuẩn mực ứng xử hiện này khi chúng không thể bắt kịp với thực tiễn chiến tranh đang nổi lên trong thế kỷ XXI.
Trong bối cảnh hiện nay, khái niệm “công lý trong giai đoạn chuyển đổi” (transitional justice) nên được xem như một cách tiếp cận có khả năng giải quyết xung đột và tái thiết hòa bình. Công lý trong giai đoạn chuyển đổi bao gồm một loạt các quy trình và cơ chế nhằm giải quyết các vi phạm nhân quyền trong quá khứ và thúc đẩy hòa giải trong các xã hội đang hồi phục sau xung đột hoặc các chế độ đàn áp. Vai trò tiềm năng của nó trong cuộc chiến Nga-Ukraine nằm ở cách tiếp cận toàn diện, có khả năng giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột chứ thay vì các triệu chứng trên bề mặt. Nếu áp dụng hiệu quả, công lý trong giai đoạn chuyển đổi có thể đưa ra phương hướng tới giải quyết những bất bình sâu sắc và thiết lập nền tảng cho hòa bình lâu dài hậu xung đột Nga-Ukraine. Bài viết này do đó tập trung phân tích và bước đầu chỉ ra vai trò tiềm năng của công lý trong giai đoạn chuyển đổi đối với việc kết thúc xung đột Nga-Ukraine.
Một số nguyên nhân đằng sau xung đột Nga-Ukraine và vai trò của công lý trong giai đoạn chuyển đổi
Nguyên nhân hàng đầu của xung đột hiện nay là tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh tồn tại giữa Nga và phương Tây. Đây là tình huống trong đó các hành động của một quốc gia nhằm tăng cường an ninh của chính mình bị quốc gia khác coi là mối đe dọa đối với an ninh của quốc gia đó, dẫn đến một vòng xoáy sợ hãi và thù địch lẫn nhau. Nga coi Ukraine là vùng đệm quan trọng giữa mình và Phương Tây cũng như là một quốc gia có mối liên kết về lịch sử và văn hóa với Nga. Nga cũng lo ngại rằng việc Ukraine hội nhập vào thế giới phương Tây sẽ làm suy yếu an ninh và vị thế của nước này. Điều này đã được Putin nói rõ trong bài phát biểu trước cử tri năm 2000, “Sợ hãi một nước Nga hùng mạnh là vô lý, nhưng nước này cần phải được tính đến. Còn bất kỳ ai xúc phạm chúng tôi sẽ phải trả giá đắt.”
Ngược lại, phương Tây coi Ukraine là quốc gia có chủ quyền, có quyền lựa chọn con đường riêng của mình và lo ngại hành động gây hấn của Nga sẽ gây mất ổn định trật tự khu vực và quốc tế. Trong trường hợp này, “công lý trong giai đoạn chuyển đổi” có thể giúp khắc phục những hiểu lầm giữa các bên và tìm cách khôi phục niềm tin cũng như sự tôn trọng mà các cường quốc, đặc biệt là Nga, cần phải có, nếu muốn đạt được các điều kiện hòa bình với Ukraine. Để làm được điều này, Nga cần thừa nhận và đền bù những thiệt hại do chiến tranh mà mình đã gây ra, đồng thời Ukraine phải xác minh bằng chứng về những thiệt hại dựa trên lời khai của các nạn nhân cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức bên thứ ba để đảm bảo rằng mọi tiếng nói đều có thể được lắng nghe.
