#10 - “Bí quyết” cân bằng quan hệ nước lớn của Việt Nam

Trước khi quan hệ Việt-Mỹ được nâng lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9 năm 2023, không ít nhà quan sát đã nhận định rằng động thái này sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế Bắc Kinh đã phản ứng tương đối mềm mỏng. Không những vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định đến thăm chính thức Việt Nam chỉ vài tháng sau Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội. Cách mà báo chí Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của ông Tập đến Việt Nam cũng cho thấy rằng quan hệ Việt-Trung vẫn ở trên một quỹ đạo ổn định.

Nguồn: EPA/Hoang Dinh Nam/Pool

Những diễn biến tích cực này dường như là chỉ dấu cho thấy Việt Nam đã tìm thấy được điểm cân bằng trong xử lý quan hệ với các nước lớn.

Có nhiều cách để định nghĩa khái niệm “cường quốc”. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất của một cường quốc là: (i) sức mạnh quân sự vượt trội và (ii) sự sẵn lòng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích chính yếu. Nói cách khác, một quốc gia không thể gia nhập hàng ngũ của các nước lớn nếu nó không thể hoặc không dám sử dụng vũ lực để áp đặt ý chí của mình lên những nước khác. 

Tình huống hiện nay giữa Ukraine và Nga là minh chứng rõ ràng cho thấy một khi một cường quốc đã hạ quyết tâm sử dụng vũ lực thì gần như không gì có thể ngăn cản họ làm việc đó. Điều này có nghĩa là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia vừa và nhỏ trong việc quản trị quan hệ với các cường quốc là phải vừa bảo vệ được chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, vừa giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang nổ ra. Ở khía cạnh này, Việt Nam chắc chắn không phải là ngoại lệ.

Là một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, người Việt Nam hơn ai hết hiểu rõ sự cần thiết của việc duy trì một lực lượng vũ trang hùng mạnh và thiện chiến nhằm răn đe những đối tượng có âm mưu đe doạ an ninh của Việt Nam. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông còn diễn biến phức tạp và các bên có yêu sách khó đạt được một thoả thuận chính trị, nguy cơ xung đột sẽ luôn hiện hữu ở khu vực này. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải vừa cảnh giác, vừa đầu tư nhằm hiện đại hóa hải quân. Răn đe quân sự (deterrence) tuy không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả, nhất là khi đối tượng thực sự quyết tâm, song nó sẽ ngăn chặn được những hành động có tính cơ hội. 

Nhưng chỉ răn đe hiếm khi đủ để bảo vệ hòa bình. Trong một số trường hợp, răn đe quân sự có thể dẫn tới tính toán sai lầm nếu không đi kèm với những nỗ lực ngoại giao khéo léo. Chiến tranh Thế giới thứ nhất là một trường hợp kinh điển cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu răn đe không đi kèm với việc trấn an (assurance). Như Thomas Schelling đã từng viết, "tiến thêm một bước là tôi bắn” sẽ chỉ có hiệu quả răn đe nếu đi kèm với lời hứa (dù chỉ là ngầm) rằng "nếu dừng lại tôi sẽ để yên”.  Đối với Việt Nam, trấn an nước lớn có lẽ mới là trọng tâm của một chiến lược toàn diện nhằm quản trị mối quan hệ với các cường quốc. Để trấn an các nước lớn, Việt Nam đã và đang sử dụng nhiều kênh ngoại giao để đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Việt Nam tìm kiếm sự hợp tác cùng có lợi và sẽ không đe doạ an ninh hoặc lợi ích của bất kỳ bên nào. Đó chính là “hồn cốt” của chính sách đối ngoại - quốc phòng “Bốn Không - Một Tuỳ”.

Cách tiếp cận này bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc rằng ngay cả những nhà lãnh đạo của quốc gia hùng mạnh nhất cũng có thể cảm thấy bất an và vì thế có thể chấp nhận mức độ rủi ro cực độ để lấy lại cảm giác an toàn. Từ góc nhìn của những thuyết gia quan hệ quốc tế hàng đầu như John Mearsheimer, việc ông Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine bắt nguồn từ sự bất an trước việc NATO không ngừng mở rộng về hướng Đông.

