#1 - Kỹ thuật làm nên chiến lược

Ngô Di Lân

 

Tôi dám cá rằng một trong những thuật ngữ bị lạm dụng nhiều nhất hiện nay là “chiến lược”. Nó đã trở thành sáo ngữ khi mà quá nhiều người sẵn sàng dùng hai chữ chiến lược như một tính từ bổ trợ cho tất cả những gì họ cho là quan trọng mà không tự hỏi mình xem tại sao lại phải dùng đến từ này, càng không buồn định nghĩa xem chữ chiến lược trong tình huống này có nghĩa là gi.

“Chiến lược mà không chiến thuật là con đường dài nhất dẫn tới chiến thắng.
Chiến thuật mà không chiến lược là âm thanh trước khi bại trận.”

Câu nói nổi tiếng này được cho là của Tôn Tử, một nhân vật đầy kỳ bí mà nhiều nhà nghiên cứu ở phương Tây giờ đây tin rằng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta. Nhưng dù tác giả là ai đi nữa thì tôi nghĩ câu nói này vẫn chỉ được hai điểm quan trọng. Thứ nhất, chiến thuật không phải là chiến lược, vì thế chúng ta không thể đánh đồng chúng với nhau. Thứ hai, chiến lược quan trọng hơn chiến thuật. Những phép ẩn dụ như này không phải là không giúp ích nhưng để một người hiểu thật rõ, thật sâu sự khác biệt giữa hai khái niệm này, và vì sao cần phải có chiến lược, tôi nghĩ rằng sẽ cần đến một cách tiếp cận có hệ thống hơn.

Hãy thử cùng làm một thí nghiệm tưởng tượng. Trong một thế giới song song nào đó, mỗi quân đội chỉ khởi đầu với duy nhất 1 cá nhân. Nếu quân đội đó giao tranh với một quân đội khác, chúng ta sẽ có 2 cá nhân đấu tay bo với nhau. Và giả sử sức khoẻ của hai người này không chênh nhau đáng kể, vậy bên nào sẽ dễ giành được phần thắng hơn? Đáp án: bên có kỹ thuật tốt hơn.

Về bản chất, kỹ thuật có thể được hiểu là cách thức sử dụng một công cụ nào đó. Một người dùng dao khéo léo (kỹ thuật cao) có thể thái mỏng, thái dày, hay thái vuông quân cờ chính xác như mong muốn. Ngược lại, một người dùng dao kém không thái được các miếng đều nhau và rất có thể sẽ tự cắt vào tay trong lúc dùng dao. Tương tự với súng đạn. Người dùng súng giỏi có tỉ lệ bắn trúng cao và thường bắn vào những điểm trọng “một phát ăn liền” như đầu, tim, v.v. Người dùng súng kém sẽ lên đạn chậm, bắn trượt nhiều và kể cả khi trúng thì đối phương cũng ít khi chết ngay.

Bây giờ chúng ta hãy nới lỏng giả định về quân đội 1 người kia và tưởng tượng rằng mỗi quân đội là một nhóm 5 người. Sự thay đổi về mặt quân số này rất quan trọng vì một trò chơi 5 đấu 5 sẽ có yếu tố phối hợp giữa các đồng đội, khác hẳn một trò chơi 1 đấu 1. Kỹ thuật cá nhân, từ việc di chuyển, ẩn nấp, cho tới ngắm bắn vẫn hết sức quan trọng nhưng không còn mang tính quyết định như trong tình huống 1 đấu 1. Khi hai nhóm đối đầu, các cá nhân có thể bọc lót, hỗ trợ nhau, đồng nghĩa với việc chiến thuật đóng vai trò chi phối lớn hơn. Khi nói tới chiến thuật, chúng ta đang nói tới một chuỗi/tổ hợp các hành động cụ thể được sắp đặt để đạt một mục tiêu cụ thể nào đó. Ví dụ, lấy 1 cá nhân ra làm mồi nhử rồi cả đội chia nhau ra mai phục từ hai bên sườn quân địch là một kiểu chiến thuật. Và dĩ nhiên để thực hiện tốt được các chiến thuật phức tạp ngoài sự phối hợp nhuần nhuyễn, phải có cả kỹ thuật cá nhân tốt. Do đó, có thể nói rằng nền tảng của chiến thuật là kỹ thuật cá nhân. Ít nhất có thể khẳng định rằng kỹ thuật tốt là điều kiện cần để thực thi các chiến thuật khác nhau.

