#12 - Yếu tố hạt nhân trong tính toán của Nga ở Ukraine
Kể từ khi Tổng thống Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân, tuy nhỏ, vẫn thường xuyên bao phủ lên cuộc xung đột này. Trong suốt hơn 2 năm qua, Putin và một số quan chức khác của Nga đã nhiều lần đưa ra những lời đe dọa, lúc thì lộ liễu, lúc thì kín đáo, về việc họ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh quốc gia và trả đũa lại phương Tây. Bài viết này sẽ thống kê những lần Nga đã đưa ra các lời đe doạ hạt nhân (nuclear threat) và giải thích vai trò của răn đe hạt nhân (nuclear deterrence) trong chiến lược của Nga ở Ukraine.
Học thuyết quân sự của Nga về vũ khí hạt nhân
Các tài liệu quân sự bị rò rỉ của quân đội Nga giai đoạn 2008-2014, do The Financial Times thu thập được, cung cấp một cái nhìn sâu và cụ thể hơn về học thuyết hạt nhân của quân đội Nga. Những hồ sơ này phác thảo những kịch bản khác nhau có thể buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như việc một phần đáng kể kho vũ khí chiến lược của Nga bị phá hủy. Các ngưỡng được đề cập trong các tài liệu bao gồm việc 1/5 số lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược của Nga hoặc 30% số tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này bị tiêu diệt, bên cạnh khả năng 3 sân bay bị phá huỷ. Mặc dù các tài liệu này đã cũ nhưng chúng cho thấy rằng Nga đã có sẵn một khuôn khổ để ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nếu năng lực quân sự chính quy của nước này bị suy yếu nghiêm trọng.
Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga, được biết đến với cái tên "leo thang để xuống thang" (escalate to de-escalate), được chính thức thông qua vào năm 2000 và được cập nhật thêm hai lần vào năm 2010 và 2014. Học thuyết này cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công thông thường đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga. Mục tiêu của học thuyết này là răn đe các đối thủ tiềm tàng bằng cách thể hiện sự sẵn sàng của Nga trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh phủ đầu trong một cuộc xung đột.
Các tài liệu bị rò rỉ hoàn toàn trùng khớp với học thuyết này, bởi chúng thể hiện sự sẵn sàng của Nga trong việc xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân khi đối mặt với tổn thất đáng kể về cơ sở hạ tầng quân sự của mình. Ngưỡng sử dụng hạt nhân thấp được đề cập trong hồ sơ cho thấy Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu nước này tin rằng lực lượng thông thường của mình có nguy cơ bị áp đảo trên chiến trường.
Tháng 6 năm 2020, Nga đã công bố một tài liệu với tiêu đề “Các nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân”, trong đó làm rõ thêm lập trường hạt nhân của nước này. Tài liệu nêu rõ rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc các đồng minh của nước này, hoặc trong trường hợp có hành động gây hấn chống lại Nga bằng vũ khí thông thường có thể đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Liên bang Nga.
Chính sách này cũng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự hoặc cơ quan chính phủ quan trọng, lực lượng hạt nhân hoặc các cơ sở khác mà nếu bị phá hủy sẽ dẫn đến làm gián đoạn các hành động trả đũa của lực lượng hạt nhân. Điều này phù hợp với các kịch bản được nêu trong các tài liệu bị rò rỉ, trong đó đề cập đến việc kho vũ khí chiến lược bị phá huỷ bao gồm tàu ngầm và sân bay có thể là tác nhân tiềm tàng dẫn đến phản ứng hạt nhân.
Nhin chung, bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt là khi lực lượng chính quy của nước này bị đánh bại trên chiến trường, do đó chủ đích đặt ra ngưỡng sử dụng hạt nhân tương đối thấp nhằm mục đích răn đe các đối thủ tiềm tàng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong một số trường hợp nhất định nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là Nga sẽ dễ dàng dùng đến các biện pháp đó. Kể từ năm 1945 cho tới nay, thế giới mới chứng kiến duy nhất 2 trường hợp vũ khí hạt nhân được sử dụng vũ khí hạt nhân với mục đích sát thương ở Hiroshima và Nagasaki. Do đó, việc bất kỳ quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân với mục đích tấn công chắc chắn sẽ phá vỡ chuẩn mực quốc tế về hạt nhân và tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội trên toàn cầu.
