#14 - Trump và “chiến lược Tam Quốc”: Liên Nga chống Trung?

Nguyễn Thành Nhân

Trật tự tam hùng Mỹ-Nga-Trung ngày nay cũng giống như trật tự Ngụy-Thục-Ngô thời Tam quốc: Chiến lược then chốt trong một cuộc chiến ba bên là không để hai bên còn lại cùng bắt tay chống lại mình.

Từ chiến lược thời Tam quốc…

Kể từ sau trận Xích Bích, Trung Quốc bị phân chia thành ba thế lực chính là Ngụy ở phía bắc cùng với Thục và Ngô ở phía nam, ba thế lực này tạo thành thế chân vạc bền vững. Cả ba đều có tham vọng thống nhất Trung Hoa, nhưng để làm điều này, họ phải học cách chọn đúng bên để liên minh và chọn đúng kẻ thù để tiêu diệt.

Thục và Ngô dù mâu thuẫn bởi chuyện Kinh Châu, vẫn cố giữ liên minh chính trị, bởi vì họ sợ bên còn lại bắt tay với họ Tào. Trong khi đó, sau nhiều thất bại, Ngụy hiểu rằng họ phải tìm cách kiềm chế gây chiến với hai nước còn lại, chờ đợi hai bên còn lại tự xảy ra mâu thuẫn. Khi đó, Ngụy có thể hợp tác với một bên yếu hơn chống lại bên còn lại mạnh hơn.

Chính vì cả ba bên đều có sự lựa chọn tối ưu cho nên họ đều không dễ bị tiêu diệt và tạo nên một thế trận cân bằng kéo dài hàng chục năm. Điều này khác với đầu thời Hán mạt, khi cả nước tồn tại hàng chục sứ quân khác nhau nhưng đa số đều nhanh chóng bị đánh bại và cuối cùng chỉ còn ba thế lực mạnh nhất Ngụy-Thục-Ngô.

Ngược lại, nếu Thục và Ngô chọn đối đầu nhau bởi “mối thù Kinh Châu” - lãnh thổ chiến lược mà Tôn Quyền đã giao cho Lưu Bị giữ hộ nhưng sau đó không được hoàn trả -  thì cả hai sẽ dễ dàng bị suy yếu nghiêm trọng. Khi đó, Ngụy sau khi “tọa sơn quan hổ đấu” sẽ lấy danh nghĩa “giải cứu bên yếu hơn” để tiêu diệt bên mạnh hơn. Sau đó, không còn điều gì ngăn cản họ loại bỏ bên yếu hơn để thống nhất Trung Hoa.Cũng tương tự như thế, nếu Ngụy nôn nóng muốn thống nhất Trung Hoa mà tấn công liên tục vào Thục hoặc Ngô, thì hai quốc gia này không có lựa chọn khác ngoài hợp tác với nhau và Ngụy sẽ không làm được gì khi phải chống lại cả hai kẻ thù. Sau nhiều năm, Ngụy sẽ kiệt quệ vì hao tổn nguồn lực, dần dần suy yếu và sẽ bị liên quân Thục-Ngô xóa sổ.

…đến học thuyết Trump

Điều tương tự cũng xảy ra ở thời hiện đại, khi để chống lại một siêu cường, bạn phải chọn hòa hoãn với một siêu cường khác, kể cả khi cái giá phải trả là rất đắt.

Học thuyết đối ngoại của Tổng thống Trump (Trump doctrine) thường được mô tả là từ bỏ trật tự quốc tế, để tập trung các vấn đề đối nội. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại thực sự của Tổng thống Trump là chống Trung Quốc. Và để làm điều này, Trump cần phải làm hòa với Nga. Tổng thống Trump xác định rõ ràng đối thủ thật sự trong thế kỷ XXI của Mỹ phải là Trung Quốc, không phải Nga. Quan điểm này thể hiện rõ qua chính sách “Nước Mỹ trước tiên” (America First) của ông, các chính sách thuế quan mạnh mẽ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc, và sự chỉ trích liên tục về thâm hụt thương mại Mỹ-Trung. Trong khi đó, Trump thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ với Putin và thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow.