Với định nghĩa nêu trên, cần hiểu chiến thuật là những gì xảy ra trong phạm vi không gian và thời gian của một trận đánh. Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục nới lỏng giả định thứ hai và giả sử mỗi quân đội có 100.000 binh lính, đồng nghĩa với việc hai bên, nếu giao tranh với nhau theo kiểu “một mất một còn”, gần như chắc chắn sẽ đánh nhiều trận ở các thời điểm khác nhau trong một khoảng thời gian có thể tính bằng năm hoặc hàng chục năm. Quãng thời gian đó sẽ chứng kiến nhiều chiến dịch, mỗi chiến dịch bao gồm nhiều trận đánh ở nhiều địa điểm khác nhau. Có thể lập luận rằng chiến dịch là nghệ thuật phối hợp, sử dụng các trận đánh để đạt được các mục tiêu lớn hơn. Vì thế chiến dịch chính là cấp độ nằm giữa chiến thuật và chiến lược.  

Bản chất của chiến lược là một lý thuyết về việc sử dụng tài nguyên một cách tối ưu để vượt qua những thách thức lớn nhất. Nếu như “công cụ” của một chiến dịch là các trận đánh thì công cụ của chiến lược là các chiến dịch. Tuy nhiên vì độ dài (thời gian) và phạm vi (không gian) của một chiến dịch là tương đối lớn nên ở cấp độ chiến lược, bài toán lớn nhất là tối ưu hoá tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng: nhân lực, khí tài, sự ủng hộ của dư luận quốc tế, v.v. Trong một thế giới lý tưởng nào đó mà chúng ta có nguồn lực vô biên (con người trẻ mãi không già, tiền có thể in thoải mái mà không sợ lạm phát, tất cả đều có sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng vô bờ,…), chiến lược sẽ không mấy cần thiết. Tuy nhiên thế giới thực là một thế giới của sự hữu hạn thì chiến lược đóng một vai trò tối quan trọng. “Chiến thuật mà không có chiến lược là âm thanh trước khi bại trận” chính bởi thiếu đi chiến lược thì không thể cân đối được nguồn lực (chắc chắn hữu hạn) với tham vọng (thường là vô hạn). Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu có chiến thuật tốt, ta có thể thắng được nhiều trận đánh nhưng nếu thiếu chiến lược định hướng, sớm muộn ta cũng sẽ cạn kiện tài nguyên trước khi giành được chiến thắng chung cuộc. 

Tóm lại, cần hiểu rằng kỹ thuật, chiến thuật, chiến dịch và chiến lược không phải là những yếu tố riêng biệt mà là những tầng nấc khác nhau của cùng một khối thống nhất. Chiến thuật là hiện thân của các kỹ năng cá nhân khi kết hợp với nhau và giới hạn trong một bối cảnh cụ thể về cả không gian lẫn thời gian. Chiến dịch đóng vai trò trung gian, tạo ra chất kết dính để các chiến thuật phục vụ được các mục tiêu lớn hơn. Tuy nhiên, chiến lược chi phối tất cả bằng cách đặt ra những câu hỏi căn bản nhất về lý do và cách thức chúng ta chọn phân bổ nguồn lực hữu hạn của mình để đạt được các mục tiêu trọng yếu nhất. Nếu không có khuôn khổ chiến lược, ngay cả những cá nhân và nhóm người có kỹ thuật và chiến thuật xuất sắc nhất cũng sẽ không thể giành được chiến thắng chung cuộc. Họ sẽ giống những thuỷ thủ trên một siêu thuyền: băng qua đại dương với tốc độ thần sầu nhưng mãi mãi lênh đênh trên biển mà không thể về được bến đỗ cuối cùng.

Tầm quan trọng của chiến lược yêu cầu chúng ta không được lạm dụng khái niêm này. Những thứ chiến lược ắt sẽ quan trọng nhưng không phải thứ gì quan trọng cũng nằm ở tầng chiến lược. Hiểu được sự khác biệt và sự lệ thuộc lẫn nhau giữa kỹ thuật, chiến thuật, chiến dịch và chiến lược không chỉ là nhu cầu học thuật. Nó sẽ hết sức thiết yếu cho những ai mong muốn đưa ra được những quyết định tạo ra ảnh hưởng bền lâu trong một thế giới ngày càng phức tạp và khó đoán định.

Previous
Previous

#2 - Ba cấp độ của chiến lược