Nga và những lời “đe doạ” hạt nhân (2022-2024)
Trong khoảng hơn 2 năm kể từ khi cuộc chiến bùng phát, giới lãnh đạo Nga đã có ít nhất 9 lần đưa ra những phát ngôn gửi đi thông điệp tương đối rõ ràng rằng nước này có khả năng và sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để
Lần 1 (27/2/2022): Tổng thống Putin ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng đưa lực lượng răn đe của quân đội Nga vào chế độ sẵn sàng tham chiến.
Lần 2 (20/4/2022): Nga thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, Putin khẳng định rằng “Vũ khí thực sự độc nhất này sẽ tăng cường tiềm năng chiến đấu của lực lượng vũ trang của chúng tôi, đảm bảo an ninh của Nga trước các mối đe dọa từ bên ngoài một cách đáng tin cậy và khiến những kẻ cố gắng đe dọa đất nước chúng tôi phải nghĩ kỹ lại.”
Lần 2 (25/4/2022): Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhắc nhở các nước rằng nguy cơ bùng phát “Chiến tranh thế giới thứ 3” là rất thật nếu các nước tiếp tục tìm cách viện trợ cho Ukraine.
Lần 3 (21/9/2022): Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Putin khẳng định “Nếu có mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi và để bảo vệ người dân của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng mọi biện pháp – tôi không nói giỡn” và rằng “Những người cố gắng uy hiếp chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng mọi chuyện cũng có thể xảy ra với họ.”
Lần 4 (27/9/2022): Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga, Dmitry Medvedev tuyên bố “Nga có quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân nếu bị đẩy vượt quá giới hạn của mình và đây chắc chắn không phải là một lời nói đùa".
Lần 5 (30/9/2022): Tại buổi lễ ký kết hiệp ước sáp nhập 4 vùng của Ukraine vào lãnh thổ Nga, ông Putin đã nhắc lại việc Mỹ sử dụng bom hạt nhân trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và khẳng định rằng Nga sẵn sàng dùng mọi biện pháp để bảo vệ tổ quốc.
Lần 6 (22/1/2023): Chủ tịch Duma Nga Vyacheslav Volodin phát biểu trước báo giới rằng việc NATO cung cấp các loại vũ khí giúp Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga sẽ gặp phải đòn trả đũa bằng “các loại vũ khí có sức công phá lớn hơn” và "Lý lẽ cho rằng các cường quốc hạt nhân trước đây không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các cuộc xung đột cục bộ không còn thuyết phục. Lý do bởi các quốc gia này chưa từng phải đối mặt với những mối đe dọa đối với sự an nguy của công dân họ và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia."
Lần 7 (2/2/2023): Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Hồng quân Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã ở Stalingrad, ông Putin đã có bài phát biểu ở Volgograd (trước là Stalingrad), trong đó chỉ trích việc chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz gửi xe tăng Leopard cho quân đội Ukraine và gửi thông điệp tới Berlin rằng "Chúng tôi sẽ không đưa xe tăng tới biên giới của họ [Đức] nhưng chúng tôi có phương tiện để đáp trả và mọi chuyện sẽ không chỉ dừng lại với xe bọc thép”, ám chỉ việc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lần 8 (23/3/2023): Trong một phát biểu trực tuyến, ông Medvedev lưu ý rằng lực lượng hạt nhân của Nga đã phát huy hiệu quả khả năng răn đe mạnh mẽ trong bối cảnh giao tranh ở Ukraine, nhấn mạnh rằng “chúng tôi đã đại bại nếu không có lực lượng này” và khi được hỏi liệu mối đe dọa xung đột hạt nhân đã giảm bớt hay chưa, đã đáp lại rằng “Không, nó không hề giảm mà còn tăng lên. Mỗi ngày họ cung cấp vũ khí nước ngoài cho Ukraine đều khiến ngày tận thế hạt nhân cận kề hơn”.
Lần 9 (29/2/2024): Đáp lại phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/2, rằng phương Tây "không loại trừ phương án" gửi quân đến Ukraine, ông Putin cho rằng "Các nước phương Tây phải nhận ra rằng chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Những diễn biến hiện nay có thể dẫn tới cuộc xung đột bằng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt nền văn minh. Họ không hiểu điều này hay sao?"
Nga muốn gì khi sử dụng con bài hạt nhân trong xung đột hiện nay?
Việc phân tích và đánh giá một cách có hệ thống những lời cảnh báo, dọa hạt nhân của Nga trong suốt chiều dài của xung đột ở Ukraine cho thấy một khuôn mẫu leo thang, với tần suất và cường độ tỉ lệ thuận với mức độ nguy hiểm mà phía Nga cảm nhận được.