Ở nhiệm kỳ thứ nhất, Trump đã rất muốn tiến hành cuộc “thập tự chinh” chống lại Trung Quốc, nhưng không thể "bắt tay" với Nga, bởi Đảng Dân chủ thường xuyên cáo buộc Nga và Trump câu kết với nhau để thao túng cuộc bầu cử tổng thống 2016. Vì muốn tái đắc cử năm 2020, Trump mới chỉ cho chúng ta xem một bản trailer của xung đột Mỹ-Trung.

Do đó, ở nhiệm kỳ thứ hai, ông ấy sẵn sàng đạt được một thỏa thuận với Nga, cho dù cái giá phải hy sinh cho châu Âu và Ukraine lớn như thế nào. Không phải Trump ghét Zelensky như cảm nhận bên ngoài, đơn giản đó là chiến lược. Báo chí quốc tế gọi đây là “Nixon đảo ngược”, vì nếu như Nixon chọn hòa bình với Trung Quốc để cô lập Liên Xô hồi 1970, thì bây giờ Trump ủng hộ Nga để tập trung vào Trung Quốc.

Sau khi quan hệ Nga-Mỹ được khôi phục một cách cơ bản, đây mới là lúc chúng ta được chiêm ngưỡng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở phiên bản đầy đủ. Cho đến nay, dù chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang gay cấn, cuộc chiến vẫn chưa thể hiện tính chất 'một mất một còn'. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn duy trì ở mức khoảng 300 tỷ USD mỗi năm, hai nền kinh tế vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, đặc biệt trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tiêu thụ. Để cuộc đối đầu thực sự bước vào giai đoạn quyết định, Trump cần đảm bảo sự trung lập của Nga, tạo không gian để tập trung nguồn lực vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng luôn có nhiều “vấn đề Kinh Châu” mà hai bên không thể nhượng bộ. Nếu các nhà lãnh đạo Nga cảm thấy chế độ của mình và an ninh khu vực Đông Âu không còn bị đe dọa quá nhiều, họ sẽ có thời gian để nghĩ về phương Đông, nơi mà mâu thuẫn giữa họ và Trung Quốc vẫn âm ỉ. Những mâu thuẫn này bao gồm cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á - vốn là sân sau truyền thống của Nga, căng thẳng biên giới lịch sử từ thời Liên Xô, và sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng khi Trung Quốc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường vào không gian hậu Xô-viết. Khi Trung Quốc chật vật với Mỹ, Nga tự nhiên thấy bản thân mình có một lợi thế trước người bạn này mà họ có thể khai thác. Đó là điều mà Trump thật sự mong muốn nhìn thấy.

Cũng giống như thời Tam quốc, Trump thấy rằng việc đồng thời chống lại cả Nga và Trung Quốc, cũng như để hai cường quốc này bắt tay nhau, sẽ vô hiệu hóa chính sách đối ngoại của mình. Trên cơ sở nhận thấy rằng một nước Nga đã không còn hào quang thời Liên Xô, cho dù trỗi dậy, cũng không phải mối đe dọa nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, chiến lược này cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi có thể làm suy yếu liên minh NATO và làm giảm uy tín của Mỹ tại châu Âu, đồng thời khiến các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lo ngại về sự cam kết lâu dài của Washington trong khu vực. Giữa hai kẻ thù, Mỹ đương nhiên sẽ chọn liên minh với đối thủ yếu hơn để chống lại đối thủ mạnh hơn.

Nguyễn Thành Nhân là Thạc sỹ Luật Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Tây Anh Quốc (UWE).

Previous
Previous

#15 - Scaling Test Time Compute: Chiến lược mới định hình tương lai AI

Next
Next

#13 - Majorana 1: Cuộc cách mạng thầm lặng trong ngành điện toán lượng tử