Một nguyên nhân quan trọng khác là chủ nghĩa xét lại, một lập trường tìm cách giành lại lãnh thổ hoặc uy tín đã mất, thường dựa trên các yêu sách mang tính lịch sử hoặc dựa trên chủ nghĩa dân tộc. Nga đặt mục tiêu khôi phục ảnh hưởng và quyền kiểm soát của mình đối với các quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Vì vậy, Nga coi việc tiến hành một chiến dịch quân sự là hành động chính đáng để chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất. Các nhà phân tích lưu ý rằng Nga và các nhà lãnh đạo của nước này, “… coi phần lớn Ukraine là “vùng đất lịch sử của Nga” để xác định nó với Cơ đốc giáo Chính thống, Putin công khai tuyên bố rằng Ukraine trên thực tế không có quyền tồn tại.” Để công lý trong giai đoạn chuyển đổi có được hiệu quả trước chủ nghĩa xét lại, điều quan trọng là phải điều tra các tội ác chiến tranh hiện nay dựa trên bối cảnh lịch sử cụ thể. Vì mục đích này, một cơ quan độc lập nên được thành lập để điều tra các tội ác khác nhau đã xảy ra trước đây nhằm ngăn chặn lịch sử lặp lại và đảm bảo quá trình chuyển đổi sang một tương lai tốt đẹp hơn.
Chủ nghĩa dân tộc là một nguyên nhân quan trọng khác của cuộc chiến. Đó là một hiện tượng chính trị và xã hội nhấn mạnh lòng trung thành và gắn bó với một quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc thể hiện rõ trong chiến tranh Ukraine, khi cả Ukraine và Nga đều viện dẫn bản sắc và lợi ích quốc gia của mình để biện minh cho hành động và lập trường của mình. Ukraine coi cuộc chiến là một cuộc đấu tranh vì độc lập và chủ quyền cũng như khát vọng hội nhập châu Âu. Để đạt được mục tiêu này, Ukraine tìm cách củng cố bản sắc và sự đoàn kết dân tộc vốn đang bị thách thức bởi các phong trào ly khai và sự can thiệp của Nga. Ngược lại, Nga coi cuộc chiến là cách bảo vệ lợi ích và bản sắc quốc gia của mình, điều mà họ cho là đang bị đe dọa bởi ảnh hưởng của phương Tây. Như Putin đã trình bày trong bài phát biểu giải thích động cơ đằng sau cuộc xâm lược của mình, “… Từ xa xưa, những người sống ở phía tây nam của vùng đất trước đây là đất Nga đã tự gọi mình là người Nga và những người theo đạo Cơ đốc Chính thống…” Điều này cho thấy rõ Putin coi người Nga và người Ukraine là một dân tộc bị ràng buộc bởi các tiền lệ lịch sử và tôn giáo. Đối với Putin, việc Ukraine cố gắng tách khỏi khối dẫn dắt bởi Nga và tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây là không thể chấp nhận được vì điều đó vi phạm sự toàn vẹn quốc gia của Nga vì Putin không coi người Ukraine là một dân tộc có bản sắc riêng biệt. Để tận dụng tốt nhất công lý trong giai đoạn chuyển đổi khi đối phó với chủ nghĩa dân tộc, cộng đồng quốc tế và Ukraine phải hợp tác cùng nhau để chứng minh Ukraine có thể chứng minh sự độc lập và tự chủ của mình bằng cách hỗ trợ tái thiết đất nước ở quy mô “không gì kém hơn là một Kế Hoạch Marshall cho thế kỷ 21”.