Hiểu được tầm quan trọng của việc trấn an các nước lớn, Việt Nam đã chủ đích mô tả quan hệ với Mỹ là “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, với ngụ ý rằng đây không phải là một nỗ lực để “đi với bên này chống lại bên kia”. Các quan chức Việt Nam và Trung Quốc cũng đã tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn cả trước và sau khi nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, có lẽ là để giải thích và trấn an Bắc Kinh rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không nhằm mục đích hỗ trợ Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Bí quyết cuối cùng trong “kiềng ba chân” nhằm cân bằng quan hệ với nước lớn của Việt Nam là chủ động “phòng bị nước đôi” (hedging). Việc Mỹ và Trung Quốc từng nhanh chóng bình thường hoá quan hệ trong giai đoạn 1969-1979 cho thấy các cường quốc sẵn sàng thoả hiệp với nhau trên lưng các đồng minh nhỏ hơn nếu làm vậy có lợi cho họ. Vì lẽ đó, nhiều văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã nhấn mạnh tính thiết yếu của việc đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vốn là trụ cột của chiến lược phòng bị nước đôi.

Điều đó phần nào giải thích vì sao Việt Nam đã không cắt đứt quan hệ với Nga sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, bất chấp áp lực ngoại giao đáng kể từ nhiều quốc gia phương Tây. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tích cực can dự, hợp tác với nhiều cường quốc tầm trung trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia. Bằng cách đưa quan hệ với những nước này đi vào chiều sâu, Việt Nam sẽ tăng cường đòn bẩy ngoại giao và tiếp nhận được các lợi ích đa dạng về kinh tế, quân sự và công nghệ. Điều này tránh được sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ cường quốc nào, đồng thời mang lại cho Việt Nam nhiều dư địa chính sách hơn và một hệ thống hỗ trợ tập thể có thể đóng vai trò là đối trọng trước sức ép của các cường quốc.

Hơn hết, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong nhiều năm qua đã liên tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong điều tiết, quản trị các vấn đề khu vực. Từ góc nhìn của Hà Nội, ASEAN vẫn là chìa khóa để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những chính sách này minh họa cho nỗ lực của Việt Nam trong việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm tăng cường và khẳng định quyền tự chủ tập thể của họ trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra quyết liệt.

Những diễn biến gần đây trong quan hệ cả với Mỹ lẫn Trung Quốc  cho thấy sự cân bằng giữa trấn an, phòng bị, và răn đe của Việt Nam nhằm quản trị quan hệ với các nước lớn cho đến nay vẫn phát huy tác dụng. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị thế giới và khu vực đang đặt ra những thách thức mới đòi hỏi Việt Nam phải liên tục thích ứng và điều chỉnh lại chiến lược của mình. Những thách thức chính trong khoảng 5-10 năm tới sẽ bao gồm cạnh tranh chiến lược kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông cũng như các mối đe dọa xuyên quốc gia khác bao gồm biến đổi khí hậu, nguy cơ bùng phát đại dịch và quản trị các công nghệ mới nổi như AI.

Để tồn tại được trong môi trường phức tạp với căng thẳng địa chính trị ngày càng có dấu hiệu xấu đi, Việt Nam sẽ phải duy trì sự linh hoạt về ngoại giao và quyền tự chủ, hướng tới tự chủ chiến lược, đồng thời kiên định ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp và các chuẩn mực ứng xử quốc tế. Chỉ bằng cách chủ động nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc, Việt Nam mới có thể bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của mình mà vẫn tránh được thảm hoạ chiến tranh.

Phiên bản tiếng Anh của bài viết này đã được đăng với nhan đề “Vietnam’s great power balancing act” trên trang East Asia Forum.

Previous
Previous

#11 - Dự báo xung đột Nga-Ukraine (T2/2024) - Phần 1

Next
Next

#9 - Đường đến hoà giải và công lý trong xung đột Nga-Ukraine