Chỉ ít hôm sau khi phát động cuộc chiến, ông Putin đã ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao để “phủ đầu” phương Tây về mặt tâm lý. Tuy nhiên, hành động này không đi kèm với những lời đe doạ rõ ràng. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột kéo dài hơn dự kiến và Nga phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ bất ngờ từ lực lượng phòng vệ của Ukraine cùng với sự ủng hộ ngày càng tăng của phương Tây dành cho nước này, các mối đe dọa hạt nhân trở nên thường xuyên và trực tiếp hơn. Vào tháng 4 năm 2022, chỉ hai tháng sau khi chiến sự nổ ra, các quan chức Nga đã đưa ra ba mối đe dọa hạt nhân khác nhau: việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, cảnh báo của Lavrov về nguy cơ xảy ra Thế chiến thứ ba, và lời nói ẩn ý của Putin về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước can thiệp vào Ukraine.
Tần suất các mối đe dọa tăng lên đáng kể vào tháng 9 năm 2022, với bốn trường hợp riêng biệt mà trong đó các nhà lãnh đạo Nga thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cụm mối đe dọa này trùng hợp với giai đoạn Nga thất thế trên chiến trường, bao gồm cuộc phản công thành công của Ukraine ở khu vực Kharkiv và cuộc tấn công đang diễn ra của Ukraine ở Kherson. Thời điểm này cho thấy Nga chuyển sang đe dọa hạt nhân như một cách để giành lại đòn bẩy khi họ đang gặp khó khăn về mặt quân sự.
Sau một khoảng lặng vào cuối năm 2022, các mối đe dọa lại xuất hiện vào đầu năm 2023, với những lời bình luận của Volodin vào tháng 1 và lời đe dọa ngầm của Putin đối với Đức vào tháng 2. Những mối đe dọa này xuất hiện trong bối cảnh các cuộc thảo luận về việc gia tăng viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng.
Các mối đe dọa gần đây nhất vào năm 2023 và 2024 có khoảng cách xa hơn nhưng cũng là một trong những mối đe dọa rõ ràng nhất. Nhận xét của Medvedev vào tháng 3 năm 2023 về việc các mối đe dọa hạt nhân tăng lên mỗi ngày khi vũ khí nước ngoài được chuyển giao cho Ukraine, và cảnh báo của Putin vào tháng 2 năm 2024 về tình hình hiện tại có thể dẫn đến xung đột hạt nhân, cho thấy sự sẵn sàng công khai thảo luận về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, điều mà trước đây chưa xuất hiện.
Cách mà các nhà lãnh đạo Nga sử dụng mối đe doạ từ vũ khí hạt nhân dường như cho thấy rằng họ sử dụng công cụ này một cách hết sức có chủ đích, thường mang tính phản ứng, nhằm mục đích “tự vệ”, tức họ viện dẫn vũ khí hạt nhân khi họ cảm thấy rằng quân đội Nga đang gặp khó khăn trên chiến trường và có nguy cơ đối mặt với thất bại chiến lược, hoặc khi Mỹ và các đồng minh NATO có những động thái leo thang rõ ràng trong viện trợ quân sự cho Ukraine, ví dụ như việc cung cấp thêm những hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại mà họ chưa cung cấp ở những thời điểm trước đó.
Từ góc nhìn của Moscow, rõ ràng mối đe dọa hạt nhân là một phương tiện hữu ích để quản lý xung đột và gây áp lực lên phương Tây, đặc biệt ở những thời điểm nhạy cảm. Không phải tự dưng mà ông Putin và các cộng sự lại sử dụng đe doạ hạt nhân thường xuyên đến vậy trong xung đột này. Hơn ai khác, họ hiểu rằng dù phương Tây không tin tuyệt đối vào khả năng Nga sử dụng bom hạt nhân song dù xác suất này là rất thấp, bởi sức công phá của loại vũ khí này là hết sức to lớn nên các nước vẫn sẽ phải có sự cân nhắc và “chùn tay” nhất định khi đối mặt với nguy cơ xảy ra thảm hoạ hạt nhân.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Nga có thể hoặc sẽ sử dụng mối đe doạ từ vũ khí hạt nhân nhằm tạo ra đột phá trên chiến trường. Nói cách khác, việc Nga đưa ra những lời đe doạ hạt nhân không đồng nghĩa với việc nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tấn công binh lính Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện nay với Ukraine. Vũ khí hạt nhân vẫn sẽ phát huy sức mạnh tối đa khi nó đóng vai trò răn đe, nó sẽ mất đi tác dụng chiến lược nếu nó phải được sử dụng trên trận địa.