Chính trị nội bộ cũng là một cách hữu dụng để nắm bắt động cơ đằng sau cuộc chiến vì chính trị đối ngoại chịu ảnh hưởng của chính trị đối nội. Ukraine có động lực chính trị-xã hội phức tạp, được đặc trưng bởi chủ nghĩa đa nguyên giữa dân chúng và các nhà tài phiệt để duy trì sự cân bằng quyền lực trong các quốc gia và giữa các cường quốc. Điều này khiến nỗ lực củng cố quyền lực ở Ukraine trở nên khó khăn hơn. Nó được chứng minh trong hai cuộc Cách mạng xảy ra trong vòng hai thập kỷ qua ở Ukraine, trong đó cả hai đều diễn ra nhằm chống lại nỗ lực tập trung quyền lực của các tổng thống. Nga phải đối mặt với một hệ thống độc tài, được đặc trưng bởi cá nhân hóa và sự tập trung quyền lực vào tay Tổng thống Putin với cái giá là xã hội dân sự và phe đối lập bị gạt ra ngoài lề. Để khắc phục sự mâu thuẫn này khi tìm kiếm công lý cho Ukraine, quy trình “công lý trong giai đoạn chuyển đổi” phải công bằng, được thúc đẩy bởi bằng chứng xác thực để đảm bảo rằng câu chuyện sẽ không bị sai lệch bởi thiên hướng chính trị.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của cuộc chiến là sự hiện diện của "chủ nghĩa đế quốc", một chính sách nhằm mở rộng quyền lực và sự thống trị của một quốc gia đối với các quốc gia khác thông qua các phương tiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Nga tìm cách mở rộng và duy trì phạm vi ảnh hưởng và lợi ích của mình trong khu vực, gây tổn hại đến chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn. Vì Nga tự coi mình là một cường quốc nên nước này tuyên bố có quyền gây ảnh hưởng lên các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ, những nơi mà nước này coi là lãnh thổ lịch sử và tự nhiên của mình, không bị phương Tây can thiệp. Để chống lại chủ nghĩa đế quốc và những ảnh hưởng của nó, Ukraine nên thúc đẩy nỗ lực bồi thường với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc để tội ác không bị lãng quên và nạn nhân cũng như gia đình của họ có thể nhận được sự đền đáp xứng đáng dưới hình thức hỗ trợ vật chất. Hơn nữa, Nga cũng nên tham gia vào hoạt động bồi thường như một cách để nhà nước chuộc lại tội ác dưới chính sách đế quốc của mình.
Nguyên nhân cuối cùng là quá trình chuyển đổi năng lượng. Đó là một quá trình thay đổi trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng, từ nguồn năng lượng này sang nguồn năng lượng khác, chẳng hạn như từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Điều này bắt nguồn từ hiện tượng "đỉnh dầu" (peak oil), khi chúng ta đạt đến giới hạn về lượng dầu có thể khai thác thêm, dẫn đến sản lượng dầu sụt giảm. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, có thể tìm thấy ở dạng năng lượng tái tạo. Điều này có tác động tiêu cực đến Nga, vì sản lượng kinh tế của nước này chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác nhiên liệu hóa thạch, điều rất có thể sẽ trở nên lỗi thời. Như vậy, quyết định sử dụng vũ lực đối với Ukraine của Putin cũng phần nào dựa trên tính toán rằng sự bất ổn trong khu vực sẽ có tác động tích cực đến giá dầu và các mặt hàng cần thiết khác cho quá trình chuyển đổi năng lượng, vì việc tăng giá trị của chúng sẽ giúp ích cho việc tăng doanh thu cho Nga và ngăn chặn sự suy thoái của nền kinh tế. Để chống lại điều này, “công lý trong giai đoạn chuyển đổi” phải nhằm mục đích khắc phục những tác hại mà nhiên liệu hóa thạch gây ra cho cộng đồng và khuyến khích quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhanh nhất có thể để đảm bảo một nền kinh tế độc lập và tự bền vững, mang lại lợi ích được chia sẻ bình đẳng cho tất cả mọi người.
Kết luận
Tóm lại, những yếu tố kể trên đã góp phần vào Chiến tranh Nga-Ukraine theo những cách khác nhau như một phần của quá trình chuyển đổi sang trạng thái chuyển tiếp. Và nếu những yếu tố này vẫn còn tồn tại, chiến tranh có thể sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được một số hình thức có thể được giải quyết hoặc ít nhất là đóng băng xung đột ở trạng thái chấp nhận được. Đây là lúc “công lý trong giai đoạn chuyển đổi” sẽ đóng một vai trò quan trọng khi nó tìm cách giải quyết những bất công và bất bình đẳng trong hệ thống quốc tế đã không làm tốt vai trò trong việc ngăn chặn chiến tranh. Không chỉ vậy, “công lý trong giai đoạn chuyển đổi” cũng sẽ là nền tảng cho một nền hòa bình lâu dài và bền vững mà mọi người đều có thể tận hưởng và tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Bùi Minh Toàn là sinh viên năm thứ 2 ngành Khoa học Chính trị, Đại Học DePauw, bang Indiana, Mỹ. Các mối quan tâm nghiên cứu lớn của Toàn xoay quanh các vấn đề quân sự và an ninh quốc tế.